Nhà văn Nguyễn Một: Mong người trẻ hiểu về quá khứ và ứng xử tốt với tương lai"

Từng bị trêu: “Tên gì mà như cục gạch" - cộc lốc và khô cứng. Nhưng dòng chảy thơ ca lãng mạn, trữ tình trong ông lại mượt mà, êm ả đến lạ kỳ.
Rachel Võ
Nguồn: Khooa Nguyen cho Vietcetera

Nguồn: Khooa Nguyen cho Vietcetera

Chiến tranh là câu chuyện của hàng chục năm về trước, với những đau thương lấp đầy lên thế hệ cha ông. Nhưng với những người trẻ đang được hưởng thành quả của độc lập, tự do, làm sao để họ cảm nhận được quá khứ tàn khốc ấy, để trân trọng những gì mình đang có và nỗ lực hơn cho tương lai?

Nhà văn Nguyễn Một đã trả lời những câu hỏi ấy trong cuốn sách Từ Chín Giờ Đến Sáu Giờ mà ông ấp ủ trong suốt 11 năm qua. Cuốn sách mượn góc nhìn của người dân vô tội phải hứng chịu bom đạn chiến tranh, cho độc giả thấy được một góc nhìn chân thực và nhức nhối. Ông cũng là cây bút trụ cột của Hội Nhà văn Việt Nam, với những tác phẩm Đất Trời Vần Vũ, Chim Bay Về Núi…

Đến với Have A Sip lần này, bên cạnh những chia sẻ về văn chương, tình yêu hay cuộc sống, nhà văn Nguyễn Một còn thể hiện niềm tin, sự lạc quan sâu sắc về những thành tựu thế hệ trẻ có thể đạt được trong tương lai.

Khi khó khăn cũng là gia sản

Nhà văn Nguyễn Một sinh ra và lớn lên trong bối cảnh bom bay đạn lạc, bố ông hy sinh khi ông còn chưa thành hình. Năm lên 4, mẹ ông cũng qua đời do trúng phải một viên đạn lạc. Đến tận bây giờ, ông vẫn không biết sinh nhật của mình:

“Tôi lớn lên rong ruổi những cuộc tình

Chưa có cô gái nào biết tôi chào đời vào bình minh hay đêm tối

Bởi chính mẹ tôi còn không nhớ nổi

Thì làm sao tôi trả lời câu hỏi của em”

Vì cuộc sống mưu sinh quá khắc nghiệt, ông đã từng mơ ước mình có một cuộc đời khác. Mồ côi cha mẹ từ bé, khi lớn lên, ông phải vừa làm giáo viên, vừa đạp xe đẩy thùng cà lem đi bán hàng chục cây số mỗi ngày để mưu sinh. Nhưng ông cũng nhận ra mình không có quyền định đoạt số phận của mình, mà phải chấp nhận và khiến cho cuộc sống tốt lên. Ông nghĩ bản thân cũng phải đóng góp những điều tốt đẹp để giảm bớt đau thương cho nhân loại.

Đó là lý do ông viết Từ Chín Giờ Đến Sáu Giờ để gửi gắm đến các bạn trẻ. Dù các bạn sinh ra ở một thời đại khác, không hiểu thế nào là nỗi đau bom đạn. Nhưng ít nhất các bạn có thể hiểu được sự khắc nghiệt thời chiến, thấy được ông cha ta đã nghị lực như thế nào, từ đó thêm trân trọng hiện tại, làm những điều tốt đẹp cho tương lai.

Văn hoá đọc của người trẻ không hề cực đoan

Trong những ngày tháng mưu sinh vất vả, con chữ chính là người bạn đồng hành của ông trên mọi nẻo đường. Ông đọc tất cả những gì mình thấy, từ tờ giấy gói bánh mì cho đến sách trong thư viện. Bà ngoại còn thường trêu ông là đồ “ngộ chữ”.

Đến sau này, khi “lao động bằng con chữ", niềm đam mê ấy vẫn không hề giảm đi mà thậm chí còn sâu đậm hơn. Để hoàn thành Từ Chín Giờ Đến Sáu Giờ , ông đã dốc toàn bộ sức lực nghiên cứu, thu thập dữ liệu suốt 11 năm trời. Thậm chí, ông còn chuyển hẳn về Tây Ninh sống một thời gian để có thêm nhiều góc nhìn đưa vào tác phẩm. Ông không muốn tác phẩm của mình hời hợt, cẩu thả, vì “chữ còn không sạch thì bán cho ai?”

Ở thời hiện tại, các bạn trẻ có lợi thế về công nghệ, có di động và TV, nên không chú tâm vào việc đọc nữa. Nhưng ông cho rằng chúng ta đừng nên băn khoăn về chuyện họ đọc sách một cách hời hợt. Vì dù có nhiều cách để tiếp cận thông tin, song đó cũng là hạn chế, vì lượng thông tin các bạn phải tiếp cận rất khổng lồ. Và nếu họ tiếp nhận dù chỉ một ít trong số vô vàn thông tin đó thì cũng đã rất đáng quý.

Ông cho rằng: “Dù ta hay than phiền tại sao người trẻ không bằng thế hệ trước, thì tại sao thế giới lại ngày càng phát triển?”


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục