"Năm đó, lần đầu tiên trong đời cô biết nhớ một người con trai..."
"Ổng luôn theo cô dạy bổ túc ban đêm. Đi được mấy tháng rồi cô nhớ ra, ủa, ổng là hiệu trưởng mà!? Ổng có dạy môn nào đâu?!?"
Thiệt ra cô tính bỏ nghề dạy luôn khi nhận quyết định công tác ra đảo.
Mới 20 tuổi ra trường ngành Sinh - Hóa, cô được phân công đi dạy trường trung cấp nông nghiệp, cô cảm thấy mình quá nhỏ và không đủ kiến thức để dạy bậc học đó, cô xin đổi trường, khi nhận tờ giấy ra đảo cô bàng hoàng.
Ở lại thì một đứa con gái như cô lúc đó khó mà tìm một công việc tay chân gì làm rồi đó. Nhưng đi thì cô rất sợ. Sợ khổ. giấy ghi này 1/9 khởi hành cô phải lén sửa lại thành 30/9 để dành gần 1 tháng đấu tranh tâm lý.
Ngày cô lên tàu, sóng biển dập dìu, nhìn xa xăm chưa kịp buồn cô đã ói.
Thực ra là vầy, nói là lên đây đi dạy cấp 2, nhưng học sinh trên đảo đi học khá muộn, cô dạy lớp 8 nhưng học trò cô thua cô có... 1 tuổi à, nên cuộc sống trên đây vui hơn cô tưởng tượng. Với cái thời chưa có điện thoại lẫn tv thì những dịp như 22/12, 20/11 và những buổi văn nghệ, cắm trại là ánh sáng cho tuổi trẻ của cô. Hết tập kịch, rồi đào bếp Hoàng Cầm, cả cái tuổi trẻ ở đảo sinh hoạt với nhau như gia đình.
Và cũng mấy đứa học trò này đã cho cô ý tưởng đi... vượt biên. Lúc đó nói thiệt, còn trẻ, chỉ thấy cái nghèo trước mắt thôi. Cô lúc đó chỉ khao khát được mua một cục xà bông xịn mà tắm. Nên suy nghĩ đó cứ lòng vòng trong đầu.
Song song với những lúc quậy phá với tụi học trò, là những buổi đi bộ dài tới trường dạy bổ túc ban đêm với anh hiệu trưởng. Trong những lần như vậy, anh hiệu trưởng luôn đi theo với cô.
Mình thì nghĩ ngây thơ là đồng nghiệp nên chuyện đi dạy chung là bình thường thôi mà! Đi được mấy tháng rồi cô nhớ ra, ủa, ổng là hiệu trưởng mà!? Ổng có dạy môn nào đâu?!?
Từ đó cô mới biết là ổng có ý với cô. Nhưng chỉ có vậy thôi, im re đi theo cô đi dạy mỗi tối. Có một lần, sau khi họp giao ban thì anh hiệu trưởng yêu cầu cô ở lại trao đổi một chút về công việc, làm cô lo lo không biết có phải làm gì vi phạm thi đua hay không?
Nhưng khi trong phòng chỉ còn 2 người thì ổng đổi giọng, hỏi thăm cô về cuộc sống mới trên đảo, có nhớ nhà không? Có gì cần thì cứ nói ổng, ổng sẽ hết sức để cô không buồn vì chuyện ở trên đảo nữa. Ổng nói mà giọng ổng hiền hiền, run run thấy thương lắm kìa.
Tết năm đó cô được đi về thăm gia đình, là lần đầu tiên trong đời bắt đầu biết nhớ một người con trai.
Hết Tết quay lại đảo, tàu cập bến mà cô chưa hết mông lung. Lời mời vượt biên nghe rất khả thi khi có tin đã có tàu hơn 15 người đã được tàu Nhật vớt. Cô nhìn xuống cát chỉ có chú người quen bên sở giáo dục, hỏi có cần chú đưa về không?
Cô không biết vì sao cô từ chối chú đó, nhưng một lúc sau, thì thấy anh hiệu trưởng hớt ha hớt hải chạy ra, bối rối vì "anh nghe tin tàu tới muộn, giờ mới ra đón được em, anh xin lỗi".
Tới đó thôi là cô biết, vượt biên gì giờ này nữa mấy đứa ơi...
“Tan Chảy” là series thuật lại những câu chuyện tuyệt đẹp về cuộc sống, được thực hiện và đăng tải lần đầu tại It’s Happened to be Vietnam.