Nguyễn Huy An: "Cái đẹp như là cái bẫy"

“Còn nếu được tàng hình, tôi sẽ chạy một vòng cái đã rồi tính tiếp."

Phan Chung
Nghệ sĩ đương đại Nguyễn Huy An

Nguồn: Nguyễn Huy An

Nguyễn Huy An ra mắt tác phẩm nghệ thuật đầu tiên năm 2004 trong một triển lãm thuộc nhóm tại Nhà Sàn Studio. Anh cũng từng triển lãm rộng rãi nhiều nơi trong nước như Galerie Quỳnh, Nhà Sàn Collective, VCCA, cũng như tham gia các triển lãm quốc tế như Singapore Biennale (2013), Istanbul Biennale (2015)...

Không định chế mình trong chỉ một phương tiện nghệ thuật nào, Nguyễn Huy An có thể vẽ, viết, trình diễn, điêu khắc. Anh thường lấy chất liệu gắn liền với ký ức, bày ra trước công chúng những tác phẩm gợi lên ý nghĩa phổ quát theo góc nhìn riêng. Vì thế, tóc, vải, váy, mực, giấy... qua bàn tay của Nguyễn Huy An đều biết kể chuyện.

Nguyễn Huy An thừa nhận mình có tâm thế "yếu thế" nên hơi bi quan trong cuộc sống. Điều này ảnh hướng đến cách tiếp cận các đối tượng để tạo tác nghệ thuật. Tuy nhiên, tác phẩm anh đưa đến cho công chúng, ngoài cái đẹp còn là sự tác động tâm hồn, thời đại.  

Anh hình dung về công chúng thưởng lãm nghệ phẩm của mình như thế nào?

Họ là một số đông bao gồm nhiều lứa tuổi, ngành nghề khác nhau, có tri kiến, có khiếu cảm thụ nghệ thuật. Nhưng thực tế, cũng có những người không có điều đó nhưng nói rằng, họ thích tác phẩm của tôi.

Anh sẽ nói điều gì về tác phẩm của mình cho người không biết gì về nghệ thuật đương đại, văn hóa truyền thống Việt Nam?

Đôi khi tôi hay nói rằng đừng xem nó như là nghệ thuật. Hành vi ấy, hình ảnh ấy, màu sắc ấy... bạn thấy thế nào hay cảm nhận ra sao? Tất nhiên, một số tác phẩm cần thiết phải giải thích nếu khán giả không biết. Điều này không khó, chúng ta có thể tìm thấy hầu hết điều đó trên Wikipedia mà.

Tiêu chí nào là quan trọng nhất để anh công bố tác phẩm của mình đến công chúng?

Tiêu chí quan trọng nhất chính là việc tôi thấy nó "được" trong thời điểm đó. Cái "được" ở đây là tác phẩm phải đơn giản - mạch lạc - sáng sủa - gợi lên điều phổ quát theo ý đố của tôi.

Cái đẹp nằm ở đâu trong tác phẩm nghệ thuật đương đại, theo anh?

Tôi nghĩ mọi người đang dùng từ "ĐẸP" vì quen miệng. Việc sử dụng tiêu chí "ĐẸP" để đánh giá một giá trị tinh thần (của tác phẩm nghệ thuật đương đại và ngoài đương đại như cổ điển, phương Tây, phương Đông...) có lẽ không ổn.

Sức mạnh của nghệ thuật không chỉ nằm ở cái đẹp mà còn được thể hiện qua sự tác động đến người thưởng thức nghệ thuật. Đôi khi tôi thấy, cái đẹp như là cái bẫy. Dù nghệ thuật đương đại có vẻ có xu hướng khước từ việc làm đẹp thì nó vẫn rơi vào cái bẫy đó.

Anh sẽ gửi tác phẩm nào đến một người đang lạc lối?

Còn tùy vào tôi của thời điểm nào và tùy vào "người đó là ai" và "lạc" kiểu gì. Có lần, tôi đã muốn gửi hình ảnh tranh của Delatour cho một người tôi quen.

Khi bế tắc trong công việc anh sẽ làm gì?

Vẫn làm mọi thứ nhưng làm trong trạng thái bế tắc.

Nếu một ngày không thực hành nghệ thuật nữa, anh sẽ làm những công việc gì?

Có lẽ tôi vẫn sẽ làm những việc liên quan tới nghề vẽ như dạy học, trang trí... 

Nếu được tàng hình anh sẽ...

Chạy một vòng cái đã rồi tính tiếp.

Lời khuyên tệ nhất anh từng nghe?

Ngày xưa có lần tôi được khuyên nên bỏ ý định học nghệ thuật. Nhưng tôi không chắc lắm. Biết đâu sau này lời khuyên này lại có lý. Làm sao để biết cái gì là tệ hay không?

Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory là không gian đầu tiên tại Việt Nam có chủ đích dành riêng cho nghệ thuật đương đại. Mang mô hình như một doanh nghiệp xã hội, The Factory tập trung vào các hoạt động văn hoá liên ngành nhằm giới thiệu và nâng cao kiến thức về nghệ thuật đương đại tại Việt Nam.

Địa chỉ: Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory, 15 Nguyễn Ư Dĩ, Phường Thảo Điền, Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh
Thông tin liên hệ: art@factoryartscentre.com | +84 (0)28 3744 2589


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục