Trở thành quý ông với Chuyên gia tư vấn thời trang Học Bùi
Nếu tư vấn thời trang là một trong những nghề nghiệp vốn quen thuộc, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế, thương mại cho các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc thì hiện nay tại Việt Nam, công việc này cũng đang dần tạo được sức hút.
Nhắc đến nghề tư vấn thời trang ở Việt Nam, sẽ là một thiếu sót nếu chúng ta không nhắc đến Học Bùi (tên thật: Bùi Quang Học), chuyên gia tư vấn thời trang theo phong cách quý ông (Gent-style). Tính tới thời điểm hiện tại, danh sách khách hàng của anh đã vượt ngưỡng 50 người từ nhiều quốc gia, bao gồm Nhật Bản và Hàn Quốc.
Là một ‘tín đồ’ Gent-style nên Học Bùi luôn mong muốn được lan tỏa đam mê của mình tới mọi người. Cùng Vietcetera tìm hiểu về Gent-style và nhìn lại hành trình trở thành chuyên viên tư vấn thời trang qua lời kể của anh.
Đối với những ai chưa biết, anh có thể giải thích Gent-look là gì không?
‘Gent-look’ là từ viết tắt của ‘Gentleman-looking’ (vẻ ngoài quý ông). Nó là một thuật ngữ nói về phong cách thời trang pha trộn giữa nét văn hóa đương đại và cổ điển, bắt nguồn từ châu Âu, đặc biệt là Ý.
Phần lớn đàn ông Việt Nam, kể cả những người làm việc văn phòng, thường ít khi quan tâm, chăm sóc đến vẻ ngoài của mình. Công việc của tôi là tập trung thay đổi lối mòn suy nghĩ của họ với phong cách thời trang mang hơi hướm cổ điển đặc trưng này.
Quay lại năm 2016, hành trình đến với Gent-style của anh như thế nào? Và điều gì đã thúc đẩy anh theo đuổi công việc tư vấn thời trang?
Lúc bấy giờ tôi thường xuyên cập nhật các xu hướng trên Instagram và các trang web chuyên về thời trang, từ thời trang thường ngày, phong cách tối giản cho đến những trang phục đòi hỏi sự nhiều sự kết hợp phức tạp. Nhiếp ảnh gia Thiên Minh, một người bạn của tôi, cũng truyền cho tôi nhiều cảm hứng khi đến với phong cách này.
Trong giai đoạn định hình phong cách, tôi chuộng phong cách tối giản. Trang phục của tôi chỉ có duy nhất từ 2-3 màu, không quá lòe loẹt. Theo thời gian, cùng các kiến thức tự tìm tòi trên mạng, phong cách thời trang của tôi có sự chuyển mình.
Quá trình xây dựng thương hiệu của anh như thế nào? Và làm sao anh tạo được sự khác biệt của mình với các chuyên gia tư vấn thời trang cho nam giới khác?
Từ những ngày đầu, tôi luôn biết cổ điển chính là phong cách thời trang mà mình theo đuổi. Nó vốn xa lạ với bối cảnh thời trang Việt, đặc biệt là ở Sài Gòn. Mọi người thường chọn theo đuổi các xu hướng phổ biến, phong cách thời trang phi giới tính, hoặc chuộng sự xa xỉ. Trong khi đó, tôi lại dành tình yêu của mình cho phong cách thời trang mang đậm giá trị hoài cổ này. Tôi muốn giới thiệu nó đến nhiều người hơn.
Trước đó, bởi lý do kinh tế, thay vì diện những trang phục được đặt may riêng, tôi chọn mua những món đồ may sẵn của Zara như áo sơ mi trắng cùng quần jeans. Từ những kiến thức mình có, tôi ứng dụng vào việc kết hợp từng món đồ nhằm tạo nét riêng cho mình.
Sau này, may mắn được hợp tác với một thương hiệu giày, tôi có cơ hội được ‘tiếp xúc’ gần hơn với may mặc. Bị thuyết phục bởi sự tinh tế, khéo léo đến mức hoàn hảo của may đo khi ướm lên mình, tôi quyết định xây dựng lại thương hiệu một cách hoàn chỉnh qua những blogger thời trang đến từ Ý.
Qua thời gian, đam mê của tôi dành cho phong cách này lớn dần và mong muốn được chia sẻ đến với mọi người của tôi cũng từ đó mà ngày một phát triển theo. Tôi hy vọng mọi người không chỉ dành sự quan tâm mà còn thể hiện được yếu tố cá nhân của mình thông qua phong cách thời trang này.
Nhắc đến ‘quý ông’, mọi người thường nghĩ ngay đến nhân vật của Colin Firth trong bộ phim Kingsman. Vậy Colin Firth có phải là hình mẫu chuẩn của một quý ông? Nếu không, theo anh thế nào là ‘quý ông’?
Bạn có thể nhìn nhân vật của Colin Firth từ Kingsman qua hai cách. Với những ai ngay từ bề ngoài trang phục đã kết luận ngay Colin Firth là một ‘quý ông’ thực thụ, thật sự là một sai lầm. Vì đó chỉ là vẻ ngoài và chúng ta cần phải quan sát ba yếu tố quyết định khác là thái độ, cách ứng xử và hành động. Trong Kingsman, Colin Firth đã từng nhấn mạnh rằng “Manners maketh man” (phong thái làm nên con người), chứ không phải từ những bộ quần áo.
Thực tế, trang phục chỉ chiếm 50% trên con đường trở thành một quý ông. Phần còn lại nằm ở cách ứng xử, lối sống, thái độ của ông ấy với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, và người thương. Để trở thành một quý ông thực thụ, chúng ta nên chú ý hơn tới cách mình tương tác với thế giới bên ngoài, và chủ động giao thiệp với những người cùng chí hướng. Chỉ như vậy, chúng ta mới học được tính khiêm nhường và sự thông thái. Dần dần, những đức tính đó sẽ được phản ánh trên trang phục của chúng ta.
Anh thấy cộng đồng Gent-style ở Sài Gòn tại thời điểm hiện tại đang ở giai đoạn nào?
Các doanh nhân (ở Sài Gòn) có xu hướng nhận định rằng âu phục là một dạng trang phục được thực hiện bởi các thợ may và họ hiếm khi quan tâm đến quá trình làm ra chúng. Mặc dù ở miền Bắc đã có sự hiện diện của cộng đồng Gent-style, ở miền Nam, phong cách này vẫn còn là một điều khá lạ lẫm.
Không có nhiều người chọn mặc phong cách này hằng ngày bởi mọi người thường cho rằng âu phục chỉ phù hợp duy nhất ở những sự kiện trang trọng, ví dụ như các buổi họp hay hội nghị…
Với thời tiết nắng nóng quanh năm của Sài Gòn, thật khó để thấy một người đàn ông chọn khoác lên mình bộ âu phục khi đến một buổi hẹn cà phê hoặc những dịp thường ngày. Tuy nhiên, nếu họ thích âu phục và nghĩ việc mặc blazer như một giải pháp chống tia UV, họ sẽ mặc nó nhiều hơn.
Kế hoạch mở rộng của anh dành cho cộng đồng Gent-style như thế nào? Đó có phải là lí do anh quyết định tham gia Vibeji ở Sài Gòn?
Tôi luôn mong muốn chia sẻ những kiến thức và trải nghiệm mình có về Gent-style đến bất kỳ cá nhân nào sẵn sàng học hỏi. Hiện tại trên Facebook và Instagram, tôi vẫn không ngừng chia sẻ hiểu biết về Gent-style đến mọi người. Đó cũng là lý do tôi quyết định trở thành một host tại Vibeji, nơi cho phép tôi mang niềm đam mê và chuyên môn cổ điển của mình đến gần hơn với mọi người.
Anh có lời khuyên nào gửi đến những chàng trai trẻ đang có ý muốn chuyển mình theo đuổi Gent-style?
Khoan hãy nghĩ đến trang phục, mà điều đầu tiên các bạn cần phải làm là thay đổi cách suy nghĩ và tác phong của mình trước tiên. Chỉ sau khi học được cách khiêm tốn, ứng xử khéo léo, bạn mới bắt đầu đầu tư về khoản trang phục.
Vậy anh có lời khuyên nghề nghiệp nào dành cho những ai theo đuổi công việc tư vấn thời trang, chuyên về Gent-style?
Đam mê đối với công việc này gần như được xem là một yếu tố bắt buộc. Bạn cần tự hỏi bản thân mình có niềm yêu thích chân thành với lĩnh vực này không.
Mỗi cá nhân là một phiên bản duy nhất, không ai là bản sao của ai. Từ đam mê, bạn có thể tự tin khám phá được nét riêng và không buộc bản thân phải gồng mình theo đuổi một điều gì đó không phù hợp.
Hiện tại thông qua Vibeji, Học Bùi đang thực hiện các buổi đối thoại tư vấn kéo dài hai tiếng về phong cách Sartorial-Gentlemen ở Sài Gòn. Anh sẽ giới thiệu lịch sử của Gent-style và tư vấn trang phục riêng dưới dạng hình ảnh. Truy cập Vibeji để tìm hiểu chi tiết.
Bài viết được thực hiện bởi Annie Trieu, dịch bởi Ky Tho.
Xem thêm:
[Bài viết] Catherine Denoual Maison: Dệt thêu những giá trị trường tồn với thời gian
[Bài viết] Nghề Lạ: Kiquy Phạm cắt nghĩa minh họa thời trang