Rap Việt là không mày - tao
1. Điều gì vừa xảy ra?
Cuộc thi Rap Việt đang rục rịch khởi động mùa thứ 3 bằng vòng thử giọng tại Hà Nội và TP.HCM. Điều khiến khán giả chú ý chính là những LƯU Ý của đơn vị tổ chức, bao gồm:
1, Sử dụng từ ngữ văn minh (không dung tục, mày - tao, 18+…) Và 2, Bắt buộc người dự thi phải thuộc lời khi đi thử giọng; Đừng làm mất điểm với giám khảo chấm thử giọng khi vừa cầm giấy nhìn lời, vừa rap.
Những lưu ý này quả thực đáng ghi nhớ, vì nếu không đọc kỹ, quán quân tương lai của Rap Việt mùa 3 có thể phải ra về ngay từ vòng gửi xe. Từ đây, một khán giả đã nhanh trí gieo vần lời rap ở phần bình luận như sau: “Tớ sẽ cho cậu biết thế nào là thua chóng vánh/ Giống như cái lúc mà cậu đi biển và bị sóng đánh.”
2. Dư luận phản ứng thế nào?
Ricky Star, một rapper trẻ được yêu thích và từng tham dự chương trình Rap Việt chia sẻ trên trang cá nhân về vấn đề này. “Trò chơi nào cũng có luật chơi của nó. Thay vì trách móc thì nghĩ kĩ lại đi người anh em. Luật này đặt ra là để coi sau khi bỏ đi mấy cái tục tĩu vớ vẩn và mày - tao đi thì 'chất' của bạn còn lại gì ngoài những cái đó? Vững vàng nha mấy anh em.”
Nhiều rapper khác cũng đồng quan điểm với Ricky Star. G-Ducky cho rằng, việc “ban luật" như thế cũng là một cách để thí sinh "vượt khó" trong vòng thử giọng.
Tuy nhiên, cũng có những rapper không thực sự đồng tình với lưu ý này của Rap Việt. Họ cho rằng như thế sẽ hạn chế sáng tạo, không phản ánh sự chân thực, độc đáo và sự đa dạng của nhạc rap. Bên cạnh đó, một số rapper cũng “lăn tăn" ở lưu ý không được dùng "mày - tao," vốn không nhạy cảm hay vi phạm thuần phong mỹ tục.
Đối với khán giả, những lưu ý này cũng tạo ra một cuộc tranh luận nho nhỏ. Nhiều người đồng ý rằng ngôn từ và lời rap lịch sự là điều không cần thiết phải bàn cãi. Họ cũng đồng ý chương trình nhạc rap trên truyền hình không thể giống như với các kênh phổ biến âm nhạc khác. Một số người tại tỏ ra thất vọng và tìm cách chế meme mỉa mai về những lưu ý này của chương trình.
3. Việt Nam quy định gì về âm nhạc dung tục?
Sản phẩm âm nhạc với ca từ và hình ảnh nhạy cảm, dung tục, vi phạm thuần phong mỹ tục là những vấn đề luôn tạo ra cuộc tranh luận tại Việt Nam. Không chỉ với riêng nhạc rap, các thể loại âm nhạc khác như pop, R&B, thể nghiệm, nhạc điện tử (EDM) đều có những trường hợp được cho là dung tục, phản cảm.
Những cụm từ như nhạc rác, âm nhạc dung tục thỉnh thoảng lại được truyền thông nhắc đến qua từng trường hợp cụ thể như Rap Nhà Làm, Chi Pu, Sơn Tùng M-TP. (Riêng trường hợp MV There’s no one at all của Sơn Tùng bị xử phạt vì hình ảnh tiêu cực, không phù hợp trong bối cảnh hiện tại.)
Vậy âm nhạc dung tục là gì? Nghị định 38/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, quảng cáo không đúng pháp luật có nói rõ điều này. Cụ thể, Điều 13 trong Nghị định rõ về các vi phạm quy định về lưu hành bản ghi âm, ghi hình có nội dung nghệ thuật biểu diễn.
Theo đó, phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi lưu hành bản ghi âm, ghi hình có nội dung kích động bạo lực; ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại; sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội.
4. Người làm nhạc ở Việt Nam ứng xử với âm nhạc nhạy cảm ra sao?
Ngoài những quy định về mặt pháp luật và quản lý, các nội dung âm nhạc có yếu tố nhạy cảm ngày càng được ứng xử một cách văn minh hơn tại Việt Nam. Điều này có thể thấy ở việc các nghệ sĩ đã bắt đầu tự gắn “nhãn bảo vệ" lên các sản phẩm âm nhạc chứa nội dung không/chưa phù hợp với các đối tượng như trẻ em.
Ca sĩ, nhạc sĩ Đinh Mạnh Ninh từng chia sẻ trên VTV, "Việc dán nhãn sản phẩm là điều nên làm, bởi khi phân định được mác sản phẩm sẽ giúp khán giả nhận định sản phẩm nào phù hợp với mảng mình muốn tiếp cận. Vì thế, người nghệ sĩ cũng có thể mở rộng ra hơn các vấn đề nhạy cảm."
Ở một góc nhìn khác, chính những lưu ý về việc thí sinh sử dụng từ ngữ văn minh của Rap Việt cũng là một cách ứng xử khôn ngoan. Ở đây, nhà tổ chức thể hiện sự kiểm duyệt nội dung ở bước đầu và trong khuôn khổ chương trình. Có thể hiểu, đây là 1 cách tạo ra "phiên bản nhạc rap thân thiện" trên sóng truyền hình.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, một số sản phẩm chưa thực sự chỉn chu, chưa gắn nhãn hoặc chưa có những lưu ý, cảnh báo cụ thể khiến cho công chúng cảm thấy khó chịu khi tiếp cận và thưởng thức. Bên cạnh đó, gu thưởng thức âm nhạc cũng trở thành một trong những yếu tố tác động không nhỏ đến cách tiếp cận và tiếp nhận các sản phẩm âm nhạc nói chúng.
5. Thế giới ứng xử với âm nhạc nhạy cảm trên phát thanh, truyền hình thế nào?
Những nội dung âm nhạc nhạy cảm thường được gắn nhãn Parental Advisory (cảnh báo phụ huynh) trên các phiên bản vật lý. Trên các ấn bản điện tử, các album cũng thường gắn nhãn này. Đặc biệt, những bài hát cụ thể sẽ có thêm ghi chú explicit (tạm dịch: nhạy cảm.)
Ở nhiều thị trường âm nhạc lớn của Âu - Mỹ, các nội dung nhạy cảm trong lĩnh vực âm nhạc như khêu gợi hoặc bạo lực cũng bị kiểm duyệt, và thường bị “cấm cửa” các đài phát thanh và truyền hình.
Vì thế, ngành công nghiệp nhạc pop đã phát minh ra các sản phẩm âm nhạc “thân thiện” hơn với Đài truyền hình/Đài phát thanh. Tính thân thiện ở đây được hiểu là các “phiên bản sạch” (clean version) của bài hát để được phát sóng.
Như vậy, một ca khúc nguyên bản (chứa yếu tố nhạy cảm) có thể tồn tại trên nền tảng vật lý hoặc streaming nhưng lại có một phiên bản “thân thiện” trên sóng phát thanh, truyền hình.
Tại Hàn Quốc (Kpop) cũng tương tự, những bài hát và video ca nhạc hay bài hát có nội dung nhạy cảm cũng thường bị các đài truyền hình từ chối phát sóng. Các bài hát nổi tiếng, được yêu thích như Tomboy (G)I-DLE, hay những bài hít khác như Gentleman (PSy), OUTRO:Wings (BTS), BAE BAE và FXXK IT (BigBang), Mirotic (TVXQ)… là những ví dụ tiêu biểu.
Có nghệ sĩ chọn tạo ra clean version để được phát sóng, tiện cho quảng bá sản phẩm âm nhạc. Tuy nhiên cũng có một số nghệ sĩ Kpop quyết định giữ nguyên quan điểm sáng tạo và phiên bản gốc, dù bị nhà đài từ chối phát sóng bài hát của mình.