Ngồi ở cấp 3 mà vẫn tích lũy trước học phần Đại học

Vừa làm bài tập về nhà môn hóa vừa tích lũy tín chỉ Đại học, bạn có yêu không nào?
Phan Chung
Nguồn: ĐHQGHN

Nguồn: ĐHQGHN

1. Điều gì vừa xảy ra?

Trường Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) vừa cho phép học sinh trường chuyên tham gia tích lũy tín chỉ bậc Đại học. Cụ thể, từ kỳ 2 của năm lớp 11, các em có thể đăng ký 3 học phần (tương đương 2 tín chỉ trong một kỳ.

Đây không phải là lần đầu tiên câu chuyện học trước Đại học diễn ra ở Việt Nam. Từ năm 2019, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP HCM cho phép học sinh đăng ký với nhà trường để học môn Nhập môn kỹ sư ngành, theo hình thức trực tuyến.

2. Để tích lũy trước tín chỉ Đại học cần đạt yêu cầu nào?

ĐHQGHN cho phép học sinh chuyên của cả nước có thể đăng ký. Tuy nhiên, hình thức đào tạo trước Đại học là trực tiếp nên gần như chỉ phù hợp với học sinh chuyên tại Hà Nội.

Ngoài ra, học sinh phải có kết quả tối thiểu loại giỏi trở lên ở năm học, hoặc kỳ học trước đó. Được biết, tỉ lệ học sinh giỏi của trường chuyên đạt 76.39% trên cả nước năm học 2019 – 2020. Điều này càng khiến nhóm học sinh này có nhiều lợi thế hơn trong việc đăng ký học trước Đại học.

Học sinh cũng phải được hiệu trưởng trường THPT nơi học sinh đang theo học và hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN) đồng ý bằng văn bản.

Tích lũy trước tín chỉ Đại học không phải là chuyện dễ dàng đối với người học. Chưa bàn đến chuyện vừa phải hoàn thành chương trình THPT, vừa "cõng" tín chỉ Đại học, học sinh phải bước qua nhiều yêu cầu khác nhau.

3. Còn cách học trước Đại học nào khác tại Việt Nam?

Tại Việt Nam, trường quốc tế Vinschool cũng áp dụng hình thức tương tự. Các học sinh của trường sẽ tham dự kỳ thi Advanced Placement (AP) để tích lũy tín chỉ ngay từ lớp 11 ở một số môn như Kinh tế vi mô, Kinh tế vĩ mô, Khoa học máy tính đại cương, Sinh học, Hóa học.

Kỳ thi AP (Advanced Placement) bằng tiếng Anh, được tổ chức bởi College Board - Hiệp hội đại diện hơn 6.000 trường Đại học và cơ sở giáo dục hàng đầu thế giới. Chỉ cần đạt điểm 3 trong thang điểm của AP là từ 1 đến 5, học sinh sẽ được miễn tín chỉ với môn học tương ứng ở bậc Đại học.

Với kết quả AP xuất sắc, học sinh không chỉ được miễn tín chỉ mà còn có lợi thế trong cạnh tranh nộp hồ sơ, rút ngắn thời gian và chi phí cũng như nhận được học bổng các trường Đại học tại Mỹ, Canada.

4. Trường chuyên thì được ưu tiên?

Với xu hướng xã hội hóa và tự chủ trong giáo dục như hiện nay, các trường quốc tế, trường tư thục và trường chuyên tỏ ra có ưu thế vượt trội. Không chỉ ưu tiên trong các môn học phụ (âm nhạc, mỹ thuật), học sinh chuyên còn có định hướng ngành học, nghề nghiệp tốt hơn.

Người học còn có môi trường giáo dục tốt, chương trình đào tạo được tối ưu hóa, và môi trường ganh đua.Ngoài ra, chỉ cần là học sinh chuyên, các em đã có cơ hội học Đại học trước, dù số tín chỉ tích lũy không phải là quá lớn (6 trong tổng số 140 tín chỉ).

Tuy nhiên, điều này khá phù hợp để thực hiện tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN) bởi chương trình môn ngữ văn sắp triển khai có những học phần tương tự với bậc Đại học.

Theo đó, các em đã được tập nghiên cứu và viết báo cáo về một vấn đề văn học dân gian; hoặc tìm hiểu ngôn ngữ trong đời sống xã hội hiện đại như ở trường Đại học.

Theo PGS.TS Nguyễn Quang Liệu - Hiệu trưởng Trường chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN - cho rằng, đây là một cơ chế cho phép học sinh học vượt cấp để rút ngắn thời gian học Đại học, tiếp cận sớm hơn và chuyên sâu theo định hướng nghề nghiệp mà các em có đam mê.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn nhận ở câu chuyện áp lực tâm lý lên học hành ở nhóm có lợi thế cũng vì thế mà nhiều hơn. Nhiều câu chuyện thương tâm, hay sự bất bình đẳng trong giáo dục đã được chỉ ra gần đây.

5. Hệ sinh thái giáo dục khép kín có phải tương lai?

Việt Nam ngày càng có nhiều hệ sinh thái giáo dục khép kín. Một số ví dụ điển hình cho mô hình này như Hà Nội-Amsterdam có hai cấp học là THCS (cấp 2) và THPT (cấp 3). Trường chuyên ngữ (THCS, THPT) và trường Đại học Ngoại ngữ của ĐHQGHN. Hoặc Vinschool và VinUniversity có hệ thống đào tạo bao phủ toàn bộ các cấp học.

Có thể nói, vòng tròn giáo dục khép kín khi thị trường giáo dục Đại học tư thục đi vào ổn định là xu hướng mới. Đứng ở góc độ kinh tế, việc các mô hình giáo dục khép kín sẽ tạo ra kinh tế lớn cho khối giáo dục tư nhân. Không chỉ tối ưu hóa được nguồn lực, chi phí, việc có sẵn nguồn học sinh, sinh viên mỗi lần chuyển cấp khiến khâu tuyển sinh ổn định hơn.

Tuy nhiên, chính vòng tròn giáo dục khép kín có thể tạo ra các hệ lụy như ưu tiên tuyển sinh làm cho các học sinh khác mất cơ hội, làm mất tính đa dạng hóa trong sự lựa chọn của học sinh.

Theo tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh, từ thời Trung cổ đến hiện đại, ít có chuyện một trường phổ thông trong một trường Đại học hoặc ngược lại. Mục đích của trường Đại học và THPT là khác nhau.

Với nhiều thế hệ trước đây, con đường học hành của mỗi người không thực sự giống nhau. Ở mỗi cấp từ Tiểu học đến Đại học, mỗi người có thể theo học ở những ngôi trường (đồng thời là môi trường) khác nhau. Dù đây đó vẫn còn chưa hoàn hảo hay bình đẳng, điều này vẫn cho thấy sự đa dạng và tiếp cận các nguồn lực của người học.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục