Parentification - Khi con trẻ “gánh vai” cha mẹ
1. Parentification là gì?
Parentification hay “phụ huynh hóa” là hiện tượng con trẻ trở thành người chăm sóc, gánh vác trách nhiệm như người lớn trong một gia đình.
Trong nhiều trường hợp, nhất là khi cha mẹ mất sớm hoặc thiếu khả năng chăm sóc con cái (vì điều kiện kinh tế, bệnh tật, sức khỏe tinh thần, v.v.), trẻ có thể trải qua tình trạng này. Khi đó, chúng sẽ phải tự lo cho chính mình, cho các anh chị em, hoặc đôi khi cho chính cha mẹ của chúng.
2. Nguồn gốc của parentification?
Thuật ngữ này được dùng lần đầu bởi hai nhà khoa học Boszormenyi-Nagy và Spark vào năm 1973, nhằm diễn tả tình trạng một số cha mẹ kỳ vọng con cái giúp mình gánh vác việc nhà, san sẻ gánh nặng tinh thần (Tham khảo). Nghiên cứu cho thấy, những mong cầu trên đến từ việc cha mẹ từng trải qua tuổi thơ thiếu thốn, thiếu sự chăm sóc từ thế hệ trước, nên chờ đợi một sự bù đắp “ngược” từ con cái mình.
Từ xuất xứ này, parentification dần trở thành thuật ngữ chỉ sự đảo lộn vai (role reversal) trong mối quan hệ cha mẹ - con cái. Một đứa trẻ có thể bị “phụ huynh hóa” (parentified) theo dạng chức năng hoặc cảm xúc.
Ở dạng chức năng (instrumental parentification), trẻ sẽ thay cha mẹ đảm đương việc nhà, nấu nướng, đi làm kiếm tiền, săn sóc cho các thành viên khác trong gia đình. Còn ở dạng cảm xúc (emotional parentification), trẻ sẽ bất đắc dĩ trở thành chỗ dựa tinh thần, phải lắng nghe, thấu hiểu, hòa giải các vấn đề về mặt cảm xúc của mọi người.
Vì vậy, parentification được xem là một mô hình gia đình độc hại khi trẻ phải làm nhiều việc quá tuổi, trưởng thành quá nhanh để hoàn thành trách nhiệm với gia đình. Điều này dẫn đến nhiều hậu quả như khiến chúng có xu hướng tự đổ lỗi, dễ phiền muộn, hay đơn giản là mất đi một tuổi thơ hồn nhiên vô lo.
3. Parentification phổ biến như thế nào?
Có rất nhiều tác nhân khiến parentification phổ biến ở hầu hết cộng đồng. Hiện tượng này có thể xảy ra khi cha mẹ ly dị, gặp vấn đề về sức khỏe, một trong hai hoặc cả hai mất sớm, nhà đông thành viên, khó khăn về kinh tế, hoặc tệ hơn là có tình trạng nghiện ngập, bạo hành hay bóc lột trong gia đình.
Ngoài ra, một số hoàn cảnh khách quan như chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh… cũng có thể khiến trẻ em chưa đến tuổi trưởng thành mất đi người chăm sóc. Tiêu biểu nhất gần đây là làn sóng Covid tại Việt Nam đã khiến hơn 2.000 trẻ em mô côi, không nơi nương tựa. Lúc này, không chỉ mang những tổn thương tinh thần, các em còn buộc phải tự chăm sóc mình và các thành viên còn lại giữa muôn vàn khó khăn hậu đại dịch.
Trong phim ảnh, hiện tượng này từng được khắc họa rõ nét trong bộ phim Nhật Bản nổi tiếng Nobody Knows (2004) của đạo diễn Hirokazu Kore-eda, hay gần đây là series Kotaro Lives Alone đang được trình chiếu trên Netflix.
Trong văn học, quyển Tìm Mình Trong Thế Giới Hậu Tuổi Thơ của Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang cũng mang đến nhiều câu chuyện về tình trạng “phụ huynh hóa” ở các gia đình Việt Nam. Đặc biệt, nếu nhìn vào kho tàng truyện cổ tích nước ta, bạn cũng có thể nhận ra nàng Tấm trong Tấm Cám chính là tiêu biểu của hiện tượng con cái một mình gánh vác cả gia đình.
4. Cách dùng parentification?
Tiếng Anh
A: Kim just turned 12, but she seems so mature and independent. She takes her brother to school and prepares meals everyday.
B: They lost their mom about 2 years ago, so Kim has to be the caretaker of her brother. In other words, she’s parentified.
Tiếng Việt
A: Bé Kim mới 12 tuổi mà thấy có vẻ lớn và độc lập quá. Nó đưa em trai đi học, còn nấu cơm mỗi ngày nữa.
B: Mẹ tụi nó qua đời khoảng 2 năm trước, nên Kim buộc phải lo cho em trai. Hay nói cách khác là bé nó bị “phụ huynh hóa” ấy.