Thái Mỹ Phương và hành trình trở thành Tamypu
Nhắc đến Thái Mỹ Phương (Tamypu), người ta nghĩ ngay đến những hình ảnh minh họa đáng yêu cho các tờ Hoa Học Trò và Trà Sữa Cho Tâm Hồn. Bắt đầu vẽ minh họa từ khi còn là sinh viên đại học, đến thời điểm hiện tại, Tamypu đã bỏ túi gia tài 17 đầu sách thiếu nhi, hơn 250 bìa sách và các dự án ý nghĩa hợp tác cùng Samsung và Nestlé.
Trong thời gian du học ở Brighton, Anh, Tamypu còn cho ra đời hai quyển sách “Hạt Gạo Mất Tích” và “Ada and The Magic Fruit” hợp tác với tác giả người gốc Mỹ-Đức Marc Alan Shultz. Trở về nước, Tamypu tham gia vào công tác giảng dạy, đào tạo các lớp họa sĩ tương lai khoa Thiết Kế Đồ Hoạ trường Đại Học Kiến Trúc TP. HCM. Tên của cô liên tục được nhắc đến trên hàng loạt các tờ báo lớn trong nước và quốc tế như Tuổi Trẻ, Đẹp, Elle và Juxtapoz.
Nhưng ít ai biết rằng đằng sau những nét vẽ tươi vui, an yên đó là một tuổi thơ cô độc nhưng đầy hoài bão, là những năm tháng xa quê du học để phá vỡ sự an toàn của mình và là một hành trình dài để trở thành Tamypu của hiện tại. Hãy cùng chúng tôi chuyện trò để hiểu hơn về chuyện đời cô họa sĩ minh hoạ này.
Chào Tamypu, bạn có thể giới thiệu về các tác phẩm của mình cho những người chưa từng xem qua được không?
Công việc minh họa của tôi là sự dung hòa giữa yếu tố thân thuộc và thú vị để dẫn dắt người xem dưới những góc nhìn mới mẻ đối với những thứ mà trước giờ họ chưa thật sự chú ý. Ngoài ra, tôi còn thêm vào đó một chút lạc quan, tươi sáng hay thậm chí là hài hước để khơi gợi trí tưởng tượng. Ví dụ nhé, tôi thường lấy cảm hứng từ những thứ ngẫu nhiên xung quanh mình, đó có thể là chiếc đồng hồ, cái kẹp giấy hoặc chỉ là một cái trứng chiên. Nhưng tôi có thể thấy những ngọn đồi trải dài trên quai da của chiếc đồng hồ đó, mẩu bánh mì trở thành cái chăn ấm và có khi là đôi bàn tay tí hon với lấy một cái cốc khổng lồ.
Thật sự, tôi không ép mình vào bất cứ khuôn khổ nào cả. Xuất thân là một nhà thiết kế giúp tôi nhìn nhận vạn vật một cách linh hoạt hơn. Tôi thường tự hỏi rằng: ”Liệu mình đã truyền tải được thông điệp, sự sáng tạo và giá trị nghệ thuật qua các tác phẩm này chưa?”.
Bạn bắt đầu nhận ra sự khác biệt trong sở thích và định hướng cá nhân từ khi nào?
Đó là khi tôi thấy cách mình đánh giá bản thân khác hẳn những người bạn bằng tuổi. Trong khi họ cố gắng để trở thành những học sinh chăm chỉ và học giỏi nhất lớp thì ước muốn của tôi chỉ là khiến những thứ xung quanh tươi đẹp hơn, thú vị hơn. Sự cá biệt rõ đến mức có lúc tôi đã từng nghĩ:” Mình thật sự là một đứa trẻ hư sao? Có hay không trên đời này một nơi mà người ta chấp nhận những thứ mình đam mê?”
May mắn thay, lên bốn tuổi, tôi đã tìm được một nơi như thế. Bố mẹ để tôi mặc sức vẽ nguệch ngoạc với phấn và sáp màu tràn lan khắp các bức tường cũ trong nhà, nhiều nhất là hình nàng tiên cá, vì tôi tưởng tượng mình là một trong số họ. Lâu dần tôi nhận ra người duy nhất ủng hộ mình chỉ có bố mẹ. Còn ngoài kia, người ta vẫn nghĩ tôi là đứa ngược đời, bởi vì thành tích học tập của tôi luôn tỉ lệ nghịch với con số giải thưởng mỹ thuật mà tôi đạt được.
Bạn có thể chia sẻ về những khó khăn, thách thức cũng như những điều thú vị mà bạn trải qua trong thời gian sinh sống và học tập ở nước ngoài được không?
Việc lên đường đi du học ở Brighton, vùng biển miền Nam nước Anh là chuyến đi tình cờ và thử thách nhất trong đời tôi. Mọi người cứ nghĩ tôi mạnh mẽ, làm gì có! Nói thật, tôi rất nhạy cảm nhưng lại thích thử thách. Khi ấy, tôi chẳng chuẩn bị gì, cả về vật chất lẫn tinh thần mà vốn tiếng Anh thì lại hạn chế. Để vượt qua rào cản ngôn ngữ, tôi học cách giao tiếp thông qua thị giác, như một cuốn phim câm vậy. Có thể, đó là một năng khiếu, nhưng mục đích tôi đến đây là để vượt qua những giới hạn của bản thân và biến nó thành những cơ hội. Nhìn lại, tôi biết ơn khoảng thời gian đó vì nó là khởi nguồn của những kế hoạch hiện tại.
Khi còn ở Brighton, tôi có sáng tác hai đầu sách. Trong đó, quyển “Truyện ba quả trứng nhỏ và xứ sở siêu buồn chán” đã được nhà xuất bản Kim Đồng phát hành năm nay. Quyển còn lại có tên là “Ada” được tôi mang đi tham dự một cuộc thi. Tuy không thắng cuộc nhưng vẫn được phát hành dưới cái tên “Ada And The Magic Fruit”. Đầu tiên là bằng tiếng Pháp, tiếng Ý, và sắp tới sẽ ra mắt phiên bản tiếng Anh và tiếng Trung nữa.
Theo bạn, có sự khác biệt nào trong môi trường nghệ thuật ở Brighton và Việt Nam không?
Tôi cảm giác rằng luôn có sự liên kết giữa nghệ thuật và đời sống ở Brighton khi mà sự sáng tạo được hưởng ứng bởi cả cộng đồng, chứ không phải chỉ một cá nhân. Bạn sẽ bắt gặp những bức tranh đầy màu sắc ở khắp mọi nơi, từ những con đường, góc phố, chuyến xe buýt đến cả phong cách ăn mặc hàng ngày của người dân nơi đây. Nghệ thuật là thứ được trưng bày trong viện bảo tàng, nhưng nghệ thuật cũng sống trong từng khoảng khắc thường nhật nhất, như một giai điệu du dương, một câu chuyện hay sống mãi trong lòng khách vãng lai và cả những thế hệ sau này.
Trong khi Việt Nam mình lại phải trải qua một giai đoạn lịch sử đầy biến cố. Nó khiến nhiều người còn ngần ngại bộc lộ cá tính của mình. Hơn mười năm sống ở thành phố Hồ Chí Minh, tôi vẫn cảm thấy nghệ thuật là cái gì đó vừa cũ lại vừa mới, dễ thấy qua tầng lớp nghệ sĩ ở đây. Có người muốn lưu giữ giá trị truyền thống, có người hướng tới giá trị nghệ thuật Tây phương và cũng có người muốn kết hợp cả hai, như tôi chẳng hạn.
Vậy với bạn, khiếu sáng tạo là tài năng thiên bẩm hay do khổ luyện mà thành?
Đối với tôi, sự sáng tạo là một phần thiên phú cộng với khổ luyện mà thành.
Chắc hẳn, con người ta ai cũng có một năng khiếu nào đó. Tuy nhiên, không phải ai cũng quyết định nuôi dưỡng nó. Để phát triển tài năng, phải không ngừng trau dồi kiến thức và quan trọng nhất vẫn luôn là niềm đam mê mãnh liệt.
Trước khi trở thành một giảng viên, tôi luôn nghĩ chỉ cần có sự động viên thì một học sinh rụt rè, tự ti đã có thể trở thành một người nghệ sĩ thực thụ. Nhưng rồi tôi nhận ra như vậy chưa đủ, sự động viên chỉ là một liều thuốc với tác dụng ngắn hạn. Là một giáo viên tốt thì phải nắm bắt được sự khác biệt ở mỗi học sinh và dành cho họ những lời khuyên phù hợp, thiết thực nhất. Phải dày dặn kinh nghiệm và giàu tâm huyết thì mới đủ sức để dìu dắt đam mê và nâng tầm sự sáng tạo cho học trò.
Ngày càng có nhiều bạn trẻ Việt Nam theo đuổi các lớp học sáng tạo, bạn có nghĩ như vậy không? (Nếu có) theo bạn, điều gì đã khuyến khích họ?
Rất khó để có thể nêu lên một con số chính xác về số lượng người theo đuổi các bộ môn nghệ thuật ở Việt Nam. Nhưng cá nhân tôi từng có cơ hội tiếp xúc với ba nhóm học sinh khác nhau. Đầu tiên là các bạn tìm hiểu qua mạng và được truyền cảm hứng từ những nghệ sĩ quốc tế nên quyết định theo học. Sau đó là những bạn say mê với các tác phẩm nghệ thuật nước nhà và mong muốn được theo đuổi những ước mơ tương tự như vậy. Và cuối cùng là các bạn yêu nghệ thuật một cách tự nhiên và khao khát được thể hiện bản thân. Các bạn tự tìm tòi học hỏi và xác định cho mình một hướng đi rất riêng biệt.
Liệu các công việc mà bạn đang theo đuổi như thiết kế minh hoạ và giảng dạy có khác biệt hay tương đồng nào không?
Tôi cho rằng các công việc đó giống như một vòng tuần hoàn vậy. Khi là nhà thiết kế và hoạ sĩ minh hoạ, bạn phải rèn luyện, trải nghiệm không ngừng thì mới khám phá được các khía cạnh khác nhau của nghệ thuật và đúc kết những bài học riêng cho mình. Và rồi khi trở thành một nhà giáo, bạn lại mang những kinh nghiệm, bài học đó truyền lại cho thế hệ tiếp theo. Quá trình đó không chỉ giúp học sinh sáng tạo ra nghệ thuật mà còn giúp cả người dạy rèn luyện chính mình.
Vậy nghệ thuật của bạn thường hướng tới những đối tượng công chúng như thế nào?
Khi còn trẻ, đã có lúc tôi thèm khát sự nhìn nhận từ công chúng, nhưng lại không tự mình nhận ra được điều đó. Trong một thời gian dài, tôi vẽ những thứ mà tôi nghĩ là người ta sẽ đón nhận, tìm mọi cách chứng minh cho mọi người thấy là tôi thật sự có tài. Tôi không hối hận về khoảng thời gian đó, nó là một phần của quá trình trưởng thành. Vấn đề là ở chỗ, sau mỗi lần người khác trầm trồ khen ngợi, tôi luôn tự hỏi mình phải làm gì tiếp theo? Cứ thế tôi mắc kẹt trong vòng quay đó và chỉ thật sự thoát ra khi hiểu được rằng, thứ mà bạn vẽ với đam mê đơn thuần luôn có sự khác biệt rõ rệt so với thứ tạo ra vì gượng ép và danh vọng.
Cha tôi là một nhạc sĩ, ông mất cách đây chưa lâu. Ngày còn sống ông từng dạy tôi rằng:” Con người ta rồi sẽ chết đi, chỉ có những thứ họ tạo ra là sống mãi.” Tuy nhiên, nghệ thuật chỉ trường tồn khi nó giúp người xem nhận ra một giá trị sống nào đó. Điều đó khiến tôi thay đổi hoàn toàn định hướng của mình, tôi muốn sáng tạo những thứ thật sự có ý nghĩa và mang lại giá trị cho cộng đồng, dù chỉ là nhỏ thôi. Như việc tôi tập trung giúp đỡ các em nhỏ suy nghĩ khác biệt hơn để khơi dậy sự sáng tạo trong các em chẳng hạn.
Có thói quen nào giúp bạn dễ dàng tập trung và sáng tạo hơn khi làm việc không?
Ở mỗi thời điểm, tùy vào khối lượng công việc mà cách tôi tập trung cũng khác nhau. Nếu đã xác định được mục đích công việc, tôi sẽ tập trung rất cao độ. Khi công việc tốn nhiều thời gian hơn, tôi thường dậy sớm hơn, tập thể dục, uống trà, dành một chút thời giờ để tìm hiểu những ý tưởng mới và phát triển nó vào tầm giờ chiều. Ngày hôm sau, khi trạng thái minh mẫn nhất, tôi sẽ chỉnh sửa những sai sót và tiếp tục những thứ còn dang dở. Tôi lặp đi lặp lại thói quen đó đến khi hoàn thành công việc.
Tôi luôn có kế hoạch dài hạn và mục đích rõ ràng cho những việc mình làm. Việc đó có thể mất vài năm cũng không sao, tôi sẽ chia nhỏ và hoàn thành từng phân đoạn một. Cảm giác hoàn thành mục tiêu mỗi nhỏ ngày đủ khiến tôi cảm thấy thoải mái hơn là đặt ra những mục tiêu quá lớn rồi cảm thấy gánh nặng ăn mòn đam mê của mình.
Là một người sở hữu và quản lý nhiều trang mạng xã hội cùng lúc, bạn có nhớ quá trình hình thành và phát triển của từng trang không?
Trước đây tôi nghĩ mạng xã hội chỉ đơn thuần là nơi để mình chia sẻ các ý tưởng với người xem. Nhưng thật ra đó là phương thức giao tiếp hai chiều, qua đó chúng ta có thể học hỏi, thu nhận ý kiến, và cũng là một cách hay để ghi lại những chặng đường đã qua theo thời gian nữa.
Mỗi trang xã hội của tôi đều nói về những điều khác nhau. Ví dụ như trang “Tamypu’s Tiny Things” dành riêng cho tác phẩm mang tính chuyên nghiệp, trang “Tamypu Homemade” cho niềm đam mê nấu ăn, trang trí nhà cửa, gói quà tặng, trang “Today Tamypu Learns” để chia sẻ những gì tôi quan sát và học được từ cuộc sống và cuối cùng, trang cá nhân của tôi, nơi tôi tổng hợp cả ba điều nói trên.
Làm thế nào mà bạn có thể quản lý và cập nhật các trang thường xuyên với một lịch trình dày đặc như thế?
Tôi thường đăng tải một cách ngẫu hứng chứ không lên lịch cụ thể cho các bài đăng của mình. Ngoài ra, tôi cũng không bó buộc bản thân trong khuôn khổ nào, chỉ đăng tải những nội dung mà mình thật sự có hứng thú. Thói quen của tôi là chỉ lướt Facebook vào buổi chiều hoặc tối và mỗi tuần chỉ đăng từ ba đến bốn bài thôi. Nếu không thì sẽ nghiện hoặc hoang mang bởi những ý kiến trái chiều mất! Tóm lại, đối với tôi, mạng xã hội là con dao hai lưỡi, phải thật thận trọng khi sử dụng nó.
Quá trình hợp tác giữa Samsung và bạn bắt đầu ra sao? Điều gì khiến bạn đồng ý với lời mời hợp tác này?
Trước đó, tôi từng hợp tác với Nestlé với tư cách phóng viên hình ảnh, tham quan đồn điền rồi kể câu chuyện về hạt cà phê dưới góc nhìn của những người nông dân và gia đình của họ. Câu chuyện đó lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, gây xúc động với nhiều người và kéo theo đó là rất nhiều lời mời hợp tác từ các thương hiệu nhưng tôi đều từ chối vì muốn dành thời gian cho những dự định cá nhân. Chỉ khi đến thăm những trại mồ côi ở vùng xâu vùng xa, nhìn thấy tận mắt cách mà công nghệ cao giúp các em tiếp cận với thế giới và nuôi dưỡng ước mơ, tôi mới đồng ý tham gia với Samsung. Bởi tôi luôn xem những dự án mang lại lợi ích cộng đồng như là trọng tâm cho sự sáng tạo của mình.
Nếu được một lần sống trong thế giới tưởng tượng, thì với bạn đó là…
Những giấc mơ của tôi, là nơi tôi nuôi dưỡng trí tưởng tượng của mình. Một thế giới gồm trắng và đen, là sự xen lẫn giữa một thứ gì đó đẹp đẽ nhưng tinh quái, mạnh mẽ nhưng cũng ủy mị, khá giống với tính cách của tôi.
Suýt nữa thì quên, nghệ danh “Tamypu” bắt đầu có từ khi nào vậy?
Thật ra đó là tên viết tắt của tôi. Khoảng năm 2010 mọi người bắt đầu nhờ tôi ký sách nhiều hơn, lúc đó tên Thái Mỹ Phương thì dài quá nên tôi rút ngắn lại thành Tamypu cho dễ viết.
Theo Tamypu, chúng tôi nên trò chuyện với ai tiếp đây?
Đó là những người mà tôi luôn ngưỡng mộ, có thể kể đến là Dy Duyen, nhiếp ảnh gia nổi danh trên Instagram, bạn Hằng Artdoll, nghệ sĩ thiết kế búp bê thủ công, và chồng của bạn ấy, anh Nguyen Thanh Phong, vốn rất thành công qua giọng kể rất “độc” trong các tác phẩm truyện tranh đó! Còn nữa, hãy phỏng vấn bạn Trung Nghĩa về các bức tượng làm bằng vật liệu hóa thạch của bạn ấy. Và cuối cùng, đó là kiến trúc sư, nhà giáo trẻ Vu Tien An, người đã biến những hòn đất nhỏ thành cả nhà ở và không gian làm việc xinh xắn cho cả anh và gia đình.
Bài viết được dịch bởi Minh Nguyen.