Sự thật về ngủ chung ở các cặp đôi
Ngủ chung thường được xem là việc hiển nhiên đối với các cặp vợ chồng hoặc những ai đang sống chung. Nếu sống chung một nhà mà cả hai ngủ khác giường, điều này thường được coi là dấu hiệu của một mối quan hệ rạn nứt.
Nhưng ngủ chung hay riêng liệu có thật sự ảnh hưởng đến mối quan hệ của bạn?
Những điều bạn cần biết về việc ngủ chung - ngủ riêng
Theo tiến sĩ Wendy Troxel, những áp lực về ngủ chung - ngủ riêng thường đến từ tiêu chuẩn xã hội, chứ không hoàn toàn dựa trên khoa học. Dù chung hay riêng, đây là những điều mà bạn cần lưu ý:
Giấc ngủ sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ của bạn và ngược lại
Giấc ngủ ngon sẽ giúp củng cố mối quan hệ của bạn, ngược lại có thể là nguồn cơn của mâu thuẫn. Và giấc ngủ bị gián đoạn có thể bắt nguồn từ chính bạn hoặc nửa kia.
Nghiên cứu đã chỉ ra mọi người thực sự khó ngủ hơn khi ngủ chung với người khác. Nếu bạn ngủ với một người có thói quen ngủ xấu (ngáy to, nghiến răng, hay trở mình,...) dễ hiểu khi đó là nguyên nhân khiến bạn mất ngủ.
Bên cạnh đó, việc ngủ chung còn là vấn đề nếu một trong hai là kiểu người ngủ nông (light sleeper) hoặc mắc chứng mất ngủ (insomnia).
Trong nghiên cứu về giấc ngủ và chất lượng mối quan hệ được thực hiện trên những cặp đôi dị tính, các nhà khoa học đã phát hiện ra vài điểm khác nhau giữa họ. Khi nam giới mất ngủ, họ báo cáo rằng mối quan hệ của mình bị ảnh hưởng vào ngày hôm sau. Nhưng đối với nữ giới, thì điều này lại thiên về mối quan hệ. Nếu ngày hôm đó cả hai cãi nhau, giấc ngủ của cả hai đều sẽ bị ảnh hưởng vào đêm đó.
Điều này có thể tạo ra một vòng luẩn quẩn trong việc ngủ ảnh hưởng đến mối quan hệ và ngược lại.
Thời điểm 2 người chìm vào giấc ngủ cũng có ảnh hưởng
Giả sử nếu bạn làm trong ngành sáng tạo và là “cú đêm”, khung giờ mà bạn đạt được năng suất cao nhất là 10 giờ tối. Trong khi đó, nửa kia của bạn lại làm việc theo giờ hành chính và cần đi ngủ vào 10 giờ để sáng hôm sau dậy sớm.
Thế là hai bạn cãi nhau vì một người cho rằng người kia sinh hoạt thiếu điều độ, người còn lại thì cảm thấy nửa kia không hiểu cho mình.
Nghiên cứu cũng cho thấy những cặp đôi “đồng bộ” trong thời gian ngủ có lợi thế hơn trong việc duy trì mối quan hệ ổn định. Khi tiến hành đo lường giấc ngủ của họ theo từng phút, các nhà khoa học đã nhận thấy rằng những người ngủ hoặc thức vào cùng một thời điểm có mức độ hài lòng cao hơn trong mối quan hệ.
Mặt khác, những cặp đôi mà thời điểm chìm vào giấc ngủ khác nhau có mức độ hài lòng thấp hơn, nhiều xung đột hơn và ít hoạt động tình dục hơn.
Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại câu chuyện “lệch múi giờ” lại diễn ra khá phổ biến. Sự phát triển của công nghệ và tính chất công việc ngày càng đa dạng khiến thời gian làm việc không còn phụ thuộc vào giờ hành chính như trước kia.
Vậy đâu là lối thoát cho những “đôi đũa lệch” trong việc ngủ
Như đối với nhiều vấn đề trong cuộc sống, việc giữ thái độ cởi mở để lắng nghe và trao đổi luôn là chìa khóa để giải quyết mâu thuẫn.
Tiến sĩ Wendy đã đưa ra gợi ý, việc chia sẻ thời gian trước khi ngủ và sau khi thức dậy là giải pháp đáng cân nhắc. Thay vì coi việc ngủ chung là bắt buộc, cả hai có thể tận dụng khoảng thời gian này. Ví dụ nếu bạn là ‘cú đêm’ (night owl) và nửa kia là ‘chú chim buổi sớm’ (morning bird) bạn có thể dành thời gian trò chuyện trước khi nửa kia đi ngủ và quay trở lại công việc ngay sau đó.
Thật ra, những cặp đôi có kỹ năng giải quyết vấn đề tốt thường dễ vượt qua sự khác biệt trong việc ngủ hơn. Bên cạnh đó, không có nhiều nghiên cứu về việc ngủ riêng sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ của bạn. Cả hai có thể chọn ngủ riêng nếu thấy rằng điều đó giải quyết được vấn đề trong việc ngủ.
Không có bất kỳ khuôn mẫu nào dành cho việc ngủ
Việc các cặp đôi nên làm là ưu tiên giấc ngủ của chính mình. Suy cho cùng, chúng ta dành một phần ba cuộc đời để ngủ. Chúng ta thường tập trung vào khía cạnh tình dục, sự thân mật, tài chính mà đôi khi quên mất rằng ngủ ngon cũng góp phần không nhỏ trong việc khiến ta hài lòng hơn trong mối quan hệ nói riêng và cuộc sống nói chung.
Khi được nghỉ ngơi đầy đủ, chúng ta giao tiếp tốt, vui vẻ, cảm thông hơn - đây là những điều tất yếu trong việc duy trì một mối quan hệ lâu dài.
Kết
Bằng cách nhận ra rằng thiếu ngủ không những ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân mà còn cả mối quan hệ với những người xung quanh, chúng ta có thể đặt mối quan tâm ở đúng chỗ hơn. Thay vì những quy chuẩn xã hội trong việc ngủ chung - ngủ riêng, bạn nên tập trung vào việc làm thế nào để ngủ ngon trước.
Bạn ngủ không chỉ cho bản thân, mà còn cho những người xung quanh. Hãy coi đó như là một khoản đầu tư dành cho mối quan hệ mà bạn trân trọng.