Những tưởng WFH sẽ giúp làn da tránh nắng, khói bụi thì sẽ đẹp hơn. Tuy nhiên, bạn có đang cảm thấy da của mình lại có phần xấu đi?
Việc quanh quẩn trong nhà, thiếu giao tiếp xã hội mùa Covid-19 đã khiến không ít người cảm thấy bị stress nặng. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến tâm lý mà còn vô tình làm hại làn da của chúng ta.
Biểu hiện của làn da bị stress
Não bộ và làn da là câu chuyện chị chị em em không thể tách rời với nhau. Vì vậy, những căng thẳng ở não bộ cũng khiến cho làn da stress theo. Bên cạnh đó, việc tiếp xúc với môi trường ô nhiễm nặng, khói bụi dày đặc hay các chất gây dị ứng cũng có thể khiến da bị viêm và rơi vào trạng thái căng thẳng.
Khi stress, các hormone như adrenaline và cortisol nhanh chóng được tiết ra. Những hormone này khiến tim đập nhanh hơn, huyết áp tăng. Hậu quả là làn da ngồi im cũng "dính đạn" với không biết bao nhiêu là vấn đề:
Xin chào… mụn!
Khi bạn căng thẳng, cơ thể sẽ sản xuất ra nhiều hormone cortisol hơn bình thường. Hormone này hoạt động quá mức sẽ kích thích sự phát triển của bã nhờn trong tuyến da, gây mụn trứng cá.
Bọng mắt chuẩn nét "8K"
Căng thẳng do thiếu ngủ làm tăng các dấu hiệu lão hóa, chẳng hạn như nếp nhăn, giảm độ đàn hồi da và làm lộ rõ bọng mắt đến mức ai cũng có thể nhìn thấy một cách rõ nét.
Các bệnh da liễu
Căng thẳng có thể làm phá vỡ hàng rào biểu bì (lớp trên cùng của da giúp khóa ẩm và bảo vệ da khỏi các vi khuẩn có hại). Từ đó gây ra các bệnh mạn tính về da bao gồm bệnh chàm, bệnh vẩy nến hoặc tổn thương da.
Vừa khô vừa nhăn
Căng thẳng sẽ làm lớp sừng trên da (nơi có protein và lipid đóng vai trò giữ nước) bị ảnh hưởng, khiến da trở nên khô, ngứa, xuất hiện nếp nhăn (do mất đi độ đàn hồi).
De-stress skincare là gì?
Khi nhận thấy cả bản thân và làn da đang có dấu hiệu căng thẳng cũng là lúc bạn cần tìm đến quy trình chăm da “de-stress”.
Tiến sĩ Madhuri Agarwal, chia sẻ: “De-stress skincare” hay “Anti-stress skincare” được hiểu là một quy trình giảm viêm hoặc các tổn thương do căng thẳng gây nên cũng như phục hồi chức năng bảo vệ của lớp sừng trên da.
Để bắt đầu quá trình phục hồi làn da, bạn nên bắt đầu từ những điều cơ bản: hãy tự hỏi bản thân xem làn da của bạn thực sự đang cần điều gì? Bởi không phải làn da nào có những dấu hiệu căng thẳng giống nhau.
Nếu da bạn gặp tình trạng khô thì hãy nghĩ ngay đến quá trình hydrat hóa (cấp nước). Hoặc bổ sung ngay những sản phẩm chống lão hóa vào quy trình dưỡng da nếu bạn thấy những nếp nhăn xuất hiện sau thời gian căng thẳng.
Đối với những làn da nổi mụn, đổ nhiều dầu khi stress, việc cần thiết chính là giảm viêm, sưng, làm sạch sâu và kiểm soát dầu.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần bổ sung dưỡng chất cho da từ thực phẩm. Tiến sĩ Bác sĩ thẩm mỹ Karishma Kagodu chia sẻ: Vitamin A, C, E và B luôn cần thiết cho da.
Thực phẩm giàu các loại vitamin này nên được kết hợp vào chế độ ăn uống hàng ngày, nhất là khi bạn đang căng thẳng. Đồng thời, ngủ đủ giấc cũng giúp quá trình phục hồi da nhanh chóng hơn.
Những thành phần nào giúp da bạn bớt stress?
Dựa theo nguyên tắc trên, những sản phẩm chăm sóc da “de-stress” được tạo ra để phục hồi các tổn thương da do căng thẳng gây ra.
1. Ceramide
Ceramides là một loại axit béo được gọi là lipid. Chúng có sẵn trên da và được xem là hệ thống dưỡng ẩm tự nhiên của làn da. Song khi da đang căng thẳng, lượng Ceramide tự nhiên này có thể không đủ.
Những sản phẩm có Ceramides sẽ giúp tạo ra một “hàng rào” trên da có mục đích ngăn chặn sự xâm nhập từ các chất có hại. Chất này sẽ hỗ trợ cung cấp độ ẩm cho làn da đang stress của bạn, đồng thời ngăn ngừa tình trạng kích ứng, khô da và bảo vệ lớp biểu bì của da khỏi tác hại từ môi trường.
2. Axit hyaluronic (HA)
Đối với những nếp nhăn xuất hiện trên da khi stress, bạn có thể “xử lý” chúng nhờ vào thành phần Axit hyaluronic. Đây là một phân tử carbohydrate được tìm thấy tự nhiên trong da của chúng ta, có nhiệm vụ hút ẩm, nước và và phân phối đến các tế bào da,.
Tương tự như Ceramides, HA sẽ giảm dần theo thời gian và lúc da đang stress, bạn rất cần bổ sung dưỡng chất này. Nguyên lý làm việc của HA là giữ ẩm, nước và collagen. Khi da có đủ độ ẩm và được ngậm nước, các nếp nhăn và bọng mắt - dấu hiệu của căng thẳng, sẽ giảm đi một cách nhanh chóng.
3. Niacinamide (B3)
Đây là một chất dinh dưỡng thiết yếu dành cho da. Niacinamide giúp làn da phát triển hàng rào ceramide (lipid), tăng cường cơ chế dưỡng ẩm. Những người mắc bệnh chàm, da mẩn đỏ, nổi mụn vào những ngày căng thẳng thì không thể bỏ qua dưỡng chất này.
4. Centella Asiatica (chiết xuất rau má)
Chiết xuất này được biết đến nhờ công dụng chống lão hóa, chống viêm, kháng khuẩn và thúc đẩy quá trình tái tạo da nhanh chóng. Rau má còn có tác dụng giảm căng thẳng, lo âu. Chính vì vậy, đây là thành phần không thể thiếu trong những ngày làn da mệt mỏi.
Ngoài sử dụng sản phẩm, bạn nên nghĩ đến việc giải stress một cách bền vững hơn bằng những hoạt động thú vị khác.
Chẳng hạn tại Nhật Bản, người dân quốc gia này tìm kiếm cảm giác nhẹ nhõm qua khái niệm Shinrin-Yoku có nghĩa là "tắm trong rừng". Hoạt động này giúp tiếp xúc với thiên nhiên để giảm căng thẳng và ngăn ngừa bệnh tật.
Còn tại Việt Nam, những ngày giãn cách sẽ khiến bạn có chút khó chịu và stress. Tuy nhiên, mở cửa sổ hít khí trời, tập thể dục tại nhà, nấu ăn, làm bánh... cũng là những hoạt động "giải stress" từ ngọn cho bạn.