One-trick pony, nghe dễ thương nhưng không ai thích
Hóa ra, one-trick pony có thể được dùng để hạ thấp người khác.
1. One-trick pony là gì?
One-trick pony /ˌwʌn trɪk ˈpəʊni/ (danh từ) dịch theo nghĩa đen là "con ngựa con chỉ có một mánh", nhưng thực tế đây là từ nói đến người chỉ có một kỹ năng duy nhất trong một lĩnh vực. One-trick pony thường mang nghĩa xúc phạm, mỉa mai những người không có nhiều kỹ năng. (Nguồn: SayWhyDoI)
Trái nghĩa với one-trick pony là all-rounder: một người có nhiều kỹ năng ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
2. Nguồn gốc của one-trick pony?
One-trick pony xuất hiện từ thế kỷ 20. Lúc bấy giờ, trong các gánh xiếc, ngựa con thường được huấn luyện để biểu diễn duy nhất một trò như nhảy qua vòng, khiến khán giả cảm thấy nhàm chán. Họ mỉa mai: con ngựa này chỉ làm được một trò thôi sao? Và one-trick pony ra đời.
3. Vì sao one-trick pony trở nên phổ biến?
One-trick pony khác hoàn toàn với “chuyên gia” (specialist / expert). One-trick pony là người chỉ có một kỹ năng hạn hẹp, trong khi các chuyên gia phải kết hợp nhiều kỹ năng khác nhau để hiểu tường tận, sâu sắc về lĩnh vực của mình.
Trong một thế giới thay đổi nhanh chóng và bất định, con người được khuyến khích học hỏi thêm nhiều kỹ năng hơn thay vì sở hữu một "ngón nghề" độc nhất. Với vốn kiến thức đa dạng, họ sẽ linh động hơn trong thị trường việc làm đầy biến động, nhất là trong bối cảnh 400 tới 800 triệu người sẽ bị công nghệ tự động hoá thay thế và đổi nghề trước năm 2030 (Nguồn: McKinsey).
Trong cuốn sách Range: Why Generalists Triumph in a Specialized World của tác giả David Epstein, ông khuyên mọi người đừng chỉ tập trung phát triển chiều sâu mà còn cần phát triển về chiều ngang - trở thành generalist để hiểu cách vận hành của cả một bộ máy, đặc biệt nếu bạn muốn vươn đến vị trí quản lý cấp cao.
Lisa Stern Hayes, một trong những nhà tuyển dụng hàng đầu của Google, đã nói rằng công ty đánh giá cao những nhân viên có khả năng giải quyết những vấn đề vượt ra khỏi chuyên môn liên quan của họ.
Tất nhiên, trở thành 'người đa năng' hay 'chuyên gia' thuộc về sự lựa chọn của mỗi người, và cũng tùy vào vị trí bạn ứng tuyển. Nếu còn trẻ, tốt hơn bạn nên tập trung phát triển thật sâu chuyên môn của mình trước đã.
4. Dùng one-trick pony như nào?
Tiếng Anh
A: If I want to become a businesswoman, is learning Finance enough?
B: No, that will make you a one-trick pony. You should also learn leadership and negotiation.
Tiếng Việt
A: Nếu tớ muốn trở thành một nữ doanh nhân, học mỗi Tài chính có đủ không nhỉ?
B: Không, vậy thì cậu sẽ chỉ có một “mánh” thôi. Nên học kỹ năng lãnh đạo và thương lượng nữa.