Nhật Ký: Đi tìm tung lò mò
Có những lúc bạn đi tìm một món ăn, nhưng thấy cả một cộng đồng.
“Ê hay về miền Tây quê tao đi, ở đó có nhiều món ‘độc’ lắm”, một chị lên tiếng, trong buổi thảo luận tìm ý tưởng video mới cho nhóm. Nhóm tên “Hứn.”, nên bỗng một hôm, mọi người quyết định làm một series video về những món ăn đặc biệt, nhưng ít người biết của Việt Nam. Và thế là bọn mình lên đường, đi tìm mấy món ăn ‘độc’ mà chị nói.
Chuyến này, bọn mình chọn đến An Giang, vùng đất Tây Nam giáp biên giới, vì nơi đây tập trung các cộng đồng Khơ Me, Hoa, Chăm. Là người Kinh, chúng mình quyết định bước ra khỏi “vùng an toàn” để tìm về những đặc sản có nguồn gốc từ đồng bào thiểu số.
Trong số đó, lựa chọn hàng đầu là “tung lò mò”, không chỉ vì cái tên lạ, mà vì đây là một món ăn chỉ có ở cộng đồng Chăm. Nên ngay khi đến Châu Đốc, cả nhóm đã lập tức thuê xe máy, lên phà sang phía bên kia sông, nơi có những người làm ra món ăn này.
Và làng Chăm đón cả bọn bước vào một thế giới khác.
Cứ chạy xe vài trăm mét, là bắt gặp một thánh đường Hồi giáo. Đàn ông quấn xà rông, đàn bà trùm khăn che kín tóc. Những ngôi nhà sàn bằng gỗ. Đi quanh làng, mà bọn mình ngỡ ngàng, vì tưởng đang ở… Trung Đông.
Tuy vậy, cả nhóm gặp khó khăn khi thuyết phục mọi người chia sẻ về tung lò mò, nhất là khi có đem theo máy quay. Chỉ sau rất nhiều cái lắc đầu, nhóm mới tìm được nhà chú Sa Liêm, người đồng ý cho tụi mình phỏng vấn và ghi hình cách làm tung lò mò của gia đình chú.
“‘Tung’ là ruột, còn ‘lò mò’ là thịt bò, nên tung lò mò là lạp xưởng bò”, chú nói. Nhưng không phải loại thịt bò nào cũng có thể dùng làm món tung lò mò. Với người Chăm Islam, chỉ con bò đã được nghe kinh cầu nguyện trước lúc qua đời, do người trong đạo mổ, thì mới hợp lệ để ăn hoặc chế biến.
Nhà chú Sa Liêm có truyền thống nhiều đời làm tung lò mò. Đến nay, cả gia đình, ai cũng góp một tay để làm nên những xâu thịt đỏ ửng, bán cho dân làng và du khách. Chú đông khách đến nỗi, cuộc trò chuyện giữa nhóm và chú tối hôm đó thường bị cắt quãng, vì lâu lâu lại có người đến mua hàng.
Bận rộn là thế, vậy mà cả gia đình đã tiếp đón bọn mình như những vị khách quý. Suốt 2 ngày quay, cả nhóm chưa bao giờ phải ra ngoài ăn. Không chỉ mời cơm, cô chú còn mời trái cây, cà phê, hỗ trợ bọn mình mọi mặt trong lúc quay, như thể chính họ cũng là thành viên của nhóm.
Sự hiếu khách ấy, khiến mình chợt nhớ về lời kể trong cuốn “Con đường Hồi giáo”, rằng với người theo đạo Hồi, khách đến nhà là món quà từ Thượng Đế.
Còn tụi mình, chỉ đến khi chia tay, mới có dịp gửi lại họ chút gì đó. Vài ký tung lò mò mua về nhà làm quà, ngẫm lại, không thể nào đáp lại sự chào đón đã nhận được, từ một gia đình Chăm.
“Nhật Ký” là series kể lại những trải nghiệm khó quên.