Nhìn lại những khoảnh khắc đáng nhớ nhất của Olympic 2024
Vậy là sau gần ba tuần khi hầu hết mọi con mắt trên Thế giới cùng đổ về thủ đô Paris để theo dõi những giây phút kịch tích của thể thao đỉnh cao, kỳ Thế vận hội Mùa hè 2024 đã chính thức khép lại.
Và có lẽ đã thật lâu rồi chúng ta chưa được chứng kiến một Olympics có nhiều sự kiện đáng chú ý đến vậy: kỷ lục và những khoảnh khắc lịch sử có, sự thất vọng và buồn bã cũng có, hoành tráng rất nhiều và những lùm xùm tranh cãi cũng không hề thiếu.
Nhưng tạm gạt vài điều tiêu cực sang một bên, Olympics 2024, như mọi kỳ Thế vận hội khác, là nơi tôn vinh tài năng và sự đoàn kết của con người. Và vì vậy, không thiếu những khoảnh khắc đẹp và đáng nhớ đã xuất hiện tại Olympics năm nay.
LỄ KHAI MẠC HOÀNH TRÁNG NHƯNG GÂY NHIỀU TRANH CÃI
Đúng 19h30 tối 26/7, lễ khai mạc Olympics 2024 chính thức được diễn ra. Trong cơn mưa tầm tã và sự reo hò của hàng vạn người dân Paris, những chiếc Bateaux Mouches chở đoàn thể thao của các quốc gia lần lượt “diễu hành” dọc sông Seine. Hai bên bờ sông trở thành các sân khấu nhỏ cho những nghệ sĩ nổi tiếng như Lady Gaga, Gojira hay Aya Nakamura biểu diễn.
Trong khi đó, ở những địa danh nổi tiếng khác của Paris, ngọn đuốc Olympic được trao qua tay những huyền thoại thể thao như Zinedine Zidane, Serena Williams hay Rafael Nadal, trước khi được dùng để thắp sáng một chiếc khinh khí cầu khổng lồ. Lễ khai mạc kết thúc với màn trình diễn của danh ca Céline Dion, ngân vang ca khúc kinh điển Hymne à l'Amour trên tháp Eiffel.
Tuy nhiên, lễ khai mạc Olympics cũng gây nhiều tranh cãi, đặc biệt với màn trình diễn của ca sĩ Pháp Philippe Katerine bị không ít người phê bình là “báng bổ tôn giáo”.
ĐOÀN THỂ THAO VIỆT NAM TIẾN VÀO OLYMPICS
Trên một trong những chiếc thuyền đi dọc sông Seine ngày hôm đó là 16 vận động viên của đoàn thể thao Việt Nam, với nữ tuyển thủ xe đạp Nguyễn Thị Thật và tay vợt cầu lông Lê Đức Phát được trao vinh dự vẫy lá cờ đỏ sao vàng trước bạn bè quốc tế.
Các vận động viên Việt Nam tranh tài ở 11 nội dung thi đấu bao gồm bắn cung, điền kinh, cầu lông, quyền anh, đua xuồng canoe, xe đạp, judo, chèo thuyền, bắn súng, bơi lội và cử tạ. Dù không giành được huy chương nào, song đoàn thể thao nước nhà đã nhận được những kết quả tích cực từ phần thi đấu của xạ thủ Trịnh Thu Vinh và vận động viên chèo thuyền Phạm Thị Huệ.
Trong cả hai nội dung thi đấu súng ngắn hơi 10m nữ và súng ngắn tự do 25m nữ, xạ thủ Trịnh Thu Vinh đều xuất sắc vào tới vòng chung kết, vượt qua nhiều đối thủ được đánh giá cao để lần lượt giành vị trí thứ 4 và 7.
Trong khi đó, vận động viên Phạm Thị Huệ cũng vào đến vòng chung kết của nội dung chèo thuyền đơn nữ, hoàn thành đường đua 2.000m sau 7 phút 47 giây để trở thành vận động viên về đích thứ 23.
“TUỔI TRẺ TÀI CAO” VÀ “GỪNG CÀNG GIÀ CÀNG CAY”
Giống như tại Olympics 2020, khoảng cách tuổi tác giữa vận động viên trẻ và già nhất tại kỳ Thế vận hội năm nay là 54 tuổi. Chi tiết đáng kinh ngạc này là ví dụ rõ rệt cho thấy đôi khi tuổi tác chỉ đơn thuần là một con số.
Đại diện cho Trung Quốc, Zheng Haohao chỉ mới 11 tuổi và 11 tháng vào ngày cô bé tham gia thi đấu nội dung trượt ván nữ.
Trong khi đó, vận động viên lớn tuổi nhất tại Olympics Paris là Juan Antonio Jimenez Cobo, năm nay đã 65 tuổi. Ông đại diện cho Tây Ban Nha để thi đấu bộ môn cưỡi ngựa. Lần đầu tiên Jimenez Cobo tham dự Thế vận hội là tại Olympics Sydney năm 2000. Ở thời điểm đó, Zheng Haohao chưa ra đời.
MỸ ĐƯA “ĐỘI HÌNH TRONG MƠ 2.0” TỚI OLYMPICS
Với tổng cộng 592 vận động viên, Mỹ là quốc gia có đoàn thể thao hùng hậu nhất tham dự Olympics năm nay. Mỹ cũng là quốc gia được đánh giá là ứng cử viên giành huy chương vàng ở nhiều bộ môn như thể dục dụng cụ, bóng đá nữ, hay đặc biệt là bóng rổ.
Sở hữu những siêu sao bóng rổ hàng đầu Thế giới như Lebron James, Stephen Curry hay Kevin Durant, đội tuyển bóng rổ Mỹ năm nay được nhiều người so sánh với “The Dream Team” mà quốc gia này đã đem tới Olympics 1992. Mỹ chiến thắng Pháp trong trận chung kết và đem về huy chương vàng thứ 5 liên tiếp trong bộ môn bóng rổ.
CÁC XẠ THỦ “BẮN SẬP” MẠNG XÃ HỘI
Ngoại trừ trường hợp đã “sống trong hang” suốt vài tuần qua, nhiều khả năng các bạn đã nhìn thấy ít nhất một vài chiếc meme về các xạ thủ bắn súng tại Olympics năm nay.
Đầu tiên là hình ảnh của nữ xạ thủ Kim Yeji, có lẽ là định nghĩa hoàn hảo nhất của hai từ “cool ngầu”. Với dáng vẻ đầy quyền lực và khuôn mặt lạnh tanh không một chút cảm xúc khi bóp cò, Kim Yeji mang về cho Hàn Quốc một huy chương bạc trong nội dung súng ngắn hơi 10m nữ.
Ở thái cực hoàn toàn trái ngược là xạ thủ Yusuf Dikec từ Ấn Độ. Không cần trang bị phụ kiện như những xạ thủ khác, Dikec chỉ cần một chiếc kính cận để giành huy chương bạc của nội dung súng ngắn hơi 10m hỗn hợp. Dáng vẻ bình thản đến lạ thường khiến nhiều người liên tưởng Dikec với một “ông chú” đang đi công chuyện thì vô tình tạt qua thi Olympics.
Trong nội dung thi đấu súng ngắn tự do 25m nữ, Kim Yeji trực tiếp đối đầu với xạ thủ Trịnh Thu Vinh. Trong thời điểm đó ở nước nhà, các hình ảnh của nữ xạ thủ người Việt thi đấu tại Olympics cũng đang “gây bão” trên mạng xã hội, mỗi bức hình toát ra thần thái mạnh mẽ hút hồn mọi người xem.
IMANE KHELIF GIÀNH HUY CHƯƠNG VÀNG SAU NHỮNG LÙM XÙM “XẤU XÍ”
Kể từ khi chiến thắng đối thủ người Ý Angela Carini chỉ sau 46 giây, hàng loạt những tố cáo vô căn cứ đã được hướng về vận động viên quyền anh Imane Khelif. Dù không dựa trên một bằng chứng chính thức nào, những tin đồn về việc vận động viên tới từ Algeria là người chuyển giới hoặc liên giới liên tiếp được lan truyền, khiến Khelif bị tấn công trên mạng xã hội.
Bất chấp tất cả, Imane Khelif vẫn tiếp tục thi đấu và sau cùng mang về huy chương vàng trong nội dung đấm bốc nữ hạng bán trung, đánh bại đối thủ Liu Yang từ Trung Quốc.
NOVAK DJOKOVIC HOÀN TẤT GOLDEN SLAM
Dù là chủ nhân kỷ lục của 24 danh hiệu Grand Slam và được mệnh danh là một trong những tay vợt vĩ đại nhất lịch sử, Novak Djokovic vẫn chưa thể tìm kiếm cho mình một huy chương vàng Olympic. Hoặc ít nhất là cho đến kỳ Thế vận hội năm nay, khi tay vợt người Serbia vượt qua đối thủ Carlos Alcaraz tới từ Tây Ban Nha trong trận chung kết để hoàn tất chiếc Golden Slam đầu tiên trong sự nghiệp huy hoàng của mình.
BÓNG ĐÁ TÂY BAN NHA HAI LẦN VÔ ĐỊCH TRONG MỘT MÙA HÈ
Sau một trận chung kết gay cấn đến nghẹt thở kéo dài sang hiệp phụ, đội tuyển bóng đá Olympic của Tây Ban Nha đã chiến thắng L’Espoirs của nước Pháp và giành huy chương vàng tại kỳ Thế vận hội năm nay. Đây là chức vô địch bóng đá thứ hai của Tây Ban Nha trong mùa hè, khi đội tuyển quốc gia này cũng vừa giành ngôi vương tại giải Euro cách đây không lâu.
NOAH LYLES CHIẾN THẮNG VỚI CÁCH BIỆT 0.005 GIÂY
Điền kinh 100m nam có lẽ là nội dung thi đấu gay cấn nhất tại kỳ Olympics năm nay, khi khoảng cách giữa người về đích đầu tiên và thứ hai chỉ cách biệt 0.005 giây. Noah Lyles, vận động viên tới Mỹ đã “viral” thời gian qua bởi những màn ăn mừng với các lá bài Yu-Gi-Oh đã giành huy chương vàng sau khi hoàn thành chặng đua trong 9.784 giây. Chủ nhân huy chương bạc, Kishane Thompson tới từ Jamaica, về đích sau 9.789 giây.
ĐỘI TUYỂN OLYMPIC NGƯỜI TỊ NẠN LÀM NÊN LỊCH SỬ
Kể từ năm 2016, Đội tuyển Olympic người tị nạn chính thức trở thành một tập thể tham dự các kỳ Thế vận hội. Đoàn thể thao đặc biệt này bao gồm những vận động viên độc lập đang tị nạn ở các quốc gia khác.
Cindy Ngamba là một vận động viên đấm bốc gốc Cameroon hiện đang tị nạn ở Anh. Tại kỳ Olympics năm nay, cô đã xuất sắc vào đến vòng bán kết của nội dung đấm bốc nữ, nhưng sau đó bị đánh bại bởi đối thủ Atheyna Bibeichi Bylon tới từ Panama.
Song thành tích này là đủ để mang về cho Ngamba một huy chương đồng, cũng là danh hiệu đầu tiên trong lịch sử của đội tuyển Olympic người tị nạn.
BREAKDANCE LẦN ĐẦU TRỞ THÀNH MÔN THỂ THAO OLYMPIC
Kỳ Thế vận hội năm nay là lần đầu tiên bộ môn nhảy breakdance trở thành nội dung thi đấu tại Olympics. Trước đó, tại Olympics Tokyo 2020, bốn bộ môn bao gồm karate, trượt ván, lướt sóng và leo núi trong nhà cũng chính thức được đưa vào thi đấu.
Dancer Philip Kim của Canada là người mang về huy chương vàng trong nội dung breakdance nam, sau khi chiến thắng đối của Danis Civil tới từ nước chủ nhà. Trong khi đó, dancer Ami Yuasa tới từ Nhật Bản là chủ nhân của huy chương vàng trong nội dung breakdance nữ.
BƠI GIỮA DÒNG SÔNG SEINE
Trong suốt nửa năm nay, vấn đề về độ sạch của nước sông Seine đã trở thành một nội dung bàn tán “trường kỳ”, kể từ khi Pháp tuyên bố sẽ sử dụng dòng sông nổi tiếng làm địa điểm thi đấu một số bộ môn quan trọng. Ngay trước khi Olympics diễn ra, Pháp khẳng định rằng quá trình làm sạch sông Seine đã đem về những kết quả đáng mừng, và rằng chất lượng nước dòng sông đã đủ an toàn.
Những bàn tán lại một lần nữa nổi lên khi đoàn thể thao Bỉ quyết định rút khỏi nội dung thi đấu triathlon (ba môn phối hợp) hỗn hợp nam nữ, sau khi một vận động viên của quốc gia này bị ốm kể từ khi bơi ở sông Seine. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào chứng minh 100% được cô đã bị nhiễm khuẩn khi bơi dưới sông.
BỨC SELFIE KẾT NỐI HAI NỬA BÁN ĐẢO TRIỀU TIÊN
Một trong những bức hình “ấm lòng”, thể hiện rõ rệt nhất tinh thần đoàn kết của Olympics tại kỳ Thế vận hội năm nay chắc hẳn là bức hình của vận động viên bóng bàn Hàn Quốc Lim Jong-hoon.
Sau khi giành huy chương đồng trong nội dung thi đấu hỗn hợp, anh cùng đồng đội Shin Yu-bin đã chụp một tấm hình selfie với các vận động viên Bắc Triều Tiên Ri Jong-sik và Kim Kum-yong (chủ nhân của huy chương bạc), cùng Wang Chuqin và Sun Yingsha của đoàn thể thao Trung Quốc (chủ nhân của huy chương vàng).
CÁC THÀNH TÍCH “NHẤT” TẠI OLYMPICS NĂM NAY
Zhang Yufei, nữ vận động viên bơi lội của đoàn thể thao Trung Quốc trở thành vận động viên đoạt nhiều huy chương nhất tại kỳ Olympics năm nay. Cô chiến thắng tổng cộng 6 huy chương, trong đó có một huy chương bạc và 4 huy chương đồng.
Trong khi đó, vận động viên bơi lội Léon Marchand của Pháp là người chiến thắng nhiều huy chương vàng nhất, với 4 huy chương vàng và một huy chương đồng. Để vinh danh cho thành tích này, Marchand được Pháp lựa chọn cho trọng trách rước ngọn lửa Olympics đến lễ bế mạc.
Ở cấp độ quốc gia, Mỹ là nước có nhiều huy chương nhất tại kỳ Thế vận hội năm nay, với 126 huy chương trong đó có 40 huy chương vàng. Trung Quốc cũng sở hữu 40 huy chương vàng, và tổng cộng có 91 huy chương.
BẾ MẠC OLYMPICS: “TÔI LÀM THEO CÁCH CỦA TÔI”
Và vào đúng 21h ngày 11/8, Thế vận hội Mùa hè Paris 2024 chính thức khép lại với lễ bế mạc mang tên Records. Diễn ra tại sân vận động quốc gia Stade de France, lễ bế mạc Olympics 2024 diễn ra hết sức hoành tráng, với những màn trình diễn đậm chất khoa học viễn tưởng mang chủ đề về vũ trụ và tương lai.
Và trong hàng loạt các nghệ sĩ đã xuất hiện xuyên suốt kỳ Thế vận hội, sự xuất hiện của diễn viên Tom Cruise có lẽ là chi tiết khiến nhiều người bất ngờ nhất. Nam tài tử đu dây từ nóc sân vận động để nhận lá cờ Olympic và mang nó đến Los Angeles, nơi sẽ diễn ra kỳ Thế vận hội năm 2028.
Và khép lại buổi lễ bế mạc, ca sĩ Pháp Yseult biểu diễn ca khúc My Way của cố danh ca Frank Sinatra. Ca khúc với ca từ “Và sau tất cả, tôi làm theo cách của tôi” giống như một chiếc nháy mắt nhẹ từ nước Pháp, muốn nói rằng dù đã có những sảy chân và gặp phải những phê bình, đất nước này đã tổ chức nên một kỳ Olympics đáng nhớ và đậm chất Pháp, theo cái cách mà chỉ họ mới có thể làm được.