Drag queen tại Việt Nam: Góc nhìn trong cuộc | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu

Drag queen tại Việt Nam: Góc nhìn trong cuộc

"Mình từ một đứa được cho là quái đản ngoài xã hội, bỗng dưng trở thành viên ngọc quý trên sân khấu," Prinz kể về cuộc sống của một nghệ sĩ drag queen.

Drag queen tại Việt Nam: Góc nhìn trong cuộc

Drag queen tại Việt Nam: Góc nhìn trong cuộc

Mặc dù đã có những thay đổi nhất định khi nhìn nhận cộng đồng LGBTQ+, Việt Nam vẫn còn là một đất nước khá bảo thủ đối với những người làm nghệ thuật drag queen. Đối với những nghệ sĩ như Prinz, drag queen đem lại cho họ một sự tự do và bước đệm để nói lên câu chuyện của mình, để sống đúng với bản thân và tiếp tục đam mê sân khấu.

Prinz chia sẻ, trong cộng đồng này, “Mình từ một đứa được cho là quái đản ngoài xã hội, bỗng dưng trở thành viên ngọc quý trên sân khấu. Làm drag queen cho mình tự do thể hiện giới, không cần bắt buộc “nam ra nam, nữ ra nữ”. Đó điều mình trân quý nhất.”

Vietcetera trò chuyện cùng Prinz để hiểu thêm về bộ môn nghệ thuật này.

Drag queen tại Việt Nam Goacutec nhigraven trong cuộc
Prinz, một nghệ sĩ drag queen.

Prinz có thể chia sẻ một chút về nghệ thuật drag queen?

Drag bắt nguồn từ việc hóa trang thành một người trái nghịch với giới tính thật của người diễn. Môn nghệ thuật này đến từ từ phương Tây vào thời Shakespeare ở thế kỷ 17. Thời đó phụ nữ chưa có quyền được diễn trên sân khấu nên người đảm nhiệm những vai nữ thường là nam. Khi đó nam biểu diễn sẽ hóa trang thành nhân vật nữ, hoặc là ngược lại nữ hóa thân thành nam.

Ban đầu những người trong môn nghệ thuật này được gọi là women impersonator (nam đóng giả thành phụ nữ). Việc hát nhép (lipsync) được phổ biến hiện nay xuất phát từ việc impersonate (mô phỏng) các nữ ca sĩ nổi tiếng có sức ảnh hưởng lớn như Marilyn Monroe, Madonna, Britney Spears…

Sau nhiều năm nhảy hip hop vagrave waacking cuối cugraveng Prinz cũng beacuten duyecircn với drag
Sau nhiều năm nhảy hip hop và waacking, cuối cùng Prinz cũng bén duyên với drag.

Một người drag queen sẽ mặc đồ rất to và lộng lẫy, trang điểm lố hơn bình thường và phải làm “extra” hơn để tạo hứng thú cho người xem. Sau này được phát triển và trở thành một bộ môn nghệ thuật riêng. Người diễn không chỉ có diễn kịch, mà còn có thể hát live, hát nhép, diễn xuất, hài kịch, nhảy múa, thời trang và không có một giới hạn gì trong việc biểu diễn nghệ thuật cả.

Cơ duyên nào đưa Prinz đến với drag?

Năm 15 tuổi Prinz bắt đầu đi tập nhảy trong cộng đồng hip hop underground. Nhưng sau vì cảm thấy hơi gò bó và sức khỏe không được tốt, nên mình đã rất buồn và bỏ nhảy một thời gian.

Sau đó, khi quyết định muốn quay lại nhảy, mình may mắn biết đến bộ môn nhảy waacking khá nổi danh trong cộng đồng LGBTQ lúc đó. Từ đó mình biết thêm về cộng đồng LGBTQ, về điệu nhảy vogue, và về drag. Dần dần đam mê đưa mình thành một người nhảy waacking chuyên nghiệp. Tuy rất đam mê nhảy, mình khó có thể kiểm sống bằng nghề này được vì xã hội thích cái đẹp “truyền thống”. Yêu cầu phải nam thanh nữ tú cao ráo. Mình thì vừa mập vừa lùn vừa “không ra nam ra nữ” nên kén show, bị cho là quái đản…

Drag queen tại Việt Nam Goacutec nhigraven trong cuộc
Từ “bê đê” vốn dùng để miệt thị, trêu chọc những người như Prinz. Nhưng khi cộng đồng LGBT+ đã đeo nó lên thành áo giáp, họ biến nó thành cái tên vui vui để gọi nhau.

Năm ngoái, trong một lần đi chơi, mình tình cờ gặp một drag queen người Anh tên Ricardo. Ricardo là người chủ trì các bữa tiệc của tổ chức GenderFunk và cũng vừa bắt đầu thành lập lúc đó. Ban đầu mình chỉ là background dancer và choreographer cho Ricardo thôi. Sau thấy mình có tiềm năng thì anh đã chỉ dạy thêm và cho mình cơ hội được diễn drag queen chính.

GenderFunk lúc đó có tổ chức một cuộc thi tranh tài cho các drag queen lần đầu tiên ở Sài Gòn tên là Saigon is Burning. Mình quyết định tham gia cuộc thi ấy và đã may mắn đoạt giải nhất ở mùa đầu tiên và cả mùa All star 2, và cũng từ đó bắt đầu bén duyên với môn nghệ thuật này.

Tính đến giờ, Prinz vào nghề đã được khoảng hơn 1 năm rưỡi.

Hãy miêu tả phong cách trình diễn của Prinz trong 3 từ.

Điên, nghệ và gothic.

Prinz lấy cảm hứng từ đầu cho những màn trình diễn của mình?

Từ nhiều thứ. Prinz tâm đắc một câu trích dẫn và viết cả lên info của mình, “inspired by art, music, love and loss.” Nghĩa là được truyền cảm hứng bởi nghệ thuật, âm nhạc, tình yêu và sự mất mát.

Mình thích nghe nhạc từ bé. Trong mỗi bài hát đều có những giai điệu và câu chuyện riêng, âm nhạc là nguồn cảm hứng lớn nhất của mình và là một cách để bộc lộ cảm xúc.

Mình cũng rất thích những câu chuyện, nên tình yêu và sự mất mát đơn giản là những câu chuyện và trải nghiệm riêng mà mỗi người nghệ sĩ muốn được chia sẻ. Và nghệ thuật cho mình quyền được tự do sáng tạo.

Trong cuộc sống, bản thân Prinz luôn nội tâm và rất khó để trải lòng cảm xúc của mình, nên việc đến với nghệ thuật là một cách để bộc lộ cảm xúc. Đến với nhảy là cách để biểu đạt bản thân. Và biểu diễn drag là một cách hay để kết hợp tất cả loại hình nghệ thuật và tạo thành tiếng nói của bản thân mình.

Một quan niệm sai lầm nhiều người có khi nghĩ về drag?

Một quan niệm sai lầm lớn là chỉ có những người đồng tính nam mới có thể làm drag queen. Thậm chí người ta nói những người chuyển giới nữ làm drag thì không phải drag queen thực thụ vì họ đã trở thành phụ nữ rồi nên đâu phải “đóng giả thành phụ nữ” nữa.

Tuy nhiên, bản chất đã là nghệ thuật phá bỏ rào cản về giới thì ai cũng có quyền làm drag bất kể giới tính là gì. Ngày nay không chỉ người đồng tính nam làm drag, mà cũng có nam, nữ dị tính, đồng tính nữ, người chuyển giới, queer… Nói chung là rất đa dạng.

Drag queen tại Việt Nam Goacutec nhigraven trong cuộc
“Mình từ một đứa được cho là quái đản ngoài xã hội, bỗng dưng trở thành viên ngọc quý trên sân khấu.”

Bản thân mình cũng là một người chuyển giới từ nữ sang nam, và có xu hướng thích nam. Không quan trọng giới tính của bạn là gì, quan trọng là tiếng nói của bạn trong nghệ thuật.

Còn việc mình vượt qua những định kiến và quan niệm sai lầm ấy cũng rất đơn giản. Đó là Prinz không ngừng học hỏi và phát triển hơn, đem lại bài diễn hay và chất lượng để được người xem công nhận rằng mình là một nghệ sĩ. Mình chỉ cố gắng hết mình với môn nghệ thuật đó và không quan tâm đến lời thị phi. Và Prinz rất vui khi được khán giả và cộng đồng công nhận mình!

Những thách thức khi làm công việc này là gì?

Đã làm drag thì rất khác với các công việc khác. Mình phải đầu tư rất nhiều và phải làm tất cả mọi thứ từ việc lên ý tưởng bài diễn, tập bài, làm trang phục, tự trang điểm đến việc biểu diễn…

Sự kì thị bây giờ không hẳn là một khó khăn nữa vì xã hội đã cởi mở hơn rất nhiều. Nhiều khi cái khó khăn không phải ở người ngoài mà là ở những người trong cuộc với nhau. Prinz may mắn có cơ hội được làm việc với các tổ chức và các drag queen người nước ngoài nên họ luôn rất cởi mở và thoải mái.

Drag queen tại Việt Nam Goacutec nhigraven trong cuộc
Prinz, “inspired by art, music, love and loss.”

Buồn là một số các drag queen và người làm nghệ thuật trong nước vẫn còn nhiều thành kiến cổ hủ. Nhưng mình có thể đồng cảm với họ vì mình có thể hiểu được sự khó khăn mà họ phải trải qua. Ngoài ra, nghệ thuật ở Việt Nam chưa thực sự được xem trọng. Nó đơn thuần dừng ở mức giải trí. Sự đãi ngộ cũng chưa được tốt. Mình hy vọng trong tương lai nghệ thuật sẽ được xem trọng và phát triển hơn và mọi người trong giới cũng sẽ đoàn kết hơn.

Từ “bê đê” lâu nay vẫn bị gán cho ý nghĩa tiêu cực. Prinz thấy cộng đồng LGBTQ đã tạo ra một ý nghĩa mới cho từ này như thế nào?

Có một câu trích dẫn rất hay. Đó là hãy dùng những vũ khí chống lại mình để đeo lên thành áo giáp của mình. Từ một thứ tiêu cực mình cứ biến nó trở thành một cái đặc điểm hay của mình.

“Bê đê” vốn dĩ là từ dùng để miệt thị, trêu chọc những người như mình. Nhưng khi tụi mình đã đeo nó lên thành áo giáp, mình có cái tên vui vui để gọi nhau. Bản thân Prinz nghĩ đó là một từ vui để miêu tả đặc điểm của những người như mình, rằng nó có nhiều màu sắc, lộng lẫy và tươi vui. Vì khi mình đã đeo nó lên làm một thứ để thoải mái và tự hào rồi thì không ai dám dùng để trêu đùa mình nữa.

Theo Prinz, làm sao để có thể xây dựng một môi trường làm việc an toàn và chuyên nghiệp cho drag queen?

Đó là do ý thức bản thân của mỗi người chúng ta. Mặc dù tạo dựng được một môi trường chuyên nghiệp mà nếu ai vào xem cũng dè bỉu, thành kiến thì cũng như không. Mình hy vọng mọi người sẽ cởi mở lòng mình ra để cảm nhận và hưởng thụ cái đẹp của nghệ thuật drag hơn thay vì đánh giá và có thành kiến ngay từ đầu.

Bài viết được thực hiện bởi Annie Trieu.