Nữ sinh tố bị quấy rối ở xe buýt, xã hội cần đáp lời thế nào?

Chỉ khi đưa ra được các giải pháp tổng thể thúc đẩy bình đẳng giới thì mới giúp giải quyết tận gốc của quấy rối tình dục.
Thư Vũ
Nguồn: Unplash

Nguồn: Unplash

1. Chuyện gì vừa xảy ra?

Ngày 13/03 vừa qua, báo Người Lao Động có đưa tin về việc trên các hội nhóm mạng xã hội của sinh viên, nhiều nữ sinh tại TP. Hồ Chí Minh liên tục đăng những bài viết phản ánh, cảnh báo nhau về vấn nạn "biến thái trên xe buýt.”

Nội dung một số bài đăng còn thể hiện sự bức xúc khi nạn nhân phản ứng lại kẻ quấy rối thì bị đổ lỗi do “ăn mặc mát mẻ” nên mới vậy.

2. Tư duy vì “ăn mặc mát mẻ” nên bị như vậy có đúng?

Theo luật, mỗi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể và nhân phẩm. Nên kể cả có suy nghĩ xấu xa hay không, không ai có quyền tuỳ tiện động chạm đến cơ thể của bất kỳ ai.

Tư duy rằng trang phục ngắn hay hở của phụ nữ là nguồn gốc của tội lỗi, của những tội ác tình dục cần được kịch liệt phản đối và lên án. Vì pháp luật không nói như vậy.

Trang phục của phụ nữ là vật vô tri, không có lỗi, và phụ nữ lại càng không có lỗi khi mặc chúng. Một người có thể có suy nghĩ đen tối, nhưng từ suy nghĩ dẫn đến lời nói và hành động lạm dụng, gây khó chịu hay tổn thương cho người khác, đó lại là chuyện khác.

Chúng ta cần chấm dứt việc đổ lỗi cho nạn nhân trong bất cứ trường hợp, hoàn cảnh nào. Tâm lý, suy nghĩ ấy, ứng xử ấy đã dung dưỡng cho các hành vi xấu tiếp diễn và leo thang.

3. Tình trạng quấy rối tình dục nơi công cộng ở Việt Nam đang diễn ra như nào?

Theo kết quả khảo sát của Tổ chức ActionAid Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và môi trường tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, 31% nữ sinh đã từng bị quấy rối tình dục trên xe buýt. Những địa điểm công cộng khác mà phụ nữ có nguy cơ bị quấy rối tình dục là bến xe, công viên, nhà chờ xe buýt.

Các hành vi quấy rối tình dục đối với phụ nữ, trẻ em gái ở nơi công cộng tương đối cao và chủ yếu bao gồm các hành vi quấy rối bằng lời nói, hành động, cử chỉ gợi dục ngoài ý muốn.

Trong đó, có 40,9% nam giới và 38,6% nữ giới được hỏi đã chứng kiến về các vụ việc quấy rối tình dục đối với phụ nữ, trẻ em gái ở nơi công cộng, 18,5% phụ nữ được phỏng vấn cho biết họ đã từng bị quấy rối tình dục và bạo lực tình dục, có 11,7% nam giới trả lời phỏng vấn cho biết họ đã thực hiện hành vi quấy rối tình dục, bạo lực tình dục.

4. Các nước trên thế giới có những giải pháp gì để hạn chế quấy rối nơi công cộng?

Tạo không gian công cộng riêng cho phụ nữ

Được biết, nhiều quốc gia đã đưa ra những giải pháp quyết liệt nhằm bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái trên các phương tiện giao thông công cộng. Tại Ấn Độ, Brazil, Nhật Bản, Iran, Đài Loan, Indonesia, Philippines,... xuất hiện các toa tàu điện, xe bus và taxi dành riêng cho phụ nữ và trẻ em.

Bên cạnh đó, Focus Group của Anh cũng sáng tạo ra giải pháp là “một chiếc xe yên tĩnh”. Điều này sẽ giảm thiểu việc khách du lịch một mình tiếp xúc với hành vi quấy rối bằng lời nói hoặc lo ngại về các nhóm say rượu hoặc ồn ào.

Thành lập đường dây nóng

Các nước châu Âu cũng cài đặt các hộp gọi khẩn cấp hoặc đường dây nóng bên trong các xe bus và tàu điện ngầm.

Đây vừa là một biện pháp ngăn chặn sự quấy rối tình dục, vừa mang lại sự thoải mái, đồng thời giúp thu thập dữ liệu về những tuyến đường hay chuyến xe thường xuyên xảy ra tình trạng này.

Nâng cao nhận thức và phản ứng của nhân viên

Các nước như Nhật Bản, Mexico hay Anh cũng có những khoá học, đào tạo và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân viên trên các phương tiện công cộng. Đặc biệt là trong những tình huống nhạy cảm và nhiều tranh cãi, cách giải quyết và thái độ cứng rắn của nhân viên phục vụ cũng là yếu tố quan trọng để hạn chế tình trạng này.

Phụ nữ đóng góp tiếng nói vào thay đổi

Ở Mỹ hiện nay đã đưa ra dự thảo về việc bổ nhiệm các nhà hoạch định giao thông vận tải là nữ giới. Lý do được đưa ra là, khi họ thiết kế vì sự an toàn của phụ nữ, họ thiết kế vì sự an toàn của chính mình.

Bước đầu của thay đổi này là thuê và tuyển dụng ít nhất một phụ nữ ở bất kỳ nhóm làm việc nào trong các dự án.

5. Liệu Việt Nam có thể áp dụng những chính sách này?

Tại Việt Nam, nguồn lực và kinh phí hiện nay cho việc đào tạo, cải thiện các điều kiện cơ sở vật chất trên phương tiện công cộng còn chưa nhiều. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc chúng ta không thể ứng dụng các phương pháp của các quốc gia khác.

Những thay đổi nhỏ đầu tiên có thể nhìn thấy là tăng cường chiếu sáng công cộng, niêm yết số điện thoại công an khu vực cũng như các thông điệp hướng dẫn cách ứng phó khi bị quấy rối tình dục trên các tuyến xe.

Đồng thời cần tiến hành xây dựng kế hoạch về hệ thống giao thông công cộng an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái cũng như nâng cao năng lực của các cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, chỉ khi đưa ra được các giải pháp tổng thể thúc đẩy bình đẳng giới thì mới giúp giải quyết tận gốc của quấy rối tình dục.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục