Nhảy việc và 3 niềm tin đã cũ

Điều gì khiến hai chữ "nhảy việc" vẫn đang mắc kẹt trong đầu bạn, và bạn nghĩ mãi vẫn chưa quyết định được có nhảy hay không?
Bích Hồ
Ảnh: Ivan Samkov/Pexels

Ảnh: Ivan Samkov/Pexels

Đau đớn hơn cả “có quá nhiều việc phải làm” có lẽ là cảm giác “chẳng có mấy việc nhưng sao không muốn làm”. Mỗi ngày đến công ty bạn lại nghĩ đến hai chữ nghỉ-việc, nhưng vắt cả óc vẫn chưa biết nên làm thế nào.

Nếu vẫn đang boăn khoăn về sự bế tắc này, hãy thử kiểm tra xem những niềm tin đã cũ sau đây có đang cản trở quá trình đưa ra quyết định của bạn không nhé.

1. Nên làm một công việc ít nhất 2 năm

Bạn muốn chuyển việc nhưng nhìn lại thấy mình chỉ mới làm việc chưa được một năm. Nếu không ở lại ít nhất 2 năm như người ta vẫn nói, bạn sợ mình sẽ phá hỏng cơ hội tìm việc sau này, vì nhà tuyển dụng sẽ đánh giá rằng bạn là người cả thèm chóng chán?

Có lẽ thay vì lo lắng nhà tuyển dụng sẽ đánh giá, điều đáng hoang mang hơn là chính chúng ta có thể sẽ tự cảm thấy kiệt quệ và bắt đầu tự vấn về điều mình muốn sau một thời gian ngắn nhảy việc liên tục. Thế nên làm việc đủ 2 năm là một con số thường được gợi ý để một người tích lũy đủ trải nghiệm và kiến thức, từ đó đánh giá khách quan hơn việc ra đi hay ở lại một công ty.

Tuy nhiên, quy luật nào cũng có ngoại lệ. Việc bạn gắn bó chưa đủ 2 năm với một công ty không phải lúc nào cũng tiêu cực, thậm chí nó còn mang đến tác động tích cực, nhất là khi bạn ý thức rõ mục tiêu hành động của mình.

Bạn ở lại một công ty ít hơn hay nhiều hơn 2 năm không quan trọng bằng việc bạn biết mình đang chọn một công việc chỉ vì cần đi làm, cần đáp ứng một số nhu cầu tức thời, hay vì những giá trị nó mang lại cho sự nghiệp của bạn trong dài hạn. Nếu bạn vẫn chưa xác định được sự nghiệp mình muốn theo đuổi thì những năm đầu đi làm là khoảng thời gian thích hợp nhất để bạn thử nghiệm các công việc.

Nhưng thử nghiệm đến bao lâu thì đủ?

Theo tổ chức InPower Coaching, nếu bạn không chuyển việc sau khi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đặt ra ban đầu và tìm thấy được hướng đi mới thì bạn đang ở lại quá lâu cho một công việc. Thời gian dài hay ngắn để bạn tìm thấy hướng đi mới tuỳ thuộc vào nỗ lực của bạn và môi trường mà bạn đang chọn để phát triển.

Nếu bạn tin rằng mỗi thời điểm, giai đoạn trong cuộc đời sẽ đặt ra những bài toán khác nhau khiến chúng ta phải tìm đến các công việc/công ty khác nhau, thì thời gian ở một công ty là bao lâu không thể nào định đoạt trước bằng một con số.

Hãy nhảy việc không phải chỉ vì bạn có thể, mà còn vì bạn cảm thấy đã đến lúc.

2. Đừng nhảy việc khi chưa có công việc mới

Nghỉ việc khi không có offer mới thường tạo cho chúng ta cảm giác rằng bản thân là một kẻ bỏ cuộc. Nhưng đôi khi việc buông tay ngay khi bạn có thể lại là một hành động dũng cảm và rất cần thiết.

Theo tác giả Priscilla Claman của tờ HBR, có hai trường hợp mà bạn nên nghỉ việc càng sớm càng tốt, ngay cả khi chưa có offer mới.

(1) Khi bạn tin rằng có điều gì đó bất hợp pháp hoặc phi đạo đức đang diễn ra tại nơi làm việc.

(2) Khi công việc hiện tại đang khiến bạn kiệt quệ về thể chất lẫn tinh thần, nhưng công ty không ủng hộ chính sách nghỉ phép dài ngày.

Nhiều cá nhân dù đã rơi vào trạng thái kiệt quệ, nhưng họ chỉ dám "nghỉ việc trong tư tưởng" vì nghĩ rằng bỏ cuộc là một thất bại - Tại sao những người đang cùng làm với mình vẫn ổn, nhưng mình lại đang burn-out?

Đúng rằng chúng ta có thể gia nhập công ty cùng thời điểm, làm cùng một công việc, nhưng cuộc đời của mỗi người là riêng biệt. Tuỳ sức ép từ đời sống riêng tư, hay mục tiêu chúng ta đặt ra trong công việc mà ngưỡng chịu đau của mỗi người là khác nhau. Thế nên, nếu bạn đã đến giới hạn của mình, đừng kéo căng thêm, hãy cho phép bản thân thả lỏng.

Kết quả một cuộc khảo sát của LinkedIn vào năm 2022 cũng cho thấy rằng, khoảng 62% nhân viên trên toàn thế giới đã từng có một "khoảng nghỉ" trong sự nghiệp của mình (career break). Chuyện "không đi làm liên tục" không còn là thứ quá lạ lẫm, khiến bạn bị nhà tuyển dụng đánh giá. Thứ khiến họ e dè hơn là việc bạn lãng tránh khi nói về khoảng "career break" của mình, hay quan trọng hơn là bạn không thể hiện được mình là ứng viên sáng giá cho vị trí đang trống.

3. Nhảy việc là phải lên chức, phải vào công ty “xịn” hơn

Thay đổi công việc, dù là luân chuyển nội bộ hay nhảy việc hẳn sang công ty mới, không nhất thiết phải đồng nghĩa với việc được thăng chức.

Theo kết quả nghiên cứu của Monika Hamori đăng tại Harvard Business Review, mọi người thường nhảy việc nếu nó đáp ứng được ít nhất 1 trong 2 tiêu chí sau: hoặc chúng mang lại một chức danh tốt hơn và nhiều trách nhiệm hơn, hoặc chúng đưa họ đến một công ty có quy mô lớn hơn, chức danh có thể không thay đổi. Nhóm này chiếm 40% tổng số tập dữ liệu.

Nhóm người đi theo xu hướng ngược lại – tức chọn công việc với trách nhiệm thấp hơn, hoặc chọn công ty quy mô nhỏ hơn, chiếm 20%. Trường hợp tương đối hiếm gặp (5%) là các cơ hội thăng chức mang lại sự thay đổi đáng kể về chức danh và quy mô tổ chức.

Con người luôn phấn đấu để có được nhiều hơn, nên theo bản năng chúng ta dễ đánh giá việc ai đó nhảy sang một công việc có chức danh nhỏ hơn hay công ty nhỏ hơn là một hành động khó hiểu, nói nặng hơn là dại dột, làm giảm giá trị của CV. Tuy nhiên, thực tế điều này có thể được xem là bước đi giúp tăng triển vọng thăng chức của một người trong tương lai gần.

Sau gần 10 năm làm việc cho các ngân hàng lớn, Dương quyết định chuyển sang làm cố vấn tài chính cho một vài startup có quy mô nhân sự nhỏ hơn gấp hàng chục lần so với các tổ chức cô đã làm việc trước đó.

Một trong những nguyên nhân chính giúp cô mạnh dạn chọn bước đi này là vì cô muốn phát triển năng lực điều hành của mình, cũng như tìm kiếm các cơ hội được chứng kiến sự chuyển động của thị trường thông qua bản chất năng động của các công ty nhỏ. Kinh nghiệm cộng với các mối quan hệ tích luỹ và xây dựng được đã giúp cô sau này có cơ hội làm việc cho một quỹ đầu tư quốc tế lớn.

Tuy nhiên, những quyết định này của Dương cần đến một bản kế hoạch về sự nghiệp rõ ràng, và cô cũng tin rằng mình cần đến nhiều may mắn để đi được tới thời điểm hiện tại.

Không phải ai cũng có thể chuyển việc là lên chức ngay. Không phải ai chấp nhận chọn công việc ở công ty có quy mô nhỏ hơn cũng có thể đạt được mục tiêu lớn hơn sau đó. Nhưng bạn cũng không biết được chuyện gì sẽ xảy ra nếu mình không làm.

Kết

Đứng trước lời tự vấn “Khi nào thì nhảy việc và nhảy đi đâu?”, có lẽ trước hết bạn hãy thử trả lời câu hỏi “Bạn muốn sống một cuộc đời thế nào?” và sau đó hình dung về công việc bạn muốn có với cuộc đời đó.

Mỗi ngày sẽ đều có ai đó nghỉ việc trên trái đất này và vũ trụ vẫn cứ thế tiếp tục xoay vần. Người quan tâm tới cuộc đời của bạn nhất vẫn là chính bạn. Thế nên, bạn có thể vẫn tìm đến người khác để tham khảo quan điểm của họ, nhưng trên hết hãy kiên nhẫn tìm câu trả lời bên trong mình, vì mọi ý kiến và niềm tin đều có thể trở nên lỗi thời.

Về HeyDevs

Được xây dựng và phát triển từ năm 2022, là nền tảng tìm việc IT thụ động đầu tiên ở khu vực APAC, cung cấp các trải nghiệm tuyển dụng hoàn toàn mới. Giờ đây bạn không cần phải nộp đơn xin việc, các công ty sẽ ứng tuyển vào bạn. Ngoài ra, còn có các tính năng đặc biệt như nút lệnh “sẵn sàng làm việc", kết nối và trò chuyện với các nhà tuyển dụng, bảo mật thông tin với công ty hiện tại.

cung cấp các công cụ giúp tinh giản quy trình tuyển dụng đến mức tối ưu, cho phép công ty tiếp cận với nhóm ứng viên dồi dào, chất lượng và được xác minh danh tính, trình độ cũng như kinh nghiệm làm việc, đồng thời giúp nâng cao hiệu quả tuyển dụng của doanh nghiệp.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục