Tóm Lại Là: Cởi mở hay "cởi dở” trong âm nhạc?  | Vietcetera
Billboard banner
12 Thg 09, 2022
Sáng TạoÂm NhạcTóm Lại Là

Tóm Lại Là: Cởi mở hay "cởi dở” trong âm nhạc? 

Chủ đề tình dục trong nhạc pop đương đại Việt Nam như thế nào? 
Tóm Lại Là: Cởi mở hay "cởi dở” trong âm nhạc? 

Nguồn: MV Sashimi.

1. Điều gì đang diễn ra?

Lại là Chi Pu, sau bao lần gây tranh cãi khi ra mắt sản phẩm âm nhạc mới. Và lần này, nữ ca sĩ tạo ra một cuộc tranh luận xung quanh bài hát và video ca nhạc Sashimi (Hứa Kim Tuyền sáng tác và sản xuất âm nhạc; Đinh Hà Uyên Thư đạo diễn MV.)

Sashimi của Chi Pu bị phê phán ở cả góc độ nội dung, ca từ lẫn hình ảnh, bên cạnh giọng hát vẫn thường là yếu tố gây tranh cãi. Ca từ trong bài hát được cho là phản cảm, sáo rỗng. Về mặt hình ảnh, Sashimi được cho là "vay mượn" của Lisa (Black Pink) và đặc biệt là chủ đề (concept) MV Catallena của nhóm nhạc nữ Hàn Quốc Orange Caramel.

Sản phẩm âm nhạc trước đó của Chi Pu, Black Hickey (Con dấu chủ quyền) cũng gây tranh cãi trong dư luận. Sản phẩm này được nhận xét là cổ súy ngoại tình chốn công sở, hình ảnh MV chứa yếu tố tình dục quá đà.

2. Nhạc sĩ sáng tác phản ứng thế nào?

Nói về ca khúc Sashimi, nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền cho biết, anh nhận từ khóa sashimi từ phía ca sĩ Chi Pu và thực hiện bài hát về chủ đề này. "Tuyền đã viết đơn giản về một cửa hàng bán sashimi và lời bài hát nói về việc cô chủ tiệm mời khách đến để thưởng thức các món ăn ngon trong quán."

Nhạc sĩ trẻ giải thích thêm, "Nhiều bài hát thì sẽ có thông điệp ý nghĩa nhưng cũng có những bài đơn giản chỉ là giải trí thôi. Bài này Tuyền viết chỉ với mong muốn kích cầu mọi người đi ăn sashimi vì đây là một món ăn rất ngon, bản thân mình cực kỳ thích."

3. Liệu có hay không những "màn" giải trí đơn thuần?

Theo lời nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền, Sashimi là một bài hát tả thực, viết về món ăn. Có một điều đáng chú ý trong phản hồi của nhạc sĩ trẻ, khi anh cho rằng bài hát đơn thuần giải trí.

Đứng dưới góc độ là một sản phẩm âm nhạc tồn tại trong môi trường truyền thông đại chúng, rất khó để xem Sashimi là "màn" giải trí đơn thuần.

Tất cả các sản phẩm truyền thông/giải trí đều mang tính tạo chế và đều ngầm tải nghĩa, giá trị, thiên kiến của người thực hiện. Từ đó, chúng ta có thể đặt ra nhiều câu hỏi khác nhau như: Ai tạo ra sản phẩm này? Mục đích tạo ra sản phẩm là gì? Ai là người hưởng lợi khi ra mắt sản phẩm?

Đây là một trong những sản phẩm của Chi Pu, nằm trong chiến dịch trở lại với âm nhạc sau hai năm vắng bóng. Mục đích bài hát này có thể là danh tiếng, lợi nhuận, hay ít nhất, giúp Chi Pu thu hút sự quan tâm và chú ý của khán giả.

Không có ai là "vô can" ở đây, kể cả người sáng tạo lẫn công chúng tiếp nhận. Tuy nhiên, việc của nghệ sĩ là tạo ra những sản phẩm cẩn trọng hơn, hay hơn.

Công chúng cũng nên tìm được một lối sống mạnh mẽ giữa các sản phẩm sáng tạo ra mắt mới mỗi ngày. Họ không cần phải tẩy chay mà thay vào đó là tiêu thụ/hưởng thụ nhưng vẫn tự chủ và có khả năng phê phán khi cần thiết.

4. Chủ đề tình dục trong nhạc pop Việt Nam như thế nào?

Yếu tố tình dục, hay chuyện chăn gối ái ân vẫn xuất hiện trong âm nhạc hiện đại Việt Nam từ lâu. Những nhạc sĩ như Phạm Duy, Lê Uyên Phương, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, Trịnh Công Sơn cũng từng đưa các yếu tố tình dục vào bài hát và được khán giả chấp nhận, và yêu thích.

Trong bài hát Hãy ngồi xuống đây, nhạc sĩ Lê Uyên Phương viết, “Hãy ngồi xuống đây như loài thú hoang yêu nhau ngoài đồng/ Dưới nắng ban mai phô thân trần truồng kiếp sống hoang sơ.”

Hay trong bài hát Cúi xuống thật gần, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết, “Cúi xuống cho tình dấy lên/ Cho da thịt mềm/ Cho cơn mặn nồng ngất lịm.” Những bài hát này đều có có yếu tố tình dục, chuyện ái ân nhưng mượt mà và dễ tiếp nhận.

Gần đây, nền âm nhạc Việt Nam đương đại vẫn đang ngày càng có nhiều hơn các bài hát về chủ đề tế nhị này nhưng thường nhận nhiều ý kiến trái chiều.

Ngoài các sản phẩm mới của Chi Pu như Black Hickey, Sashimi thì còn có một loạt các bài hát nhạc pop khác khai thác chủ đề này như Mẩy Thật Mẩy (BigDaddy), Hâm Nóng (Emily), Nắng Cực (Trúc Nhân, Phạm Toàn Thắng, Thảo Nhi, Bá Hưng), Oh My Chuối (Sĩ Thanh)...

5. Cởi mở về tình dục ra sao trong bối cảnh nhạc Việt hiện nay?

Tình dục vẫn là chủ đề cấm kỵ và thường bị dán nhãn nếu có một nghệ sĩ nào đó quyết định thể nghiệm đưa vào sản phẩm âm nhạc. Dường như có một công thức bất thành văn với các ca khúc pop hiện nay là: hát về/hoặc chứa yếu tố tình dục = gây tranh cãi.

Không có gì sai trái khi cởi mở và phóng khoáng trong chủ đề tình dục ở trong đời sống lẫn nghệ thuật như âm nhạc, hội họa, điện ảnh, văn chương...

Tuy nhiên, chủ đề tình dục lại rất cần người nghệ sĩ đào sâu và cẩn trọng hơn nữa trong sáng tạo nghệ thuật. Và những nỗ lực sáng tạo hay cách tân của nghệ sĩ không phải lúc nào cũng được đón nhận mà có thể gây ra tranh luận trái chiều.

Ranh giới giữa cởi mở/nghệ thuật và dung tục/nhảm nhí đối với một sản phẩm âm nhạc về chủ đề tính dục không “mong manh” nha chúng ta vẫn nghĩ.

Sự phê phán một tác phẩm âm nhạc nếu có, nên đặt chúng vào các bối cảnh cụ thể kèm theo đó là phân tích ở các thành tố tạo nên sản phẩm đó như ca từ, nhịp điệu, cách chơi chữ/vần, cách thể hiện, hình ảnh...

Vì thế, khi một sản phẩm âm nhạc được đánh giá là mới mẻ, cởi mở hay dung tục, nhảm nhí nhất quyết cần được xem xét trên nhiều khía cạnh đan cài khác nhau. Tùy thuộc vào thế hệ cởi mở, người nghệ sĩ lại có cách thể hiện khác nhau về chủ đề tình dục.

Tuy nhiên, việc tìm ra được ngôn từ và cách thể hiện luôn là những yếu tố quan trọng để có thể vừa truyền tải được điều muốn nói thầm kín, vừa vẫn mở ra khả năng tiếp nhận ở công chúng.