Phương Nam & Nhi Võ, Saigon Tếu: Làm gì khi bị chê “diễn hài mà không hài”?
Search từ khóa “hài độc thoại” trên Google, ngay lập tức bạn sẽ gặp Saigon Tếu ở đầu trang nhất đi kèm đủ luồng dư luận yêu ghét khen chê. Bên cạnh lời ủng hộ, ta vẫn thấy đâu đó các từ khóa “tục tĩu, thô thiển, xem hài mà sao không hài”.
Hài độc thoại vốn xuất phát từ phương Tây nơi nghệ sĩ tự do đề cập các chủ đề nhạy cảm như tôn giáo, chủng tộc, hay tình dục. Từ những khác biệt văn hóa, “hài độc thoại” vẫn cần nhiều thời gian để len lỏi vào văn hóa Việt, để làm dâu trăm họ với 9 người 10 ý.
Gặp Phương Nam và Nhi Võ từ Saigon Tếu, tôi tìm hiểu động lực nào giúp họ theo đuổi đam mê mang hài độc thoại về Việt Nam mạnh mẽ đến thế, đặc biệt giữa những đợt bão dư luận trái chiều khó nghe?
“Sao xem hài mà không hài?” Team sẽ đón nhận thế nào khi khán giả chê “nhạt”?
Phương Nam: Phản hồi tiêu cực thì ở đâu cũng có. Quan trọng để đón nhận cả điều hay và điều chưa hay, thì một người hài độc thoại cần biết rõ “giá trị” của họ nằm đâu.
Ở Saigon Tếu, tụi mình sẽ có bộ 3 kim chỉ nam “Tếu - Tâm - Chất” làm trụ cột cho cả team hướng về:
Tếu đơn giản là sự hài hước, vui vẻ, qua các sản phẩm của team.
Chất là tính chân thật (authenticity), là bản sắc của từng cá nhân trong Saigon Tếu, cho phép cả team được làm chính mình từ đời thường lên sân khấu.
Mặt trái của “chất” là khi đã dám sống thật, thì dĩ nhiên sẽ có người thích người ghét, người hợp mình người không hợp mình, đó là lẽ thường và mình chấp nhận điều đó.
Giá trị này giúp mình nhận ra, thà bị ghét bởi những người hiểu mình là ai, còn hơn được thích bởi những người không hiểu, và sẽ không chấp nhận con người thật của mình.
Cuối cùng, Tâm là sức khỏe tinh thần. Bất kỳ ai đi xem hài đều cần được giải tỏa một nỗi niềm nào đó. Từ đây, tụi mình hướng đến miếng hài tích cực và cởi mở hơn về chăm sóc tâm lý. Cái “tâm” sẽ giúp thành viên Saigon Tếu vừa chăm sóc trạng thái tinh thần chính mình, vừa dốc tâm huyết sáng tạo nội dung tâm lý giải đáp những vấn đề tinh thần cho chính khán giả. Ví dụ như chủ đề bất hòa gia đình, các mối quan hệ,...
Bộ 3 giá trị này đã luôn đồng hành cùng Saigon Tếu qua bao mùa tiểu phẩm như thế.
Nhi Võ: Giai đoạn đầu mình nhận thấy lượng bình luận tiêu cực nhiều hơn tích cực, thậm chí có phần ác ý. Mình sẽ tiếp nhận tất cả, như một kho “tư liệu” để học hỏi.
Song có một nguyên tắc để mình đối diện với bình luận tiêu cực, là “Don’t take it personally” - đừng nghĩ ai cũng muốn tấn công mình. Người viết bình luận trên mạng có thể chẳng nghĩ gì khi xuống tay buông những lời gây tổn thương đó, nên mình cũng đừng nên để bản thân lún sâu vào cái hố suy diễn.
Nguyên tắc này giúp người nghệ sĩ giữ một cái đầu lạnh, là kỹ năng thiết yếu để mình bình tâm đón nhận mọi lời khen chê.
Phản hồi từ dư luận, cái nào là “nên” và “không nên” giữ trong lòng?
Nhi Võ: “Diễn như vậy thì bỏ nghề đi” - những góp ý có phần bộc trực nhưng lại không nói rõ lý do vì sao thì mình... không thể để tâm được, vì nghe xong mình không biết mình thiếu sót ở đâu để học hỏi. Đây cũng được xem là công kích cá nhân rồi.
Phương Nam: Có lần mình đi một quán bar, bỗng có anh lạ mặt đến chào “Ơ em có phải Phương Nam Saigon Tếu không?” rồi chỉ thẳng mặt mình “Anh nói thật, anh không thích hài của chú. Anh xem anh chẳng thấy mắc cười chút nào”.
Mình ngớ người ra, tự hỏi tại sao người ta lại hỏi mình câu đó. Theo kinh nghiệm đi diễn, khán giả đã ghét thì một là không thèm “nhận ra” mình giữa đám đông, hai là niềm nở chào hỏi để giữ phép lịch sự. Anh khách này… chẳng thuộc nhóm nào trong số đó.
Mình tò mò, ngồi lại hỏi anh lý do không thích. Anh góp ý mình rằng anh muốn hài độc thoại phải có yếu tố thời sự và châm biếm như nước ngoài, còn “Anh xem hài em chỉ thấy vui chứ chẳng có gì sâu sắc”.
Dù có phần thẳng thắn, anh vẫn không quy chụp, dán nhãn và tấn công cá nhân mình. Bản thân mình hay cả Saigon Tếu sẽ rất cần những lời khuyên như thế.
Khi khán giả đánh giá lỗi sai và khiếm khuyết dựa trên tác phẩm chứ không phải nhân phẩm người nghệ sĩ. Điều này giúp cả 2 hiểu nhau trên tinh thần vô cùng thoải mái .
Thẳng thắn nhưng tôn trọng, đây chính là kiểu phản hồi giúp team xây dựng tốt hơn những sản phẩm Tếu sau này. Sau đêm “định mệnh” đó, cả 2 cũng trở thành anh em tốt từ lúc nào không hay!
Ngược lại, mình rất sợ echo chamber - trạng thái mà xung quanh mình chỉ toàn lời khen có cánh củng cố cho mình niềm tin rằng mình là người giỏi nhất. Ở trong “buồng vang” danh vọng đó quá lâu mình sẽ không còn khả năng nhận ra thiếu sót và phát triển được nữa.
Chính những “cú vả” đau đớn này lại dạy cho mình nhiều bài học giá trị hơn.
Một nghệ sĩ hài độc thoại có bị áp lực phải “mặn mà” mọi lúc mọi nơi? Nói câu gì cũng hài?
Phương Nam: “Nói câu gì cũng hài” thì lại không phải định hướng của mình.
Thật ra nếu để ý, ta sẽ thấy hài độc thoại là sự giao thoa của nhiều mặt đối lập. Người diễn hài độc thoại sẽ cần “xây” một nền tảng câu chuyện dẫn dắt khán giả, để tạo ra “cú nổ” nút thắt khiến họ bật cười khúc cuối.
Vì thế không phải câu nào mình nói ra cũng hài, vì phân đoạn mồi chài kể chuyện đã phải chùng xuống làm cú hích cho tràng cười về sau rồi.
Quan trọng nhất ta cần làm chủ được đường dây cảm xúc cho người nghe. Khán giả phải cười đúng ý đồ mình thiết kế thì mới gọi là miếng hài thành công. Làm hài độc thoại, không phải cứ hễ khán giả cười nhiều là đã thành công.
Nhi Võ: Có những lúc mình quăng miếng ra nhưng khán giả phản ứng chậm vì họ chưa hiểu ý mình. Đó là tín hiệu cho biết kỹ năng mình chưa đủ “chín”.
Mình sẽ lẳng lặng về, tự học, tự nghiên cứu nâng cấp kỹ năng rồi quay lại khẳng định mình. Khẳng định xong nhận feedback tiêu cực lại phủ định, rồi “lặn” một thời gian để khẳng định. Cứ chấp nhận rồi chối bỏ bản thân như thế, âu cũng là một quá trình phải liên tục diễn ra.
Có chướng ngại nào để một người bình thường trở thành diễn viên hài độc thoại không? Như áp lực dư luận chẳng hạn?
Nhi Võ: Những câu bông đùa với bạn bè trên bàn nhậu sẽ khác với miếng hài mình diễn trên sân khấu. Khi làm hài độc thoại, mọi lời lẽ nói ra đều có cơ sở lý luận khoa học để dẫn đến tiếng cười.
Đi chơi với bạn lỡ đùa nhạt cũng không sao, nhưng đã làm nghề thì chất lượng miếng hài phải luôn đồng đều, và tụi mình phải luôn có trách nhiệm trước mọi “chiêu thức” tung ra cho khán giả.
Song để trở thành diễn viên hài độc thoại, chưa bàn đến dư luận thì đầu tiên bạn phải vượt qua bản thân mình trước. Chấp nhận bản thân mình, trở về bản chất chân thật, thoải mái với chính mình. Một khi đã thoải mái, khán giả sẽ cảm nhận được năng lượng thú vị từ người diễn để gây dựng cảm tình và nhiệt tình hưởng ứng hơn.
Những chướng ngại này, nói thì dễ mà làm thì khó!
Phương Nam: Muốn theo nghiệp hài độc thoại, ta phải phân biệt được đùa giỡn bình thường và diễn hài sân khấu.
Đùa giỡn mang tính ngẫu nhiên, ta chỉ buông một câu trêu và mong có người thấy mình hài hước.
Nhưng khi đã chủ ý muốn chọc cười người khác, mình thì phải thiết kế một câu đùa có đầu đuôi và cơ sở lý luận. Khi đã lên sân khấu rồi, người nghệ sĩ hài độc thoại sẽ biết chính xác khán giả sẽ cười ở một điểm nào đó trong “lộ trình” câu chuyện thiết kế ra.
Mấu chốt cuối cùng làm nên sự khác biệt của diễn viên hài độc thoại, chính là sự chủ động - dẫn dắt - và thiết kế của họ đằng sau mọi miếng hài trên sân khấu.
Kỹ năng làm chủ sân khấu này cũng là việc chúng mình phải học, học nữa, học mãi để cho ra sản phẩm Tếu ngày một chất lượng hơn.
Kết
Hành trình đưa “hài độc thoại” về Việt Nam chắc chắn không dễ dàng. Phải chăng phải “có căn” mới diễn được phong độ từ vở này đến vở khác trên sân khấu?
Bạn có thể lắng nghe kỹ hơn về trải nghiệm cuộc sống của 2 “cây hài” Phương Nam - Nhi Võ qua Podcast Gen Z Truyền tại đây.