Những câu hỏi khiến dịp lễ Tết sum vầy trở thành nỗi sợ hãi

Một số cách hay hơn để thăm hỏi người thân và cách ứng phó nếu lỡ nhận được những câu hỏi thiếu tinh tế mỗi dịp lễ Tết sum vầy cùng gia đình.

Rosie-Ân Hồ
Những câu hỏi khiến dịp lễ Tết sum vầy trở thành nỗi sợ hãi

Những câu hỏi khiến dịp lễ Tết sum vầy trở thành nỗi sợ hãi

Năm cũ lại sắp trôi qua, năm mới đã lấp ló nơi đầu ngõ. Xuân Canh Tý năm nay chỉ cách Tết Dương Lịch đúng 25 ngày, điều này càng làm những người con xa xứ thêm nôn nao. Nhưng bên cạnh cảm giác háo hức sum vầy cùng gia đình, vẫn tồn tại nỗi sợ đối mặt với những lời bình luận thiếu tinh tế, hoặc những câu hỏi khó từ họ hàng.

Cả năm chẳng có bao nhiêu lần sum vầy, thế nên nhiều người tranh thủ dịp này để cập nhật tình hình của con cháu. Hoặc đôi khi, đó chỉ là những lời đùa, câu chuyện phiếm giữa lúc tất bật chuẩn bị cho mâm cỗ. Nhưng người xưa từng nói: “Thiện ý một câu ấm ba đông, lời ác lạnh người sáu tháng ròng”. Có những câu hỏi chỉ khiến dịp lễ Tết trở thành nỗi sợ hãi cho con cháu, không nói ra vẫn tốt hơn.

Sau đây là một số cách hay hơn để thăm hỏi người thân trong những dịp sum vầy, và cách ứng phó nếu lỡ nhận được những câu hỏi hơi “kém duyên”.

“Năm nay không dẫn ai về quê à? Con bé/thằng bé lần trước dẫn về sao rồi?”

Người lớn trong nhà ai mà chẳng mong muốn con cháu mình được hạnh phúc. Văn hoá của người Việt cũng xem chuyện tình cảm và hôn nhân là một mục tiêu thiết yếu của đời người. Thế nên, việc hỏi về mối quan hệ yêu đương của con cháu là điều rất đỗi bình thường đối với họ.

Tuy nhiên không phải bất cứ ai cũng may mắn trong chuyện tình cảm. Tình yêu như một đôi giày. Đến một ngày khi giày chật, nó chỉ mang đến những vết đau. Hỏi về người lần trước con cháu dẫn về nhà có vẻ như là một câu quan tâm rất tận tình, nhưng có khi lại khiến con cháu buồn vì nhớ lại những kỉ niệm và nỗi đau cũ.

Người yêu không phải là nguồn mang lại hạnh phúc duy nhất. Thay vì đào sâu vào đời tư của con cháu, hãy hỏi những câu tế nhị hơn, như tìm hiểu về những thành tựu gần đây, hoặc kế hoạch tương lai của thành viên gia đình mình.

“Thế bao giờ cưới?”

Đây cũng lại là một câu hỏi vừa tế nhị vừa gây áp lực, đặc biệt là trong xã hội Việt Nam. Cứ mỗi lần tụ tập gia đình hay về quê ăn cỗ là thế nào cũng nhận được những câu như: “Bao giờ con tính cưới?” “Khi nào mới gửi thiệp mời cưới đây?” nghĩ đến thôi mà “nụ cười chợt thoáng vụt tắt trên má hồng”.

Đối với những ai vẫn còn độc thân thì câu hỏi này như xát thêm muối vào nỗi niềm cô đơn. Còn với những người đang trong một mối quan hệ hẹn hò nhưng người yêu chưa đề cập đến chuyện về chung nhà, câu hỏi này như một hòn sỏi làm bấp bênh tinh thần.

Chuyên viên tâm lý Biện Chương Dương tư vấn rằng, cách tốt nhất để né câu hỏi này đó là hãy cố gắng hài hước và làm dịu vấn đề. Đối với nhiều cô dì chú bác, câu hỏi này là “miếng trầu” để họ “mở đầu câu chuyện”, vì thế hãy chuyển hướng sang những chủ đề dễ gây hứng thú như chủ đề kinh tế, sức khỏe và những vụ án, sự kiện kỳ lạ.

Nếu như bạn vẫn tiếp tục bị tra hỏi bởi những người họ hàng khó tính hơn, đừng ngại mà hãy trả lời rằng: “Dạ, có vài vấn đề khó nói ra, con cũng khổ tâm lắm. Mình không nói chủ đề này được không ạ?”

“Bao giờ mới định đẻ?”

Ngày nay chuyện “con đàn cháu đống” không còn là vấn đề được ưu tiên hàng đầu của các cặp đôi nữa. Có người chỉ muốn có một con, người thì thích nhiều con để vui nhà vui cửa. Cũng có những cặp đôi rất muốn có con nhưng lại hiếm muộn, hoặc điều kiện công việc và kinh tế chưa cho phép. Hay có những cặp đôi không muốn có con, thay vào đó họ chọn đi du lịch cùng nhau, hoặc nuôi thú cưng. Thậm chí có cặp đôi đã có con đầu lòng rồi nhưng vẫn bị hỏi “Khi nào đẻ thêm đứa nữa?”.

Việc hỏi “Bao giờ mới định đẻ” hay “Khi nào mới tính đẻ thêm?” là một cách đặt gánh nặng chuẩn mực lên con cháu. Quyết định khi nào có con và có bao nhiêu người con là quyết định riêng tư của mỗi cặp đôi. Tuy có thể chỉ là vô tình, nhưng những câu hỏi như vậy đôi khi lại bỏ qua những yếu tố quan trọng hơn, chẳng hạn như tình hình sức khỏe, kế hoạch tài chính, hoặc những mong muốn khác của con cháu mình.

“Có chắc không?”

Trước những quyết định lớn trong cuộc đời của con cháu, chẳng hạn như đổi ngành học, nhảy việc, hủy hôn,… phản ứng đầu tiên của người lớn có thể vẫn chưa ủng hộ hoặc đầy nghi ngờ. Tất cả chỉ xuất phát từ nỗi lo lắng cho tương lai của con cháu mình.

Diễn giả Mr. Why Phạm Ngọc Anh đồng ý rằng “những kinh nghiệm quý báu không phải ai cũng sở hữu ngang nhau”, nhưng chỉ người trong cuộc mới nắm bắt đầy đủ tình trạng, từ đó tìm đến nguồn kiến thức, thông tin phù hợp và đưa ra quyết định ở ngã rẽ cuộc đời mình.

Thay vì hỏi “Có chắc không?”, hãy thử bắt đầu bằng cách “Chắc là con đã nghĩ tới rồi, nhưng con tính giải quyết các vấn đề phát sinh ra sao?” Bởi mỗi bước ngoặt trong cuộc đời chỉ là giai đoạn tạm thời, cách bạn giải quyết những chuyện xảy đến tiếp theo mới ảnh hưởng đến kết quả chung cuộc.

Bạn có thể tránh né câu hỏi nghi hoặc của người thân bằng cách lịch sự cảm ơn, khẳng định lại là mình đã suy nghĩ rất kĩ và tin vào con đường mình lựa chọn.

Lương tháng bao nhiêu?

Đây vẫn là một câu hỏi mang ý quan tâm, nhưng khá thiếu tế nhị và không nên hỏi vào bất kỳ thời điểm nào trong năm cả. Tuy chuyện lương bổng ảnh hưởng rất nhiều tới cuộc sống, nhưng mỗi người có quan điểm và định hướng khác nhau cho sự nghiệp của mình. Sẽ rất khập khiễng nếu lấy tiêu chuẩn của người này để so sánh với quan điểm của người khác.

Kiểu gì thì câu hỏi này cũng sẽ động chạm cả bên hỏi lẫn bên bị hỏi. Dù bạn nói thật hay nói khống thì phản ứng “ít vậy” hay “giàu thế” cũng khiến bạn bị khó xử. Và rồi câu chuyện khoe thành tích, so lương thưởng sẽ kéo dài mãi không dứt. Hoặc ngược lại, người hỏi cảm thấy chạnh lòng khi nghĩ tới con mình hay cháu mình, vì sao cũng có khả năng nhưng lại không đạt được thành tựu tương tự.

Thay vào đó, tốt nhất là hỏi thăm con cháu về tình hình công việc thay vì số tiền kiếm được. Còn về phía người bị hỏi, nếu không thể lảng tránh thì có thể trả lời “Con sống tốt với số tiền kiếm được ạ, cảm ơn mọi người đã quan tâm”.

“Sao dạo này béo/gầy thế?”

Hầu hết mọi người đều không ý thức được, nhận xét hay bàn luận về cân nặng của người khác có thể gây ảnh hưởng rất sâu nặng và lâu dài đến tâm lý của đối tượng bị bàn luận, thậm chí chính họ cũng không nhận ra được điều này. Theo thạc sĩ tâm lý Lê Thị Dương Thương, bình luận về ngoại hình người khác dễ dẫn tới nhiều hệ lụy như sợ giao tiếp với người khác, rối loạn ăn uống và thậm chí là trầm cảm.

Nếu bạn không thoải mái với câu hỏi này thì hãy đáp: “Dạ con cũng không để ý lắm vì đối với con, chuyện gầy ốm không quá quan trọng. Hiện tại con vẫn vui khoẻ. Dạo này mọi người sao rồi ạ?”.

Để bắt đầu một năm mới đầy suôn sẻ, thay vì hỏi về chuyện béo gầy thì nên nhận xét “Dạo này thấy thần thái con có vẻ tốt hơn/ thấy con vui vẻ hơn”. Đồng thời, hãy hỏi về những dự định cho hiện tại và tương lai của con cháu. Đặc biệt là vào dịp Tết với các món bánh mứt và mâm cỗ sum vầy, đừng để vấn đề cân nặng ảnh hưởng đến tâm lý người thân.

“Ăn tô nữa cơ à?/ Sao ăn lắm thế?”

Trên bàn ăn ngày Tết có biết bao món ngon nên được thưởng thức. Thức ăn phải hợp khẩu vị lắm thì người ăn mới lấy thêm, đây cũng là một lời khen ngợi dành cho người nấu, vì vậy những người cùng ăn đừng nên chỉ trích gì thêm để tránh làm đôi bên mất vui.

Có lẽ đây chỉ là câu đùa vui, nhưng kết quả lại là bầu không khí xấu hổ. Người xưa thường nói “Chớ eo xèo khi đãi khách, đừng hậm hực lúc ăn cơm“. Bởi vậy, khi đang quây quanh mâm cỗ thì không nên đưa ra những lời bình luận làm ảnh hưởng đến tâm trạng của mọi người. Thêm một cuốn chả hay một góc bánh chưng chẳng ảnh hưởng nghiêm trọng gì cả.

“Sao lại không ăn thịt/bánh chưng/…?”

Mỗi người có chế độ kiêng cữ nhất định, và điều đó nên được tôn trọng trong những buổi tiệc sum vầy. Có thể là họ bị dị ứng, hoặc họ cần gia giảm lượng đường, lượng mỡ, tinh bột trong thức ăn, hoặc họ quyết định ăn chay. Nếu bạn thắc mắc về quyết định của con cháu vì thấy họ tránh đụng đũa vào một số món ăn thì hãy lịch sự hỏi những câu như “Con thấy trong người thế nào sau khi thay đổi chế độ ăn?”

Nếu cha mẹ hoặc cô dì chú bác chỉ trích quyết định ăn uống của bạn, có thể lịch sự đáp rằng “Con thấy khỏe hơn nhiều khi ăn theo cách này” hoặc “Con đã nghiên cứu kĩ cách cân đối dinh dưỡng để không thiếu chất rồi ạ”. Nếu bạn đã giải thích mà họ vẫn tiếp tục bàn luận thì cũng đừng quá để tâm. Trong những dịp tụ tập gia đình tiếp theo, nếu gia đình thấy bạn vẫn mạnh khỏe thì những thắc mắc đó sẽ tự động ngưng thôi.

Bài viết của tác giả trên HuffPost, được bình dịch bởi Rosie Hồng Ân.

Xem thêm:

[Bài viết] Tự nhiên bị hỏi cân, chê béo, chê gầy, chê xấu thì phản ứng thế nào?

[Bài viết] Trả lời cho câu hỏi muôn thuở: “Bao giờ sinh con?”


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục