Sunday scaries - Thứ hai chưa qua, Chủ nhật đã muốn “vã”

Với không ít người, Chủ nhật không còn là một ngày cuối tuần vui vẻ khi họ phải đối mặt với nỗi lo lắng và sợ hãi cho tuần mới sắp đến.
Hiền Lê
Nguồn: One Peloton

Nguồn: One Peloton

1. Sunday scaries là gì?

Đây là thuật ngữ mô tả cảm giác lo âu và sợ hãi vào ngày Chủ nhật, trước khi tuần làm việc/học tập mới bắt đầu. Cảm giác này thường bắt nguồn từ nỗi lo căng thẳng công việc tuần mới, khi phải tiếp tục giải quyết các đầu việc tồn đọng từ tuần trước, hoặc sự choáng ngợp khi phải cân bằng giữa công việc và các khía cạnh khác trong cuộc sống.

Sunday scaries thường bắt đầu vào sáng Chủ nhật, và thường lên đỉnh điểm vào buổi tối. Để đối phó với nó, một số người chỉ làm mức độ công việc tối thiểu vào thứ Hai (bare minimum Mondays).

2. Nguồn gốc của Sunday scaries?

Sunday scaries xuất hiện lần đầu trong từ điển Urban Dictionary vào năm 2009. Một nghiên cứu xuất bản năm 2013 cho biết, cụm từ có thể xuất phát từ các nhân viên tài chính ở phố Wall (New York, Mỹ) trong thời gian xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Cụm từ bắt đầu được sử dụng phổ biến từ năm 2014, khi một podcast mang tên The Sunday Scaries ra đời, cung cấp các mẹo giúp vượt qua cảm giác chán nản mỗi khi Chủ nhật đến.

3. Vì sao Sunday scaries phổ biến?

Buồn chán ngày Chủ nhật là cảm giác chúng ta hầu như đều từng trải qua. Tuy nhiên theo một khảo sát gần đây của công ty nghiên cứu thị trường Talker Research, xu hướng này xảy ra phổ biến ở gen Z hơn cả.

Cụ thể, 74% người tham gia gen Z có cảm giác này ít nhất một lần mỗi tháng, trong khi tỷ lệ này chỉ khoảng 25% ở các thế hệ khác. Thế hệ này cũng bắt đầu thấy lo lắng, chản nản từ khoảng 6 giờ sáng ngày Chủ nhật. Trong khi ở các thế hệ khác, mốc giờ bắt đầu Sunday scaries là khoảng 4 giờ chiều. Giải thích vì sao gen Z lại “sợ” ngày Chủ nhật đến thế, khảo sát cũng chỉ ra các nguyên nhân chính sau đây:

  • 33% Gen Z bị căng thẳng về các đầu việc cần hoàn thành trong tuần mới.
  • 28% cảm thấy không chắc chắn về tuần mới sắp diễn ra.
  • 20% thừa nhận họ bị kiệt sức, thiếu thời gian nghỉ ngơi.
  • 18% thừa nhận cảm thấy chưa sẵn sàng cho tuần mới.
  • 42% gặp áp lực phải hoàn thành các đầu việc tuần cũ trước khi tuần mới bắt đầu. Hiệu ứng Zeigarnik được coi là nguyên nhân dẫn tới áp lực này.

Theo chuyên gia tâm lý Brooke Sprowl, nhà sáng lập trung tâm tư vấn tâm lý My LA Therapy, Sunday scaries liên quan đến sự chuyển giao đột ngột giữa cảm giác tự do của cuối tuần và mớ deadline sẵn sàng “giam cầm” bạn ngay khi tuần mới bắt đầu. Nó cũng được xếp vào dạng lo âu dự đoán trước (anticipatory anxiety) - cảm xúc xảy ra khi bạn lo sợ, không biết điều gì sẽ đến với mình trong tuần mới.

Để vượt qua Sunday scaries, chuyên gia Sprowl gợi ý cách định hình ngày Chủ nhật như thời gian để tái tạo năng lượng, chứ không phải là ngày để lo sợ. Các cách “sạc” năng lượng được gen Z áp dụng phổ biến nhất gồm nghe nhạc, xem phim, chơi game, tập thể thao hay đi massage.

“Việc cho bản thân thư giãn, đặt ra những mục tiêu nhẹ nhàng và tạo không gian cho việc suy ngẫm sẽ khiến cảm giác lo sợ ngày Chủ nhật giảm đi đáng kể”, bà Sprowl chia sẻ.

4. Cách dùng Sunday scaries?

Tiếng Anh

A: Aissh it’s Sunday again. I’m already dreading the upcoming week.

B: Just take some time to rest and recharge. Don’t let the Sunday scaries take over you.

Tiếng Việt

A: Haizz lại là Chủ nhật. Chưa gì mình đã thấy chán nản cho tuần tới rồi.

B: Cứ dành thời gian nghỉ ngơi & sạc lại năng lượng cái đã. Đừng để “nỗi ám ảnh Chủ nhật” nó ám quẻ cậu nha.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục