Những thuật ngữ định hình việc làm từ thiện trong thế kỷ 21
Ngày 03/05, tỷ phú Bill Gates và vợ Melinda Gates chính thức thông báo về quyết định ly dị sau 27 năm chung sống.
Sau sự việc, tương lai của một trong những quỹ từ thiện lớn và tạo ảnh hưởng nhất thế giới Bill & Melinda Gates Foundation là chủ đề được nhiều người quan tâm. Không chỉ là quỹ từ thiện được thành lập bởi cặp vợ chồng nổi tiếng, kỷ nguyên của Bill & Melinda Gates Foundation còn tạo ra rất nhiều ảnh hưởng đến lĩnh vực thiện nguyện nói chung.
Trong bài viết này, Vietcetera sẽ giới thiệu những thuật ngữ cơ bản xoay quanh lĩnh vực thiện nguyện (philanthropy) trong thế kỷ 21.
1. Pledge
Pledge là lời hứa, sự cam kết hay thỏa thuận bằng văn bản hoặc bằng miệng về việc đóng góp tài sản, có thể bằng tiền mặt hoặc hiện vật cho mục đích từ thiện trong tương lai. Cam kết này có thể có điều kiện hoặc vô điều kiện.
Một trong những cam kết từ thiện nổi tiếng nhất là Giving Pledge, được xem là một cam kết đạo đức chứ không có tính pháp lý. Được sáng lập vào năm 2010 bởi Bill Gates và Warren Buffett, Giving Pledge là sáng kiến thuyết phục các tỷ phú trên thế giới đóng góp một nửa giá trị tài sản ròng của họ để làm từ thiện, có thể trong lúc họ còn sống hoặc sau khi họ qua đời.
Tính đến năm 2021, đã có 220 cá nhân hoặc cặp vợ chồng đăng ký tham gia cam kết này.
2. Endowment
Endowment là sự quyên tặng tài sản cho quỹ từ thiện, thường dưới dạng tiền mặt. Tuy nhiên, sự quyên tặng này đặt ra yêu cầu rằng số tài sản phải được duy trì nguyên vẹn và được đầu tư để tạo ra nguồn thu nhập cho quỹ từ thiện.
Các nhà tài trợ có thể yêu cầu khoản tiền gốc phải được giữ nguyên vẹn vĩnh viễn, hoặc trong một khoảng thời gian xác định hoặc cho đến khi đã tích lũy đủ tài sản để đạt được mục tiêu đề ra.
Một số quỹ từ thiện phi lợi nhuận để riêng khoản quyên tặng để đầu tư và sinh lợi nhuận từ lãi suất. Từ đó về sau, họ sẽ chỉ sử dụng số tiền lãi và giữ nguyên số tiền ban đầu.
3. Venture philanthropy
Venture philanthropy là hoạt động từ thiện mạo hiểm. Giống như đầu tư mạo hiểm (venture capital), từ thiện mạo hiểm có nhiều những đặc điểm và nguyên tắc tương tự. Tuy nhiên, khác với đầu tư mạo hiểm, từ thiện mạo hiểm không coi việc tạo ra lợi nhuận là mục đích chính.
Venture philanthropy coi lợi nhuận là công cụ để thúc đẩy những lợi ích cộng đồng. Hoạt động đầu tư của venture philanthropy sẽ tập trung vào các dự án hoặc doanh nghiệp cam kết với việc giải quyết những vấn đề xã hội, ví dụ như môi trường, thiên tai hay dịch bệnh.
4. Philanthro-capitalism
Philanthro-capitalism được ghép từ philanthropy (sự thiện nguyện) và capitalism (chủ nghĩa tư bản). Đây là thuật ngữ do Matthew Bishop và Michael Green đặt ra để mô tả việc hoạt động từ thiện là công cụ hỗ trợ của chủ nghĩa tư bản, trong đó cho phép của cải do thị trường tạo ra được sử dụng cho lợi ích cộng đồng.
Thuật ngữ này mô tả một xu hướng từ thiện mới, trong đó những cá nhân phân bổ tài sản của họ vào những tổ chức từ thiện có cách thức hoạt động như một công ty tư nhân. Điều này nhằm giúp họ tránh việc phải tuân theo những quy định của chính phủ về hoạt động từ thiện, do hoạt động thiện nguyện của họ được vận hành dưới hình thức một công ty chứ không phải một quỹ từ thiện đơn thuần.
Một ví dụ nổi tiếng về cách làm này trên thế giới là Sáng kiến Chan Zuckerberg. Vào tháng 12 năm 2015, Mark Zuckerberg và vợ Priscilla Chan đã cam kết quyên góp 99% giá trị cổ phần Facebook của họ, được định giá 45 tỷ USD vào thời điểm đó, cho Sáng kiến Chan Zuckerberg. Công ty thiện nguyện này được thành lập với mục tiêu thúc đẩy sức khỏe và giáo dục.
5. Revocation
Trong lĩnh vực thiện nguyện, revocation là thuật ngữ chỉ hành động của các cơ quan có thẩm quyền nhằm thu hồi hay xóa bỏ quyền lợi của các quỹ từ thiện, thường là quyền lợi được miễn thuế. Việc thu hồi được áp dụng cho các hành vi vi phạm như sử dụng tài sản của quỹ từ thiện cho mục đích cá nhân và hoạt động thương mại nhằm tận thu lợi nhuận.
Đánh mất quyền lợi được miễn thuế là vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hoạt động của các tổ chức phi lợi nhuận. Khi việc thu hồi quyền lợi được áp dụng, những khoản đóng góp đến quỹ từ thiện sẽ không còn được miễn thuế, dẫn đến số tiền thực sự mà quỹ nhận được là không cao. Điều này khiến các hoạt động của quỹ trở nên kém hiệu quả, từ đó ảnh hưởng đến uy tín xã hội và cam kết với khoản đầu tư từ các nhà tài trợ.
6. Foundation
Foundation là thuật ngữ chỉ các quỹ từ thiện. Quỹ từ thiện được thành lập và duy trì bằng các khoản đóng góp cho các mục đích từ thiện, giáo dục, tôn giáo, nghiên cứu hoặc các mục đích thiện nguyện khác.
Có nhiều dạng quỹ từ thiện, có thể bao gồm:
- Corporate foundation: Đây là thuật ngữ chỉ việc một tổ chức tư nhân lấy quỹ tài trợ chủ yếu từ sự đóng góp của một doanh nghiệp tạo ra lợi nhuận. Tổ chức thiện nguyện do công ty tài trợ là một tổ chức pháp lý riêng biệt, có thể có tài sản riêng đồng thời tuân theo các quy tắc và quy định giống như các tổ chức tư nhân khác.
- Family foundation: Thuật ngữ này mô tả những tổ chức thiện nguyện độc lập có nguồn tài sản được lấy từ các thành viên trong một gia đình. Các thành viên gia đình này thường đóng vai trò lãnh đạo và là thành viên hội đồng quản trị của quỹ. Điều này giúp họ thoải mái hơn trong việc đưa ra các quyết định.
- Community foundation: Thuật ngữ này được dùng cho những tổ chức phi lợi nhuận được miễn thuế và được hỗ trợ công khai với mục tiêu lâu dài nhằm mang lại lợi ích cho một khu vực địa lý hoặc cộng đồng nhất định.
- Limited-purpose foundation: Thuật ngữ này chỉ những quỹ từ thiện có định hướng đầu tư vào một số lượng hạn chế những lĩnh vực chứ không đầu tư dàn trải. Những lĩnh vực từ thiện này thường mang tính đặc thù hơn, ví dụ như giáo dục sau đại học hoặc chăm sóc y tế cho trẻ em.