Cú nhảy xuống của Sơn Tùng-MTP | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

Cú nhảy xuống của Sơn Tùng-MTP

Sản phẩm âm nhạc mới nhất của Sơn Tùng đang là tâm điểm của tranh cãi.
Cú nhảy xuống của Sơn Tùng-MTP

MV mới của Sơn Tùng gây ra nhiều tranh cãi về ảnh hưởng tiêu cực lên xã hội. | Nguồn: Tuổi Trẻ

1. Chuyện gì đang xảy ra?

Ngày 29/04, Cục Nghệ thuật Biểu diễn đưa ra thông báo về MV mới nhất của nam ca sĩ Sơn Tùng M-TP. Theo trao đổi giữa Vietcetera và Quyền Cục trưởng Trần Ly Ly, Cục đặt vấn đề về sự u ám và tiêu cực của sản phẩm này, đồng thời cho rằng MV có thể có ảnh hưởng tiêu cực tới giới trẻ trong bối cảnh hiện tại. Hướng giải quyết Cục đưa ra là ngừng việc phát hành MV này.

Ngay trong chiều cùng ngày, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết Cục PT&TH đã yêu cầu Google gỡ video ngay lập tức, và Bộ sẽ cố gắng tác động để việc gỡ bỏ được thực hiện sớm nhất có thể. Đồng thời, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ làm việc với ca sĩ và công ty phát hành để xử lý vi phạm, nếu có.

Trước đó, vào tối ngày 28/04, Sơn Tùng M-TP cho ra mắt video ca nhạc mang tên There’s no one at all. Sau 18 tiếng lên sóng, MV này đã thu hút gần 6 triệu lượt xem và hơn một trăm ngàn lượt bình luận trên Youtube.

2. Điều gì gây tranh cãi trong MV này?

MV There’s no one at all kể về một chàng trai cô đơn với những sang chấn tuổi thơ, chuyên đi lang thang quậy phá mọi người. Trong mớ hỗn độn của sự bế tắc và cô đơn, nhân vật chọn kết thúc bi kịch.

29apr2022screenshot20220429at004157165116849888012217198png
Nhiều chi tiết tiêu cực thể hiện trong sản phẩm âm nhạc của Sơn Tùng. | Nguồn: Tuổi Trẻ

Phân cảnh tự tử không dài, chiếm khoảng 10 giây ở cuối video. Chi tiết này cộng hưởng với cảm giác u tối của MV và những nét nghĩa tiêu cực trong lời bài hát, trở thành tâm điểm của cuộc tranh cãi.

3. Vấn đề của MV là gì?

Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho rằng MV “mang thông điệp tiêu cực, không có tính giáo dục với nhiều cảnh đuổi bắt, đập phá, bạo lực và kết thúc là hình ảnh nhân vật tự tử đã tác động mạnh đến tâm lý người xem, dễ gây ảnh hưởng, định hướng hành vi tiêu cực của xã hội, đặc biệt là trẻ em.”

Cục cũng đánh giá rằng MV có biểu hiện “trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội” và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền dừng lưu hành sản phẩm này.

Động thái gửi yêu cầu tới Google cho thấy Bộ Thông tin và Truyền thông đang ưu tiên vụ việc này và sẽ hành động quyết liệt. Bộ cũng đề nghị các nền tảng khác không được đăng tải MV này. Ngoài ra, Bộ sẽ có biện pháp xử lý và ngăn chặn với hành vi phát tán sản phẩm này dưới bất cứ hình thức nào từ cá nhân hay tổ chức.

Trong số những người lên tiếng phản đối MV, không chỉ có các bạn trẻ mà còn có nhiều phụ huynh bày tỏ quan ngại về tác động xấu mà sản phẩm âm nhạc này có thể gây nên. Họ cho rằng Sơn Tùng nên loại bỏ những yếu tố tiêu cực, hoặc ít nhất thể hiện chúng bằng một phương thức khác.

Bên cạnh đó, nhiều khán giả yêu cầu ca sĩ Sơn Tùng phải có nhận thức rõ ràng hơn về tác động xã hội mà một ca sĩ như anh có thể mang tới.

4. Những ý kiến trái chiều nói gì?

Bên cạnh bộ phận khán giả phản đối MV, cũng có một số người cho rằng vấn đề không nghiêm trọng tới vậy. Nhìn chung, nhóm khán giả này đồng ý rằng tự tử là vấn đề nhức nhối của xã hội, nhưng không cho rằng MV này sẽ thực sự trầm trọng hóa vấn nạn tự tử hiện nay.

Đi từ luận điểm này, nhóm ủng hộ còn cho rằng MV của Sơn Tùng thực ra có năng lực phản ánh thực tại về sự cô đơn và các vấn nạn tâm lý hiện nay. Nhóm này cũng cho rằng việc chỉ trích sản phẩm âm nhạc đang hướng cuộc thảo luận về vấn nạn tự tử lệch ra khỏi trọng tâm của vấn đề.

Điểm chung nhất của những ý kiến trái chiều đó là kêu gọi cộng đồng suy xét kỹ trước khi report MV của Sơn Tùng. Cũng có ý kiến cho rằng thay vì cấm lưu hành, nên xử lý theo hướng cắt bỏ những phân cảnh tiêu cực, đặt giới hạn độ tuổi, và dán nhãn bạo lực cho video để cảnh báo người xem.

5. Cú comeback của Sơn Tùng có "nhân hòa" hay không?

Trên thực tế, quá trình sản xuất một video âm nhạc tốn rất nhiều thời gian. Để có thể phát hành MV vào ngày 28/04, Sơn Tùng và đội ngũ của anh hẳn đã phải lên ý tưởng và sản xuất video nhiều tháng trước ngày công chiếu. Vì thế, khó có thể quy kết nam ca sĩ này chủ ý phát tán thông điệp tiêu cực tới xã hội.

Tuy nhiên, Sơn Tùng và công ty chủ quản của anh có trách nhiệm trong việc phát hành video vào một thời điểm hợp lý hơn, hoặc đơn giản, thay đổi những giây cuối cùng của MV ca nhạc. Đây là khoảng thời gian nhạy cảm bởi nhiều vụ việc thương tâm diễn ra trước đó.

Một cú nhảy xuống, dù là ẩn dụ của một tác phẩm nghệ thuật, cũng rất khó để chúng ta cảm thấy lạc quan hơn trong những ngày tháng này.