Tại sao "Xa ngoài kia nơi loài tôm hát" trở thành hiện tượng có một không hai?

Xa Ngoài Kia Nơi Loài Tôm Hát trở thành hiện tượng văn chương có một không hai kiểu “stranger than fiction” với một vài chi tiết về cuộc đời tác giả thậm chí còn lạ lùng hơn cả tác phẩm hư cấu của bà.
Lâm Lê
Nguồn: Phim "Xa ngoài kia nơi loài tôm hát"

Nguồn: Phim "Xa ngoài kia nơi loài tôm hát"

Từ hiện tượng văn chương toàn cầu đến bản chuyển thể ăn khách

Năm 2018, Where the Crawdads Sing (Xa Ngoài Kia Nơi Loài Tôm Hát) - cuốn tiểu thuyết đầu tay của nữ tác giả gần 70 tuổi Delia Owens trở thành hiện tượng xuất bản, nhiều tuần liền lọt vào danh sách best-seller của New York Times. Nữ diễn viên đoạt Oscar Reese Witherspoon đã mua bản quyền để chuyển thể thành bộ phim cùng tên.

Xa Ngoài Kia Loài Tôm Hát hội đủ mọi yếu tố của một cuốn tiểu thuyết ăn khách. Chỉ sau 4 năm, tiểu thuyết đầu tay của Delia Owens đã bán được 17 triệu bản trên toàn thế giới với hàng chục ngôn ngữ khác nhau, trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất mọi thời đại. Ở Việt Nam, bản dịch của NXB Trẻ ra mắt năm 2020 và đến nay cũng đã tái bản tới lần thứ 5, cho thấy sức hút của cuốn tiểu thuyết lãng mạn và bí ẩn này.

Lấy bối cảnh ở Bắc Carolina giữa thế kỷ 20, cuốn tiểu thuyết kể về cô gái đồng lầy Kya Clark, người bị gia đình bỏ rơi khi còn nhỏ và tự sinh tồn một mình giữa thế giới tự nhiên hoang dã. Đồng lầy (và đầm lầy) trở thành người mẹ chở che và bảo bọc Kya. Đến tuổi trưởng thành, Kya cuốn vào tình cảm với hai chàng thanh niên mới lớn, rồi cuối cùng bị người dân thị trấn buộc tội giết Chase Andrews, thi thể trong đầm lầy được tiết lộ ngay ở đầu tác phẩm.

Liệu Kya có liên quan đến vụ án mạng bí ẩn này? Hay cô chỉ là nạn nhân của sự phân biệt giai cấp? Cuốn tiểu thuyết dần dần bóc tách từng lớp sương mù bí ẩn và để lại một cái kết khiến độc giả choáng váng…

Đọc cuốn tiểu thuyết này, tôi gặp lại những trải nghiệm đọc như hồi đọc Châu Phi Nghìn Trùng của nữ tác giả Isak Dinesen, đặc biệt là những trang viết tụng ca thiên nhiên đầy tráng lệ mà phải thực sự trải nghiệm và sống giữa thiên nhiên hoang dã, tách biệt hoàn toàn với thế giới văn minh loài người nhiều năm trời, họ mới viết được như thế.

Nhưng Xa Ngoài Kia Nơi Loài Tôm Hát còn nói về một vụ án mạng và một phiên tòa xử án, nơi tác giả phơi bày một hiện trạng "thâm căn cố đế" trong xã hội Mỹ: nạn phân biệt chủng tộc, phân biệt giai cấp. Thế nên, ở nửa sau, khi đọc đến phiên tòa xử án cô gái đồng lầy, tôi nghĩ ngay đến cuốn tiểu thuyết kinh điển To Kill A Mocking Bird (Giết con chim nhại) của Harper Lee.

Một câu chuyện tình lãng mạn cỡ The Notebook, một vụ xử án để phơi bày công lý và bộ mặt thật của xã hội Mỹ kiểu To Kill a Mockingbird và một cú "plot twist" điếng người tầm cỡ Agatha Christie - hỏi sao Xa Ngoài Kia Nơi Loài Tôm Hát ngay lập tức trở thành hiện tượng văn chương và bán được hơn 17 triệu bản chỉ sau 4 năm?

Bản chuyển thể điện ảnh cùng tên vừa ra mắt vào mùa Hè năm nay và nhanh chóng trở thành hiện tượng phòng vé dành cho phim kinh phí trung bình, đạt doanh thu 116 triệu USD trong khi kinh phí sản xuất chỉ 24 triệu USD.

Dù thành công tại phòng vé và được yêu thích vì khá trung thành với tiểu thuyết, bộ phim bị giới phê bình chỉ trích vì dường như mới chỉ dừng ở phần “xác” của câu chuyện, thiếu hẳn phần hồn với những biểu tượng và ẩn dụ sâu sắc – những chất liệu quan trọng làm nên thành công của cuốn tiểu thuyết.

Thay đổi cấu trúc song hành giữa quá khứ và hiện tại như trong tiểu thuyết, bản chuyển thể điện ảnh mở đầu bằng cái chết trong đầm lầy của Chase Andrews, Kya Clark bị tình nghi là thủ phạm và đang ngồi tù. Cuộc đời của cô gái đồng lầy và những tình tiết bí ẩn được hé lộ qua những đoạn “flashback” (hồi tưởng). Cấu trúc này phần nào đánh mất tính thi vị của cuốn tiểu thuyết qua mạch tự sự của cô gái đồng lầy khiến độc giả đắm chìm vào thế giới nội tâm của cô.

Ngay cả đoạn kết gây sốc, tiết lộ sự thật về vụ án mạng - cũng được kể một cách khéo léo và tinh tế hơn trong tiểu thuyết, được bóc tách dần dần qua những manh mối đã được gài cắm từ đầu nhưng độc giả rất khó để đoán được. Có lẽ đây là lý do bản chuyển thể điện ảnh bị giới phê bình chỉ trích và đánh giá khá tiêu cực.

Vụ án mạng bí ẩn liên quan đến tác giả tiểu thuyết

Một cuốn tiểu thuyết đầu tay trở thành hiện tượng xuất bản toàn cầu, một bộ phim chuyển thể ăn khách – như vậy vẫn chưa đủ để nói về “case study” văn chương kỳ lạ này, nếu bạn chưa biết về cuộc đời của nữ tác giả Delia Owens và vụ án mạng bí ẩn mà bà có liên đới trong suốt gần 3 thập niên qua.

Trước khi trở thành tác giả ăn khách hàng đầu thế giới, Delia Owens là một nhà sinh vật học dành cả cuộc đời của mình để bảo vệ động vật hoang dã. Delia và Mark Owens đã nổi tiếng trong giới nghiên cứu từ nhiều thập niên trước với cuốn hồi ký Cry of Kalahari kể về thời gian họ là những nhà bảo tồn sư tử ở Botswana.

Cuốn sách tiếp theo của họ, The Eye of the Elephant, kể về cuộc chiến chống lại những kẻ săn trộm voi ở công viên Quốc gia Zambia. Tác phẩm đã thu hút những nhà làm phim tài liệu của hãng ABC vào cuộc để ghi lại hành trình đơn độc và nguy hiểm của họ ở châu Phi.

Và cũng từ đây, họ bị cho là liên đới đến một vụ giết người bí ẩn đang bị chôn vùi hàng thập kỷ ở Zambia. Khi cuốn tiểu thuyết đầu tay của bà và tác phẩm chuyển thể trở nên nổi tiếng, chính quyền Zambia đã ra lệnh truy nã Delia Owens, chồng cũ của bà và con trai riêng của ông để thẩm vấn về vụ án mạng này đã bị chôn vùi gần 3 thập kỷ.

Trong bộ phim tài liệu của ABC phát sóng năm 1996, có một đoạn video quay lại cái chết của một người đàn ông bị tình nghi là kẻ săn trộm. Anh ta bị truy đuổi và sau đó bị bắn bốn phát theo kiểu hành quyết. Xác của anh bị bỏ lại công viên để động vật hoang dã ăn thịt. Chi tiết về những gì xảy ra không rõ ràng và hãng ABC của Mỹ đồng ý làm mờ danh tính của những người liên quan.

26 năm sau khi đoạn video gây sốc được phát sóng, vụ án mạng bí ẩn này đang bị đào bới lại và các quan chức Zambia nói rằng đã đến lúc Delia Owens và gia đình của bà phải quay trở lại đất nước của họ để trả lời thẩm vấn của cảnh sát.

Một bài báo dài trên tờ The Atlantic cho biết một công tố viên của Zambia tên là Siyuni nói rằng vụ việc này khá nghiêm trọng vì nó liên quan đến các vấn đề rộng lớn hơn liên quan đến chủng tộc và chính trị. Bà cũng cho biết cuộc điều tra đã bị cản trở do hiệp ước dẫn độ giữa Zambia và Hoa Kỳ đã hết hiệu lực, cũng như kênh ABC từ chối hợp tác trong cuộc điều tra.

Những trùng hợp kỳ lạ giữa tiểu thuyết và cuộc đời tác giả

Thành công vang dội của Xa Ngoài Kia Loài Tôm Hát có thể phân tích dưới nhiều góc độ. Thứ nhất, cuốn tiểu thuyết có chất liệu hấp dẫn khán giả đại chúng, mở đầu bằng một vụ án mạng gây sốc và kết thúc với một cú “plot twist” đảo toàn bộ bí ẩn được cài cắm khéo léo trong suốt tác phẩm. Đó có lẽ là chất li kỳ mang hơi hướng “Agatha Christie” đã đề cập ở đầu bài.

Nhưng rõ ràng, cuốn tiểu thuyết này không chỉ dừng lại ở một tác phẩm đậm chất “pop” để chiều lòng khán giả. Cách Delia Owens viết những trang văn tráng lệ về thế giới hoang dã, về tập tính của sinh vật và quy luật sinh tồn của chúng ở vùng đồng lầy ngập nước gợi nhớ đến dòng văn chương sinh thái mà Châu Phi Nghìn Trùng (Isak Dinesen) là đại diện tiêu biểu.

Vụ xử án trong một phiên tòa đầy rẫy định kiến và sự kỳ thị đối với những kẻ thấp cổ bé họng, nghèo túng, đơn độc cũng gợi nhớ đến tác phẩm Giết con chim nhại của Harpee Lee.

Cuối cùng, và có lẽ quan trọng nhất, là những trùng hợp đáng ngạc nhiên giữa vụ án mạng ở đời thật diễn ra tại châu Phi mà tác giả Delia Owens có liên đới và vụ án mạng trong tiểu thuyết.

Cuộc đời của nhân vật chính Kya Clark có nhiều điểm khá tương đồng với cuộc đời của tác giả Delia Owens. Họ đều là hai nhà sinh vật học thích cô độc, sống giữa tự nhiên hoang dã và đều bị tình nghi liên quan đến một vụ án mạng.

Trong vụ án ở Zambia, “nạn nhân” là một kẻ săn trộm voi bị bắn chết. Trong tiểu thuyết, Chase Andrews cũng được ngầm hiểu là một “kẻ đi săn” bị chết bí ẩn ngay từ đầu. Cả hai vụ án đều không tìm ra thủ phạm giết người và sau đó “chìm xuồng” vì thiếu manh mối.

Trong tiểu thuyết, “thủ phạm” chỉ được tiết lộ trong vài trang cuối cùng. Ở ngoài đời thực, Delia Owens bị cảnh sát Zambia tình nghi có liên đới đến vụ án mạng và chính quyền nước này đòi dẫn độ bà cùng chồng cũ và con trai riêng của bà sang nước này để thẩm vấn.

Delia Owens một mực phủ nhận liên quan đến vụ án mạng xảy ra ở Zambia. Còn trong tác phẩm, có khá nhiều chi tiết cho thấy bà đứng về phía kẻ tình nghi giết người, nhất là khi họ buộc phải thực hiện nó với một động cơ chính đáng hoặc tự vệ.

Nhưng trong Xa Ngoài Kia Nơi Loài Tôm Hát và trong bộ phim cùng tên, có một câu thoại khiến tôi vẫn rùng mình khi nhớ lại:

“Đôi khi để bảo vệ những con vật vô tội bị săn bắn, ta phải loại trừ kẻ đi săn”

Hay một đoạn khác trong tiểu thuyết, nói về tập tính sinh tồn của loài đom đóm:

“Một cô đom đóm đã thay đổi mật mã. Ban đầu, cô nàng nháy đúng chuỗi tích te, thu hút một anh bạn cùng loài, và cả hai giao phối. Rồi cô nàng nháy một tín hiệu khác, và một con đực khác loài bay lại. Đọc thông điệp của cô đom đóm, con đực thứ hai tin rằng nó đã tìm thấy một con cái đồng loại sẵn sàng kết đôi nên lượn lờ phía trên để giao phối với cô nàng. Nhưng bất ngờ cô đom đóm vọt lên, cắn phập vào nó rồi ăn thịt, nhai hết cả sáu cái chân và hai cặp cánh.

Mấy cô nàng đom đóm đã có một người bạn tình và một bữa ăn, chỉ bằng cách thay đổi tín hiệu.

Kya biết ở đây không có chỗ cho sự phán xét. Không có cái ác, chỉ là sự sống đập tiếp nhịp điệu của nó, bất kể một vài “người chơi” phải chịu tổn hại. Sinh học coi đúng và sai là cùng một màu sắc dưới ánh sáng khác nhau.”

Có lẽ những bí ẩn tựa sương khói và chấp chới giữa các lằn ranh của đạo đức, công lý hay một số điểm tương đồng hoặc trùng hợp ngẫu nhiên giữa nhân vật chính và tác giả của cuốn tiểu thuyết khiến độc giả càng thêm tò mò và biến hiện tượng văn chương này trở thành có một không hai!


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục