Nhật Ký: Mình là người khiếm thính, và mình làm content

Người khiếm thính rất sợ cảm giác vô dụng, nhưng mình đã phải đối diện với điều này trong suốt quá trình học làm người trưởng thành.
Đông Hà
Nguồn: Ling Ling

Nguồn: Ling Ling

- “Giao tiếp với em quá mệt!”

Hôm rồi mình đi phỏng vấn, bên tuyển dụng nói với mình như vậy. Mình không trách họ, vì không phải ai cũng biết cách giao tiếp với người khiếm thính. Hoặc có thể, họ gặp rắc rối với khách nên có chút bực dọc.

Mình không nhớ nổi số lần bị từ chối vì "em chưa phù hợp", dù CV và portfolio được đầu tư rất nhiều. Mình nhớ cả những lần bị sếp mắng, hay chính bản thân cũng làm sai đủ thứ. Khóc cạn nước mắt, sáng hôm sau lại thấy tiếp tục ngồi lạch cạch gõ phím.

Thính lực của mình bẩm sinh đã không tốt, khả năng phát âm cũng bị ảnh hưởng nhiều do nghe sai. Do vậy, lúc nào cũng sợ mình không làm được việc, sợ làm gánh nặng cho tập thể.

Mình bù đắp cảm giác tự ti bằng cách ôm việc nhiều gấp 2, 3 lần người bình thường, nhận đủ thứ, từ viết kịch bản TVC, viết website, đến PR đa lĩnh vực… Thường mỗi ngày 8-9h tối mình mới xong việc. Lúc rảnh thì đọc thêm sách, học cách quan sát để ngòi bút được trau chuốt. Làm nhiều như vậy cũng vì mong bản thân trở nên “được việc”.

- Có lúc nào mệt quá, bạn nghĩ: “Hay là bỏ hết”?

- Nhiều là đằng khác. Nhưng đến lúc nhìn sản phẩm của mình được đón nhận, giúp ích cho thương hiệu, mình lại thấy bản thân đang đi đúng hướng. Hay như khi khách feedback động viên: “Linh viết content tốt mà, cố lên!”, mình cũng vui. Đôi khi chỉ một điều nhỏ xíu xiu cũng đủ để mình rộn ràng cả ngày.

Với lại, con chữ cho mình nhiều thứ lắm: tiền bạc, kiến thức, vốn từ và cả tình yêu. Làm sao bỏ được khi còn quá yêu nghề.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục