Ship - Yêu đương thì liên quan gì đến tàu thuyền?
"Đẩy thuyền" - Một hoạt động 'giải trí' thịnh hành thời mạng xã hội.
1. Ship là gì?
Trong từ điển tiếng lóng, ship (động từ) được hiểu là hành động gán ghép tình cảm, hay nuôi hy vọng về một mối quan hệ lãng mạn giữa hai nhân vật nổi tiếng ngoài đời thực, hoặc trong phim, truyện. Cặp đôi được 'ship' thường có 'chemistry', khiến cả hai trông rất hợp đôi, dù không có, hoặc chưa có chứng cứ nào cho thấy họ có thể thành đôi.
Ship còn được dùng như danh từ, chỉ các mối quan hệ tình cảm tưởng tượng, sinh ra từ hành động gán ghép.
Ngày nay, mọi người có thể dùng ship cho cả những người bình thường ở ngay bên mình, chẳng hạn như hai đứa bạn thân, hay hai người đồng nghiệp.
2. Nguồn gốc của ship?
Ship (theo nghĩa yêu đương) được ghi nhận sử dụng lần đầu tại diễn đàn bàn luận phim “The X Files”, năm 1995.
Tại đó, những người hâm mộ đóng vai "ông mai bà mối", ghép cặp hai nhân vật Mulder và Scully, đồng thời gọi nhau là “relationshippers”. Để tiện cho việc trao đổi, từ này sau đó được rút gọn lại còn “R’shippers”, cuối cùng là “shippers” (danh từ), và “ship” (động từ).
Tuy nhiên, nghĩa gốc của hậu tố -ship trong tiếng Anh không hề liên quan gì đến tàu thuyền, hay việc vận chuyển. Hậu tố -ship bắt nguồn từ tiếng Anh cổ “-sciepe/-scipe”, có nghĩa tương đồng với “shape” (sự tạo hình). Cụ thể hơn, -ship dùng để chỉ tình trạng/mối quan hệ được tạo ra với danh từ đi trước, ví dụ như friendship (tình bạn), citizenship (quyền công dân).
3. Tại sao ship trở nên phổ biến?
Nhờ có sự nhiệt tình của những cộng đồng fan hâm mộ (fandom), ship đã trở thành một nét văn hóa không thể thiếu của mỗi fandom. Hoạt động ghép cặp trong fandom diễn ra với đa dạng hình thức: từ chữ (fanfic) đến hình (fanart, meme, gif). Các mối quan hệ được ghép cặp có thể từ bối cảnh tác phẩm hiện có, đến những tình huống giả tưởng, tùy vào trí tưởng tượng của người hâm mộ.
Ví dụ như cặp đôi Malfoy và Hermione là một ship nổi bật trong fandom Harry Potter. Ở Việt Nam, một fandom ship có ảnh hưởng lớn và được nhiều người yêu thích là Fandom Owker, chủ yếu ship các cầu thủ bóng đá U23 & ĐTQG Việt Nam với nhau.
Mạng xã hội là một công cụ thúc đẩy văn hóa ship trở nên sôi nổi hơn bao giờ hết. Tumblr, Facebook, Archives Of Our Own… là những nền tảng mạng xã hội tập trung đông đảo hoạt động ghép cặp của các fandom.
Ở Việt Nam, ship lại được dùng với nghĩa Việt hoá là “đẩy thuyền” hoặc “chèo thuyền”, thậm chí lên cả mức độ “chiến hạm” (thể hiện sự yêu thích việc ship cuồng nhiệt, mạnh mẽ).
Tâm lý phía sau việc ship tiết lộ nhiều về xã hội của thế hệ trẻ khi lứa tuổi này thường cảm thấy mình cô đơn và thiếu hụt tình yêu lãng mạn (Theo Psychology Today). Chính sự lạc lõng đó thôi thúc nhu cầu trải nghiệm yêu đương. Ship chính là một cách giải tỏa gián tiếp nhu cầu ấy khá hiệu quả và nhanh chóng, vì chỉ cần trí tưởng tượng là đủ!
Mặt trái của ship là khi sự yêu thích dành cho một cặp đôi nếu đi quá mức có thể gây hấn với các cộng đồng ship khác, thậm chí là tấn công, ép buộc người khác chiều theo ý họ. Dù là sản phẩm của tưởng tượng, việc ship vẫn nên dựa trên những giá trị tạo nên mối quan hệ lành mạnh chứ không nên là sự tiêu cực như bạo lực, ngược đãi…
4. Cách dùng ship?
Tiếng Anh
A: They look so good together, I ship them so bad!
B: Yeah, but they're married to others already, right?
Tiếng Việt
A: Cặp này nhìn đẹp đôi quá, tớ “đẩy thuyền” này nhiệt liệt luôn!
B: Đẹp đôi thật, nhưng cả hai kết hôn với người khác hết rồi mà phải không nhỉ?