Tâm lý "đang yên đang lành tự nhiên Tết" từ đâu mà có?
Thuở bé, chúng ta khó hiểu khi bố mẹ không thích Tết. Đối với “những tấm chiếu mới", Tết chỉ toàn niềm vui: được nghỉ học, mua đồ mới, ăn món ngon và được lì xì.
Lớn lên chúng ta dần vỡ lẽ, thật ra người lớn ngán Tết không chỉ vì phải lì xì bọn trẻ con. Trước một cái Tết sung túc luôn tồn tại giai đoạn yêu - ghét phức tạp, mà đến tận ngày nay mới tạm có một cách mô tả gần đúng nhất: “Đang yên đang lành, tự nhiên Tết.”
Những niềm vui ngày Tết vẫn còn đó, nhưng điều gì đang khiến chúng ta không còn mong chờ nó như trước nữa?
Bởi Tết là deadline bất định hàng năm
Không chỉ vì công việc dồn dập với bài toán trả hết nợ và đòi hết nợ, mà Tết còn là ngày đồng loạt ngừng các dịch vụ dù bạn muốn hay không. Thời gian hạn hẹp, danh sách cần chuẩn bị như sớ Táo Quân nhưng ít hạng mục có thể thực hiện từ sớm. Bởi quần áo mua sớm thì hụt đợt khuyến mãi, thực phẩm trữ sớm thì không tươi lâu, làm đẹp sớm thì không bảo trì được trạng thái “như khi vừa ra khỏi tiệm".
Vì sử dụng lịch âm dương nên chúng ta thường quên mất deadline của mình. Bạn khó mà dựa vào một dấu hiệu cố định (như cây thông Noel mỗi cuối năm) để tính xem còn bao nhiêu thời gian thì đến Tết. Sớm thì bước vào tháng Một rồi nhiều người mới sực tỉnh: “Thôi chết, giờ là mùng nào?” Càng nhận ra muộn màng, thời gian còn lại càng ít ỏi.
Hai nhân tố này cộng lại khiến thời gian cận Tết cũng là thời gian chạy deadline toàn dân. Mà deadline nào cũng tạo ra áp lực thời gian và đều khiến chúng ta muốn được gia hạn thêm vài bữa.
Bởi chúng ta bận chạy theo sự hoàn hảo
Tết còn là hạn chót cho nhiều kế hoạch theo đuổi sự hoàn hảo. Nguyên liệu phải đủ chay mặn, mâm cúng phải đủ bánh trái. Làm đẹp cũng phải từ tóc đến chân. Những người con xa nhà lại thêm áp lực mang tên “di chuyển" – ngày giờ thế nào, giá vé ra sao, hành lý nặng nhẹ bao nhiêu.
Tết nhắc chúng ta về gánh nặng hoặc nghĩa vụ, cả về mặt xã hội lẫn tài chính. Chủ nghĩa tiêu dùng khiến việc tặng quà dần nặng tính thương mại và áp lực. Nó khiến chúng ta rơi vào một “ma trận lựa chọn", ngốn rất nhiều công sức lẫn tinh thần.
Ai cũng mong tìm được món quà hoàn hảo, vô tình bị cuốn vào bài toán cân bằng giữa việc tạo niềm vui cho người nhận và giữ cho số dư không chạm đáy.
Bởi chúng ta không chỉ vui thôi, mà đang “vui quá"
Bất kì một sự kiện lớn nào, kể cả những sự kiện hạnh phúc như lễ tốt nghiệp hay đám cưới đều kích thích sản sinh ra adrenaline. Nó tạo ra “eustress" – một loại căng thẳng tích cực giúp chúng ta luôn giữ được sự hào hứng. Nếu không có nó, ta sẽ mất đi động lực để phấn đấu và ý nghĩa sống để theo đuổi.
Tuy nhiên, cũng như bạn vẫn có thể kiệt sức dù những công việc trong ngày đều mang lại niềm vui, loại căng thẳng này tuy có lợi nhưng nếu quá tải thì vẫn sẽ gây hại cho sức khỏe. Kỳ vọng càng lớn thì bạn sẽ càng thấy thất vọng khi thực tế không đáp ứng được.
Tết luôn gắn liền với điều tốt đẹp nên chúng ta cũng chỉ chờ mong và chuẩn bị cho điều đó. Nhưng nếu không cho bản thân một khoảng lắng, bạn sẽ thấy mệt mỏi hơn là mong đợi nó. Và khi mùa Tết qua đi, adrenaline giảm xuống đột ngột sẽ khiến bạn dễ rơi vào tình trạng hụt hẫng sau Tết.
Bởi chúng ta mải so sánh mình với người khác
Hình ảnh Tết luôn gắn liền với tính từ ‘sum vầy’ và ‘đầy đủ’, vô tình biến khoảng thời gian trước Tết thành một cuộc chạy đua để thể hiện những điều đó.
Nếu bạn để ý rằng người khác có lương thưởng nhiều hơn, người khác đã kịp giảm cân trước Tết, hay gia đình người khác đoàn tụ vào dịp Tết, đó đều là những nhân tố khiến bạn lo lắng về Tết hơn là trông chờ.
Đặc biệt, văn hoá ganh đua đó lại càng khắc nghiệt hơn trên mạng xã hội, nơi chúng ta luôn muốn khoe ra thành công của mình, nhưng vô tình nhẩm lại những thiếu sót hiện có.
Bởi Tết khiến chúng ta nhớ đến kỷ niệm cũ
Những kỷ niệm về những dịp Tết đã qua, dù vui hay buồn, đều có thể tạo ra cảm giác mất mát. Cứ đến thời điểm này trong năm, ta lại nhớ đến những người không còn ở bên cạnh mình, và việc tiếp tục lễ tiết truyền thống trở thành một lời nhắc về sự vắng mặt của họ.
Tết là thời gian tụ họp với những người thân thiết, và đôi khi nó không chỉ khơi gợi toàn niềm vui. Đó có thể là do những mâu thuẫn chưa kịp hàn gắn, hoặc né tránh những câu hỏi khó trả lời. Kết quả là chúng ta thấy mình lạc lõng và tách rời với người thân thiết, trong khi xung quanh đều đang nhắc về sự đầm ấm.
Năm nay còn là một năm đặc biệt, khi không về ăn Tết hoá ra lại là một lựa chọn đúng đắn cho nhiều gia đình. Dù vậy, cảm giác nuối tiếc lẫn bơ vơ là không thể tránh khỏi. Nó lại càng khiến bạn mong mỏi “phải chi dời được Tết lại một vài ngày thì tốt biết mấy".