Scandal - Miếng mồi béo bở cho định kiến giới

Chỉ sau một đêm, mạng xã hội xôn xao bàn luận về “trà xanh”. Scandal, xưa nay vốn vẫn luôn là một miếng mồi béo bở, thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng.

Nhà Nhiều Cột
Nguồn: MTP Entertainment

Nguồn: MTP Entertainment

Bài viết thể hiện góc nhìn và trải nghiệm của riêng tác giả.

Chỉ sau một đêm, khắp mạng xã hội xôn xao và bàn luận về “trà xanh”. Người vô tư nhắc đến,  mượn câu chuyện để mang thêm tiếng cười. Kẻ ẩn ý sâu cay, bàn về lòng chung thuỷ, chuyện lứa đôi.

Scandal, xưa nay vốn vẫn luôn là một miếng mồi béo bở, thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng. Thế nhưng, trong cơn bão dư luận đó, không phải lúc nào những người bàn luận cũng có đủ thông tin và nhận thức đúng đắn về chủ đề mình đang nói. Nếu không cẩn thận, bạn có thể trở thành người đang vô tình củng cố thêm cho những định kiến xã hội, bao gồm cả những định kiến giới.

Từ tin đồn Sơn Tùng "theo trà xanh"...

Trước hết cần biết “trà xanh” trong trường hợp này được hiểu là gì?

Trà xanh (Trà xanh biểu) là một từ có nguồn gốc từ Trung Quốc, còn được diễn đạt theo cách khác là em gái/em trai trà xanh. Từ này chỉ những người phụ nữ mang vẻ ngoài trong sáng hồn nhiên nhưng bên trong lại tính toán, gian xảo và thích chen chân vào mối quan hệ của cặp đôi. Trà xanh biểu bắt đầu được sử dụng rộng rãi trên mạng xã hội Trung Quốc xung quanh vụ scandal mua bán dâm vào năm 2013. 

Từ đó đến nay, nó được dùng mang hàm ý miệt thị và thù ghét phụ nữ. Ở Việt Nam, em gái trà xanh cũng thường được dùng đi kèm với các từ “tiểu tam”, “con giáp thứ mười ba” ám chỉ những người chuyên phá vỡ hạnh phúc gia đình người khác.

Có thể thấy scandal mới đây của Sơn Tùng thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của cư dân mạng bàn luận về chuyện yêu đương của nam ca sĩ. Dù vẫn chưa có thông tin chính thức từ những người trong cuộc, nhưng những luồng ý kiến, và thậm chí là ý kiến miệt thị đã bắt đầu xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội. 

Kịch bản xảy ra giống với hầu hết các scandal tình ái từng xuất hiện. Ngay lập tức, ‘phe chính nghĩa’ lên ngôi với tuyên ngôn: “Ở trên đời có 2 thứ tuyệt đối không cần nghi ngờ, đó là lòng chung thuỷ của đàn ông và lời hứa trọn đời của họ”. Bộ phận cư dân mạng này không ngừng ca thán về việc “bản chất của đàn ông là thế” “có mới nới cũ” “đàn ông là những niềm đau”. Họ quy chụp và đánh đồng tất cả đàn ông vốn đều là những người không chung thuỷ.

Đặc biệt hơn cả là sự mỉa mai, bới móc và tấn công của cộng đồng mạng dành cho nhân vật được cho là người thứ ba xen vào mối quan hệ này. Và thái độ quy chụp nhận được sự tán thành không nhỏ đó là, phụ nữ có vẻ ngoài trong sáng, hồn nhiên vốn đều gian xảo, giả nai.

Hơn nữa, việc sử dụng một từ ngữ mà không hiểu rõ nghĩa của nó cũng mang đến nhiều hệ lụy tai hại, trong trường hợp này là từ ngữ mang hàm ý miệt thị và thù ghét phụ nữ (misogynistic language). 

Chính sự “vô can” của người dùng mạng xã hội đã góp phần củng cố thêm định kiến dành cho phụ nữ. Ở Trung Quốc, đã từng có một cuộc biểu tình diễn ra nhằm phản đối việc sử dụng những từ ngữ mang ý nghĩa miệt thị phụ nữ, cụ thể là từ “trà xanh biểu”.

... nói rộng ra là văn hoá quy chụp, văn hoá kỳ thị

Văn hóa quy chụp, văn hóa kỳ thị không chỉ xuất hiện trong câu chuyện của Sơn Tùng M-TP. Nếu bạn để ý thì sẽ thấy hiện tượng này đã xuất hiện rất nhiều lần. Tiêu biểu như sự việc nam tiếp viên của hãng hàng không Vietnam Airlines do không tuân thủ quy định cách ly nên đã trở thành nguồn lây bệnh cho nhiều người khác. Cụ thể, Trung tâm tin tức VTV24 đưa tin:

"Sau khi xét nghiệm 2 lần cho kết quả âm tính, BN1342 được về cách ly tại nhà trọ. Trong quá trình cách ly, bệnh nhân này có tiếp xúc trực tiếp với 3 người gồm: Mẹ đẻ và hai người bạn (một nam, một nữ). Trong đó, ngừoi bạn nam (SN1988) có tới sống cùng. Ngày 28/11, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm lần 3, cho kết quả dương tính."

Cơn thịnh nộ từ cộng đồng bùng nổ. Mọi người đa số đều rất phẫn nộ trước sự vô ý thức của nam tiếp viên và lo lắng cho tình hình dịch bệnh trong nước lại diễn biến phức tạp. Thế nhưng bên cạnh đó, một số lượng không nhỏ người dùng mạng xã hội đã thể hiện thái độ bỡn cợt, đả kích nhắm vào chi tiết nam tiếp viên hàng không “vội vã” tới sống cùng một người nam khác ngay trong thời gian cách ly: “Come out cho cả nước”; “Vì một lần sướng mà liên lụy bao người”; “Gay đến mức đấy cơ à không chờ nổi đến lúc cách ly xong?”; “Ủa 2 người, 1 nam 1 nữ nhưng người nam tới sống cùng. Chứ không phải nữ, kỳ kỳ ta”...

Thay vì nhìn nhận sự việc từ góc độ nam tiếp viên hàng không thiếu ý thức, vô trách nhiệm thì bộ phận cư dân mạng lại phán xét sự việc từ góc nhìn xu hướng tính dục nên mới thiếu ý thức. Xu hướng tính dục lại trở thành nguyên nhân của mọi tội lỗi?

Nói mọi người đừng “bon trend” hay đừng “hóng biến” gần như là điều không thể. Bị bao phủ bởi một lượng thông tin khổng lồ khiến chúng ta nhiều khi không muốn quan tâm, thì vẫn phải biết. Thế nhưng, để bản thân bị cuốn theo dòng cảm xúc tiêu cực, thiếu cân nhắc là điều cần phải lên án. 

Việc xúc phạm nhắm vào ngoại hình, giới tính, xu hướng tính dục của người khác cần được nhận thức một cách rõ ràng thay vì dùng cớ “cho vui thôi mà có ý gì đâu”. Khi bạn đùa giỡn mà chỉ quan tâm đến niềm vui ái kỷ của mình mà không màng đến cảm nhận của đối phương, liệu họ có tổn thương hay không, thì đó đã không đơn thuần là “đùa cho vui” mà là ích kỷ, khởi phát từ sự thiếu hiểu biết, thiếu ý thức.

Tóm lại là, NGƯNG QUY CHỤP, NGƯNG KỲ THỊ, không chỉ trong bối cảnh bùng nổ scandal trong và ngoài nước mấy ngày gần đây mà đó là sự nỗ lực lâu dài để trở thành một tư duy, một thái độ sống của mỗi người trong chúng ta.

 

Chiến dịch Nhà Nhiều Cột được tài trợ bởi Investing in Women - một sáng kiến của Chính phủ Úc, hướng đến mục tiêu xóa bỏ định kiến giới.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục