Nờ Ô Nô: Của cho không bằng cách cho
1. Chuyện gì đã xảy ra?
Một tài khoản TikTok nổi tiếng là Nờ Ô Nô, với hơn 600 ngàn lượt theo dõi, đã bị khóa vì thực hiện hành vi miệt thị người khác và vi phạm tới thuần phong mỹ tục. Trước đó, tài khoản đã hứng chịu nhiều gạch đá của người dân và cộng đồng mạng do đoạn clip đi phát đồ ăn từ thiện nhưng lại sử dụng từ ngữ coi thường người nghèo.
Dù đã có động thái giải thích và xin lỗi, rất nhiều người vẫn tỏ ra phẫn nộ và đã báo cáo (report) tài khoản. TikTok đã cấm vĩnh viễn tài khoản này, và có thể đi kèm biện pháp ngăn chặn người dùng tại tài khoản mới trên cùng một thiết bị.
Một số kênh thông tin cũng đưa tin rằng TikToker này có thể sẽ phải đối diện với án phạt từ luật pháp. Ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử - thông báo rằng Cục đã nhận được các phản ánh của người dân, và hiện các cơ quan chức năng đang bước đầu điều tra để làm rõ vụ việc.
2. Hình phạt nào đang chờ đợi TikToker này?
Hành động của Nờ Ô Nô có lẽ đã vi phạm cả quy định về việc cấm xâm hại nhân phẩm của người khác theo luật Hình sự, và quy định của luật An ninh mạng về việc đưa thông tin trái phép lên mạng internet. Thông tin trái phép ở đây cụ thể là xúc phạm danh dự, uy tín của người khác bằng hành động lệch chuẩn đạo đức, không phù hợp với thuần phong mỹ tục.
Theo luật An ninh mạng, TikToker này có thể bị phạt tiền từ 10 triệu tới 20 triệu đồng. Mức phạt này được nhiều người ủng hộ. Họ cho rằng một kênh TikTok có lượng người theo dõi lớn, có khả năng ảnh hưởng tới giới trẻ không được phép có những hành động và phát ngôn như vậy, và số tiền phạt cần đủ lớn để tránh tình trạng nộp phạt cho xong rồi lại tái diễn.
3. Có vụ việc nào tương tự trong quá khứ?
Sự phổ biến của mạng xã hội và những kênh giải trí như TikTok, Youtube đã biến không gian mạng thành nồi lẩu thập cẩm với cả “thượng vàng” lẫn “hạ cám.” Bên cạnh những thông tin bổ ích và những nội dung lành mạnh là những thông tin nhảm nhí, bịa đặt, lệch chuẩn đạo đức và gây chia rẽ cộng đồng khiến công chúng bức xúc.
Chỉ riêng trong năm nay, đã có nhiều người làm nội dung trên TikTok bị xử phạt do những hành động hoặc phát ngôn thiếu đứng đắn. Vụ việc gần đây nhất là án phạt 25 triệu đồng với tội danh “cung cấp thông tin sai sự thật”, dành cho nhóm ba người dựng chuyện để câu view trên TikTok.
Trước đó vài tháng, một TikToker khác cũng phải nhận hình phạt 10 triệu đồng vì đăng tải video nói xấu, miệt thị, và phân biệt đối với người dân miền Trung.
Một vụ việc dựng chuyện và xúc phạm nhân phẩm nổi tiếng là trường hợp của bà Phương Hằng - người từng gây bão mạng xã hội với những video “bóc phốt” các ngôi sao nổi tiếng trong làng giải trí Việt. Vụ việc này nghiêm trọng hơn những trường hợp vi phạm nói trên, nhưng cũng cùng là sai phạm trên không gian mạng.
4. Có nên giáo dục trẻ em về mạng xã hội?
Trong Sách giáo khoa Tin học lớp 7 thuộc bộ sách Chân trời sáng tạo, có một tiết học cụ thể về mạng xã hội, cách đăng ký tài khoản và sử dụng, cũng như những lợi ích và nguy cơ mà các bạn học sinh có thể gặp phải khi hiện diện trên không gian mạng xã hội. Không dừng lại ở đó, sách còn có cả những bài tập liên quan tới việc tạo tài khoản trên mạng.
Trong thời đại internet, việc chuẩn bị cho các bạn nhỏ về Facebook, Instagram, TikTok hay Youtube là một điều cần thiết. Có nhiều phụ huynh cho con sử dụng điện thoại thông minh từ sớm, dẫn tới việc trẻ quen với những mạng xã hội nói trên.
Thế nhưng các bậc phụ huynh lại không sát sao trong việc huấn luyện con cách sử dụng điện thoại sao cho phù hợp, và cũng không chỉ ra những nguy cơ có thể có trên không gian mạng. Đó là lí do tại sao nhóm trẻ em, đặc biệt là các bạn nhỏ từ 9 tới 14 tuổi, rất dễ bị tổn thương khi tham gia các hoạt động trên internet và mạng xã hội.
Chính vì thế, việc giáo dục các bạn học sinh từ cấp THCS trở lên về internet và các trang mạng xã hội là điều cần thiết.
5. Làm từ thiện sao cho thiện?
Việc làm từ thiện với tâm ý tốt có thể dẫn tới những hệ lụy không tốt. Đó có thể là việc phá vỡ văn hóa của cộng đồng nhận từ thiện, cũng có thể là những tranh cãi xung quanh việc từ thiện minh bạch và đúng người, đúng cách.
Những vấn đề này đã hiện diện trong nhiều sự kiện từ thiện cho các cộng đồng dân cư ở vùng núi phía Bắc, hay những nạn nhân của bão và lũ lụt tại miền Trung. Bên cạnh đó, nhiều hành động từ thiện còn thể hiện tâm lý khiêu dâm nghèo đói (poverty porn) - tức việc trưng dụng hình ảnh người nghèo để thỏa mãn cảm giác cao thượng về đạo đức chứ không phải vì quan tâm tới người nghèo, người yếu thế.
Hành động của Nờ Ô Nô có lẽ là một biểu hiện rõ ràng của khiêu dâm nghèo đói. Anh này không những không cho thấy sự đồng cảm với hoàn cảnh khó khăn, mà còn dựa vào sự nghèo đói để miệt thị người khác nhằm nâng bản thân mình lên.