Tall poppy syndrome - Khi thần tượng “nằm không cũng dính đạn”

“Tất cả là tại [điền tên người nổi tiếng vào chỗ trống]”.
Hà Phạm
Nguồn: Ideas To Value

Nguồn: Ideas To Value

1. Tall poppy syndrome là gì?

Tall poppy syndrome (hội chứng bông anh túc cao, hay TPS) là hiện tượng một người bị ghét bỏ hoặc chỉ trích vì nổi trội hơn những người khác. Họ cũng dễ trở thành đối tượng bị đổ lỗi, hoặc bị kéo vào các tranh cãi thậm chí không liên quan đến mình.

Những nạn nhân của tall poppy syndrome thường là các siêu sao nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng lớn ở mức độ khu vực hay toàn cầu. Bạn chỉ cần lên Google gõ “tất cả là tại”, sẽ thấy những cái tên như Jennie, Lisa (Black Pink), BTS hay Taylor Swift đều đã từng bị “réo”.

Tuy nhiên hội chứng này cũng xảy ra ở cả những nơi như công sở, trường học. Thậm chí giáo sư Rumeet Billan (Canada) còn có hẳn dự án nghiên cứu lấy tên theo hội chứng này là “The Tallest Poppy”, nghiên cứu về ảnh hưởng của TPS đến sự thăng tiến của phụ nữ toàn cầu.

2. Tên gọi “bông anh túc cao” từ đâu mà có?

Tên gọi này xuất phát từ Úc và New Zealand, nơi hoa anh túc (poppy) được trồng phổ biến và trưng bày trong nhiều dịp lễ quan trọng. Loài hoa này có đặc điểm sinh trưởng đồng đều theo cụm, nên chỉ cần bông nào “trót” mọc cao hơn các bông còn lại sẽ khiến người ta “ngứa mắt” và muốn tỉa bớt đi.

Bên cạnh đó, chủ nghĩa quân bình (egalitarianism) cũng là đặc trưng trong cuộc sống tại 2 quốc gia này. Theo Refinery29, việc thể hiện mình nổi bật hơn số đông không được khuyến khích, bởi nó khiến bạn dễ trở thành mục tiêu tấn công của người khác.

Một cách lý giải khác có phần “truyền thuyết” hơn, là hoàng tử La Mã Sextus đến hỏi vua cha là Tarquin Kiêu Hãnh cách đánh chiếm thành phố lân cận. Vua Tarquin không nói gì, mà chỉ vào vườn cắt phăng những bông anh túc cao nhất trong bụi. Sextus hiểu ra ngụ ý của cha là phải tiêu diệt các quý tộc đứng đầu thành phố, và ông đã đánh chiếm nó thành công.

3. Vì sao tall poppy syndrome phổ biến?

Cụm từ “tất cả là tại BTS” bỗng phủ sóng cõi mạng sau vụ tranh chấp gần đây giữa tập đoàn chủ quản của nhóm là HYBE và công ty con ADOR. Trong buổi họp báo trước truyền thông, CEO ADOR là Min Hee Jin đã nhắc đến việc hỏi pháp sư về chuyện BTS đi nghĩa vụ, để tính thời gian cho New Jeans quảng bá khi nhóm nhạc “át chủ bài” này không hoạt động.

Đáp lại điều này, các fan của nhóm liên tục bình luận “tất cả là tại BTS” như một cách mỉa mai Min Hee Jin lấy BTS làm lá chắn. Ngoài BTS thì Jennie, Lisa (Black Pink) và Taylor Swift cũng trở thành những siêu sao bị “đổ lỗi” nhiều nhất. Vì sao người nổi tiếng dễ thành nạn nhân của tall poppy syndrome, dù nhiều khi sự việc xảy ra còn chẳng liên quan đến họ?

Nghệ sĩ dễ dàng “câu” sự chú ý cho dư luận và truyền thông

Từ góc nhìn khách quan, những ngôi sao hàng đầu vẫn luôn là miếng mồi ngon cho dư luận. Bởi chỉ cần nhắc tên họ là các trang tin đã thu hút được thêm tương tác, dù chủ đề chẳng liên quan đến người ấy.

Thế nên mới có những tình huống dở khóc dở cười như Taylor Swift được nhắc đến 2 lần trong một bài đăng về…cá đuối khổng lồ (và bài này thu hút được đến 2.8 triệu lượt xem trên X). Trước tình trạng này, câu nói “tất cả là tại…” sinh ra như một cách châm chọc việc truyền thông lợi dụng độ nổi tiếng của nghệ sĩ một cách vô tội vạ.

Taylor Swift và nhiều ngôi sao khác lúc nào cũng bị chĩa mũi dùi, dù họ… chẳng liên quan gì đến cuộc sống của một người. Theo góc nhìn chủ quan, sự xuất hiện một cá thể nổi trội hơn bình thường trong cộng đồng sẽ kích hoạt một số phản ứng tâm lý như sau:

Tâm lý ghét những thứ quá nổi tiếng

Nhiều khi chúng ta chỉ đơn thuần muốn chứng tỏ bản thân “cool” khi chống lại những thứ đang “hot”. Điều này có thể là hệ quả của việc nghệ sĩ phủ sóng quá dày đặc, khiến bạn cảm thấy như bị ép phải tiếp nhận thông tin, từ đó sinh ra phản kháng.

Sự chống đối này sẽ càng mạnh khi khán giả đã gắn bản thân vào cộng đồng hoặc nhóm tiểu văn hóa nhất định (như fandom, nghệ thuật hàn lâm hay indie,...). Dưới vỏ bọc gai góc ấy là lòng thiên vị với những điều quen thuộc, và nỗi sợ vì không bắt nhịp được với những thay đổi mới của thời đại.

Mối liên hệ giữa tính cạnh tranh của nghệ sĩ và các fan

Một yếu tố “châm dầu vào lửa” khác là tính cạnh tranh. Từng có nghiên cứu về fan bóng chày chỉ ra rằng, các fan lạc quan và tự tin hơn khi đối thủ bại trận trước đội bóng phe mình. Vị thế cá nhân và niềm tự hào được gắn liền với thành công của đội bóng họ ủng hộ.

Điều tương tự cũng xảy ra trong Kpop, thậm chí giữa fan các thành viên trong một nhóm nhạc. Chẳng hạn khi Black Pink quảng bá ca khúc Ddu-du Ddu-du năm 2017, nhiều fan của nhóm cho rằng Jennie được công ty ưu tiên các bộ trang phục nổi bật, đứng vị trí trung tâm, đảm nhận nhiều thời lượng lên sóng.

Việc này vô tình biến cô thành “đối thủ” với fan của các thành viên còn lại. Điều tương tự cũng từng xảy ra với thần tượng Kpop các thế hệ trước, như HyunA (4Minute) hay Suzy (Miss A). Trong bối cảnh nguồn lực công ty có hạn, ai cũng muốn bias của mình được quan tâm công bằng. Do đó tranh cãi nhắm đến thành viên nổi tiếng hơn là điều tất yếu.

4. Cách dùng tall poppy syndrome?

Tiếng Anh

A: Why is Jennie always the center of controversy and criticism, yet she didn’t even do anything wrong?

B: Maybe because they have tall poppy syndrome - they are envious of her success. Well, "it’s all because of Jennie"!

Tiếng Việt

A: Sao lúc nào Jennie cũng là trung tâm của tranh cãi và chỉ trích, trong khi cổ còn chẳng làm gì sai.

B: Chắc vì họ có hội chứng cây anh túc cao - họ GATO với cổ đó mà. Chậc, "tất cả là tại Jennie"!


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục