Người Việt với giải Nobel Văn chương và câu chuyện "gốc Việt"

Có thể bạn chưa biết: nhà ngoại giao Lê Đức Thọ là người Việt đầu tiên thắng giải Nobel, nhưng trước ông đã có những người Việt khác chạm tới giải thưởng danh giá này.
Sơn Hoàng
Nguồn: AP/Nhà văn hiện đại, quyển 3 (Vũ Ngọc Phan)

Nguồn: AP/Nhà văn hiện đại, quyển 3 (Vũ Ngọc Phan)

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Nhiều người trong chúng ta có lẽ còn nhớ sự kiện Hội nhà văn Việt Nam nhận được thư xin đề cử cho giải Nobel Văn chương 2022 khi thời hạn ứng cử đã qua từ lâu. Đó cũng là nguồn cơn của nhiều cuộc đối thoại trong năm vừa qua về khát vọng chinh phục giải Nobel của văn học Việt Nam.

Khi nhắc tới người Việt và giải Nobel, chúng ta thường nghĩ tới nhà ngoại giao Lê Đức Thọ và giai thoại ông từ chối giải Nobel Hòa bình vào năm 1973. Tuy nhiên, Lê Đức Thọ không phải là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất góp mặt trong danh sách đề cử giải Nobel.

Vào đầu tháng 1 năm nay, Viện hàn lâm Thụy Điển công bố danh sách 100 ứng viên của giải Nobel Văn chương năm 1972. Trong danh sách ấy có một nhà thơ, nhà soạn kịch người Việt là Vũ Hoàng Chương - người đã khẳng định tài năng văn chương từ giai đoạn cuối của phong trào Thơ mới.

2. Văn nghiệp của Vũ Hoàng Chương có gì đặc sắc?

Là một nhà thơ lớn từng góp mặt trong nhiều tuyển tập thi ca, nhiều bộ lịch sử văn học hay các bộ tiểu sử văn học trong nước, nhà thơ Vũ Hoàng Chương (1915-1976) lại không được nhiều người biết tới so với Huy Cận, Xuân Diệu, hay Nguyễn Đình Thi. Ông từng học trường trung học Albert Sarraut - ngôi trường học hoàn toàn theo chương trình của Pháp tại Đông Dương.

Ông xuất hiện trên văn đàn vào năm 1940 với tập thơ Thơ say và tiếp tục để lại dấu ấn cá nhân của mình trong phong trào Thơ mới với tập Mây vào năm 1943. Ta cần lưu ý rằng phong trào Thơ mới khởi đầu từ năm 1932, như vậy Vũ Hoàng Chương xuất hiện khá muộn.

Ấy vậy mà chỉ một năm sau tập thơ đầu tay, ông đã góp mặt trong tác phẩm phê bình Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân, sau đó lại xuất hiện trong tập Nhà văn hiện đại (1942) của Vũ Ngọc Phan. Điều này cho thấy dấu ấn đậm nét của Thơ say.

Sau khi vào miền Nam, ông nhanh chóng hòa nhập với không khí văn nghệ tại đó và sáng tác đều đặn. Tập thơ Hoa đăng (1959) của ông được “Giải văn học nghệ thuật toàn quốc” của chính quyền Sài Gòn.

Ông cũng là đại diện tham dự Hội nghị Văn bút châu Á (1964) tại Bangkok và Hội nghị Văn bút Quốc tế vào năm 1965 và 1967, lần lượt tại Nam Tư và Bờ Biển Ngà.

Ngoài việc sáng tác, Vũ Hoàng Chương sống bằng nghề dạy học trong cả giai đoạn ở miền Bắc lẫn khi di cư vào Nam sau năm 1954. Dù vậy, theo lời Vũ Hoàng Chương trả lời phỏng vấn với đài Tiếng nói Tự do vào năm 1973, thì "việc chính yếu của tôi là làm thơ, còn việc dạy học chỉ là phụ thuộc."

Cũng trong buổi phỏng vấn ấy, Vũ Hoàng Chương có nhắc rằng ông có 3 tập thơ có bản dịch Pháp ngữ đối chiếu, một tập có bản Anh ngữ, và một tập thơ Đức ngữ. Tập thơ Anh ngữ mà ông nói tới là tập Cảm thông với nhan đề tiếng Anh là Communion do Nguyễn Khang phiên dịch và xuất bản năm 1960.

Vào năm 1963, ông xuất bản tập thơ Thi tuyển với nhan đề tiếng Pháp là Poemes Choisis kèm theo bản dịch của thi sĩ người Bỉ Simone Kuhnen de La Cœuillerie. Trước đó, thi sĩ Bỉ cũng dịch một số bài thơ khác của ông và xuất bản trong tập thơ Les 28 Etoiles.

Năm 1966, thi sĩ người Áo Kosmas Ziegler dịch một số bài thất ngôn tứ tuyệt của Vũ Hoàng Chương sang tiếng Đức. Tập thơ mang tên Die Achtundzwanzig Sterne tức "28 vì sao," ám chỉ tổng số tiếng trong một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt.

Dù tài thi ca nổi tiếng trên văn đàn miền Nam và được phong là thi bá, cũng có một số người chỉ trích thơ Vũ Hoàng Chương. Ngay từ năm 1942, Lương Đức Thiệp trong cuốn Việt Nam thi ca luận đã phê rằng: "Ông Thế Lữ, ông Xuân Diệu, ông Vũ Hoàng Chương đã có một nghệ thuật khá vững vàng mà cũng không tránh được "đá vè" trong nhiều bài "sáu-tám."

Tới năm 1960, thi sĩ Chế Lan Viên có một bài viết dài trên báo Nghiên cứu văn học số tháng 4, trong đó chỉ trích thơ ông là trụy lạc, và tập thơ Hoa đăng là xa rời quần chúng, sa đọa về chính trị. Ở đoạn kết, Chế Lan Viên có nhắn nhủ: "Hãy làm lại cuộc đời mình đi Vũ Hoàng Chương."

3. Ai đã đề cử Vũ Hoàng Chương?

Để thu thập các ứng viên trên thế giới cho giải Nobel Văn chương, Viện hàn lâm Thụy Điển sẽ gửi thư tới những người từng đoạt Nobel, các giáo sư ngữ văn, các viện hàn lâm, các hiệp hội xuất bản văn học,... để tìm ứng viên.

Theo danh sách mà Viện hàn lâm công bố, người đề cử Vũ Hoàng Chương là một cá nhân có tên “Thang Lang” tới từ một đơn vị tên là “vietnamesika P.E.N-klubben” ở Sài Gòn. Có khả năng đơn vị này chính là Trung tâm Văn bút Việt Nam - một hiệp hội nghệ thuật tại miền Nam mà chính Vũ Hoàng Chương từng là chủ tịch.

Tuy nhiên, cái tên “Thang Lang” dường như là một sự nhầm lẫn trong ghi chép. Trong giới nghiên cứu văn học miền Nam trước năm 1975, không có cá nhân Thang Lang nào, nhưng có một nhà nghiên cứu nổi bật tên là Thanh Lãng.

Ông quan tâm tới các vấn đề về văn chương và ngôn ngữ, và là tác giả của nhiều sách nghiên cứu và khảo cứu nổi tiếng như Khởi thảo văn học sử Việt Nam: Văn chương bình dân (1953), Bảng lược đồ văn học Việt Nam (1967), hay 13 năm tranh luận văn học (1995). Đặc biệt, Thanh Lãng là giáo sư tại Đại học Văn khoa Sài Gòn, cũng là chủ tịch kế nhiệm Vũ Hoàng Chương tại Trung tâm Văn bút Việt Nam.

4. Vũ Hoàng Chương có phải người Việt đầu tiên được đề cử Nobel?

Trên thực tế, trước Vũ Hoàng Chương đã có một văn sĩ Việt khác được đề cử giải Nobel vào năm 1969. Đó là nhà văn Hồ Hữu Tường - người không chỉ nổi tiếng trong lĩnh vực văn chương và nghiên cứu văn học, mà còn có nhiều tác phẩm về chính trị, kinh tế, triết học. Ông cũng tham gia biên soạn sách giáo khoa bậc trung học cho Bộ Giáo dục Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa vào năm 1946.

Theo thông tin do Viện hàn lâm Thụy Điển công bố, người đã đề cử nhà văn Hồ Hữu Tường là một vị giáo sư ngành văn học Việt Nam tại Đại học Sài Gòn (University of Saigon) có tên Dong-Ho. Đây có thể là nhà thơ, nhà văn hóa, giáo sư văn chương Đông Hồ, tên thật là Lâm Tấn Phác (1906-1969) - một trí thức văn nghệ sĩ nổi bật khác của thế kỷ trước.

5. Nhìn nhận danh tính “gốc Việt” ra sao?

Sự quan tâm của dư luận đến các tên tuổi Việt trùng thời gian với một số tranh luận về "gốc Việt" trên internet. Quả thực, danh tính là vấn đề ngày càng được chú ý khi những nhà văn gốc Việt đạt thành tựu trên văn đàn quốc tế như Ocean Vuong, Viet Thanh Nguyen, Linda Lê,... được biết đến rộng rãi ở trong và ngoài nước.

"Gốc Việt" khi được nhắc tới có thể hàm chứa vô vàn sự tự hào. Nhưng áp lực của một danh tính có thể khiến người tài khó được nhìn nhận với tư cách cá nhân họ. Hoặc cụ thể hơn, một tác phẩm văn chương hay có thể không được đánh giá công bằng và công tâm chỉ vì công chúng và các chuyên gia đánh giá nó dựa trên những thiên kiến phi văn chương.

Nếu vẫn giữ câu chuyện gốc gác làm tiêu chí đánh giá, ta vừa dễ "nhận vơ" nhiều cá nhân trên thế giới vào cộng đồng của mình, lại vừa bỏ quên nhiều người tài xứng đáng được biết đến và tôn trọng.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục