Nhạc sĩ Đỗ Bảo - Người sáng tạo phải thích ứng hiện thực để tìm ra ‘sản vật' trong nghệ thuật
Trong thế hệ nhạc sĩ 7X, Đỗ Bảo là người vừa được giới chuyên môn đánh giá cao, vừa được công chúng yêu thích. Dù là những sáng tạo độc đáo ở vai trò sản xuất (đĩa nhạc Nhật Thực) hay sáng tác những bản tình ca, Đỗ Bảo luôn là một nghệ sĩ nắm bắt được những kỹ thuật và cảm xúc tinh tế để hoà vào bài ca.
Bên cạnh các "bức thư tình" bằng âm nhạc, Đỗ Bảo còn được yêu thích bởi những Cánh cung với Thời gian để yêu, Mùa thu, Những mùa đông yêu dấu… Ở giai đoạn sau này, nhạc sĩ đã thôi chờ đợi những bản tình ca tìm đến mà đi sâu vào chiêm nghiệm, mở rộng thế giới quan trong kho tàng âm nhạc của mình. Cánh cung 3: Chuyện của mặt trời chuyện của chúng ta là một "thể nghiệm" mà ở đó những người yêu nhạc Đỗ Bảo đắm chìm trong những suy tư, trăn trở rất con người.
Khẳng định “không ai làm việc nhiều như tôi,” Đỗ Bảo âm thầm sáng tác và sản xuất các hoà nhạc. Trở lại với hai concert Một Mình Bao La ở cả Hà Nội và Sài Gòn, nhạc sĩ Những khung trời khác mang đến những bản hit và sáng tác mới thông qua các giọng ca trẻ.
Nhân dịp này, Vietcetera có cơ hội ngồi lại trò chuyện với Đỗ Bảo, để hiểu hơn công việc sáng tạo của một trong những nhạc sĩ thành công nhất trong 20 năm qua tại Việt Nam.
Sau 10 năm khá im ắng, anh đã chuẩn bị điều gì và có bất ngờ nào cho khán giả?
Có thể xem là một lời hẹn với khán giả từ lâu rồi, lần hẹn từ 10 năm trước. Đây là lời hẹn cấp số nhân với rất nhiều khán giả thúc giục, luôn chờ đợi bao giờ Đỗ Bảo làm show tiếp. Thành công của Cánh cung 10 năm trước gây cảm hứng rất lớn trong lòng khán giả, đặc biệt là những khán giả thân thiết.
Tôi có một nhu cầu, một sự thúc ép nội tại phải làm tiếp, dù làm một đêm nhạc là rất khó khăn. Đặc biệt, với một tác giả mang tính chất ít hoạt động giải trí như tôi thì sẽ càng khó hơn khi tổ chức những hoà nhạc lớn.
Với riêng tôi, những đòi hỏi làm nghề cũng khác với những nghệ sĩ khác. Ví dụ, ca sĩ làm show có thể gửi gắm cho một đơn vị nào đấy lo hết tất cả mọi thứ và họ chỉ hát. Tôi thì làm show phải bằng tất cả hiểu biết của mình về những vấn đề tổ chức, sản xuất, sân khấu, âm nhạc, dàn nhạc, tất tần tật.
Đâu đấy thì tôi cảm thấy khối lượng lớn tới mức ngại, nhưng thực ra bởi vì sự nghiệp âm nhạc và vì những lời hẹn, cũng đã đến lúc phải tiếp tục. Năm nay tôi gặp đội ngũ ở một công ty cũng toàn những bạn trẻ, những khán giả nghe nhạc Đỗ Bảo rất lâu rồi. Họ cũng rất nhiệt tình và quyết liệt trong việc thúc ép tôi làm các chương trình lớn.
Như anh nói, concert tác giả sẽ khác với ca sĩ. Anh đặt tâm huyết và có những yêu cầu riêng gì với hai đêm nhạc Một Mình Bao La?
Thực ra cũng là một cái duyên. Tôi đi tới cảm giác tự tin trong việc làm hai đêm nhạc lần này tại hai thành phố lớn. Dù có nhiều nỗi lo nhưng tôi cũng đã có những chuẩn bị rất riêng.
Ví dụ như kế hoạch lần này không phải là dàn nhạc cố định mà họ phải đi vào trong Nam để diễn, rồi mới trở ra Hà Nội. Các quy định về mặt âm nhạc cũng phải có cái khác với cách sản xuất của mười năm trước. Chẳng hạn như có tác phẩm mới, có ca sĩ mới lần đầu tiên biểu diễn nhạc Đỗ Bảo. Đó là những sự tiếp nhận lần đầu.
Hay về mặt sân khấu, hai địa điểm lần này đều là sân khấu rất lớn so với cung Việt Xô ngày xưa ở Hà Nội 10 năm trước. Lần này là rạp Hòa Bình ở TP.HCM và Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở Hà Nội. Sân khấu lớn đi kèm với vấn đề về mặt thị giác, tức là trình bày, lớp lang trên sân khấu.
Đạo diễn Nguyễn Linh cũng rất háo hức và nhiều cảm hứng cho việc sáng tạo sân khấu. Tôi cũng muốn giữ bí mật vì thực ra tôi cũng không biết hết những gì bạn ấy chuẩn bị, cái này cũng phải có ý kiến của Linh nữa. Nhưng tôi tin rằng, với những gì mà từ đầu đến giờ đã thực hiện thì tôi tin là sân khấu sẽ rất đáng để xem.
Làm show khi 35 tuổi và làm show khi 45 tuổi hẳn sẽ rất khác. Với riêng Đỗ Bảo, chặng đường 10 năm qua tới giờ khác như thế nào?
Riêng hành trình sáng tác thì có rất nhiều sự đổi khác theo thời gian. Khi tôi nhiều tuổi hơn, các vấn đề quan tâm cũng khác. Ví dụ ở tuổi 25, tôi sẽ quan tâm tới vấn đề gì đó thân thuộc với 25. 35 thì cũng là một cái mốc ở/của tuổi 30. Cái này cũng dễ hiểu với tất cả mọi người. Tôi có những sự quan tâm cũng như áp lực cuộc sống khác nhau, đòi hỏi trong thường nhật rất khác nhau ở mọi lứa tuổi. Nó chi phối cảm xúc sáng tác rất nhiều, đặc biệt là các đề tài.
Bây giờ tôi không quá chờ đợi những bản tình ca vì đã viết rất nhiều rồi. Tôi muốn các bản tình ca về cuộc sống, về đời sống nhiều hơn, triết lý nhân sinh quan nhiều hơn. Có lẽ cũng là một cái mốc tự nhiên của tất cả các khán giả. Tuy nhiên thì tình ca vẫn sẽ là một điều gì đó không bao giờ thiếu vắng trong dòng chảy cảm xúc. Tôi nghĩ rằng, đâu đấy sẽ vẫn có tình ca nhưng không phải là nội dung bắt buộc hay đề tài chính.
Chẳng hạn tôi viết về tuổi thơ, có những sáng tác trong chương trình lần này về đề tài đó. Lại có những ca khúc như thể là lời an ủi, hay từ mọi người hay dùng là chữa lành. Tôi có viết cả những thứ như vậy, và vẫn có tình ca.
Đề tài càng ngày càng rộng mở, và tôi viết những gì mình chưa viết. Ở tuổi của tôi kho tàng tác phẩm tình ca hay đề tài này kia tôi viết nhiều rồi, hàng trăm bài. Những gì đã diễn đạt rồi mình không ân hận nữa thì không cần quay lại, phải tìm gì đó mới.
Concert được xem là thành công của một nhạc sĩ sẽ thế nào?
Gần đây tôi xem bộ phim về ban nhạc Queen. Trong đó có một đêm nhạc quyên góp cho người dân châu Phi vào những năm đã lâu rồi (Live Aid). Đó là một đêm nhạc cực kỳ lớn trên toàn thế giới. Trong đêm nhạc đó, rất nhiều band nhạc nổi tiếng, riêng màn biểu diễn của Queen được dựng thành phim sau này.
Tôi nhớ mãi vì nó mang tính huyền thoại, gắn với một huyền thoại; và bản thân chính những tác phẩm trong đó cũng rất tuyệt vời. Thế nên có vấn đề là tác phẩm nội tại phải tốt để thăng hoa, vượt thoát khỏi đời thường. Nhưng tôi nghĩ cũng cần thời gian, sự sống qua thời gian thì mới trọn vẹn nhất. Tôi nghĩ thành công cao nhất là như thế.
Nhạc sĩ thành công thì đâu đó cũng giống thế thôi. Đầu tiên nội tại phải tốt, phải hay, viết ra tác phẩm hay sự kiện gì đó thực sự mang giá trị rồi. Nhưng như thế thì không đủ mà phải có sự cọ xát với đời sống, trải qua thử thách và thời gian, có tương tác giữa tác phẩm đời sống của anh ta với bao nhiêu con người, qua thời gian, ngày tháng mà vẫn yêu quý anh ta và những tác phẩm thì tôi nghĩ đó có thể là thành công.
Thành công cao nhất của người nhạc sĩ, tôi nghĩ nó cũng giống như câu chuyện một đêm nhạc và một tác phẩm. Nó phải sống với thời gian, có sức lan tỏa. Thậm chí, qua thời gian người ta càng yêu quý tác phẩm, tác giả nhiều hơn.
Điều này vẫn đúng khi nhìn vào những hòa nhạc ở Việt Nam?
Liveshow thành công phải có nhiều đòi hỏi, cũng khó mà liệt kê được hết. Tôi cho rằng một đêm nhạc thành công phải mang đến niềm vui và trải nghiệm âm nhạc vượt thoát khỏi những rung cảm đời thường, phải khiến cho không chỉ nghệ sĩ mà cả khán giả cũng thấy thăng hoa.
Người ta phải đến với một sản phẩm nghệ thuật bằng sự vượt thoát đời thường, thoát thực tế - thực dụng, cơm áo gạo tiền, thoát sự tầm thường ở đời. Thoát ly nó ra, người ta thấy vui, thấy có kỷ niệm.
Về mặt nghệ thuật, tôi nghĩ người nghệ sĩ phải dâng hiến hết, có gì tinh hoa nhất, tốt đẹp nhất phải cho hết. Kể cả có một chút vụng về, có cả điều không hoàn hảo, nhưng bằng trái tim họ đã thực sự dâng hiến hết tình yêu và tài năng của họ. Còn nhiều yếu tố, nói thật, tôi không liệt kê hết được.
Chẳng hạn vấn đề tổ chức, có rất nhiều vấn đề cụ thể. Tổ chức mà lỏng lẻo ở đâu đó thì cũng gây ra những điểm trừ về cảm xúc cho nghệ sĩ và khán giả. Và một đêm diễn thành công, bản thân nội tại nó cũng như tác phẩm, tất cả những gì biểu hiện trong đêm đó vẫn chưa đủ, mà phải có thời gian để tiếp tục sống trong lòng công chúng để họ nhớ mãi.
Anh có thể chia sẻ thêm một chút về những sáng tác mới, một bài hát hay một cách tiếp cận mới mà như anh nói, đã khác xưa?
Trong chương trình lần này tôi có một bài hát tên là Nhớ chiếc hồn trong ngoài bài Một mình bao la vốn là một bài tình ca và khá trẻ trung.
Với Nhớ chiếc hồn trong có điều gì đó buồn buồn, nhớ về chiếc hồn của tôi. Chiếc hồn hay tâm hồn khi còn trong vắt, còn trẻ trung, còn ngây thơ. Tôi nghĩ đó là tâm hồn đẹp nhất trong đời người. Mãi về sau này chúng ta lo cơm áo gạo tiền, đi tứ xứ bôn tẩu để lo những chuyện đời thường, rồi tâm hồn mình dần cứ bớt sự trong lành đó đi.
Tôi rất tiếc. Tôi nghĩ ai cũng sẽ tiếc và nhớ về chiếc hồn trong đó. Tôi kể rất nhiều câu chuyện, như chuyện tôi còn bé, những chuyện ngày còn “hồn trong.” Câu chuyện tôi kể bằng âm nhạc cũng là để đến với mọi người; và đó cũng là câu chuyện của mọi người chứ không phải của riêng tôi.
Tôi nhớ về lúc còn bé, tôi bước vào đường Hoàng Diệu có cây cổ thụ bình thường, nhưng với tôi lúc đó thì nó là một khu rừng. Nó quá lớn với tôi, tôi bé mà. Tới khi về thì tôi mơ thấy một cánh đồng, giấc mơ bình thường của một đứa trẻ. Sao nó đẹp thế, rộng lớn, mênh mông, tuyệt vời, màu sắc thế. Tâm hồn mình tốt đẹp như vậy, cho mình các cảm giác tốt đẹp như vậy.
Rồi tôi nhớ lúc lớn lên, lúc phải rời xa gia đình để có những va vấp và trải nghiệm đầu tiên trong cuộc sống. Tôi thấy chiếc hồn mình bớt trong đi, có những dòng nước đục dần, bớt trong dần.
Tôi muốn nói một chút tiếc nuối về chiếc hồn mà mình cho là nó đẹp nhất, cần thiết nhất với con người. Bài hát đó tôi cũng rất tâm đắc, tôi nghĩ nó không dễ nghe lắm nhưng sẽ là bài hát hay rất lâu với công chúng.
Chiếc “hồn trong” hẳn cũng bị ít nhiều đời sống ảnh hưởng, và anh đã lắng lại trong hơn 10 năm qua để chuyên tâm sáng tạo?
Kinh tế ngày nay rất quan trọng. Chưa bao giờ ta nói đến một xã hội hiện đại lại phải đầy tính thực tế trong con người, thậm chí là thực dụng như ngày hôm nay. Trong đó có câu chuyện cơm áo gạo tiền của đời thường, nó rất mạnh và mãnh liệt đối với những người nghệ sĩ mang cái ý tưởng riêng. Nó có một sức ép, tạo ra những thách thức nhiều với người nghệ sĩ hôm nay.
Với người sáng tạo, người ta phải thích ứng với hiện thực để tìm ra những sản vật bằng âm nhạc, âm thanh, bằng lời ca; họ phải thích ứng với hiện thực để tìm ra cái hay, cái tốt mang đến cho đời sống.
Với anh, sự thích ứng đó là gì?
Sự thích ứng hiện thực này đối với người nghệ sĩ lại rất khó khăn vì họ phải gặp những câu chuyện hàng ngày: đồng lương, cơm áo gạo tiền, trách nhiệm, những mối quan hệ của một xã hội thực dụng hơn mỗi ngày. Rất nhiều nghệ sĩ bây giờ trong các lĩnh vực nghệ thuật, họ lui cui, loay hoay trong cuộc sống để làm nghề.
Tôi nghĩ mình cũng có những phần, những thời khắc, giai đoạn như thế. Chẳng hạn trong 10 năm qua cũng có những giai đoạn hay khoảng thời gian mà tôi mắc kẹt trong những trách nhiệm hay đòi hỏi rất đời thường. Rồi như chuyện gia đình, bố tôi có thể bệnh trong thời gian rất dài.
Những điều đó chi phối cảm xúc của mình tôi nhiều. Vì thế, có những giai đoạn mình không thể viết gì. Hay như bà xã có kinh doanh, tôi cũng phải hỗ trợ, thì những lúc đó tôi không có cảm hứng để viết cái gì.
Nhưng nói là ở ẩn cũng không đúng bởi vì ngay cả khi tôi không viết thì những gì đã viết hay, đã làm trong những giai đoạn đó vẫn rất nhiều. Bởi tôi là người không làm việc, không làm âm nhạc thì không chịu được.
Nếu giờ mọi người hỏi trong giới âm nhạc, những ca sĩ nghệ sĩ các miền, các thế hệ rằng Đỗ Bảo làm gì và làm đến đâu thì mọi người sẽ có ngay câu trả lời: ngay cả khi tưởng như tôi làm chùng lại một tí, thì vẫn là rất nhiều so với tình hình chung. Từ những năm tôi còn trẻ tôi đã làm nhiều điều, tới mức mà tôi cứ dừng một tí thì mọi người lại bảo tôi không làm.
Nhưng bây giờ ở thế hệ 7x chẳng hạn, tôi không biết có ai biết nhiều hơn tôi hay làm nghề mà dành nhiều thời gian cho công việc hơn tôi. Tôi có thể không phải người làm nhiều nhất, nhưng chắc phải là ở top đầu. Điều đó là chắc chắn.
Mình chỉ cần làm việc và sáng tạo mà không nhất thiết phải la lớn lên là tôi đang miệt mài với công việc?
Bởi vì tôi không thích ầm ĩ, không thích tham gia các hoạt động giải trí nên không xuất hiện trên mạng xã hội cũng như các phương tiện phổ thông hàng ngày.
Với đời sống thực dụng ngày hôm nay, người ta nhìn tôi như không hoạt động. Nhưng mọi người đâu có biết rằng tôi hoạt động. Chẳng hạn gần đây tôi làm chương trình hay là làm những liveshow đồng tác giả với nghệ sĩ Phú Quang từ đầu năm chẳng hạn. Tôi là người hoạt động chuyên môn, hơi chính thống - những hoạt động đó không vào tầm radar của những ai quan sát hoạt động giải trí.
Đi vào trong những nghệ sĩ chính thống thì ai cũng hiểu, rằng tôi phải làm công việc kinh khủng thế nào, hằng núi công việc mới chốt được cái chương trình. Điều đó cần có năng lực thực sự chứ không phải chuyện giải trí, không phải chuyện thêu dệt của truyền thông. Nó phải là những gì rất thật.
Nhưng tôi cũng không có thành kiến về hai cách làm hay từng nhóm nghệ sĩ. Nhưng rõ ràng có hai kiểu làm việc để cùng thành công trong đời sống âm nhạc hiện đại. Và trong dạng người làm nghề như tôi, thì tôi thấy hơi cô đơn. Tôi thấy rất ít người vừa làm chuyên môn cần mẫn, đầy trách nhiệm và đam mê, nhưng vẫn có một khán giả đông đảo để làm sự kiện lớn. Kiểu như tôi thì rất ít thành ra cũng cô đơn, và cộng đồng nhiều khi cũng khó hiểu, khó để có thước đo riêng cho tôi. Tôi cũng không thể mơ điều đó, nhưng khán giả của tôi rất hiểu tôi.
Dường như các bài hát hay cũng đều ra đời từ sự âm thầm, và tĩnh lặng như vậy?
Cũng tùy nữa. Có những ca khúc đi cùng năm tháng thì không có tuổi thọ, có thể sống rất lâu hàng chục năm. Nước ngoài có những bài hát hàng trăm năm mà. Qua thời gian, những ca khúc nếu có giá trị thực sự, những vấn đề còn đương đại và phù hợp, thì các thế hệ sau lại biến nó thành phiên bản mới. Tác phẩm đó sẽ trở thành bài hát hoàn toàn mới và thế hệ sau bắt đầu biết đến bài hát đó qua phiên bản thứ hai hay ba chứ không phải đầu tiên.
Điều quan trọng để ca khúc sống lâu là phải có giá trị nội tại. Bản thân nó từ nhạc điệu và đặc biệt lời ca phải có giá trị tích cực nào đấy, có cái sức lan tỏa nào đấy mà tự nó qua ngôn ngữ hay vấn đề nêu ra có sức thuyết phục và thu hút người ta. Nhưng như thế cũng chưa đủ cho đời sống của một tác phẩm, nó phải bước qua và có một trải nghiệm đến với khán giả. Qua sự đón nhận, sàng lọc của từng thế hệ, nó có thể chứng minh rằng nó vẫn đang sống và sống tốt.
Điều này tôi nghĩ là, phần lớn tuổi thọ ca khúc dựa trên chất lượng. Nhưng một phần không nhỏ thì cần phải có một đời sống, mọi người vẫn gọi là số phận. Có những ca khúc có thể không hay nhưng lại có số phận tốt. Có những ca khúc có thể rất hay nhưng số phận, phần trải nghiệm hay kết nối với khán giả chưa được tốt.
Vì thế, tác phẩm càng đi sâu vào trái tim thì càng chạm đến người khác và có sức sống lâu bền?
Có thể nói đó là con đường tôi thích đi nhưng tôi nghĩ cũng sẽ có những gian nan của nó. Bởi vì khi mà làm một việc gì mà nặng lý tưởng riêng, thì bạn phải có thời gian rất lâu để thuyết phục mọi người và tìm sự đồng cảm dần dần qua thời gian.
Ví dụ chuyện sản xuất hàng hóa, người ta cần gì thì bạn cứ ra làm ngay. Đương nhiên bạn sẽ có sự tiêu thụ tốt, tiếp cận dễ hơn. Và nó rất thực tế, thực dụng. Người không thực dụng thì họ cần thời gian thẩm định và bằng cách nào đó, kiên trì và kiên định với tình yêu lớn hơn để đạt đến thành công.
Nhưng nếu đạt được, tôi nghĩ thành công sẽ bền vững. Tôi chọn con đường đó, xưa nay chưa bao giờ mất đi cảm hứng trên con đường đó.