Tại sao ta không thể ngừng nghĩ về công việc dù đã tan ca?

Bạn có bao giờ rơi vào cảnh tới giờ đi ngủ rồi nhưng đầu vẫn "nhảy số" về những công việc dang dở?
Minh Anh
Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera

Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera

Tan ca không có nghĩa là ta đã ngừng làm việc khi não vẫn đang "chạy", dù cho trái tim mách bảo rằng đã tới lúc nghỉ ngơi. Đôi khi sẽ có ngày ta cảm giác rằng não bộ đang quá tải vì phải hoạt động quá nhiều, nhưng nghỉ ngơi thật không dễ khi công việc vẫn cứ quanh quẩn trong đầu.

Các kiểu tư duy của não

Não có 2 chế độ suy nghĩ chuyển đổi linh hoạt với nhau là focused mode (chế độ tập trung)diffuse mode (chế độ phân tán).

Ở chế độ tập trung, não sẽ chủ động phân tích và giải quyết vấn đề. Còn khi ta nghỉ ngơi, não chuyển sang chế độ phân tán và suy nghĩ trong vô thức. Trong giai đoạn này, kiến thức bạn nạp vào ở focused mode sẽ từ từ kết nối, giúp bạn nhìn rõ vấn đề hơn. Khác với khi tập trung, bạn cần rất nhiều năng lượng, diffuse mode chỉ được kích hoạt khi não thư giãn.

Để so sánh có thể nói focused mode như ăn, còn diffuse mode chính là tiêu hóa. Kiến thức cần được tiếp thu và xử lý nên ta cần phối hợp nhịp nhàng cả 2 cơ chế tư duy.

Tuy nhiên nhiều khi hết giờ làm nhưng bạn vẫn không thoát khỏi chế độ focused mode - vẫn cứ mãi tập trung phân tích vấn đề. Lúc này, bạn đang bắt cả cơ thể và bộ não hoạt động quá sức cũng như vô tình ngăn cản quá trình diffuse mode.

Hệ quả của suy nghĩ nhiều

Focus mode và diffuse mode cần được cân bằng để đưa ra kết quả tối ưu. Khi não ở chế độ focus quá lâu khi sẽ trở nên mệt mỏi, thiếu năng suất. Điều này thể hiện qua 4 dấu hiệu đơn giản:

  • Thay đổi cân nặng;

  • Tâm trạng thay đổi thất thường;

  • Các mối quan hệ xung quanh bị ảnh hưởng;

  • Chất lượng công việc giảm.

Sự kiệt quệ của cơ thể vật lý và tinh thần ảnh hưởng trực tiếp tới công việc của ngày hôm sau. Hệ quả của nó chính là "fake work" - giả vờ làm việc. Hiện tượng này miêu tả cách ta dành đủ 8 tiếng cho công ty nhưng lại không giải quyết được những mục tiêu đã đề ra. Năng lượng và thời gian ngày càng bị tiêu tốn trong khi deadline vẫn mãi ứ đọng.

Đây là lúc vòng lặp của làm việc quá sức lại bắt đầu. Các mục tiêu bị trì hoãn khiến bạn ăn không ngon, ngủ không yên. Cảm giác day dứt về những dự án dang dở cứ quay cuồng trong đầu dù bạn đã chui vào chăn ấm.

Văn hóa làm việc quá sức đã bám rễ như thế nào?

Giáo phái tôn thờ công việc

Có thể nói thói quen suy nghĩ về những dự án còn dang dở (dù đã tan ca) chính là hệ quả của "văn hóa làm việc quá sức". New Yorker đã so sánh văn hóa này như thể một giáo phái. Bận rộn đã trở thành một huân chương của người thành công.

Khi đó, burn out (kiệt sức) trở thành một viễn cảnh bình thường mới khi mà công nghệ cho phép ta mang văn phòng đi mọi nơi. Mạng xã hội hoạt động 24/7 vô tình thay đổi thời gian biểu của chúng ta. Nhiều người nhận ra rằng họ không biết lúc nào cần dừng lại trong thời kỳ work-from-home.

Chuyện lãng mạn hóa văn hóa này tới từ phòng ban lãnh đạo, hay cả những người thành đạt như Jack Ma đã góp phần thúc đẩy môi trường độc hại ở nhiều công ty. Các ứng dụng làm việc hiệu quả cũng cổ vũ cho trào lưu bận rộn khi giúp ta tạo ra nhiều nhiệm vụ hơn cần thiết. Đây là cách chúng ta bắt đầu rơi vào bẫy hiệu suất.

Rơi vào bẫy hiệu suất

Bẫy hiệu suất/năng suất (productivity trap) là sự ám ảnh về chuyện phải hoạt động một cách năng suất nhất có thể. Nói cách khác bạn cho rằng, số lượng mục tiêu đạt được càng nhiều thì mức độ năng suất càng cao.

Tuy nhiên, điều này khiến bạn cứ mải mê liệt kê ra những đầu việc mới và cố gắng xếp nó vào thời gian biểu chật hẹp. Thay vì tập trung làm những đầu việc cần ưu tiên, bạn bị sao nhãng bởi những thứ phát sinh khác như đọc email, xem newsletter, trả tiền điện,... để rồi đến cuối ngày chẳng có việc nào được hoàn thành.

Theo như Oliver Burkeman, chủ mục của The Guardian, tác giả của cuốn sách bán chạy Four Thousand Weeks: Time Management for Mortals về quản lý thời gian cho rằng: “Việc đánh giá cao bản thân với niềm tin mình làm được tất cả mọi thứ theo dự tính, suy cho cùng chỉ dẫn tới tuyệt vọng và thất bại.”

Ông cũng cho rằng hoàn thành công việc quá sớm chỉ khiến bạn bận rộn hơn, khi những dự án mới sẽ đổ dồn lên bạn. Chỉ vì một lần nhận được lời khen khi làm việc nhanh sẽ vô hình tạo ra áp lực xã hội, khiến bạn cảm thấy mình phải làm nhiều hơn. Danh sách những mục tiêu càng dài, bạn càng lún sâu vào bẫy hiệu suất.

Giải phóng thời gian biểu và bộ não

Để giải quyết được nỗi lo về những gì còn dang dở ở công ty, bạn cần phải có những chiến lược cụ thể cả ở cách làm và cách nghỉ.

Làm việc hiệu quả với hiệu suất vừa phải

  • Tập trung vào những gì quan trọng thay vì “nhồi nhét" thêm nhiệm vụ vào thời gian biểu có hạn. Thực hành sắp xếp công việc cần được ưu tiên với Ma trận Eisenhower.

  • Từ chối khi cần thiết nếu bạn cảm thấy mình đã làm đủ cho một ngày. Làm việc nhanh và hiệu quả đôi khi sẽ khiến bạn được nhận thêm nhiều công việc để làm hơn. (Đây chính là lúc bạn rơi vào bẫy hiệu suất).

  • Thực hành Pomodoro Technique, sắp xếp thời gian biểu và tạo ra những khoảng nghỉ ngắn trong lịch làm việc. Phương pháp này giúp bạn cân bằng giữa 2 chế độ focused và diffuse thinking khi có những khoảng nghỉ hợp lý giữa công việc để não có thời gian tiêu hóa.

Nghỉ ngơi cũng cần có chiến lược

Theo như Harvard Business, ta cũng nên có những chiến lược nghỉ ngơi ngoài giờ làm như sau:

  • Liệt kê những điều ta không nên làm trong thời gian nghỉ ngơi (check email công ty chẳng hạn), để tập trung vào những thứ ta sẽ làm ở nhà.

  • Luyện tập thói quen mới với những môi trường khác nhau. Trong những ngày WFH khi nhà cũng là công sở, bạn hãy cố gắng tách bạch không gian làm và nghỉ. Đơn giản nhất là đừng mang công việc lên giường ngủ, nơi bạn dành nhiều thời gian để thư giãn.

  • Đối mặt với những tình huống khiến bạn lo lắng có thể giúp bạn nhận ra rằng nó không đáng sợ. Các nhà tâm lý học hành vi gọi đây là liệu pháp tiếp xúc (Exposure Therapy). Hãy thử tự cho mình một cuối tuần thư giãn không đụng tới email hay các ứng dụng làm việc, rồi bạn sẽ dần nhận ra rằng nó không kinh khủng như mình luôn nghĩ.

  • Tham khảo 4 bước thanh lọc công nghệ để giới hạn thời gian dùng thiết bị điện tử. Nhờ đó bạn sẽ đỡ tốn năng lượng não và không “vô tình” bị nhắc nhở về công việc.

Lời kết

Cả cuộc đời con người nghe thì dài nhưng thật ra cũng chỉ vỏn vẹn có 40.000 tuần, trong khi đó những gì ta cần làm và muốn làm lại là bản danh sách vô cùng tận. Con người dường như đã luôn tham công tiếc việc khi mãi lấp đầy thời gian biểu chật hẹp với các mục tiêu, để rồi tự tạo chính áp lực lên bản thân. Đã đến lúc ta học cách thương thân, bỏ bớt những nhiệm vụ ra khỏi đầu cũng như lịch trình dày đặc, vì ai cũng xứng đáng được tắt não để nghỉ ngơi.

Thương Thân là loạt bài viết giúp bạn nâng cao sức khỏe tâm thần và chăm sóc bản thân tốt hơn, nhất là trong những giai đoạn khó khăn.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục