"Ở tuổi 30 anh tiêu 60 triệu/tháng, qua tuổi 35 dừng lại ở 30 triệu"
Hoàng Nguyễn hẳn là tác giả quen thuộc với độc giả Vietcetera ở mục Nghệ thuật và thiết kế. Anh hiện tại là Co-Founder và Design Coach tại GEEK Up - công ty phần mềm chuyên phát triển các sản phẩm số.
Tự nhận mình là một người liều lĩnh và mạo hiểm với những quyết định lớn trong cuộc đời, anh Hoàng Nguyễn đã có những chia sẻ thú vị về tài chính cũng như cách nhìn nhận về công việc, trải nghiệm trong lần gặp gỡ cùng Vietcetera này.
1. Thứ gì đắt tiền anh đã mua mà thấy phí?
Anh nghĩ có lẽ đó là chiếc TV 55inch ở nhà. Anh thấy phí vì mình bỏ ra một số tiền mà mình không thấy xứng đáng vì giá trị nó mang lại cho anh gần như là bằng không.
Việc anh mua TV xuất phát từ một điều rất kỳ lạ, là mỗi lần anh sắm sửa nội thất cho nhà mới, không hiểu sao anh luôn suy nghĩ là cần một cái TV thật to. Nó giống như khi mua một thứ gì đó trong nhà, thì phải đi kèm với một thứ khác vậy.
Nhưng mua xong rồi thì lại không sử dụng hay tận dụng được. Lần nào cũng vậy, một tuần anh chỉ bật lên 1-2 lần nghe nhạc Youtube trong lúc ăn uống. Còn lại thì gần như là không đụng tới. Anh cũng không xem Netflix hay các chương trình tivi khác. Nên nếu được chọn lại thì chắc anh sẽ không mua chiếc TV này nữa.
2. Anh có nắm được số tiền chi tiêu hằng tháng của mình không?
Anh thường sẽ hình dung ra được hàng tháng mình tiêu bao nhiêu. Nhưng phải tới cuối tháng, anh mới biết được con số chính xác dựa trên việc kiểm tra tài khoản của anh.
Tuy nhiên anh không có mức chi tiêu ổn định. Nó thường phụ thuộc theo từng thời điểm. Có những năm ngưỡng cao nhất anh sẽ tăng lên, tuỳ vào nhu cầu sống cũng như thu nhập lúc đó. Cũng có những khoảng thời gian, anh thấy nhu cầu sống của mình không tăng nữa, nó cứ trôi đều đều như vậy.
Nhưng dù thế nào, anh luôn đặt ra một con số cố định cho mình. Ví dụ như khi anh 30 tuổi, con số chi tiêu hàng tháng của anh đâu đó tầm 50-60 triệu. Bây giờ, khi chuẩn bị bước qua tuổi 35, thì nó lại ở mức ít hơn hoặc bằng 30 triệu thôi.
3. Nếu tất cả các công việc đều trả lương giống nhau thì anh sẽ làm nghề gì?
Ngày trước, anh luôn muốn tạo ra một công việc mới - “trải nghiệm giúp mọi người". Dĩ nhiên, những cái đó phải hợp pháp và lành mạnh. Bởi vì anh rất thích sự trải nghiệm, nhưng nhiều khi anh không biết nên trải nghiệm cái gì. Nếu có ai đó quyết định giúp thì anh sẽ rất vui.
Tuy nhiên, sau khi nghĩ xong thì anh có thay đổi một chút. Anh đã gạch đầu dòng ra những thứ anh yêu thích. Cùng với đó là sắp xếp theo thứ tự những thứ mình có thể làm tốt và tạo ra tiền.
Thời điểm đó, đứng đầu trong danh sách của anh là game. Thứ hai sẽ là vẽ, thiết kế. Thứ ba là viết. Thứ tư là nói chuyện hài hước. Kết hợp tất cả lại, cuối cùng anh đã chọn công việc thiết kế trải nghiệm người dùng để đi tiếp, vì đó là công việc yêu thích và kiếm ra tiền của anh.
Bây giờ, thứ tự ưu tiên của anh đã hơi thay đổi một xíu, anh rất thích game và vẫn thích viết, nên anh sẽ lựa chọn làm một tiểu thuyết gia, và viết cho những game đang rất nổi. Giống như cách “Liên minh huyền thoại” vừa ra một phim khá được yêu thích là Arcane.
Lấy tiền đề là một trò chơi, anh hi vọng mình có thể viết những cuốn tiểu thuyết thú vị về nó, nếu mà mọi công việc đều được trả lương giống nhau.
4. Kỹ năng nào giá trị nhất với sự nghiệp của anh?
Anh cho rằng đó là sự tự học nếu nhìn từ trải nghiệm của cá nhân anh. Từ trước khi anh chọn công việc thiết kế UX/ UI, thì ở Việt Nam chưa có công việc thiết kế như vậy, trên thế giới cũng thế.
Khi đó, khái niệm hay khoá học, trường lớp về ngành nghề này chưa rõ ràng và còn nhiều mơ hồ. Nên những bước đi đầu tiên trong công việc, anh không tận dụng được kiến thức ở trường đại học. Anh đều phải xoay xở từ đầu các nguồn khác nhau như sách vở, internet, thực tế hay những người hướng dẫn đi trước,..
Tựu chung lại, anh thấy tự học là kỹ năng giúp anh đi tới ngày hôm nay. Đặc biệt, khi tự học thì phải tự giác và kiên định. Nó phải xuất phát từ điều mình đang thích, bởi vì thích nên có thể giữ được niềm vui, không bị chán.
Ngoài ra, hãy xây dựng một bộ lọc về kiến thức, biến nó thành kỹ năng của mình. Anh luôn nghĩ có hai cách để mình phát triển. Cách một là làm nhiều sẽ quen tay, rồi nó thành kĩ năng của mình. Cách hai là đi học trường lớp, sau đó áp dụng nó vào bài tập, thực hành, sau một thời gian sẽ thành thạo hơn.
Đa phần, việc tự học sẽ bắt đầu bằng cách thứ nhất và cải thiện bằng cách thứ hai. Hãy dấn thân và làm nhiều trước, sau đó mình mới có thể ổn định hơn và bắt đầu đi tìm kiếm các kiến thức khác. Khi hiểu biết và kỹ năng của mình cứng cáp và ổn định sẽ giúp đỡ mọi người và hoàn thành công việc với chất lượng ổn định nhất.
5. Cách anh tiêu tiền ở thời điểm hiện tại khác thế nào với năm anh 20 tuổi?
Năm 20 tuổi, lúc đó anh không có tiền. Ngay cả việc học đại học cũng phải tự đi làm thêm để trang trải học phí, trả tiền cho các đồ án in ấn ở trong trường. Toàn bộ số tiền anh kiếm được từ việc làm thêm, anh đều trang trải cho chi phí học hành. Khoảng thời gian đó anh không nghĩ là mình thật sự tiêu tiền. Nó giống việc mình đang ăn uống và sinh tồn vậy.
Đến khi 24 tuổi, không đi học nữa thì anh mới có lương, để dành được đồng ra đồng vào. Lúc đó, anh làm 3 công ty một lúc, với mật độ từ 8h sáng đến 5h30 chiều, sau đó từ 10h tối đến 5h sáng. Ngoài ra thứ 7, chủ nhật vẫn làm tiếp tục làm freelance. Thời điểm đó anh không nghĩ đến việc mình có thể đi du lịch hay tiêu tiền ở bất cứ đâu.
Cho đến thời điểm hiện tại, khi ngoài 30, anh mới dành nhiều thời gian cho những trải nghiệm và giá trị tinh thần bản thân. Ví dụ, anh thích xe moto, sinh nhật 30 tuổi, anh tự tặng mình một chiếc xe moto. Dù đi rất ít, nhưng nó vẫn có giá trị tinh thần và xứng đáng với số tiền anh bỏ ra.
6. Tài sản vô hình giá trị nhất mà anh sở hữu là gì?
Năm nay là một trong những năm anh thay đổi về thế giới quan khá nhiều, nhất là sau khi ba mất. Anh nghĩ là mình may mắn, vì mẹ đã yêu thương và luôn ủng hộ, dù có những lúc anh đối nghịch với mẹ. Nhưng mẹ anh chưa bao giờ bỏ anh, luôn tin vào những thứ anh đã chọn.
Điều ấy khiến anh cảm thấy có nhiều động lực hơn, khi cảm thấy quá khó khăn về mặt tinh thần. Bởi vì làm việc với cường độ rất nặng, tâm lý và cơ thể anh rất mệt, nên mẹ như vậy đã cho anh sức mạnh vượt qua điều đó.
Đó là tất cả tài sản ba mẹ để lại mà anh cảm thấy quý giá. Cùng với đó là sức khoẻ, vì có sức khoẻ nên mới có ước mơ.
7. Có cái gì anh muốn đầu tư mà chưa dám?
Anh luôn thấy mình khá liều mạng, ở chỗ nếu thích cái gì thì sẽ làm cho đến cùng. Nên nếu chưa đầu tư vào cái gì đó không phải anh chưa dám, mà vì chưa đủ sự tìm hiểu, hứng thú với điều đó.
Nếu đủ thích thú hay quan tâm rồi thì anh làm. Trong tương lai anh cũng đã có kế hoạch cho mình và qua Tết sẽ bắt đầu.
8. Bí kíp tiết kiệm hiệu quả nhất mà anh biết?
Thực tế, anh chưa từng nghiêm túc tiết kiệm. Năm 28 tuổi, anh đã liều mua nhà. Lúc đó rất áp lực vì vay ngân hàng 1 tỷ, mỗi tháng phải trả 18 triệu, nên thu nhập phải cao hơn con số đấy để còn sống.
May mắn là anh đã sở hữu một cục nợ rất tích cực. Mặc dù vẫn đang trả nợ nhưng mình đã sở hữu nó rồi. Sự vui sướng đó khiến mình đối diện với áp lực trả nợ nhẹ nhàng hơn nhiều. Đồng thời, nó cho mình động lực để làm việc và cố gắng hơn. Ban đầu mọi người nghĩ phải mất mấy năm mới trả được nợ, nhưng thực ra anh đã trả được trong vòng 7 tháng.
Dưới góc nhìn của anh, đó là cách để tạo ra áp lực, cân nhắc cũng như tiết kiệm chi tiêu của mình hiệu quả hơn.
9. Liệt kê 3-5 công việc mà anh từng làm trong đời?
Công việc - anh định nghĩa đó là một hành trình mình làm một cách đều đặn. Sau đó chúng ta sẽ thu được lợi nhuận, tiền bạc, lợi ích từ đó.
Với định nghĩa như vậy, năm 9 tuổi, anh có công việc đầu tiên. Thời điểm đó, khi rảnh, anh sẽ đi lang thang ngoài đường lụm lon, sắt gỉ người ta vứt ra, gom lại cuối tuần đem bán. Sau đó, anh lấy tiền đó chơi game hoặc mua đồ linh tinh. Anh làm việc đó rất say mê. Thời điểm đó anh nhiều tiền, quần áo đẹp hơn bạn bè cùng trang lứa.
Công việc khiến anh hứng thú nhất là chơi game, từ 15 - 20 tuổi. Anh chơi tới mức có thể thức liên tục 48 tiếng, ngủ 4 tiếng sau đó lại thức tiếp 24 tiếng để chơi. Bởi vì mê thế nên các nhân vật game của anh rất mạnh, bán được tiền và vật phẩm. Năm lớp 12, anh rất coi thường việc thi đại học. Vì lúc đó, anh đã có thể kiếm được 20 triệu từ game rồi. Đó thật sự là số tiền lớn cách đây 16 năm.
Tuy nhiên, sau đó có một vài biến cố xảy ra, khiến anh thay đổi thế giới quan của mình. Lúc đó, anh bắt đầu phân biệt rõ công việc và sự nghiệp. Chơi game lúc đó chỉ là công việc để kiếm tiền, không phải sự nghiệp. Nếu game đóng cửa thì mọi thứ sẽ kết thúc.
Sau đó anh bắt đầu đi học, ngừng việc chơi game vì sợ mình nghiện lại. Cũng vì thế nên anh không có thu nhập, và bắt đầu phải làm thêm những công việc khác nhau.
Có hai công việc anh học được nhiều hơn cả. Một là mang túi golf cho người chơi. Nó giúp anh nghe được người làm ăn nói chuyện với nhau, cách họ bàn công việc và hiểu được thế giới kinh doanh có những mánh khóe như nào. Ví dụ, ai đó muốn ký hợp đồng với đối tác, họ cho anh 500 nghìn. Hôm đó anh phải đặt bóng ở vòng hợp lệ, để người đối tác đó thấy hôm nay là ngày thuận lợi, may mắn và ký hợp đồng.
Công việc tiếp theo là phục vụ quán bar từ 7h tối đến 4h sáng. Lúc đó, mức lương được 800.000/tháng, nhưng tiền hoa hồng rượu hay tiền bo lại được hưởng 100%. Điều đó làm anh phải học cách nói chuyện, thuyết phục người ta, sao cho họ uống rượu nhiều hơn, vui vẻ hơn trong cuộc chơi của họ.
Nó giúp anh học cách ăn nói, cách nhìn người, quan sát xem vị khách này đang cần gì, muốn khen về ngoại hình, công việc hay cách uống để làm họ hài lòng. Đó là một trong những kỹ năng rất quan trọng trong công việc thiết kế trải nghiệm người dùng sau này của anh.
Tất cả trải nghiệm đó đều dẫn đến công việc hiện tại của anh là thiết kế sản phẩm số cho doanh nghiệp. Hơn cả là tập trung vào câu chuyện làm sao để hài lòng khách hàng của họ và góp phần tạo ra anh của bây giờ.
10. Anh muốn làm việc với một người như thế nào?
Anh nghĩ họ sẽ tổng hợp những yếu tố:
- Trung thực, thẳng thắn, dám bộc lộ điểm yếu của nhau, để khi có kế hoạch làm cùng sẽ hiểu cần hỗ trợ như nào. Trong giai đoạn còn là junior, mọi người sẵn sàng bộc lộ điểm yếu, vì ai cũng đang trong quá trình học hỏi. Khi là senior - giai đoạn có sự tự tin nhất định vào năng lực bản thân, thì việc dám thừa nhận điểm yếu sẽ rất khó khăn với mỗi người.
- Hợp tác dựa trên một mục tiêu chung, không ưu tiên cho mục tiêu cá nhân của một bên nào hết. Có thể mục tiêu chung mang nhiều lợi ích hơn cho một cá nhân, nhưng cả 2 phải đồng ý với nhau ngay từ đầu, có trách nhiệm với mục tiêu đó. Không giận hờn hay vì cảm xúc cá nhân mà tổn hại đến mục tiêu chung.
- Mối quan hệ phải có sự đồng cảm. Ví dụ, với công việc anh phải góp ý cho mọi người nhưng không mang nó vào việc cá nhân. Hãy thường xuyên trao đổi để hiểu nhau hơn.
- Cuối cùng là thể hiện rõ được năng lượng, sự kiên định với điều họ tin tưởng. Không cần biết họ tin tưởng vào cái gì, chỉ cần biết họ đam mê, kiện định với lý tưởng thì anh rất hứng thú làm việc cùng họ.