Luận án tiến sĩ về áo ngực: Khoa học và thiết thực nhưng vẫn bị chê?

Mong là trong tương lai, sẽ có cả nghiên cứu giúp cải thiện độ tiện nghi của quần chíp cho cả nam giới và nữ giới.
Sơn Hoàng
Nguồn: Unsplash

Nguồn: Unsplash

1. Chuyện gì đang xảy ra?

Nghiên cứu ảnh hưởng của đặc điểm nhân trắc ngực nữ sinh Bắc Việt Nam tới áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực - đề tài nghiên cứu này đang là tâm điểm chú ý của một bộ phận công chúng và truyền thông trong những ngày vừa qua. Đây là luận án tiến sĩ thuộc ngành công nghệ dệt, may của nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Nhiều người đặt ra câu hỏi về tính hữu ích và tính thực tiễn của luận án này. Một số người thì cho rằng nghiên cứu này có vẻ rất… tầm thường và không xứng tầm với một nghiên cứu cấp tiến sĩ. Bên cạnh những nghi ngờ về chất lượng của luận là những câu chuyện bên lề về tiêu chuẩn trong việc nghiên cứu, về giới hàn lâm, và về giá trị của các nghiên cứu khoa học.

2. Chuyên gia và đơn vị đào tạo nói gì?

Chúng ta đã quen với những dự án khoa học có tiêu đề “đao to búa lớn.” Điều này tạo một ấn tượng sai lệch cho những người không làm khoa học, rằng nghiên cứu thì phải nói về những thứ vĩ mô như vậy. Vì thế, một đề tài chọn nghiên cứu về một vật phẩm hàng ngày như áo ngực hẳn sẽ khiến nhiều người ngạc nhiên và nghi hoặc.

Trái ngược với phản ứng của một bộ phận công chúng, đại diện trường Đại học Bách khoa là PGS.TS Phan Thanh Thảo đã khẳng định rằng đề tài của nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung có giá trị khoa học và giá trị thực tiễn. Bà cũng chỉ ra rằng nghiên cứu sinh là một nhà nghiên cứu có kinh nghiệm và có công bố khoa học trong và ngoài nước.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, cũng đồng tình với nhận định của bà Phan Thanh Thảo. Ông còn bày tỏ sự lo ngại trước việc người dân đánh giá đề tài của nhà nghiên cứu theo kiểu “trông mặt mà bắt hình dong” thông qua tên đề tài.

Đây không chỉ là sự đánh giá phiến diện và không đầy đủ, mà còn có thể tạo tâm lý dè chừng ở các nhà nghiên cứu khi lựa chọn chủ đề nghiên cứu.

3. Tại sao nghiên cứu này quan trọng?

Nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung đã viết trong luận án rằng: “Áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực nữ có vai trò đặc biệt quan trọng với cảm nhận và ảnh hưởng tới sức khỏe của người mặc. Áo ngực có thể làm cho người mặc cảm thấy khó chịu, hạn chế lưu thông máu, đau nhức, tổn thương trên da,… nếu giá trị áp lực của áo lên cơ thể lớn hơn mức chịu đựng của con người.”

Như vậy, đề tài này đặt ra vấn đề cải thiện sức khỏe và đời sống của phụ nữ thông qua việc nghiên cứu áo ngực. Chỉ riêng điều này đã cho thấy tầm quan trọng của bản thân đề tài, cũng như việc mổ xẻ, phân tích áo ngực dưới lăng kính nghiên cứu.

Bên cạnh đó, hiện nay Việt Nam vẫn sử dụng các hệ thống đo lường của châu Âu cho các sản phẩm may mặc như áo ngực, quần lót, giày,... Một số nước như Nhật, Hàn, Úc đều đã nghiên cứu để thiết kế hệ thống đo lường riêng cho người dân nước mình. Đây cũng là hướng đi mà đề tài hướng tới.

4. Thế nào là một nghiên cứu khoa học có giá trị?

Mỗi cơ sở đào tạo và nghiên cứu sẽ có những tiêu chuẩn riêng để đánh giá các luận án và nghiên cứu khoa học. Nhưng nhìn chung, việc chấm điểm một đề tài khoa học thường xoay quanh ba yếu tố là tính mới, tính thực tiễn, và tính khoa học của đề tài.

Một nghiên cứu có tính mới khi nó nói về những chủ đề, đề tài ít người quan tâm nghiên cứu, hoặc bổ sung thêm những tri thức mới cho một chủ đề, đề tài đã có sẵn một lịch sử nghiên cứu. Yếu tố này đảm bảo việc nghiên cứu khoa học là công việc sản sinh tri thức, chứ không chỉ là “xào nấu” lại câu chữ và kiến thức của người khác.

Tính thực tiễn của một nghiên cứu thể hiện khả năng chuyển hóa tri thức vào đời sống. Tiêu chí này đặt ra câu hỏi: Có thể áp dụng kết quả nghiên cứu vào những lĩnh vực, ngành nghề, hay thực hành sống nào? Cuối cùng, tính khoa học của một đề tài đảm bảo nhà nghiên cứu thực hiện đề tài với đầy đủ hệ thống phương pháp luận và các thao tác khoa học.

Nếu đã thử đọc nội dung nghiên cứu của bà Lưu Thị Hồng Nhung, người đọc sẽ thấy rằng đề tài này hoàn toàn thỏa mãn ba tiêu chí trên. Nghiên cứu sử dụng các phương pháp đo lường khoa học, nói về một chủ đề mà nhiều người còn không nghĩ là cần phải nghiên cứu, và có tiềm năng to lớn trong việc cải thiện chất lượng sản phẩm áo ngực.

5. Có phải công chúng đã mất niềm tin vào giới hàn lâm?

Đây không phải lần đầu tiên một luận án tiến sĩ bị nghi ngờ bởi tính xác thực và tính khoa học của nó. Cách đây không lâu, đề tài về phát triển môn cầu lông cho công chức tại tỉnh Sơn La cũng gây ra nhiều tranh cãi.

Một vài thao tác tìm kiếm đơn giản có thể dẫn ta tới những tranh luận trong quá khứ về những đề tài “rởm” của những tiến sĩ “giấy.” Đó là những đề tài không đạt tiêu chuẩn khoa học và không có khả năng áp dụng vào thực tiễn của những người có danh tiến sĩ nhưng năng lực nghiên cứu thấp.

Cùng với sự tràn lan của bằng cấp đại học và sau đại học, các sự việc như đạo văn, làm giả bằng, hay đề tài không phù hợp như nghiên cứu cầu lông ở trên đã khiến công chúng dần mất niềm tin vào giới hàn lâm. Hệ quả của là công chúng không vượt qua được bức màn nghi hoặc khi những nghiên cứu có chất lượng cao của những nhà nghiên cứu tâm huyết xuất hiện.

Việc truyền thông và công chúng liên tục bàn bạc về một đề tài có tính ứng dụng và tính khoa học rõ ràng như của bà Lưu Thị Hồng Nhung là một minh chứng cho sự bất tín nhiệm này. Do đó, cần công khai những biện pháp đánh giá đề tài khoa học để công chúng có thể hiểu và theo dõi những nghiên cứu có giá trị thực tiễn cao.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục