Mất mát là gì mà lại đau đớn đến thế?

Theo Mark Manson, mỗi sự mất mát đều mang theo một phần bản sắc của ta. Chính lỗ hổng nó để lại khiến ta gặp khó khăn trong việc tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời.
Mark Manson
Nguồn: Jessica Ticcozelli @ Pexels

Nguồn: Jessica Ticcozelli @ Pexels

Được chuyển ngữ từ bài viết “How to Let Go: Learning to Deal With Loss” đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.


Gần đây vợ chồng tôi có đi ngang qua địa điểm mà chúng tôi hẹn hò lần đầu tiên. Chúng tôi dừng lại một lúc để nhớ về khoảnh khắc hạnh phúc ấy.

Đó là một đêm tuyệt vời mà trong những năm tháng còn là một thiếu niên vụng về, tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ có được. Một đêm mà nếu may mắn, bạn sẽ được trải nghiệm một vài lần trong đời.

Thế rồi không hiểu sao tôi thấy buồn man mác. Tôi nhớ phiên bản năm đó của chính mình - chàng trai 27 tuổi đặt chân vào nhà hàng, hoàn toàn không ngờ được những cung bậc cảm xúc cậu sẽ trải qua trong đêm đó.

Giờ tôi đã hiểu tại sao tôi buồn. Bởi cặp đôi trẻ năm đó đã đi vào dĩ vãng và không bao giờ quay lại. Tôi không bao giờ có thể hẹn hò lần đầu với vợ tôi lần nữa, càng không thể tìm thấy sự cuồng nhiệt khiến tôi vừa hào hứng vừa hoảng sợ khi mới yêu.

Phiên bản ngọt ngào, tự mãn và sốc nổi của tôi năm đó đã không còn. Và dù việc này giúp tôi hoàn thiện bản thân mình hơn, tôi vẫn cảm thấy buồn. Trong một khoảnh khắc, tôi thương tiếc nó như cách người ta thương tiếc sự ra đi của một người họ hàng xa.

Tôi không lạ gì với mất mát, và có lẽ các bạn cũng vậy. Tôi đã tiễn biệt một vài người thân và bạn bè tới cõi vĩnh hằng. Tôi đã có những mối quan hệ kết thúc trong chớp nhoáng, hoặc trong sự yên lặng kéo dài. Tôi đã mất một số tình bạn, công việc, cộng đồng và niềm tin ở cả chính mình lẫn người khác.

Mọi sự mất mát đều giống như cái chết. Đó có thể là một người, một đồ vật hay một trải nghiệm mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của bạn. Và bây giờ nó không tồn tại nữa.

Dù là thương tiếc một người thân, nuối tiếc một công việc hay đau khổ vì một mối tình, chúng ta đều phải đối mặt với sự thật: mình không bao giờ có được trải nghiệm đó lần nữa. Nó tạo nên sự trống rỗng bên trong tâm hồn mà ta buộc phải đau đớn chấp nhận.

Chúng ta thích nghĩ rằng mọi việc đều có thể thay đổi, vì nó mang đến cho ta hy vọng. Ví dụ nếu bạn ghét công việc hiện tại, hãy đi tìm việc khác. Người bị bệnh hiểm nghèo khi nghe bác sĩ nói vẫn cứu được dù chỉ 1%, thì họ vẫn còn cảm thấy tốt.

Nhưng khi nghe cụm từ “không bao giờ”, ta hiểu rằng mọi hy vọng đều đã dập tắt. Bạn không thể khiến người chết sống lại. Bạn không thể “reset” một mối quan hệ đổ vỡ. Bạn cũng không thể lấy lại những lời nói hủy hoại một tình bạn, mà năm đó bạn đã trót nói ra.

Những trải nghiệm quá khứ đã qua đi thì vĩnh viễn không thể quay trở lại. Nếu có, thì cũng không bao giờ có thể giống như xưa. Về lý thuyết, chúng hủy hoại một mảnh đời của bạn. Một mảnh đời mà đến thời điểm nào đó, bạn sẽ phải xây dựng lại.

Mỗi mất mát là một lần bạn “lột xác”

Một câu hỏi phổ biến mà độc giả hay email hỏi tôi, là làm thế nào quay lại với người yêu cũ. Họ có thể gọi việc này bằng những từ hoa mỹ hơn, như “gương vỡ lại lành” hoặc “hàn gắn mọi thứ”. Nhưng nội dung cơ bản thì vẫn chỉ là họ cảm thấy đau đớn sau chia tay, và sẵn sàng làm bất cứ điều gì để người ấy quay lại.

Tôi phải thú thực là câu hỏi này không có nghĩa lý lắm. Bởi nếu có cách nào kéo người cũ quay lại, thì chúng ta đã tìm ra nó từ lâu rồi. Những cuộc chia tay và ly hôn cũng sẽ không tồn tại. Thế giới sẽ tràn ngập những người hạnh phúc, và như vậy nghĩa là tôi thất nghiệp.

Nhưng điều quan trọng nhất là gương đã vỡ rồi thì không thể lành lại. Kể cả bạn có vá nó lại, thì cũng không thể che đi những vết rạn nứt loang lổ.

Chuyện tình cảm của bạn cũng vậy. Dù bạn và người ấy có quay lại với nhau, thì mối quan hệ hàn gắn ấy cũng không bao giờ được như thuở mới yêu. Giờ nó là mối quan hệ mong manh của hai con người nghi ngờ lẫn nhau, lặp lại những vấn đề xưa cũ như một cách nhắc nhở cả hai rằng vì sao mối tình của họ thất bại.

Điều các độc giả này không nhận ra là, một mối tình không kết thúc vì hai người làm điều sai trái với nhau. Nó chấm dứt bởi vốn dĩ ngay từ đầu, hai người đã không dành cho nhau.

Chúng ta hầu hết đều từng trải qua đổ vỡ trong tình yêu. Và trong giây phút yếu lòng đó, ta nhớ quay quắt bóng dáng người cũ, nhắn những mẩu tin đáng xấu hổ, nốc vodka say mèm và khóc ròng khi nghe một bài hát khiến ta nhớ về họ.

Như tôi đã nói, có nhiều kiểu mất mát khác nhau xảy ra ở khắp các khía cạnh cuộc sống. Nhưng sự mất mát các mối quan hệ thân thiết (như người thương và các thành viên gia đình) gây ra nhiều đau thương nhất.

Vậy rốt cuộc vì sao chia tay lại đau đớn đến thế? Sao nó có thể khiến ta lạc lõng và bất lực như vậy? Tôi sẽ cố gắng trả lời trong vài ý dưới đây:

1. Để luôn khỏe mạnh và “vận hành” một cách bình thường, bạn cần cảm thấy hài lòng về bản thân. Để hài lòng về bản thân, thì bạn cần sử dụng thời gian và năng lượng của mình một cách có ý nghĩa. Nếu coi tâm trí là một chiếc xe, thì ý nghĩa cuộc sống chính là xăng. Không có nó, mọi chức năng tinh thần của bạn sẽ ngưng hoạt động.

2. Chúng ta thường tạo ra ý nghĩa qua các mối quan hệ. Bạn không chỉ có mối quan hệ với người khác (dù quan hệ giữa người với người mang lại nhiều ý nghĩa nhất), mà còn với sự nghiệp, cộng đồng, với các hoạt động bạn tham gia và những lý tưởng sống mà bạn đồng cảm. Những mối quan hệ này đều mang lại ý nghĩa cho cuộc đời, khiến bạn thấy hài lòng về bản thân.

3. Các mối quan hệ không chỉ mang lại ý nghĩa, mà còn định hình sự hiểu biết của chúng ta về bản thân. Tôi là nhà văn vì tôi có mối quan hệ với việc viết, là một người con bởi tôi có mối quan hệ với ba mẹ, và là một người Mỹ bởi quan hệ của tôi với nước Mỹ. Chỉ cần bị tước đi 1 trong 3 mối quan hệ này, tôi sẽ bị khủng hoảng bản sắc nhẹ. Bởi vì tôi không thể tiếp tục hoạt động vốn mang lại nhiều ý nghĩa cho đời mình.

4. Khi một trong các mối quan hệ này biến mất, nó sẽ kéo theo một phần bản sắc của bạn. Mối quan hệ càng mang lại nhiều ý nghĩa, thì vai trò của nó trong bản sắc bạn càng lớn và nỗi đau nó gây ra khi biến mất càng kinh khủng. Thường thì các mối quan hệ cá nhân cho chúng ta nhiều ý nghĩa (và hạnh phúc) nhất. Vì vậy, chúng cũng gây tổn thương nhiều nhất khi biến mất.

5. Vì vậy khi một mối quan hệ biến mất, nó sẽ để lại một khoảng trống về ý nghĩa trong tâm trí. Nó sẽ khiến bạn bắt đầu tự vấn bản thân, rằng bạn có thực sự hiểu chính mình và có quyết định đúng hay không. Trong trường hợp cực đoan, nó sẽ trở thành khủng hoảng hiện sinh khi bạn thắc mắc không hiểu mình tồn tại để làm gì ngoài việc hít hết oxy của người khác.

6. Cảm giác trống rỗng này có một tên gọi khác phổ biến hơn là trầm cảm. Nhiều người vẫn hay nhầm rằng trầm cảm là một nỗi buồn, nhưng thực tế hai khái niệm đó khác hẳn nhau. Nỗi buồn xảy ra khi bạn gặp điều tồi tệ, nhưng nó vẫn có ý nghĩa. Còn trầm cảm xảy ra khi bạn không còn tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống (hoặc một khía cạnh của nó). Lỗ hổng ý nghĩa này có thể lớn đến mức khiến người ta không thể làm nổi những việc đơn giản như thức dậy, đánh răng, ăn uống và trò chuyện với người khác.

7. Cách phản ứng lành mạnh với mất mát là xây dựng những mối quan hệ mới, mang lại ý nghĩa mới cho cuộc sống của mình một cách chậm nhưng chắc. Chúng ta thường gọi giai đoạn sau mất mát là “một khởi đầu mới” hay “làm mới bản thân”, và điều này hoàn toàn đúng. Bạn đang xây dựng một phiên bản mới của chính mình qua những mối quan hệ mới này.

8. Còn cách phản ứng không lành mạnh là mắc kẹt trong mảnh đời đã qua đó, và từ chối giải phóng bản thân khỏi nó. Bạn bám víu quá khứ và tìm mọi cách làm cho nó “sống lại”, bởi nó chứa đựng toàn bộ bản sắc của bạn. Hệ quả là bạn thấy mình không xứng đáng với những mối quan hệ mới, những tình yêu mới và không thể bước chân sang một trang mới trong đời.

9. Đây chính là lý do nhiều người không thể yêu và trân trọng bản thân họ. Trớ trêu thay, đây cũng chính là nguyên nhân các mối quan hệ của họ “đứt gánh” ngay từ đầu.

Còn tiếp….


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục