"Xã hội hóa" có là đích đến cuối cùng của giáo dục? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

"Xã hội hóa" có là đích đến cuối cùng của giáo dục?

Không phải ai cũng đủ nguồn lực để lựa chọn.
"Xã hội hóa" có là đích đến cuối cùng của giáo dục?

Nguồn: Doruk Yemenici/Unsplash

Phần trước: Chương trình lớp 10 mới: Liệu có quá ưu đãi cho học sinh thành phố?


Chương trình giáo dục mới trao nhiều quyền lựa chọn vào tay học sinh hơn. Nhưng để thực hiện quyền vừa được trao một cách hiệu quả, người học đứng trước thách thức phải tiếp cận đủ thông tin và nguồn lực để chọn đúng đắn và sống sót với lựa chọn đó, thay vì bỏ cuộc khi đường học còn dang dở.

Nói cách khác, các học sinh được bình đẳng về quyền lựa chọn môn học, nhưng bản chất các lựa chọn gần như chưa bao giờ là bình đẳng.

Càng nhiều lựa chọn, càng bất bình đẳng

Với xu hướng xã hội hoá và tự chủ trong giáo dục, số lựa chọn chương trình đào tạo tăng lên chóng mặt và phân tầng dựa trên khả năng chi trả của phụ huynh. Chẳng hạn, để khắc phục giáo án nặng nề và cơ sở hạ tầng thiếu thốn của trường công, các em có thể chọn trường quốc tế, trường tư thục, và trường chuyên.

Các em học sinh xuất thân từ gia đình có điều kiện dư dả có thể theo học hệ thống trường quốc tế, nơi ngoại ngữ, hoạt động hướng nghiệp và các môn tự chọn có tính chuyên biệt cao được tích hợp thẳng vào chương trình học từ rất sớm.

Trường tư thục với chương trình đào tạo trong nước cũng là lựa chọn tốt với các gia đình có nền tảng kinh tế tốt. Với sự linh hoạt tương đối trong cách truyền tải kiến thức, kiểu trường này có khả năng đào tạo mũi nhọn hướng về lĩnh vực các em quan tâm, phục vụ cho các bài thi.

Trường chuyên thì không yêu cầu đầu tư lớn về mặt tiền bạc cho chương trình chính khoá. Tuy nhiên, với đặc thù môi trường ganh đua, phân hoá cao, các gia đình thường sẽ phải chi tiền cho con vào những chương trình giáo dục ngoài luồng từ khi còn nhỏ.

Nội dung học, bên cạnh đáp ứng cho kỳ thi khốc liệt vào chuyên, còn bao gồm nghệ thuật (âm nhạc, hội hoạ), ngoại ngữ, và hoạt động ngoại khoá. Vị chi, học phí có khi cũng chẳng kém gì cho với trường tư và trường quốc tế. Thế nên, nhìn chung xuất thân của học sinh chuyên chủ yếu vẫn là từ khá giả trở lên.

Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa giáo dục công và nguồn lực xã hội hoá là lý do vì sao trường chuyên đào tạo ra nhiều học sinh xuất sắc.

Giáo dục chuyên vì thế có thể xem là trường hợp mà chương trình phổ thông mới nên lấy làm kinh nghiệm phát triển. Vì nó đã cho thấy, để lựa chọn được khuynh hướng ngành nghề và môn chuyên sau này, học trò thường phải trải qua quá trình rèn giũa từ khá sớm, được đầu tư bởi hầu bao của cha mẹ.

Sự lựa chọn chỉ đem đến niềm vui và sự hiệu quả trong học tập cho một thiểu số học sinh với nền tảng gia đình khá từ trước. Phần còn lại của hệ thống giáo dục sẽ phải thay đổi theo sự chọn lựa này.

Cái giá của tự do lựa chọn

Song song với niềm phấn khích của các em học sinh sắp đến giai đoạn chuyển cấp là nỗi lo thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở nhiều địa phương. Để việc lựa chọn môn học diễn ra theo đúng nhu cầu của học sinh, nhiều câu hỏi đã được đặt ra cho các nhà trường. Ví dụ như:

  • Nhà trường sẽ phân bổ nguồn lực giáo viên thế nào khi có tình trạng một số môn được học sinh chọn quá nhiều hoặc quá ít?
  • Với các môn học mới xuất hiện trong chương trình lớp 10 như Âm nhạc và Mỹ thuật, nhà trường sẽ lấy giáo viên ở đâu?
  • Tuyển thêm giáo viên mà học trò không học, liệu các thầy cô sẽ không còn việc làm?

Để khắc phục những khúc mắc trên, nhiều nhà trường quyết định xây dựng một số tổ hợp môn dựa trên nguồn lực sẵn có. Tuy vậy, cũng có ý kiến cho rằng việc gợi ý các em đăng ký một trong số những tổ hợp sẵn có như thế sẽ trái với tinh thần tự do lựa chọn theo sở thích, năng lực của chương trình phổ thông mới.

Áp lực từ lựa chọn của học sinh không chỉ đè nặng lên công tác phân bổ nhân sự từ các trường học, mà còn lên vai từng giáo viên. Được tự do lựa chọn đồng nghĩa với việc sẽ có cạnh tranh giữa các môn và các nhóm môn. Để thu hút học sinh và thích ứng với chương trình mới, nhà giáo sẽ phải học thêm những mảng chuyên môn khác bên cạnh chuyên môn sẵn có.

Nguồn Tragrave NguyễnUnsplash
Các giáo viên giờ đây có thêm áp lực môn mình dạy liệu có học sinh học hay không? | Nguồn: Trà Nguyễn/Unsplash

Theo trao đổi với các sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội, ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, nhiều em cam kết với con đường làm nghề giáo đã ôn luyện văn bằng IELTS. Các em tin rằng đây là cách tốt nhất để thích nghi trong môi trường quốc tế hoá sâu rộng như hiện nay.

Để có được kỹ năng giao tiếp ngoại ngữ thực tế nhất trong cuộc sống và công việc, thay vì quá nặng ngữ pháp như chương trình sẵn có ở đại học, sinh viên sẽ phải tự bỏ tiền để ôn luyện và thi lấy văn bằng này. Chi phí khá lớn so với mặt bằng thu nhập của các gia đình bình dân Việt sẽ khiến nhiều em sinh viên thiếu cơ hội tiếp cận với IELTS.

Ngoài ra, với sự phân chia “môn bắt buộc” và “môn tự chọn”, sinh viên Sư phạm cũng sẽ ưu tiên nguyện vọng học các chuyên ngành bắt buộc như Toán, Văn, Ngoại ngữ. Công bằng mà nói, với sự điều tiết của thị trường lao động, nhiều môn học truyền thống sẽ dần trở nên thất thế.

Bài toán cạnh tranh và thích nghi của nhà trường và nhà giáo sẽ còn hóc búa hơn nữa trong tương lai.

Hướng đến nền giáo dục tự do hay công bằng?

Có thể thấy, dù với châm ngôn tự do lựa chọn, chương trình giáo dục phổ thông mới vẫn có nhiều nội dung hướng đến sự công bằng và đa dạng trong xã hội. Việc đưa chương trình tiếng dân tộc hay nội dung giáo dục của địa phương vào giảng dạy là một bước tiến lớn, dù bước đầu sẽ gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần phân tích từ triết lý cốt lõi của vấn đề: Nhiều sự lựa chọn trong giáo dục hơn cũng có nghĩa là học sinh bị phân hoá, không chỉ về khả năng học tập hay thiên hướng nghề nghiệp, mà còn về thu nhập gia đình.

Bên cạnh những lựa chọn được giáo dục chính quy cung cấp, chúng ta không thể phủ nhận rằng các hình thức giáo dục thay thế, từ kỹ năng mềm cho tới ngoại ngữ, tư vấn du học, sẽ ngày càng có nhiều chỗ đứng trong nền giáo dục Việt Nam.

Sự giảm tải về thời gian của chương trình học mới là tiền đề để học sinh và phụ huynh lựa chọn xem họ sẽ khoả lấp thời gian rảnh rỗi bằng hoạt động gì. Khi các lớp luyện IELTS lấp đầy thời gian đó và trở thành hành trang không thể thiếu cho thị trường lao động, ta có thể tưởng tượng ra bao con người chạy nhanh hơn, và chạy chậm hơn trên đường đua đến tương lai. Đó là kết quả của bất bình đẳng về nguồn lực giáo dục.

Điều tốt nhất có thể hướng đến là sự cân bằng giữa giáo dục công và giáo dục xã hội hoá. Bên cạnh việc cung cấp thêm lựa chọn, các thiết chế giáo dục công cộng cần hỗ trợ về mặt tài chính đối với những ai không đủ nguồn lực lựa chọn. Đặc biệt là khi các văn bằng “ngoài chương trình” bắt đầu trở thành tiêu chí tuyển sinh đại học trong nước.

Nguồn Yaroslav ShuraevPexels
Bên cạnh việc cung cấp thêm lựa chọn, các thiết chế giáo dục công cộng cần hỗ trợ về mặt tài chính đối với những ai không đủ nguồn lực lựa chọn. l Nguồn: Yaroslav Shuraev/Pexels

Sự lựa chọn cũng chỉ thực sự có ý nghĩa khi người học trò lớn lên với sự nhận thức đầy đủ về xã hội, về đặc quyền của bản thân mình, về cuộc đời của những người khác, và về sự đồng cảm.

Thông qua giáo dục, thế hệ trước trao quyền kế thừa xã hội cho thế hệ sau. Có thêm hiểu biết về các chính sách ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc đời mình như chương trình phổ thông mới, Gen Z có thêm cơ hội xây dựng một xã hội công bằng hơn so với những gì họ kế thừa.