“Luật ngầm” khi định giá hàng vintage

Không bị giới hạn bởi giá niêm yết từ nhà sản xuất giúp hàng vintage có giá bán đa dạng nhưng đồng thời, trở nên khó nắm bắt với phần đông người mua hàng.
Sovy Han
 Nguồn: Vintage4life cho Vietcetera

Nguồn: Vintage4life cho Vietcetera

Trong vòng 10 năm trở lại đây, hàng vintage đã và đang định hình cho mình một sân chơi, cách hiểu mới, tách biệt dần với các khái niệm đồ cổ hay second-hand thường thấy.

Cụ thể, mác vintage tại Việt Nam hiện dùng phổ biến để chỉ các mặt hàng vừa sở hữu giá trị sưu tầm như đồ cổ, vừa có thể dễ mua với mức giá hợp lý như hàng second-hand.

Đặc thù này đã giúp hàng vintage nhanh chóng tiếp cận nhiều hơn với thị hiếu mua sắm của số đông người tiêu dùng hiện nay: chọn mua các sản phẩm mà giá tiền phù hợp với giá trị mang lại - đó là sự độc nhất, những câu chuyện phía sau hay đơn giản là cảm giác sống trong những “vàng son” quá khứ.

Nhưng trên thực tế, hành trình mua hàng vintage không hề “màu hồng”. Ngoài những vấn đề thường thấy như hàng giả, hàng phục dựng, rủi ro vận chuyển… thì giá mua bán các sản phẩm vintage cũng là một chủ đề mang nhiều trăn trở với người tiêu dùng.

Vậy đâu sẽ là cơ sở để người dùng có thể tự tin chọn mua các món đồ vintage? Hãy cùng Vietcetera tìm hiểu nhé!

Soi giá gốc: Lấy kinh nghiệm làm át chủ bài

Theo chia sẻ của nhiều cửa hàng kinh doanh hàng vintage hiện nay, vì có sự phân hoá phức tạp theo địa lý, nhóm hàng, loại dealer… nên việc xác định giá gốc của các mặt hàng vintage thường sẽ lệ thuộc rất nhiều hiểu biết của người mua/nhập hàng.

Song, một số tiêu chí thường được áp dụng để làm thang đo cho việc “săn” giá gốc hàng vintage như:

Thông tin truy xuất

Việc xác định nguồn gốc - ví dụ như logo (logo hãng có thể thay đổi theo thời kỳ), sê-ri sản phẩm, bộ sưu tập, năm ra mắt… khá quan trọng. Nó giúp bạn lần tìm được giá trị thực của sản phẩm ở thời điểm sản xuất, từ đó xác định giá mua của sản phẩm ở thời điểm hiện tại và mức chênh lệch (dựa trên thang đo tỷ giá).

Thông thường, giá mua lại sẽ thấp hơn, ở khoảng 30-50% với giá gốc theo tỷ giá ở thời điểm hiện tại tuỳ loại mặt hàng và tình trạng.

Trường hợp mặt hàng đó thuộc dạng hàng hiếm, ngưng sản xuất và có giá trị săn đón cao thì giá mua có thể cao hơn từ 50-70% giá gốc. Trường hợp giá mua cao hơn cũng có thể xảy ra nhưng thường khá hiếm, chủ yếu là với các mặt hàng được đấu giá hoặc hàng vintage được hiểu thành khái niệm đồ cổ sau khi kiểm định.

Độ hiếm

Không đơn giản là độ hiếm kiểu “có kế hoạch” như phiên bản giới hạn, phiên bản kỷ niệm... mà còn là độ hiếm về mặt lịch sử sử dụng.

Đơn cử, một số mặt hàng như đồng hồ hay bật lửa thuộc dòng phổ thông nhưng lại gắn liền với một sự kiện hoặc giai đoạn lịch sử đặc biệt nào đó cũng được xếp loại hàng hiếm. Đó có thể là dòng sản phẩm cuối cùng mang logo cũ của một thương hiệu nổi tiếng, sản phẩm cuối trước phá sản hoặc sản phẩm có màu sắc, hoạ tiết độc đáo không phổ biến ở các dòng sản phẩm về sau.

Tính đặc quyền

Đặc điểm này xuất hiện ở các sản phẩm vintage có-tiền-chưa-chắc-mua-được nhưng không phải vì quá hiếm hay quá mắc mà vì giới hạn bởi những “luật ngầm” của các tay buôn (dealer).

“Lấy ví dụ như với việc mua bán đồng hồ vintage ở thủ phủ đồng hồ Thuỵ Sỹ. Nhiều dealer đầu nguồn tại đây, nhất là các dealer có nguồn hàng hiếm, chất lượng, thường chỉ thực hiện mua bán với người mua thuộc khu vực EU và không chuộng giao dịch với “người ngoài” - dù bạn có trả giá cao hay chấp nhận phí vận chuyển.

Lý do dễ thấy có thể đến từ những rủi ro có thể xảy ra khi vận chuyển xa như như khó kiểm soát chất lượng giao nhận (hàng không còn nguyên vẹn), khiến uy tín bán hàng ảnh hưởng.

Một lý do khác là việc hạn chế trường hợp những người mua đội giá, khiến giá trị thực bị đẩy quá cao. Điều này sẽ gây ảnh hưởng đến trải nghiệm mua hàng cũng như sự lành mạnh của việc mua bán hàng vintage ở các thị trường khác nhau” - Bạn Huỳnh Mẫn Phi, đại diện cửa hàng đồng hồ Vintage4life (vintage4life.vn) chia sẻ.

Tác động từ hãng

Dù là hàng mua lại, không có mức giá niêm yết từ hãng nhưng không có nghĩa hàng vintage “đường ai nấy đi” với thương hiệu của mình. Một số sản phẩm vintage vẫn sẽ có giá trị thay đổi - thường là tăng, ứng với độ hiếm hoặc tình trạng ngừng sản xuất do hãng quy định, giá trị hình ảnh và các biến động kinh doanh của thương hiệu gốc.

Ví dụ điển hình như ở mặt hàng đồng hồ, các mẫu đồng hồ từ hãng Rolex luôn có giá trị tăng dần theo thời gian vì bề dày lịch sử và sự trung thành theo đuổi mô hình quảng bá (marketing) gắn với các nhân vật có ảnh hưởng trên thế giới (chính khách, hoàng tộc…). Hoặc như trường hợp hãng Kodak phá sản hồi 2011 sẽ làm giá trị các sản phẩm vintage của hãng trên thị trường có giá tăng vì sự khan hiếm (không còn sản xuất) và lọt tầm ngắm của nhiều nhà sưu tầm.

“Nói chung, nếu đã xác định săn hàng vintage với giá gốc, người mua nên bỏ thời gian tìm hiểu và để tâm đến đối tượng mình chọn mua để xác định được các tiêu chí ảnh hưởng giá gốc. Đồng thời cũng trở nên trân trọng và sướng hơn với các sản phẩm mình săn tìm và sở hữu thành công” - đại diện từ Vintage4life tâm sự.

Soi giá bán: Lấy "chất" làm kim chỉ nam

Ngoài các yếu tố ảnh hưởng tương tự giá gốc, giá bán của hàng vintage tại mỗi thị trường lại có những yếu tố ảnh hưởng khác đặc thù hơn.

Khác biệt giá bán từ dealer cá nhân với cửa hàng (online/offline)

Theo chia sẻ của nhiều đơn vị kinh doanh hàng vintage, chênh lệch giá phổ biến nhất giữa việc mua hàng với người bán cá nhân với cửa hàng hoặc giữa các cửa hàng với nhau không đơn thuần đơn giản là phí vận chuyển, phí duy trì cửa hàng thường thấy mà đến từ các dịch vụ chăm sóc hậu kỳ và những khoản đầu tư về hình ảnh.

Mua sắm các cửa hàng hiển nhiên sẽ có mức giá cao hơn “gốc” nhưng lại giúp bạn trao đổi thông tin dễ hơn với người bán, đồng thời cải thiện trải nghiệm mua sắm nhờ việc có thể dạo xem các mẫu đồng hồ khác. Ngoài ra, việc nhận bảo hành, sửa chữa từ người bán cũng sẽ được thực hiện chuyên nghiệp, yên tâm hơn vì có địa điểm thu nhận cụ thể.

Còn khi mua từ người bán cá nhân, bạn sẽ nhận được mức giá cạnh tranh hơn tuy nhiên sẽ hạn chế nhiều về tính xác thực và tình trạng thực của mặt hàng mình mua.

“Vì bán hàng quần áo nên để cạnh tranh tốt hơn, mình phải chủ động đầu tư thuê người mẫu ảnh để cải thiện trải nghiệm mua sắm online cho khách. Ngoài ra, hàng mua về cũng được giặt, hấp, ủi gọn gàng tuỳ theo sản phẩm để có tình trạng tốt nhất khi bán. Các sản phẩm có lỗi hoặc hư hỏng (thường là may lại phần rách chỉ) nếu có sẽ được cửa hàng ghi chú cho khách mua sau khi được chỉnh sửa. Nói đơn giản vậy thôi chứ cũng đầu tư thời gian và cả tiền bạc nhiều lắm” - Bạn Hương Lưu, đồng sáng lập cửa hàng quần áo vintage A’Pomo (@apomo.vintage) chia sẻ.

Sự thâm nhập của hàng “phục dựng”

Hàng vintage phục dựng có bản chất là hàng vintage nhiều hư hỏng (thường là nặng), được sửa chữa bằng hình thức thay đổi một số kết cấu hoặc “vá” lại bằng các vật liệu tương thích. Và vì phụ kiện cho hàng vintage thường cực kỳ hiếm nên việc phục dựng thường chọn linh kiện không chính hãng hoặc tự chế để thay vào, miễn là sản phẩm vận hành tốt trong quá trình mua bán.

Về nguyên tắc, các mặt hàng này phải được định giá thấp hơn (khá nhiều) hàng vintage cùng loại có tình trạng tốt (kết cấu, linh kiện, vật liệu và thiết kế sản phẩm không đổi với hàng gốc) và phải được nói rõ với người mua.

Song một số người bán có thể lợi dụng sự “ngây thơ” của nhiều người mua hàng, nhẹ thì đưa ra mức giá rẻ so với hàng vintage gốc nhưng lại cao hơn nhiều với thực tế hàng phục dựng để ăn chênh lệch, nặng thì đội giá ngang hàng vintage gốc để tối ưu lợi nhuận.

Điều này khá phổ biến ở nhóm hàng vintage khó kiểm tra như đồng hồ, bật lửa, máy ảnh…

“Khó khăn hiện tại là nhận thức thị trường về hàng vintage hiện nay còn hạn chế. Trong khi đó, các cửa hàng, người bán ngày càng nhiều với giá bán đa dạng. Điều này khiến khách hàng phân vân và rơi vào tình trạng mua hàng theo may rủi, lâu dài sẽ tạo ra sự thiếu tin tưởng đến thị trường nội địa. Các cửa hàng, người bán uy tín cũng sẽ vất vả hơn nếu muốn duy trì công việc kinh doanh theo hướng lành mạnh” - Bạn Nguyễn Thị Phương Trinh, founder của Ecarlatte Noir (@ecarlatte.noir) - cửa hàng chuyên bật lửa, đồng hồ vintage, tâm sự.

Tips mua hàng từ “thợ săn” hàng vintage lâu năm

Đứng trước các tiêu chí ảnh hưởng giá bán, một số tips mua hàng được người kinh doanh trong lĩnh vực hàng vintage gợi ý, giúp bạn có trải nghiệm mua hàng tốt hơn và hạn chế các rủi ro “hớ” giá. Cụ thể gồm:

1. Chọn mặt gửi vàng

Bạn nên chú ý đến các review, đọc bình luận và các post thông tin từ người bán trên các sàn thương mại điện tử hoặc mạng xã hội để xác định gu và kiến thức người bán có phù hợp đề mình giao dịch hay không. Nếu là cửa hàng, đừng ngại đến tham quan và trò chuyện trước khi quyết định mua sắm.

2. Lấy chất lượng làm thước đo

Đừng để yếu tố giá rẻ kiểm soát bạn - nhất là nếu bạn có ý định mua các sản phẩm vintage dòng cao cấp.

3. Quan tâm đến chính sách bảo hành, hậu mãi

Bạn nên chủ động hỏi thăm người bán để có cho mình quyết định mua hàng thoải mái nhất. Một số sản phẩm có giá cao nhưng có dịch vụ hậu mãi tốt vẫn là sẽ là một lựa chọn tối ưu.

4. Chịu tìm hiểu ít nhiều về thương hiệu, sản phẩm

Dành thời gian hiểu về sản phẩm không chỉ giúp bạn nắm được giá trị thực, biết thêm các câu chuyện xung quanh thứ mình mua mà còn để bạn tăng thêm kiến thức thường thức về một lĩnh vực thú vị; đó có thể là lịch sử đồng hồ, phong cách thời trang một thời hay các thiết kế vượt thời đại (avant-garde) của một chiếc bật lửa.

5. Lưu lại hành trình mua hàng

Ngoài tìm hiểu thông tin thật kỹ (người bán, sản phẩm muốn mua...), bạn cũng nên giữ lại các bằng chứng về trách nhiệm người bán (chính sách đổi trả, bảo hành...) và các lịch sử, trao đổi giao dịch trước và trong khi mua hàng.

Việc tìm hiểu và lưu lại hành trình mua hàng sẽ giúp bạn có một trải nghiệm mua sắm tốt hơn, tránh mua lầm và trách nhầm đối tượng. Trong vai trò một người mua hiểu biết và tỉnh táo, nếu lỡ va phải hàng giả hoặc hàng phục dựng với giá gốc, thay vì trách các nền tảng mua sắm là thiếu chuyên nghiệp, tiếp tay cho lừa đảo, bạn có thể mạnh tay bóc phốt những dealer "dỏm" để việc mua hàng vintage ngày càng minh bạch và dễ dàng hơn.

Chợ Tốt là nền tảng recommerce hàng đầu Việt Nam, trực thuộc tập đoàn công nghệ kỳ lân Carousell. Bằng việc mang đến nền tảng mua bán dễ dàng, tiện lợi, Chợ Tốt cùng Carousell thúc đẩy mua bán, trao đổi hàng hóa đã qua sử dụng, giảm thiểu sự tiêu dùng quá mức, và hướng đến lối sống bền vững cho Việt Nam nói riêng và cho khu vực Đông Nam Á nói chung.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục