Quiet ambition - Bạn đi làm vì điều gì?
1. Quiet ambition là gì?
Quiet ambition là những tham vọng “đi làm vì mình” của người làm công. Thay vì cống hiến cho chí hướng của công ty hay đáp ứng kỳ vọng xã hội, họ sẽ thường tập trung vào việc thỏa mãn những ước mơ và nhu cầu cá nhân.
Những tham vọng ấy có thể chỉ đơn giản như làm công việc có nhiều ngày nghỉ để thêm thời gian cho bản thân. Hay một số người làm việc để dành dụm cho những đam mê ngoài lề. Công việc thường là phương tiện để họ theo đuổi những giá trị họ thực sự quan tâm.
Khác với những phiên bản “thầm lặng” trước đó như quiet quitting hay quiet firing, quiet ambition không thể hiện sự bất mãn nơi công sở. Những nhân viên này vẫn làm việc hăng say, chỉ là mục tiêu của họ không nằm ở công ty.
2. Nguồn gốc của quiet ambition
Thuật ngữ quiet ambition được đặt ra bởi tạp chí Fortune với lời khẳng định rằng 2023 là năm của những tham vọng thầm lặng. Fortune đã “theo chân” câu chuyện của Jessica Kim - nhà sáng lập nền tảng chăm sóc người cao tuổi.
Cô đã làm việc cật lực nhiều năm để theo đuổi những nấc thang sự nghiệp. Nhưng sau khi chứng kiến sự ra đi của mẹ mình, cô đã nhìn nhận lại nguyện vọng thực sự của bản thân.
“Điều tôi mong muốn bây giờ là sống một cuộc đời ý nghĩa, chứ không phải đạt được những danh hiệu. Tôi muốn nghỉ ngơi và sống cho bản thân.” - Cô Kim chia sẻ.
3. Vì sao quiet ambition trở nên phổ biến?
Đại dịch Covid-19 được cho là nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi này của người lao động. Nhà báo Cloey Callahan cho biết, việc chứng kiến bệnh tật và cái chết đã thúc đẩy mọi người tập trung vào hạnh phúc cá nhân nhiều hơn là tham vọng thăng tiến hay cống hiến cho công việc. Họ cảm tưởng cuộc sống này vô thường và không muốn phí thời gian cho những việc vô nghĩa.
Một phần khác là bởi chúng ta bị bủa vây bởi những định nghĩa “đao to búa lớn” về tham vọng. Thang đo về thành công thường nằm ở mảng tiền bạc và địa vị.
Vậy nên những người có mong muốn hạnh phúc cơ bản về tinh thần thường hay bị coi là an phận.
Điều này tạo áp lực không nhỏ lên những người đã có hoặc đang tìm kiếm việc làm. Nhưng chưa chắc những điều họ đang phấn đấu vươn tới sẽ làm họ hạnh phúc. Tờ Fortune đã gọi hiện tượng này là "theo đuổi thành tích chỉ vì nó là thành tích."
Không phải lúc nào tham vọng cũng đòi hỏi sự đánh đổi và mất mát. Nhà khai vấn Nichola Henderson cho rằng nó có thể trở thành một động lực lành mạnh nếu cá nhân trả lời được câu hỏi “Tại sao họ làm việc họ đang làm?” Khi họ được làm việc với những giá trị họ trân trọng, họ sẽ có nhiều khả năng theo đuổi nó lâu dài hơn.
Xu hướng quiet ambition cũng là cơ sở để các doanh nghiệp thỏa hiệp và cung cấp các chính sách hỗ trợ nhân viên. Abby Lerner, đồng sáng lập thương hiệu Revel, cho biết công ty cô đã có những cuộc hội thoại cởi mở và thẳng thắn về định hướng của từng cá nhân. Cô cho rằng điều này sẽ giúp cả nhân viên và những người quản lý hỗ trợ nhau hoàn thành tham vọng của đôi bên.
Tuy nhiên, nếu một nhân viên đặt nhu cầu của bản thân lên trên hết, điều này sẽ khiến người quản lý lo lắng về sự hợp tác và phát triển của công ty.
David Tinker, người sáng tạo phương pháp giao tiếp nơi công sở Rethinkly, cho rằng doanh nghiệp cần duy trì mối quan hệ qua lại giữa các bên.
“Công ty nên hỗ trợ mục tiêu cá nhân mà nhân viên đưa ra. Nhưng đồng thời, từ sự thấu hiểu, giúp đỡ của cấp trên, nhân sự cũng cần làm việc năng suất, đem lại hiệu quả tốt hơn cho công ty.”
4. Cách dùng quiet ambition
Tiếng Anh:
A: Why did you turn down the boss's promotion offer?
B: I don’t want my life to be all about work. I just want to make enough money to travel every year. It’s my quiet ambition.
Tiếng Việt:
A: Sao chị lại từ chối lời tiến cử của sếp?
B: Vì chị không muốn một cuộc sống chỉ toàn là công việc. Chị chỉ muốn kiếm đủ để đi du lịch mỗi năm. Đó là một tham vọng “thầm lặng” của chị.