Nhìn cái nghiệp 2020 qua 5 phim tài liệu về môi trường
Con người có đang phải trả giá cho những hành động vô nhân tính mà chúng ta đã đối xử với Mẹ Thiên nhiên?
Gần đây USAID và CITES Việt Nam vừa chạy chiến dịch bảo vệ động vật hoang dã với cái tên lạ - “Ngưng tạo nghiệp”.
Để có một cái nhìn toàn cảnh về nạn săn bắt động vật hoang dã và cuộc chiến không mệt mỏi của những nhà hoạt động vì môi trường, xin giới thiệu đến các bạn 5 bộ phim tài liệu quốc tế xuất sắc dưới đây mà tôi từng xem. Các bạn có thể tìm xem trên Netflix và một số trang phim trực tuyến khác.
1. The Ivory Game (2016)
Bộ phim mở đầu với những thông tin chấn động: “Chỉ trong khoảng 5 năm qua, hơn 150.000 con voi ở châu Phi đã bị giết để lấy ngà. Số lượng voi ở Tây và Trung Phi đang dần biến mất. Vụ thảm sát hàng loạt đang tiếp tục lan rộng sang Đông và Nam Phi.
Mạng lưới tội phạm buôn bán ngà voi sang Trung Quốc, Hongkong, Việt Nam… nơi ngà voi được dùng để chạm khắc những vật phẩm cao cấp tạo nên ngành thương mại trị giá hàng tỷ đô la. Nếu ngành thương mại này tiếp tục diễn ra, voi châu Phi sẽ bị tuyệt chủng trong 15 năm nữa”.
Bộ phim tài liệu dũng cảm và hấp dẫn như một bộ phim hình sự này với việc quay phim hoàn toàn bí mật cho thấy mức độ trầm trọng của nạn săn bắt voi ở châu Phi. Phim cũng cảnh báo các chính phủ nếu không hành động ngay bây giờ, loài voi sẽ đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng vào năm 2030.
2. Virunga (2014)
Quay ngược trở lại lịch sử đau thương của đất nước Congo và đi tìm căn nguyên của vấn đề, bộ phim tài liệu xuất sắc từng được đề cử Oscar này dẫn dắt người xem đến Vườn quốc gia Virunga với những khu rừng sâu nằm ở phía đông Congo. Đây là một trong những nơi đa dạng sinh học nhất trên thế giới và là nơi sinh sống của loài khỉ đột núi (Mountain Gorillas) cuối cùng.
Trong môi trường hoang dã nhưng đầy mê hoặc này, một đội kiểm lâm nhỏ, bao gồm những cựu chiến binh trẻ em nay trở thành kiểm lâm, một người chăm sóc gorillas chuyên nghiệp và một nhà bảo tồn người Bỉ cùng nhau bảo vệ di sản thế giới được UNESCO công nhận này khỏi những kẻ săn trộm và lực lượng dân quân vũ trang, dù họ đối mặt với rất nhiều nguy hiểm.
3. Blood Lions (2015)
Bộ phim tài liệu này đưa ra một thực trạng tàn khốc của ngành chăn nuôi và săn bắn sư tử nhốt chuồng trị giá hàng triệu đô la ở Nam Phi. Chỉ riêng năm 2014, hơn 800 con sư tử đã bị săn bắn và nuôi nhốt ở Nam Phi.
Blood Lions đưa ra một lời kêu gọi hành động và mời gọi những nhà tình nguyện cùng tham gia vào một chiến dịch toàn cầu để ngăn chặn nạn săn bắt và nuôi nhốt sư tử hoang dã.
4. The Cove (2009)
Bộ phim tài liệu từng đoạt Oscar cho Phim tài liệu xuất sắc nhất vào năm 2010 có thể khiến bạn phải chảy nước mắt khi xem và kinh hoàng trước thực trạng săn bắt và giết lấy thịt cá heo – một loài động vật hiền lành và thân thiện với con người ở vịnh Taiji, Nhật Bản.
Một nhóm các nhà hoạt động vì động vật hoang dã, nhà làm phim và thợ lặn tự do đã cùng thực hiện một dự án bí mật và táo bạo để ghi lại sự thật gây sốc diễn ra tại Nhật Bản.
Theo báo cáo ở thời điểm bộ phim ra mắt, khoảng 23.000 con cá heo đã bị giết để lấy thịt ở Nhật Bản mỗi năm, dù thịt của loài cá này có thể gây ngộ độc và nguy hiểm vì chứa thủy ngân.
5. Racing Extinction (2015)
Racing Extinction, bộ phim tài liệu từng thắng giải tại LHP Sundance kể câu chuyện truyền cảm hứng về một nhóm những nghệ sĩ và nhà hoạt động thiện nguyện về môi trường để cho thế giới thấy những nguy cơ tuyệt chủng của nhiều loài động vật hoang dã.
Với những hình ảnh chưa từng thấy trước đây, bộ phim giúp khán giả thay đổi cách nhìn về hành tinh của chúng ta và các loài động vật hoang dã trong hệ sinh thái. Đặc biệt hơn là những nguy cơ tiềm ẩn có thể dẫn đến việc biến mất vĩnh viễn của một nửa số loài động vật trong tự nhiên vì nạn buôn bán động vật hoang dã và tàn phá môi trường.
Kết
Tôi nghĩ nếu bạn dành một ít thời gian để xem 5 bộ phim tài liệu xuất sắc này, hoặc ít nhất là 1, 2 phim trong số chúng, bạn sẽ không bao giờ dám tiêu thụ hay ăn bất cứ một loài động vật hoang dã không có nguồn gốc nào nữa.
Trong bộ phim mới nhất A Life on Our Planet vừa phát trên Netflix, Sir. David Attenborough đưa ra một con số đáng báo động: “Số lượng động vật hoang dã, từ chuột đồng tới voi chỉ còn khoảng 4% trong thế giới tự nhiên”.
Và chính con người đang phải trả giá cho những hành động vô nhân tính mà chúng ta đã đối xử với Mẹ Thiên nhiên và các giống loài khác trước những thảm họa thiên tai và dịch bệnh liên tiếp diễn ra.
Hãy ngưng tạo nghiệp và dừng lại trước khi quá muộn để góp phần bảo vệ các loài động vật hoang dã và sự cân bằng của hệ sinh thái!