Positive illusion: Bạn có đang ôm “ảo tưởng” về bản thân?
Mỗi người trong chúng ta đều mong muốn hướng đến phiên bản tốt nhất của bản thân, cũng như ưa thích những điểm tốt của mình. Cũng vì thế, ta dễ ôm nhiều “ảo tưởng” tự đề cao chính mình hơn là người khác. Xu hướng này còn mang tên là “ảo tưởng lạc quan” (positive illusion).
Thoạt nhìn, niềm tin tích cực này cho ta sự tự tin nhất định. Nhưng để vượt ngoài tầm kiểm soát có thể khiến chúng ta chỉ chìm đắm trong thế giới của riêng mình. Vậy nên, hiểu được các hình thức và ảnh hưởng của ảo tưởng lạc quan trong cuộc sống, ta có thể tận dụng để lật ngược tình thế, tránh những niềm tin hão huyền và phát triển bản thân.
Ảo tưởng lạc quan là gì?
Ảo tưởng lạc quan miêu tả thái độ thiên vị thiếu thực tế mà một người có với bản thân hoặc những người thân thiết. Chẳng hạn ta thường cho rằng mình tốt bụng, thân thiện hoặc hài hước hơn mặt bằng chung.
Cụm từ xuất hiện sau một nghiên cứu của hai nhà tâm lý học Taylor và Brown vào năm 1988, khi họ cho rằng những đánh giá tích cực quá đà về bản thân là một suy nghĩ bình thường mà ai trong chúng ta cũng có. Nó mang lại một cảm giác tích cực và dễ chịu, giúp chúng ta xoa dịu cái tôi khi vỡ mộng về bản thân trong thực tế.
Bên cạnh sự thiên vị dành cho bản thân, chúng ta cũng có xu hướng lạc quan quá mức về những tình huống xung quanh/xảy đến với mình. Điều này sẽ được giải thích dưới đây.
Các hình thái ảo tưởng lạc quan?
Taylor và Brown cho rằng có 3 loại ảo tưởng lạc quan:
1. Thổi phồng khả năng của bản thân
Còn được biết với cái tên quen thuộc hơn là “ảo tưởng sức mạnh” (illusory superiority), miêu tả trạng thái thiên vị trong suy nghĩ, khi một người tự đề cao, thổi phồng các đặc điểm như tính cách, khả năng của mình. Tuy nhiên, khả năng cao những đặc điểm này không đúng với thực tế bởi sự chủ quan bị thổi phồng.
Chẳng hạn như một người luôn xem mình làm việc siêng năng hơn những đồng nghiệp xung quanh vì đã làm thêm nhiều ca trực, nhưng thực tế là vì họ bị yêu cầu hơn là tình nguyện.
“Ảo tưởng sức mạnh” cũng được gọi bằng nhiều cái tên khác nhau như hiệu ứng trên mức trung bình (above average effect) hay hiệu ứng Dunning Kruger. Sự lạc quan “quá đà” vô tình khiến ta không xem xét liệu điều đó có đúng với thực tế. Cũng như việc chỉ tập trung vào bản thân khiến ta đánh giá thấp những người xung quanh khi so với mình.
2. Lạc quan phi thực tế
Những người ôm nhiều lạc quan phi thực tế (optimism bias) tin rằng tương lai của họ sẽ diễn ra một cách tốt đẹp và những chuyện đen đủi sẽ không xảy ra.
Một nhóm nghiên cứu tại Đại học California cho rằng điều này bắt nguồn từ việc nó giúp ta tự thỏa mãn và giảm bớt đi nỗi lo âu với niềm tin rằng điều đen đủi sẽ không xảy ra.
Chẳng hạn trong những trường hợp quan hệ tình dục không an toàn, nhiều người cũng tin rằng khả năng mang thai ngoài ý muốn hoặc mắc bệnh lây qua đường tình dục sẽ “chừa” họ ra.
3. Ảo tưởng về khả năng kiểm soát
Ảo tưởng về khả năng kiểm soát (illusion of control) thường xảy ra ở các tình huống thân thuộc, khiến một người đánh giá cao khả năng kiểm soát của mình và cho rằng mọi thứ sẽ diễn ra theo mong muốn.
Điển hình là trong đại dịch, chúng ta cũng nhiều lần cho rằng sẽ kiểm soát được tình hình dịch bệnh nhưng kết quả lại không như mong đợi (như việc các biến chủng liên tục xuất hiện).
Được và mất của ảo tưởng lạc quan?
Ảo tưởng lạc quan có thể trở thành con dao hai lưỡi nếu ta cứ mãi đắm chìm trong nó. Một niềm tin quá tích cực dẫn đến cái nhìn thiếu thực tế khi triển khai những kế hoạch trong công việc, không dự trù các rủi ro có thể xảy đến.
Không những thế, đánh giá quá cao bản thân cũng dễ khiến ta ngồi trong cái ao của chính mình. Lâu dần, ta khó lòng lắng nghe những góp ý để cải thiện từ những người xung quanh.
Tuy nhiên, bên cạnh đó nó vẫn có những lợi ích nhất định đến sức khỏe tinh thần như:
- Tăng tính thích nghi, sức bền trong hoàn cảnh hiện tại
- Niềm hy vọng để đối mặt với khó khăn trong cuộc sống
- Tăng sự tự tin, thay đổi bản thân thành phiên bản tốt hơn
Cân bằng lợi ích của ảo tưởng lạc quan
Thông qua những lợi ích và tác hại của ảo tưởng lạc quan, Vietcetera gợi ý bạn những cách để áp dụng niềm tin này trong đời sống để giảm thiểu tối đa mặt trái của sự tích cực này.
1. Cân bằng góc nhìn về lòng tự tôn
Góc nhìn tích cực về bản thân sẽ giúp củng cố lòng tự trọng của bạn. Tuy nhiên tích cực đến mức thổi phồng sẽ làm bạn mù quáng về những giá trị, khả năng thực sự của mình.
Vì thế, bạn có thể cân bằng góc nhìn này thông qua việc thường xuyên tự đánh giá chính mình để tránh những kỳ vọng thiếu thực tế.
Chẳng hạn bạn có thể ghi chép lại những kỳ vọng về bản thân kèm theo những công việc bạn đã hoàn thành. Điều này sẽ cho bạn cái nhìn tổng quát và thực tế hơn về vị trí hiện tại của mình.
Đọc thêm:
Vì sao "Hãy suy nghĩ tích cực" là một lời khuyên phản tác dụng?
Toxic positivity: Tại sao tích cực không phải lúc nào cũng tốt?
2. Đừng chỉ lắng nghe “tiếng nói bên trong”
Đa phần những niềm tin thổi phồng đều đến từ việc ta chỉ tập trung lắng nghe chính mình hơn là những người xung quanh. Tiếng nói này khiến bạn cảm thấy dễ chịu trong thời điểm hiện tại nhưng quá sa đà có thể khiến bạn đánh mất động lực để phát triển bản thân.
Dù việc nhận đánh giá, chỉ trích từ người khác không hề dễ chịu, nó lại giúp bạn tránh được những niềm tin hão huyền do ảo tưởng lạc quan tạo nên.
Đọc thêm:
6 Bí quyết giúp bạn đón nhận lời phê bình tích cực hơn