Sweet Valentien: Bỏ hết, giữ lại bộ tóc giả
Tôi gặp Sweet Valentien khi anh mới bước ra khỏi phòng thu. Lúc đó đã quá trưa và biết anh chưa kịp ăn gì, tôi hỏi nửa đùa nửa thật: “Anh còn đủ sức cho cuộc trò chuyện tiếp theo không?”. Anh cười lớn, bảo mình ngồi “tám” đến tối cũng được.
Tinh thần của một nghệ sĩ drag queen tỏa ra ngay từ lần gặp đầu, khiến tôi nghĩ rằng bất kỳ ai từng tiếp xúc với Sweet Valentien đều muốn anh trở thành người đầu tiên họ gặp vào buổi sáng, để sẵn sàng bắt đầu một ngày mới bằng thứ năng lượng hiếm thấy.
Sweet Valentien là một cái tên có tiếng trong giới drag queen Việt. Anh từng xuất hiện trong các chuyên trang thời trang như Đẹp, Harper's Bazaar, L'Officiel Vietnam. Sweet Valentien còn là đại diện Việt Nam duy nhất tham gia Drag Race Thailand season 2 năm 2018, và lọt top 20.
Gặp nhau trong một bộ trang phục giản dị, không make up cầu kỳ hay phụ kiện lộng lẫy, anh kể cho chúng tôi nghe về hành trình đã qua.
Mọi người thường lầm tưởng gì về drag queen?
Rằng bạn chỉ cần mặc đồ của phụ nữ, trang điểm, giả gái, thì bạn đã là drag queen!
Drag queen đòi hỏi nhiều hơn thế. Đứng trên sàn diễn, một drag queen có thể cần biết hát nhép, hát live, múa đương đại, diễn xuất, diễn hài độc thoại, thiết kế, trình diễn thời trang…
Về phần nhìn, nghệ sĩ drag queen diện những bộ phục trang lộng lẫy, tóc giả uốn phồng ngạo nghễ. Gương mặt họ được ví như tấm canvas, người nghệ sĩ sẽ vẽ lên tấm canvas đó những nét cọ đầy tính biểu tượng.
Drag queen không chỉ đơn thuần là đóng giả phụ nữ, mà đây là một bộ môn nghệ thuật đến từ sự sáng tạo, chỉn chu và đầu tư nghiêm túc.
Drag queen có được coi là một nghề?
Trước đây thì không, nhưng giờ mọi người đã có cái nhìn khác về drag.
Tại một số nơi ở Thái Lan, nghệ sĩ drag queen có thể diễn 4-5 đêm 1 tuần và họ coi đó là nguồn thu nhập chính. Còn ở Việt Nam, các show chủ yếu diễn ra vào tối thứ Sáu, thứ Bảy. Do thu nhập không thực sự ổn định, hầu hết “người trong ngành” làm drag chỉ để thỏa đam mê, họ thường chọn một nghề khác để trang trải thêm.
Mọi người thường nói “drag is expensive”. Bạn có thể kiếm được nhiều từ drag, nhưng bù lại phải đổ một số tiền tương đương vào đó.
Khi đã chấp nhận bước vào con đường này, điều kiện đầu tiên là phải thực sự tâm huyết với trang phục mình tạo ra. Tâm huyết đó thể hiện bằng sự đầu tư.
Một bộ quần áo của nghệ sĩ drag dao động từ 4 triệu cho đến 20 triệu. Bộ đắt nhất anh từng thiết kế lên tới gần 30 triệu, chưa kể quá trình make up, mua tóc giả.
Hồi mới tập tành làm drag, anh không lập tức sở hữu những bộ cánh đắt tiền mà dành ít nhất một năm chuẩn bị. Do kinh phí đầu tư lúc ấy chưa nhiều, anh phải sáng tạo phục trang từ các chất liệu sẵn có quanh mình.
Drag queen có tuổi nghề không?
Có lẽ là không. Dù đã ở ngưỡng 30, anh thấy đây mới lúc phù hợp nhất để mình thực sự bùng nổ. Trong RuPaul's Drag Race (show truyền hình tìm kiếm các ngôi sao drag queen), có không ít người đã làm drag queen được gần 40 năm. Càng có tuổi, phong cách trình diễn của họ càng mặn mà, sắc sảo và đầy mê lực.
Nếu buộc phải từ bỏ drag queen một ngày nào đó, anh muốn trở thành nhà thiết kế thời trang. Tiếp tục tạo ra những bộ đầm kiêu kỳ và kiểu cách là sứ mệnh của anh.
Show diễn đáng nhớ nhất của anh?
Không có show nào hết, tất cả đều cuồng nhiệt và đáng nhớ như nhau. Show buồn nhất là show anh đi trễ.
Đã có drag queen nào nhận ra mình chọn sai?
Hầu như bạn nào lần đầu làm drag đều thấy “nghiện” ngay tức thì. Trên sân khấu, họ được giải phóng một nhân cách khác, giải phóng một nguồn nhiệt rực cháy mà chính họ không biết là mình có.
Một khi họ có đủ động lực để khoác lên mình bộ cánh sặc sỡ, trình diễn trước hàng trăm ánh mắt tò mò, chẳng có gì phía dưới có thể hạ gục sự tự tin và tự hào của họ.
Nếu có ai đó chọn từ bỏ, thì có thể do họ nhận ra mô hình này khá tốn chi phí và thời gian, chứ không phải vì không thích drag queen.
Nhắc đến chữ ‘bỏ’, anh có phải bỏ con người cũ để trở thành một Sweet Valentien diễm lệ của hiện tại?
Anh không coi lớp phấn trên mặt là một lớp hóa trang, hay là con người mình muốn trở thành. Drag queen với anh là một dạng art form phá bỏ ranh giới giữa thời trang và nghệ thuật sắp đặt, anh mượn nó để thể hiện gu sáng tạo của mình.
Anh không thể cả ngày váy vóc và tung tăng khắp nơi. Anh cũng không thể cuồng nhiệt và uyển chuyển trên sân khấu mà thiếu đi bộ cánh điệu đà của Valentien. Tiến của ban ngày và Valentien của ban đêm tuy khác nhau, nhưng anh không muốn từ bỏ bất kỳ bản thể nào, chúng đều góp phần tạo nên anh.
Anh có từ bỏ những mối quan hệ?
Có không ít trường hợp bố mẹ từ mặt con khi chúng come out là người đồng tính hoặc công khai làm drag queen. Anh come out từ hồi cấp 2, lúc đó bố giận ghê lắm, còn đánh anh. Mất nhiều năm sau đó để bố chấp nhận.
Thực ra anh không cố thuyết phục, cũng không gay gắt chống trả, mà cứ nỗ lực từng ngày rồi để thành quả tự lên tiếng. Lúc anh lên TV hoặc được mời sang nước ngoài trình diễn, mẹ anh tự hào lắm, thỉnh thoảng cười tủm tỉm, chọc: “Tao mới thấy con nào trên TV nhìn đẹp đẹp giống mày”.
Việc từ bỏ khó nhất đối với anh là từ bỏ những người bạn cũ. Anh từng bị bạn thân đố kỵ, hắt hủi và cô lập. Có những ngày về nhà, anh chẳng thiết ăn uống, chỉ chui vào phòng ngồi khóc rồi tự hỏi mình làm gì sai. Mọi nỗ lực anh bỏ ra để cứu vớt tình bạn đều không được đáp lại. Cuối cùng, anh chọn chấm dứt mối quan hệ này. Chấm dứt để những kỷ niệm đẹp nhất giữa anh và họ được giữ nguyên.
Nhìn chung, khi bước vào con đường này, anh được nhiều hơn mất. Anh tôn trọng và trân quý tất cả mối quan hệ đã đến và đi trong cuộc đời.
Nếu lạc trên hoang đảo, phải bỏ lại mọi thứ và chỉ mang một món duy nhất, đó sẽ là?
Một bộ tóc giả lace front, loại tóc chuyên nghiệp giấu đường chân tóc. Anh có thể tự thiết kế đồ từ lá cây hay túi nhựa dạt vào bờ biển, nhưng làm tóc giả thì... ca này hơi khó.
Anh biết lâu lâu sẽ có máy bay, thuyền đi ngang qua hoang đảo. Nếu thấy đàn ông, người ta dễ bỏ qua vì nghĩ mình là thổ dân, tự khắc sống sót được. Nhưng nếu làm một cô gái tóc dài quyến rũ, đi catwalk trong bộ đầm “lồng lộn”, mình sẽ được tăng tỉ lệ nhận diện và cứu vớt.