Meme và những điều có thể bạn chưa biết
Meme là một khái niệm tồn tại lâu nay trên môi trường mạng. Nó được tận dụng trong các tương tác thuộc thế giới ảo của bàn dân thiên hạ. Nếu bạn bắt gặp đồng nghiệp bỗng dưng ngồi cười "khanh khách" mặc dù chẳng nói chuyện với ai, thì khả năng cao là người đó đang coi meme.
Thế nhưng trong những cuộc đùa vui say sưa, đã bao giờ bạn tự hỏi: “Không biết meme từ ở đâu mà ra vậy nhỉ?”. Câu hỏi này đã khiến tôi “thao thức” ngày đêm và thế là tôi quyết định ngược dòng thời gian đi tìm hiểu. Bài viết này được lấy cảm hứng từ video "Why do memes matter?" của the Vox.
Meme là gì mà ai cũng thích?
Meme là một hình ảnh, video kèm tiêu đề hoặc âm thanh mang tính giải trí một cách hài hước, được truyền bá rộng rãi trên mạng xã hội.
Việc thấu hiểu ý nghĩa của meme đã giúp kết nối các cư dân mạng với nhau, tiến triển lên thành một văn hóa nhóm được gọi là meme culture (tạm dịch: văn hóa meme).
Thế ai là người “đẻ” ra meme?
Thú vị ở chỗ, cha đẻ của chữ “meme” lại chẳng có ý định ban phát sự hài hước nào ở đây cả. Nhà sinh học Richard Dawkins đã sáng tạo ra từ “meme” trong quyển sách “The Selfish Gene”. Nó vốn được dùng để miêu tả sự lan truyền của các thông tin vô nghĩa trong một nền văn hóa.
Đến năm 1994, meme mới được đề cập tới trong ngữ cảnh internet nhờ bài báo “Meme, Counter-Meme” của tờ Wired. Theo thời gian, meme mới tiến triển lên thành loại văn hóa phẩm đầy tính giải trí như hiện tại. Nhưng đáng tiếc, tác giả của nó không hài lòng lắm với việc này.
Meme đã trở thành “món ăn tinh thần” của chúng ta như thế nào?
Hẳn đã có không ít chiếc meme mang lại cho bạn tiếng cười sảng khoái, nhưng nó không đơn giản để “mua vui” như bạn nghĩ.
Người ta dùng meme để đại diện cho ý kiến của số đông, meme định hình các trải nghiệm văn hóa đại chúng thời nay.
Từ chỗ “góp vui” trong một diễn đàn nhỏ, meme đã tăng dần sức ảnh hưởng khi xuất hiện khắp các ngõ ngách trên mạng xã hội và cả trong quảng cáo. Meme giúp gắn kết người dùng đến từ khắp nơi trên thế giới, vượt lên trên những khác biệt về địa lý, quốc tịch, màu da. “Ngôn ngữ meme” đã kéo mọi người đến gần nhau hơn.
Trò đùa mà không phải ai cũng hiểu (Inside joke)
Trong thời đại này, khi đã là cư dân mạng bắt buộc bạn phải hiểu rõ về mạng và đặc biệt là mạng xã hội, nơi mà meme ngấm ngầm tồn tại và phát triển bao năm nay.
“Meme là một loại ngôn ngữ mạng có sức ảnh hưởng lớn và kiến thức về meme sẽ giúp bạn hòa nhập với những cuộc tranh luận trên internet.” - theo Amanda Brennan – nhà sản xuất nội dung tại Tumblr.
Ngôn ngữ đời thường của quần chúng có thể được dùng ở cấp độ căn bản hoặc nâng cao và meme cũng thế. Bên cạnh những meme bông đùa đơn giản, ta có loạt meme truyền tải thông tin ngắn gọn dưới hình thức những câu đùa ẩn ý mà chỉ những người có tương đồng về trải nghiệm mới cùng chia sẻ được (inside joke).
Nhật ký của thế hệ Millenial và Gen Z
Nếu Millenial được coi là thế hệ lo âu, thì Gen Z ra đời với nhiều nỗi sợ hãi về tình hình kinh tế, chính trị cũng như sự tác động bởi truyền thông tiêu cực.
Sự sáng tạo và lan truyền meme cũng là cách họ bày tỏ quan điểm, đương đầu với những nỗi bất an và thích nghi với bao nghịch lý của xã hội đương thời.
Tiêu biểu có thể kể đến chiếc meme The Doomer – nhân vật đại diện cho tư duy tiêu cực của giới trẻ hiện đại, khi phải sống trong thời đại quá tải thông tin và ngày ngày chứng kiến một thế giới lố bịch và hỗn độn.
Tuy nhiên nhân vật này cũng có một phiên bản lạc quan hơn với cái tên Bloomer, đại diện cho tư duy tích cực và tình yêu bản thân, yêu cuộc sống sau chuỗi ngày thu mình lại với xã hội.
Hai chiếc meme này có sức lan truyền mạnh mẽ bởi nó là tiếng nói, là tâm tư của người trẻ hiện đại, giúp họ giải tỏa những cảm xúc của mình trên môi trường mạng.
Mỏ vàng cho Marketing
Theo thống kê của Statista, 144 phút một ngày là thời gian truy cập mạng xã hội trung bình của cộng đồng mạng thế giới. Biết được mạng xã hội là mảnh đất màu mỡ nơi meme đang thống trị, các nhãn hàng luôn tích cực bắt kịp với văn hóa meme để mang sản phẩm đến gần hơn với khách hàng trẻ tuổi.
Phương thức memetic marketing này khi được tận dụng đúng cách đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Thậm chí những chiếc meme còn mang lại doanh số cao hơn cả việc thuê những người có sức ảnh hưởng (influencer). Các nhãn hàng khổng lồ trên thế giới vì thế cũng thi đua làm meme để khiến giới trẻ phải “trầm trồ”.
Tóm lại, trên đây là một số “hành trang” trước khi bạn đọc muốn nhập môn loạt bài “meme học” của Vietcetera để tiếng cười thêm sâu sắc hơn lúc xem meme. Meme đã và chắc chắn sẽ tiếp tục tồn tại trên mọi ngóc ngách của mạng xã hội như một ngôn ngữ hay ho mang niềm vui đến cho mọi nhà.