Liệu năm 2023 có tệ như 2022?

Cùng điểm lại những sự kiện, tin tức, trào lưu đã định hình năm 2022 trên toàn cầu.
Sơn Hoàng
Nguồn: The Ben

Nguồn: The Ben

Chỉ còn ít ngày nữa, năm 2022 sẽ kết thúc. Suốt 12 tháng qua, chúng tôi đã nhiều lần thể hiện quan điểm về những sự kiện, tin tức có phần ảm đạm và bi quan trong một năm nhiều khó khăn và biến động. Quả thật, nhìn vào những gì đã xảy ra trong khoảng thời gian qua, dù là chính trị, kinh tế, giáo dục, hay an sinh xã hội,... ta đều thấy thông tin tiêu cực áp đảo thông tin tích cực.

Ngay cả những dự báo về tương lai cũng không mấy khả quan. Năm cũ chưa qua nhưng nhiều người đã coi 2023 là đỉnh điểm của khủng hoảng. Dù soi vào quá khứ hay nhìn tới tương lai, ta đều thấy khó có thể lạc quan và vui vẻ với tình hình hiện tại của thế giới.

Nhưng điều đó không có nghĩa là 2022 chỉ toàn những điều tồi tệ. Trong những ngày cuối cùng của năm 2022, chúng tôi muốn nhìn lại những điều nổi bật trong năm cũ để có thể bước vào năm mới với tâm thế phấn chấn hơn, hay ít nhất là không ủ rũ như trời Hà Nội cuối năm.

Vậy, giữa muôn vàn biến động trong nhiều lĩnh vực trong năm nay, những điều gì sẽ trở thành hành trang đi cùng nhân loại vào năm mới?

1. James Webb và bước ngoặt trong hành trình khai phá vũ trụ

Sau 26 năm, chiếc kính thiên văn vũ trụ mạnh nhất lịch sử cuối cùng đã hoàn thiện và trả về những kết quả mỹ mãn. Nhờ James Webb, một vũ trụ hoàn toàn mới đã hé mở trước mắt nhân loại. Những cụm thiên hà cách ta hàng tỉ năm ánh sáng, những tinh vân nơi vô vàn ngôi sao đã và sẽ ra đời, và cả tia sáng cổ nhất vũ trụ với 13 tỉ năm tuổi thọ - James Webb bắt trọn tất cả.

Những bức ảnh mà James Webb trả về là công cụ hỗ trợ các nhà khoa học tìm hiểu những bí mật mà vũ trụ còn ẩn giấu. Một niềm hy vọng lớn từ chiếc kính viễn vọng này là khả năng tìm ra những hành tinh có sự sống giống trái đất, hoặc có khả năng duy trì sự sống.

2022 cũng là năm nở rộ các thành tựu khoa học kỹ thuật về vũ trụ và du hành vũ trụ, trong đó công ty SpaceX của Elon Musk đang là đầu tàu. Cùng với NASA, hệ thống tên lửa đẩy của SpaceX vừa cho thấy sự tối tân của khoa học hiện đại, vừa đặt nền tảng cơ bản cho việc du hành vũ trụ. Biết đâu trong tương lai không-xa-lắm, chúng ta sẽ có những tour du lịch mặt trăng?

2. Vượt qua đại dịch và những căn bệnh hiểm nghèo

Dù vẫn tồn tại đó đây, nhưng dường như sự hiện diện của Covid-19 đã không còn thường trực và rõ nét như thời điểm cách đây một năm. Các nước dỡ bỏ hầu hết quy định phòng dịch, nền kinh tế mở cửa trở lại.

Ngay ở thời điểm này, đất nước cuối cùng theo chính sách zero-covid là Trung Quốc cũng đang dần thoát khỏi trạng thái đóng băng và bước sang bình thường mới.

Việc chúng ta lại có thể sống và làm việc như bình thường có công sức lớn của các bác sĩ, lẫn các nhà nghiên cứu và các nhà bệnh học. Chỉ trong một thời gian ngắn, cộng đồng y tế toàn cầu đã chung tay làm ra vaccine để ngăn chặn đại dịch lớn nhất từ đầu thế kỷ.

Những thành tựu từ nghiên cứu chế tạo vaccine Covid có tính ứng dụng cao trong việc chữa trị một số căn bệnh, trong đó có bệnh ung thư. Cụ thể, công nghệ mRNA để điều chế vaccine Covid cũng có thể áp dụng để chế tạo vaccine ung thư, giúp huấn luyện hệ miễn dịch tiêu diệt các tế bào ung thư tuyến tụy.

Bên cạnh đó, một loại thuốc mới với cơ chế điều trị tập trung vào các khối u và các tế bào ung thư cũng mang lại những tín hiệu tích cực. Thuốc có thể tấn công trực tiếp vào các tế bào ung thư với độ chính xác tương đương chiếu laser để làm chậm sự phát triển của khối u cũng như kéo dài thời gian sống của bệnh nhân ung thư.

3. Tham vọng Nga và tinh thần Ukraine

Chiến dịch quân sự “chớp nhoáng” của ông Vladimir Putin nay đã bước sang tháng thứ 10, và hoàn toàn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Sau chuyến thăm Washington của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky - mà qua đó Ukraine kêu gọi thêm viện trợ và gia tăng mối quan hệ với Mỹ - ông Putin lập tức tuyên bố dồn tiền bạc, nhân lực, và khí tài quân sự cho cuộc chiến.

Cuộc đối đầu giữa Nga và Ukraine là xung đột quân sự lớn nhất tại châu Âu từ sau Chiến tranh thế giới lần 2. Hàng chục ngàn người từ cả hai phe đã thiệt mạng, và hàng triệu người Ukraine đã trở thành những người tị nạn trong vòng chưa đầy 72 giờ đồng hồ.

Xung đột cũng khắc sâu bất đồng chính trị giữa Nga và phương Tây, đồng thời đẩy Trung Quốc gần hơn về phía Nga. Trong một khoảnh khắc, ta tưởng như thế giới lại quay về chiến tranh lạnh.

Điểm sáng duy nhất trong toàn bộ cuộc xung đột này có lẽ là tinh thần Ukraine. Bất chấp nguy hiểm và khó khăn từ nhiều phía, người Ukraine đã chứng minh tinh thần bất khuất và sự quả cảm của mình. Tới thời điểm hiện tại, họ đã giành lại được một phần lãnh thổ, và vẫn đang tiếp tục chống đỡ những cuộc tấn công của Nga.

Các chuyên gia nhận định rằng cuộc xung đột này sẽ còn tiếp diễn trong năm sau. Một mặt, cả hai bên đều có lập trường cứng rắn. Mặt khác, Ukraine chưa có triển vọng gì trên bàn đàm phán, và cả Nga cũng đang loay hoay tìm cách hóa giải các lớp phòng thủ của Ukraine.

4. Một năm kinh tế buồn

2022 là năm mà nhiều hộ gia đình phải chật vật duy trì mức sống. Giá xăng, dầu, và khí đốt trên thế giới tăng phi mã, còn tỉ lệ lạm phát thì cao kỷ lục ở một số quốc gia. Sự cộng hưởng của các yếu tố này khiến vật giá trở nên đắt đỏ, chi phí sống tăng cao, và khó khăn thêm chồng chất với nhiều tầng lớp trong xã hội.

Thứ gây thất vọng nhất trong nhóm ngành tài chính không phải lạm phát, chẳng phải ngân hàng, mà là tiền điện tử. Sau cuộc khủng hoảng 2008, tâm lý bất tín nhiệm với ngân hàng lây lan, và sau vài năm nhiều người đã quay sang tiền điện tử như một loại hình tiền tệ thay thế với điểm mạnh là sự minh bạch và không bị ràng buộc.

Trong năm 2022, các biến động trên thị trường crypto đã chứng minh điều ngược lại. Cú ngã của Do Kwon hồi giữa năm, và mới đây nhất là Sam “xoăn” đã cho các nhà đầu tư thấy hệ thống tiền điện tử vừa mong manh, vừa tiềm ẩn nhiều rủi ro. Triển vọng phục hồi của thị trường là có, nhưng sẽ cần rất nhiều thời gian và sự đầu tư.

Giữa tình hình kinh tế khó khăn, làn sóng sa thải tại nhiều công ty và doanh nghiệp trên toàn cầu như đổ thêm dầu vào lửa. Tại Việt Nam, dù Tết đã cận kề nhưng nhiều người lao động trong các xí nghiệp bị cắt thưởng, giam lương, thậm chí bị sa thải ngay trong thời điểm cuối năm.

5. Các bảng xếp hạng đại học liệu có còn cần thiết?

Bảng xếp hạng đại học toàn cầu của U.S. News & World Report Rankings vốn dĩ đã gây tranh cãi trong nhiều năm trở lại đây. Theo The New York Times, tính đến 25/11/2022, đã có đến 11 trường Luật tại Mỹ, trong đó có 9 trường luôn nằm trong top 30, tuyên bố ngừng gửi dữ liệu đến bảng xếp hạng.

Các lý do được đưa ra là có các tiêu chí đánh giá lạc hậu, công thức xếp hạng thiếu minh bạch, quá tập trung vào điểm thi đầu vào và cơ hội việc làm ngoài khu vực công, gây ảnh hưởng đến việc cân nhắc chọn trường của sinh viên.

Xu hướng “kháng cự” bảng xếp hạng đại học cho thấy việc đánh giá chất lượng đào tạo, chất lượng học thuật, cùng sự danh giá của một thương hiệu giáo dục cần nhiều công sức hơn là quy giản về một số gạch đầu dòng. Ví dụ, các tiêu chí về điểm số đầu vào và thu nhập của sinh viên tốt nghiệp có khả năng loại bỏ sự đa dạng người học.

Xu hướng này cũng tạo ra nhiều cơ hội đổi mới quan niệm về “trường tốt” vào năm 2023. Chúng ta khó có thể phủ nhận chất lượng vượt trội của nhiều đại học tinh hoa ở phương Tây, nhưng mức học phí đắt đỏ cùng nhiều rào cản khác có thể cản trở nhân tài đến với những ngôi trường này.

Nhu cầu học tập, cộng hưởng với sự thay đổi cơ sở hạ tầng giáo dục sau dịch Covid-19 đã mở cửa cho nhiều hình thức giáo dục thay thế lên ngôi. Ngồi tại nhà hoặc công sở, mở máy tính và tham gia các khoá học online, thậm chí là mua quyền truy cập vào các khoá học chất lượng cao là cách lý tưởng để người ham học ở mọi nơi trên thế giới tiếp cận tri thức.

6. Phong trào “woke” thoái trào ở Hollywood

“Tôi nghĩ điều duy nhất tệ hơn việc thiếu đa dạng là sự đa dạng giả tạo, hoặc đa dạng chỉ để có đông người” - đó là chia sẻ của Keli Goff, người viết kịch bản cho phần tiếp theo của series Sex and the city mang tên And just like that, về sự ảnh hưởng của phong trào woke tại Hollywood.

Khởi điểm là một phong trào đòi quyền bình đẳng và sự đa dạng sắc tộc trên truyền hình, ta không thể phủ nhận rằng woke đã đại diện cho nhiều cộng đồng hơn là chỉ những người da trắng thành đạt, giàu có. Tuy nhiên, việc hiểu sai và ăn theo phong trào này đang để lại những hệ quả văn hóa lớn.

Một trong những hệ quả đó là việc các đơn vị sản xuất phim tại Hollywood quá tập trung vào các sản phẩm woke, dẫn tới việc chỉ ưu tiên sự đa dạng. Điều này không thực sự cổ vũ sự bình đẳng, vừa làm giảm chất lượng sản phẩm do nhà sản xuất tập trung vào xuất thân của người trong ekip, hơn là năng lực chuyên môn.

Trong nhiều trường hợp sự đa dạng tại Hollywood dường như chỉ là một tấm bình phong để nhà sản xuất “đu trend,” chứ không thể hiện rằng họ thực sự quan tâm tới các cộng đồng yếu thế. Chính vì lí do này, nhiều sản phẩm điện ảnh được cho là “woke” vừa không đáp ứng được thị hiếu và nhu cầu của người xem, vừa gây ra những lùm xùm về cách tái hiện cộng đồng yếu thế trên màn ảnh nhỏ.

Tới thời điểm hiện tại, nhiều hãng phim Hollywood như Warner Bros. bắt đầu nhận ra rằng họ chỉ đang cổ vũ cho chính trị căn tính và dần rút lui khỏi phong trào. Nhưng điều này không có nghĩa là họ nên quay về cách làm phim trọng da trắng xưa kia. Thử thách đặt ra là làm sao để ngành công nghiệp điện ảnh thoát thực sự tập trung vào quyền con người, chứ không chỉ là quyền của một bộ phận dân cư nào đó.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục