MBTI, nhân số học, horoscope đáng tin đến mức nào?

Dùng MBTI và các công cụ kiểm tra tính cách, bạn có chắc là đã hiểu chính mình?
Bích Hồ
Nguồn: 16personalities & Freepik

Nguồn: 16personalities & Freepik

“Cung Hoàng đạo của bạn là gì?” - Nếu sinh ra từ thế hệ 9x, chắc hẳn là ít nhất một lần trong đời bạn đã từng được hỏi câu này. Hoặc không, câu hỏi sẽ là “Con số chủ đạo của anh là bao nhiêu? Chị làm thử MBTI chưa, chị thuộc nhóm nào?”.

Những câu hỏi đó, với tôi, đều có thể phiên dịch thành “Bạn là người thế nào?”. Và phải thú nhận rằng, vì biết rằng mọi người sẽ (vô thức) dựa vào chúng để xây dựng ấn tượng về mình, nên tôi làm gần như tất cả các bài kiểm tra tính cách phổ biến trên mạng... phòng khi có ai hỏi.

Nhưng đến một lúc, nhu cầu tìm hiểu về tính cách của tôi không còn là để trả lời cho người khác nữa. Tôi thực sự muốn biết bản thân là ai. Và đó cũng lúc tôi nhận ra có một ngành công nghiệp kiểm tra tính cách đang kiếm hàng tỷ đô-la mỗi năm. Sau khi nhận kết quả của những buổi tư vấn 1-1 hay gấp lại những trang sách hứa hẹn sẽ giúp tôi "thay đổi cuộc đời", một phần tôi cảm giác mình vừa bị nói trúng tim đen, phần khác tôi tự hỏi chúng đúng đến mức nào vậy?

1. Bài kiểm tra Myers-Briggs (MBTI)

MBTI là gì?

MBTI hay Myers-Briggs Type Indicator là một trong những bài kiểm tra tính cách phổ biến nhất trên thế giới, được phát triển bởi Katherine Briggs và con gái của bà là Isabel Briggs Myers. Bài kiểm tra phân loại tính cách con người làm 16 nhóm. Mỗi nhóm phù hợp với từng môi trường làm việc và định hướng tương lai khác nhau.

MBTI đã phát triển qua nhiêu năm?

Katherine Briggs bắt đầu tìm hiểu về việc phân loại tính cách vào năm 1917, gần với thời điểm bài kiểm tra tính cách có quy mô đại chúng đầu tiên được ra đời (nhằm mục đích xác định người lính nào không đủ “cứng rắn” để ra trận trong Thế Chiến Thứ 1). Tuy nhiên đến năm 1962, qua 45 năm hai mẹ con nhà Briggs tự học về các phương pháp nghiên cứu trong tâm lý học, tài liệu chính thức về MBTI mới được xuất bản.

Bài kiểm tra dựa vào cơ sở nào để phân loại tính cách?

Nền tảng cốt lõi của MBTI chủ yếu được dựa trên học thuyết của nhà tâm lý học Carl Jung. Nổi bật là cuốn Psychological Types xuất bản năm 1921 (tựa tiếng Việt: Anh là ai? Tôi là ai?). Tại đây, Carl Jung viết rằng, nhìn chung con người có thể được chia thành hai loại chính: nhóm người nhận thức (perceiver) và nhóm người phán đoán (judger).

Trong đó, nhóm nhận thức còn được chia tiếp thành hai nhóm nhỏ, gồm những người tin vào cảm giác và những người tin vào trực giác. Nhóm phán đoán tiếp tục được chia thành những người suy nghĩ và cảm nhận. Như vậy có tổng cộng bốn loại người. Ngoài ra, tất cả bốn loại này có thể được phân chia thành hướng nội và hướng ngoại.

MBTI đáng tin đến mức nào?

Nhiều nhà nghiên cứu từ lâu đã đặt câu hỏi về giá trị khoa học của MBTI.

Trong đó, giáo sư tâm lý học Adam Grant của Đại học Pennsylvania nhận định rằng: “Trong khoa học xã hội, chúng tôi sử dụng bốn tiêu chuẩn: có đáng tin cậy, hợp lý, độc lập và toàn diện không? Nhưng đối với MBTI, thực sự, không có bằng chứng nào [cho bốn tiêu chuẩn đó] cả.”

Lý thuyết chủ đạo của Carl Jung mà bài kiểm tra MBTI dựa vào cũng chưa được kiểm chứng. Một phần nguyên do là vì bộ môn tâm lý học tại những năm 1920 vẫn còn thuần là quan sát và tự suy luận, thay vì dựa thêm vào thực nghiệm, điều tra,... như thời nay.

Dù Katherine Briggs và con gái Isabel Briggs Myers đã có nghiên cứu và điều chỉnh số lượng tính cách được phân loại, từ 2-4 loại thành 16 loại. Tuy nhiên, đáng chú ý là 16 loại này về cơ bản sinh ra từ việc xáo trộn và ghép 4 cặp tính cách nhị nguyên khác, bao gồm:

  • Xu hướng tâm lý: Hướng ngoại (Extraversion) - Hướng nội (Introversion)
  • Nhận thức thế giới: Cảm giác (Sensing) - Trực giác (INtution)
  • Cách thức ra quyết định: Lý trí (Thinking) - Tình cảm (Feeling)
  • Nguyên tắc hành động: Nguyên tắc (Judgment) - Linh hoạt (Perception)

Chẳng hạn, sau khi làm bài kiểm tra, bạn nhận được kết quả của mình là ESTP. Chuỗi ký tự này có thể được hiểu rằng, bạn là người hướng ngoại và có óc tò mò, bạn sống thực tế và cũng linh hoạt khi giải quyết vấn đề.

Dù kết quả chỉ cho ra bạn là người hướng nội hoặc hướng ngoại, sống lý trí hoặc tình cảm, thực tế là ít nhiều chúng ta đều sở hữu cả 2 thái cực của cả 4 cặp tính cách. Bản thân Carl Jung cũng thừa nhận như vậy. Ông viết rằng “không có gì gọi là hướng ngoại thuần túy hay hướng nội thuần túy. Một người như vậy sẽ phải lao vào nhà thương điên.” (nguồn: skepdic.com)

Ngay cả dữ liệu từ Myers-Briggs cũng cho thấy rằng hầu hết mọi người đều đâu đó đạt mức trung bình ở tất cả nhóm tính cách, nhưng đến cuối cùng đều bị dồn vào thái cực này hoặc thái cực kia.

Đây là lý do tại sao một số nhà tâm lý học đã thôi dùng cụm từ “đặc điểm tính cách” (personality traits), thay vào đó là “trạng thái nhân cách” (personality states).

2. Nhân số học

Nhân số học là gì?

Nhân số học hay thần số học (numerology) là một phương pháp dự đoán tính cách và định hướng phát triển của con người thông qua mã hoá ngày tháng năm sinh, và tên gọi thành các con số và giải thích ý nghĩa của các con số đó.

Bộ môn đã phát triển qua bao nhiêu năm rồi?

Sự phát triển của nhân số học đã bắt đầu từ hàng nghìn năm trước công nguyên. Trong đó, trường phái nổi tiếng nhất của nhân số học được cho là do Pythagoras - một nhà toán học, triết học người Hy Lạp khai sinh. Như vậy, các lý thuyết nhân số học mà chúng ta biết ngày nay đã tồn tại ít nhất 2.600 năm.

Nhân số học dựa vào đâu để phân loại xu hướng tính cách con người?

Theo Pythagoras, mỗi cành cây, ngọn cỏ, một cơ thể con người, một ý nghĩ, một cảm xúc, một mùi hương,... đều có những tần số rung (vibration) nhất định. Tương tự, mỗi con số cũng có một tần số rung riêng, tương ứng với số vòng quay mỗi con số tạo ra trong một giây.

Như vậy, theo tính chất bắc cầu, vạn vật đều có một tần số rung tương ứng với một, hoặc một vài con số nhất định. Những con số này, nếu xây dựng lên thành một bản đồ số cho mỗi cá nhân, sẽ giúp họ nhìn rõ định hướng cuộc đời, thấu hiểu bản thân, biết điểm mạnh để phát huy cũng như tìm ra điểm yếu để sửa đổi.

Theo đó, nhân số học đôi khi còn được miêu tả như một một thiết bị GPS giúp mỗi cá nhân định vị mình là ai, mình đang ở đâu, mình cần làm gì.

Tóm lại là nhân số học có đáng tin không?

Nhiều diễn đàn khoa học hiện đại đã nhận định nhân số học là một bộ môn ngụy khoa học. Tuy nhiên, để kết luận chúng có đáng tin hay không thì câu trả lời khá phức tạp và tùy vào từng cá nhân.

Thứ nhất, khác với MBTI, bắt nguồn từ lĩnh vực tâm lý học quan sát, nhân số học có nguồn gốc là khoa học thánh linh (divine science/sacred science). Tức là khoa học có gắn kết với niềm tin tâm linh, rằng vạn vật sinh ra đều do sự sắp đặt của đấng tạo hoá. Điều này bao gồm ngày bạn được sinh ra cũng như tên bạn được đặt khi sinh. Do đó, tất cả các phép tính trong nhân số học đều bắt đầu bằng ngày sinh hoặc tên của bạn.

Như vậy, tương tự như những tranh cãi về tôn giáo, rất khó để ai đó khăng khăng nói với bạn rằng đừng nên tin vào nhân số học.

Thứ hai, nhân số học lấy các con số làm biểu tượng để lý giải cuộc sống, mà các con số cũng được cho là có những đặc tính thần bí.

Theo Underwood Dudley, tác giả cuốn sách "Numerology: Or What Pythagoras Wrought", Pythagoras bắt đầu quan tâm đến ý nghĩa của các con số sau khi phát hiện ra những quy luật hấp dẫn về chúng. Chẳng hạn, nếu bạn cộng một chuỗi các số lẻ bắt đầu bằng số một, kết quả luôn là một số bình phương (ví dụ: 1+3 = 4 = 2^2, 1+3+5 = 9 = 3^2).

Pythagoras đi xa hơn qua việc liên kết sự kỳ bí đó với gần như tất cả những khái niệm trừu tượng của cuộc sống. Chẳng hạn, số 2 tượng trưng cho tính nữ, số 3 tượng trưng cho tính nam. Hai cộng ba bằng năm, nên số 5 tượng trưng cho hôn nhân.

Nhiều người cho rằng quan điểm "mọi thứ trên đời đều là số" của Pythagoras cũng gần với triết lý của nhà khoa học thời hiện đại Albert Einstein, rằng "Chúa là một nhà toán học". Ngoài ra, thuyết xung động (the law of vibration) mà Pythagoras dựa vào để hình thành cơ sở cho nhân số học cũng được cho là gần với thuyết cơ học lượng tử (rằng mọi vật đều chuyển động) của Einstein.

Tuy nhiên khác với Pythagoras, Einstein không có phát biểu nào thể hiện rằng mình ủng hộ nhân số học, hay chỉ ra mối liên kết giữa các con số với những ý tưởng trừu tượng. Ông cũng không kết luận mình là người vô thần dù gần như dành cả cuộc đời để nghiên cứu khoa học và tìm ra các công thức về cách vũ trụ vận hành.

3. Cung Hoàng đạo

Cung Hoàng đạo là gì?

Về cơ bản, có thể ví cung Hoàng đạo (horoscope) như tử vi, được chia thành 12 chu kỳ trong năm. Mỗi chu kỳ kéo dài khoảng 30 ngày. Theo cung Hoàng đạo, những người được sinh ra trong một chu kỳ nhất định sẽ có một nhóm nét tính cách đặc trưng, khác với các chu kỳ còn lại.

Ngoài ra, trong hệ thống cung Hoàng đạo, còn nhiều nhánh nghiên cứu cụ thể hơn về xu hướng hành vi của một người dựa vào ngày, giờ sinh và nơi họ ra đời, thay vì chỉ dựa vào ngày, tháng sinh.

Bộ môn này đã phát triển qua bao nhiêu năm rồi?

Về cơ bản, cung Hoàng đạo là một phần của chiêm tinh học (astrology) - lĩnh vực đã phát triển qua hàng nghìn năm. Một số bằng chứng của giới khảo cổ cho thấy con người đã theo dõi chu kỳ Mặt Trăng từ 30.000 năm TCN. Nhưng lịch sử chiêm tinh chỉ thực sự bắt đầu được ghi chép lại khi người Sumer ở Lưỡng Hà cách đây 6.000 năm theo dõi chuyển động của vũ trụ.

Cung Hoàng đạo dựa vào cơ sở nào để phân loại bản tính con người?

Hệ thống kiến thức của chiêm tinh học, hay cụ thể hơn là cung Hoàng đạo, được xây dựng từ quan sát các chuyển động của Mặt Trời, Mặt Trăng và các hành tinh khác theo thời gian. Các học giả ghi lại các chu kỳ, khuôn mẫu và sự kiện xảy ra từ các chuyển động ấy của vũ trụ.

Tóm lại là cung Hoàng đạo có đáng tin không?

Nếu bạn không có đời sống tâm linh mạnh mẽ thì có lẽ bạn sẽ đặt ra ngay câu hỏi: những thứ xa xôi trên trời thì ảnh hưởng gì đến tính cách, xu hướng hành động - những điều rất cá nhân của con người trên mặt đất?

Theo tác giả Louise Edington của cuốn sách “The Complete Guide to Astrology”, mối liên kết này ngày nay đã có thể được giải thích một cách khoa học bằng thuyết cơ học lượng tử.

Cụ thể, mọi thứ trong vũ trụ này đều được tạo ra từ sóng và hạt. Không hạt nào hoạt động hoàn toàn độc lập. Do đó, có thể nói, mọi thứ trong vũ trụ này đều được kết nối với nhau. Chuyển động của các thiên thể sẽ kích hoạt năng lượng lên thế giới tự nhiên trên Trái Đất và cả chúng ta, loài người, từ cả bên ngoài, lẫn bên trong.

Điển hình, ta có thể quan sát điều này qua hiện tượng chu kỳ của Mặt Trăng ảnh hưởng đến thuỷ triều trên Trái Đất, hay chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ, cùng các nhịp sinh học khác của con người.

Tuy nhiên, theo nhận định của trường Đại học Berkeley, chiêm tinh học không phải là một môn khoa học; không có bằng chứng nào cho thấy dấu hiệu hoàng đạo của một người thực sự tương quan với tính cách.

Cộng đồng các nhà khoa học luôn phải đánh giá ý tưởng của mình dựa trên bằng chứng từ thế giới tự nhiên và bác bỏ hoặc sửa đổi những ý tưởng đó khi có bằng chứng không ủng hộ. Trong khi đó, các nhà chiêm tinh, dù tìm bằng chứng từ thế giới tự nhiên, lại không có quan điểm phê bình đối với các ý tưởng chiêm tinh của mình. Họ thường không cố gắng đánh giá lại xem những lời giải thích đó có hợp lý hay không.

Kết

Nhìn chung, các bài kiểm tra tính cách phổ biến nhất hiện nay đều có những cơ sở không hoàn toàn đáng tin theo khoa học hiện đại. Tuy nhiên, việc thế hệ trẻ đang ngày càng dành nhiều sự quan tâm hơn đến các bài kiểm tra này không đồng nghĩa với việc họ đang từ bỏ khoa học để dấn sâu hơn vào niềm tin tâm linh.

Một người có thể nói rằng họ không tin vào MBTI, chiêm tinh học, hay nhân số học nhưng vẫn xác định được loại tính cách, cung hoàng đạo hay con số chủ đạo của mình. Thậm chí họ có thể thích làm các bài kiểm tra, đọc các bài phân loại tính cách, nhưng vẫn không dùng chúng để định hướng cuộc đời của mình. Ở góc độ này, các bài kiểm tra đối với họ giống như một nguồn giải trí hơn là một nguồn tham khảo.

Tuy nhiên, sẽ hơi quá khi nói rằng chúng chỉ được sử dụng để giải trí. Có thể nói các bài kiểm tra tính cách, bất kể mức độ tin cậy đến mức nào, đều cung cấp cho mọi người một phương tiện để bàn luận sâu hơn về bản chất con người và các mối quan hệ - những vấn đề cốt lõi nhưng thường quá trừu tượng để nói đến hằng ngày.

Tóm lại là, bất kỳ phương tiện nào khuyến khích sự tự xem xét nội tâm và nỗ lực hiểu những người xung quanh chúng ta đều có giá trị nhất định. Nhưng khi nhận thức được rằng có những tổ chức lợi dụng khao khát thấu hiểu bản thân của con người để kiếm tiền bất chấp, thì có lẽ chúng ta nên dành thời gian để đánh giá mức độ cần thiết của những bài kiểm tra này.

Suy cho cùng, tính cách của chúng ta không bất biến. Ta hình thành tính cách từ gen bẩm sinh, từ vô số các trải nghiệm và cả từ hệ thống niềm tin.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục