Skinfluencer: Liệu có nên tin những “chuyên gia” làm đẹp mới?
1. Skinfluencer là ai?
Skinfluencer là từ ghép của “Skin” (da) và “Influencer” (người có sức ảnh hưởng). Đây là những người có tiếng nói về chăm sóc da và làm đẹp.
Không chỉ chia sẻ thói quen chăm sóc da của họ, những người này còn cung cấp kiến thức chuyên sâu về chế độ chăm sóc da, hay thậm chí là các bệnh da liễu thường gặp.
Các skinfluencer cũng giúp chúng ta nhận ra những sai lầm trong các bước chăm sóc da của mình, khuyên chúng ta nên bỏ gì vào giỏ hàng, và giải đáp những thắc mắc về da.
Họ còn đánh giá những sản phẩm skincare dựa trên những trải nghiệm thực tế của mình. Điều này khiến người theo dõi bị thu hút vì không phải tất cả chúng ta đều đủ điều kiện hay dũng cảm thử nghiệm nhiều sản phẩm khác nhau.
Họ còn là những người giúp chúng ta hình dung hiệu quả của sản phẩm dễ dàng hơn trong khi không phải tự mình làm điều này.
Hẳn bạn cũng từng nghe qua những cái tên skinfluencer nổi tiếng trên thế giới như @skincarebyhyram, @yayayayoung, Felicia Walker, Liah Yoo, Michelle Wong, Dr Dray.... Ở Việt Nam, chúng ta có những cái tên beauty influencer làm những công việc tương tự như @tyle1994, @yendan7, @tran_lam18, @swatchesbylyn, @ngocthiee ...
2. Sự khác biệt của thế hệ skinfluencer
Nền tảng phát triển
Skinfluencer ngày nay chọn TikTok làm kênh chủ đạo để phát triển, khác với thế hệ Influencer trước đây thường đặt “nhà” trên YouTube, Instagram.
Lý do đầu tiên vì YouTube đang trở nên cạnh tranh cao bởi sự nổi tiếng và thành công của rất nhiều beauty creator hàng chục năm qua. Kiếm tiền từ YouTube cũng không còn dễ dàng.
Ngoài ra, YouTube còn khiến người dùng cảm thấy tiêu cực vì những scandal của các beauty blogger như Jeffree Star, James Charles…
Theo thời gian, niềm yêu thích làm đẹp dần dần chuyển hướng sang TikTok. Nơi đây trở thành mỏ vàng mới để các creator khai phá với tiềm năng to lớn về người dùng, các công cụ hỗ trợ.
Những hashtag như #skincare (24,3 tỷ lượt xem), #skincareroutine (5,9 tỷ lượt) và các tag nhỏ hơn như #oilyskin (137 triệu lượt xem) và #koreanbeauty (272 triệu lượt xem) cho thấy làm đẹp là chủ đề mà người dùng nền tảng video này quan tâm.
Phục vụ đối tượng khán giả mới
Hiện tại, 90% thế hệ Z thích skincare hơn là trang điểm. Họ có ý thức với việc tự chăm sóc bản thân hơn những thế hệ trước đây. Đặc biệt, đại dịch COVID khiến họ để tâm hơn đến sức khỏe và tinh thần của bản thân nhiều hơn.
Đồng thời, Gen Z còn đòi hỏi sự chân thật trong các sản phẩm. Chính vì vậy, skinfluencer rất được lòng đối tượng khán giả này vì những review thực tế, không cố gắng biến mọi thứ trở nên giả tạo, cầu kì.
Skinfluencer sẽ không ủng hộ một thương hiệu chưa đạt các tiêu chuẩn cá nhân của họ. Ý kiến và thông tin từ các "chuyên gia làm đẹp" này tạo ra sự quan tâm lớn đến người theo dõi với hàng nghìn bình luận liên quan bên dưới các video.
Cách thể hiện nội dung sáng tạo
Những bạn Gen Z đặc biệt quan tâm đến công thức và thành phần trong các sản phẩm, sẵn sàng dành nhiều thời gian tìm hiểu trên internet. Nhưng họ cũng đồng thời muốn xem các nội dung này dưới các hình thức vui nhộn và sáng tạo hơn (so với những gì có trên Instagram/YouTube).
Vậy nên TikTok, với nội dung đa dạng và ngắn gọn, nhiều hiệu ứng chính là phương tiện thú vị giúp truyền tải và đơn giản hóa các kiến thức khoa học về chăm sóc da mà Gen Z đang tìm kiếm.
Họ có thể xây dựng nội dung chỉ trong vài giây, sử dụng âm nhạc, nhảy nhót hay bắt trend trên TikTok để trở nên thú vị hơn,...
3. Có nên đặt trọn niềm tin vào các skinfluencer?
Sau beauty influencer, skinfluencer chính là đối tượng tiếp theo mà thương hiệu muốn cộng tác. Tuy nhiên, đây cũng có thể là con dao hai lưỡi.
Chúng ta có thể tiếp cận đến những sản phẩm tốt thông qua họ. Nhưng cũng có những trường hợp không thật sự trung thực về review, đánh giá sản phẩm. Ví dụ như năm 2019, cô nàng “phù thủy Makeup” Pony của Hàn Quốc phải lên tiếng xin lỗi vì review sai sự thật về một sản phẩm mặt nạ đèn LED.
Ở Việt Nam, beauty blogger Call Me Duy cũng từng bị dính nghi vấn ăn cắp chất xám và thiếu kiến thức khi đưa sai thông tin về hydrogen peroxide.
Nina Wines, bác sĩ da liễu tại Sydney nói rằng việc tin tưởng vào những gì chúng ta đọc hoặc nghe như vậy có thể dẫn đền nhiều rủi ro. Khi đã tin tưởng vào các skinfluencer, người theo dõi thường ít nghi ngờ tính chính xác trong những nội dung này.
“Họ có thể nói những điều không chính xác vì thiếu kiến thức y tế về những gì họ đang chia sẻ". Vì vậy, người xem vẫn cần tự trang bị những kiến thức cá nhân để luôn tỉnh táo và khách quan khi nghe lời khuyên từ các skinfluencer.
4. Làm sao để tự đưa ra lựa chọn phù hợp với bản thân?
Có thể nói, skinfluencer thật sự chỉ nên xem là một kênh tham khảo. Điều quan trọng hơn là chính người dùng cần có sự quan tâm và hiểu biết về làn da hay cơ thể của mình:
Tiếp nhận tri thức nhiều nguồn
Thế giới skincare rất rộng lớn, hãy chuẩn bị một tinh thần khách quan để nghiên cứu, tìm hiểu thật kỹ và chính xác những kiến thức mới. Việc có nhiều góc nhìn về một vấn đề giúp bạn lựa chọn chuẩn xác các sản phẩm mình cần.
Nguồn ở đây có thể từ những trang báo có uy tín, từ những chuyên gia, và bác sĩ trong ngành.
COSDNA, SKINCARISMA, Think Dirty, INCI Beauty, EWG Healthy Living… là những app có thể cung cấp cho bạn thêm kiến thức về thành phần và độ an toàn của chúng.
Hiểu lịch sử da của bạn
Không ai có thể hiểu rõ làn da của bạn hơn bạn cả. Lịch sử phản ứng của da với các loại mỹ phẩm là nguồn dữ liệu quý giá nhất để bạn quyết định nghe theo lời khuyên của ai đó hay không.
Hãy tập thói quen ghi chép lại phản ứng của da sau khi sử dụng một loại mỹ phẩm nào đó. Chúng giúp bạn kiên định với lựa chọn của mình trước “bão táp phong ba” sản phẩm mới cứ liên tục ra mắt.
Trong mỹ phẩm, chỉ có phù hợp chứ không có mỹ phẩm quốc dân.