Nhiếp ảnh gia Tuấn Fr: Mỗi bức hình như một cuộc vong thân
Bằng một cách tình cờ nào đó, nhiếp ảnh gia Tuấn Fr luôn được nhắc đến trong những cuộc trò chuyện với các nhà thiết kế thời trang mà Vietcetera có dịp gặp gỡ gần đây. Nhưng nếu hỏi về phong cách cộp mác “Tuấn Fr” thì mặc nhiên không ai có thể diễn tả được, có lẽ vì anh chưa bao giờ ép mình vào bất cứ một khuôn khổ mỹ học hay phong cách nào. Với lăng kính muôn màu của mình, Tuấn Fr luôn là lựa chọn hàng đầu của Harper’s Bazaar, Elle (Việt Nam, Hồng Kông, Đức, Pháp, Bồ Đào Nha…) và các thương hiệu quốc tế.
Tốt nghiệp thủ khoa chuyên ngành Nhiếp ảnh tại Học viện Nhiếp ảnh Paris, nhiếp ảnh gia Tuấn Fr (tên thật là Lê Tuấn Anh) dành ra hai năm để cọ xát với sự khốc liệt của kinh đô nghệ thuật Pháp trước khi trở về khai phá tiềm năng của nhiếp ảnh nước nhà. Đầu tiên, anh gia nhập Lê Media, tập đoàn truyền thông sở hữu những bản in về định hướng phong cách sống nổi tiếng như Đẹp, Doanh nhân, Thể thao, Văn hoá và Đàn ông và hoạt động dưới cương vị của một Giám đốc sáng tạo trong vòng 5 năm.
Đến năm 2015, anh quyết định thành lập Tuan.fr Studio, tách mình ra khỏi guồng quay của công việc và về lại với niềm đam mê nhiếp ảnh nguyên thủy. Ngoài thời gian sáng tạo tự do, anh còn tự mình tổ chức những khóa học cho các bạn trẻ đam mê nhiếp ảnh. Đó là nơi mà cả anh và các học viên cho phép mình quên đi giá trị thương mại, vượt ra khỏi mọi khuôn khổ quy chuẩn để đắm mình trong góc nhìn của cá nhân. Năm 2018, Tuấn Fr đón nhận vai trò mới – đại sứ cho dòng máy ảnh Leica S/SL của Leica Camera, hãng máy ảnh và ống nhòm thể thao nổi tiếng của Đức tại Việt Nam.
Vừa qua, để nhìn lại hơn một thập kỷ đã qua với nghề, Tuấn Fr quyết định giới thiệu triển lãm ảnh cá nhân đầu tiên mang tên The Stranger. Có mặt tại studio của anh vào một ngày tháng 6, khi những tác phẩm của anh vẫn đang được trưng bày tại tòa nhà Deutsches Haus, chúng tôi đã có dịp được cùng anh ôn lại hành trình 10 năm theo đuổi đam mê nhiếp ảnh của mình.
Người ta hay gọi anh là nhiếp ảnh gia thời trang, danh xưng này có chính xác không?
Cũng đúng, bởi nếu không có ấn tượng với một tấm áp phích thời trang thì tôi đã không bén duyên với nhiếp ảnh. Nhưng theo thời gian, phạm vi quan sát của tôi không chỉ dừng lại ở thời trang mà còn mở rộng ra các lĩnh vực, vấn đề khác nữa. Nên đến thời điểm hiện tại, nói một cách chính xác, thời trang chỉ là một phần trong câu chuyện mà tôi muốn kể qua các bộ ảnh, chứ không còn là chủ đề trọng tâm nữa.
Vậy chính xác, anh đã bén duyên với nghề nhiếp ảnh như thế nào?
Sinh ra và lớn lên ở thời kỳ mà định hướng xã hội chưa có nhiều hướng rẽ thiên về nghệ thuật, tôi lên đường đến Pháp là để học kinh tế chứ trong đầu hoàn toàn không có một khái niệm nào về nhiếp ảnh. Đến năm hai đại học, trong một lần đi tàu điện ngầm và bị ấn tượng bởi một tấm áp phích thời trang treo ở ga, tôi bắt đầu tìm hiểu về nghề nhiếp ảnh. Không lâu sau đó, tôi quyết định dừng chương trình kinh tế để ghi danh vào trường đào tạo nhiếp ảnh chuyên nghiệp.
Điều gì đã khiến anh trở về Việt Nam sinh sống và làm việc?
Quyết định trở về Việt Nam xảy đến khá ngẫu nhiên, bởi vốn dĩ tôi luôn muốn đạt được một thành tựu nào đó trên đất Pháp trước. Sau hai năm làm công việc trợ lý cho rất nhiều nhiếp ảnh gia, năm 2010, tôi được một anh bạn khuyến khích trở về Việt Nam để tìm kiếm cơ hội. Ở thời điểm đó, nhóm ngành nghề sáng tạo ở Việt Nam hẳn còn rất sơ khai. Thấy tôi do dự mãi, anh bạn đó quyết định mua vé tặng để kéo tôi về cho bằng được. Thế là tôi quyết định trở về tầm một tháng, chủ yếu là để thăm nhà. Nhưng rồi lời mời làm việc từ Lê Media đã giữ chân tôi ở lại lâu hơn dự tính. Sau 5 năm làm việc với vai trò Giám đốc sáng tạo, tôi chia tay Lê Media để thành lập studio của riêng mình.
Có hay không một phong cách cộp mác “Tuấn Fr”?
Tôi không tự đóng khung mình vào một phong cách nào cố định. Và cũng ít khi nghĩ rằng mình phải định nghĩa phong cách cá nhân. Thay vào đó, tôi luôn cố gắng để không lặp đi lặp lại những concept mà mình đã làm, thay đổi liên tục từ chụp indoor (chụp trong studio) sang chụp outdoor (chụp ngoài trời). Nhiếp ảnh cũng giống một loại ngôn ngữ vậy, góp nhặt từng chi tiết nhỏ để tạo nên một câu chuyện lớn, nhưng thay vì viết thành lời thì gửi gắm qua từng bức ảnh. Và cách cảm nhận câu chuyện đó còn tùy thuộc vào cái nhìn của từng người. Theo tôi, việc không bó buộc mình vào bất kỳ một phong cách nào cũng là một phong cách rồi.
Anh thường mất bao lâu để thực hiện hoàn chỉnh một bộ ảnh?
Điều này còn tùy thuộc rất nhiều vào tính chất của bộ ảnh. Nếu là ảnh chụp cho tập san hoặc thương mại thì sẽ có hạn định, riêng những dự án cá nhân thì tôi thường không đặt cho mình một thời hạn nào cố định cả. Những bộ ảnh mà concept cứ ám ảnh mãi trong đầu thì chỉ mất vài ngày để hoàn thành. Chậm thì mất vài tháng, thậm chí là cả năm. Sau đó còn phải thăm dò địa điểm, đa phần các bộ ảnh tôi chụp thường được thực hiện tại studio. Còn đối với địa điểm chụp ngoài trời, tôi thường chọn những bối cảnh rộng và đơn giản, tạo cảm giác trống trải. Ngoài ra, tôi còn thích chụp ở các tỉnh như Ninh Thuận, Bình Thuận vì có biển và đồi cát đẹp. Đây cũng là nơi mà tôi đã thực hiện bộ ảnh The Stranger.
Nhưng để ra đời một bộ ảnh đẹp thì yếu tố khó khăn nhất đó là giai đoạn chọn người mẫu. Ngoại hình đẹp thôi là chưa đủ, phải biết cách lột tả cảm xúc qua biểu cảm mặt và tạo dáng. Đôi khi, tuyển chọn người mẫu là vấn đề còn nan giải hơn là giải quyết mảng kỹ thuật chụp và tay nghề của người sắp đặt.
Anh có thể chia sẻ về dự án cá nhân “The Stranger” gần đây được không?
Đây là triển lãm cá nhân đầu tiên của tôi sau mười năm làm nghề nhiếp ảnh, được lấy cảm hứng từ chủ nghĩa hiện sinh trong tác phẩm văn học L’Étranger của tác giả Albert Camus. Nhân vật chính trong tác phẩm đó là Meursault, một người đứng ngoài chuẩn mực xã hội, từ chối “diễn” theo xã hội. Vì thế, Meursault thường bị mọi người gièm pha vì sự khác biệt của mình.
Câu chuyện của Meursault phần nào phản ánh hành trình sáng tạo của tôi – chịu sự đè nén bởi áp lực từ cuộc sống và công việc khiến cho đam mê sáng tạo dần dần trở thành một guồng quay điên cuồng, xa lạ. Đỉnh điểm là lúc tôi muốn được một lần “nổi loạn”, bức bỏ những quy chuẩn của ngành công nghiệp sáng tạo để làm mới mình. Thoát ra khỏi không gian bó buộc trong studio để đắm chìm vào thiên nhiên và tìm tòi những giá trị sống đích thực. Có thể nói, The Stranger phản ánh quá trình tìm lại chính mình của tôi.
Sau The Stranger, những dự định tiếp theo của anh là gì?
Trước mắt, tôi muốn đưa triển lãm này đến nhiều nơi hơn nữa, ví dụ như Hà Nội. Ngoài ra, tôi còn ấp ủ dự định làm một cuốn sách ảnh. Thỉnh thoảng tôi còn muốn được quay lại châu Âu để được ứng dụng những kiến thức mà mình có dịp học ở tại đó.
Cuối cùng, anh có thể gợi ý một nhân vật trò chuyện tiếp theo cho Vietcetera được không?
Các bạn có thể trò chuyện với Phí Phương Anh, quán quân The Face 2016, đồng thời cũng là nhân vật chính trong bộ ảnh The Stranger. Hoặc người đã sáng tạo ra những bộ trang phục được sử dụng trong bộ ảnh, nhà thiết kế thời trang Nguyễn Hoàng Tú.