Đi một dặm trong đôi giày nhân gian

Hoán đổi giới tính để thấu cảm.
PGS.TS Nguyễn Phương Mai
Nguồn: Unsplash

Nguồn: Unsplash

Vì nhiều lý do khác nhau, tôi không sinh em bé. Điều này khiến đôi lúc người đời chả ngại ngần ném vào mặt tôi câu "Không có con làm sao HIỂU được".

Một người bạn cũng từng nói một câu y như vậy, cho đến lúc chị không tài nào bảo nổi thằng nhóc con láo xược do chính mình đẻ ra phải xin lỗi bạn vì đã đánh nó chảy cả máu mũi. Tôi bèn ra tay. Tôi ghé tai nó nói một câu. Thế là nó ...oà khóc, rồi cuống lên nói "sorry" với đứa bạn cũng còn đang tủi thân lệch cả mồm vì mếu máo.

Chị bạn tôi quên rằng "hiểu" là điều có thể học được. Kiến thức là thứ có thể tích luỹ. Chính vì thế thày cô giáo trẻ măng chưa có con vẫn được cha mẹ nhờ cậy và dạy dỗ cả trăm học sinh; bác sĩ chưa từng mắc bệnh lại đi chữa bệnh; nhà phê bình nghệ thuật có khi chả viết được một áng văn thơ nào; và các thày tu chưa từng gặp Chúa nhưng khiến hàng tỷ người tin vào Chúa.

"Hiểu" chỉ cần là học. "Hiểu" cũng đơn giản với cả tụi trẻ con nữa. Chị bạn tôi giải thích cho con ngay tại trận. Và đương nhiên là nó hiểu. Nó biết thừa đánh bạn là sai.

Vấn đề không chỉ là "hiểu", vấn đề là "cảm"

Bạn có thể học để biết phải làm gì khi mang bầu, tuy nhiên, liệu bạn có thể "cảm" được sự nặng nề của việc mang cái bụng bầu suốt cả năm trời?

Bạn có thể học để biết các phương pháp giảm đau khi sinh con, nhưng liệu bạn có thể "cảm" được cơn đau phá tan thân thể khi lâm bồn?

Bạn có thể học để biết ứng phó thế nào với bệnh tật, nhưng liệu bạn có thể "cảm" được sự mệt mỏi căng thẳng khi bé con ốm đau? Bạn có thể học để biết tâm lý trẻ con và nuôi dạy con, nhưng liệu bạn có thể "cảm" được sự bất lực khi đứa nhóc ấy lớn lên bướng bỉnh, bất trị, thách thức cả thế giới xung quanh?

Câu trả lời là “có thể”, dù chỉ là một nếm trải rất nhỏ.

Trong những dịp làm đào tạo cho các công ty đa quốc gia, tôi thường chia sẻ một câu chuyện có thật về thấu cảm (empathy). Ai cũng biết mỗi năm người theo đạo Hồi lại có một dịp nhịn ăn từ sáng sớm đến tối mịt gọi là Ramadan. Với nhiều tôn giáo, bản chất của các dịp nhịn ăn (fasting) không chỉ là để thanh lọc cơ thể, mà còn là cách để ta đồng cảm hoặc thấu cảm với những người nghèo khó.

Ai cũng "hiểu" không đủ ăn thì thật là khổ, nhưng chỉ khi chính mình "cảm" thấy thiếu ăn thiếu uống khổ ra sao với cái dạ dày rỗng tuếch và những con khát khô cổ, ta mới thực sự ghi trọn vào lòng ý nghĩa của nghèo đói. Radaman là dịp để làm từ thiện và tri ân với cuộc sống. Theo luật zakat, nếu có đủ điều kiện, một tín đồ Hồi giáo nên chia sẻ 2,5% thu nhập của mình để cứu giúp đồng loại. Tháng Ramadan với 30 ngày kham khổ chính là chất kết nối thần diệu trong cộng đồng Hồi giáo.

Trong một công ty đa quốc gia, hầu hết mọi người đều đủ kiến thức để "hiểu" tại sao các đồng nghiệp Hồi giáo không ăn trưa cùng mình, hoặc không làm một ly cà phê để bàn công chuyện. Tuy nhiên, sau khi một buổi đào tạo với tôi, quản lý một công ty nói rằng chị muốn cả văn phòng cùng nhịn ăn nhịn uống một ngày với hai đồng nghiệp Hồi giáo.

Ngày hôm đó thật khó nhọc, và đến buổi trưa thì ai cũng cạn kiệt năng lượng. Ngày hôm đó khiến mọi người nhìn các đồng nghiệp Hồi giáo với ánh mắt cảm phục vô cùng. Ngày hôm đó cũng dẫn tới một loạt các thay đổi trong tháng Ramadan. Các đồng nghiệp Hồi giáo được phép đi làm sớm hơn và về sớm hơn. Các cuộc họp kèm ăn trưa đều thay đổi lại lịch. Và không ai còn hồn nhiên ăn uống trước mặt hai đồng nghiệp đó nữa.

Họ hiểu rằng phải nhịn ăn nhịn uống, rồi phải ngồi đối diện với một người đang nhồm nhoàm ăn uống thì thật là thiếu nhạy cảm vô cùng.

Vậy có cách nào để thấu cảm nhanh hơn không?

Như vậy, nếu bạn muốn "cảm" được một góc, dù rất nhỏ, sự vất vả của việc nuôi dạy trẻ, bạn có thể trông em bé hộ bạn bè. Đương nhiên, không phải lúc nào ta cũng có điều kiện để thực sự "đi một dặm trong đôi giày của kẻ khác" như vậy (gốc tiếng Anh: walk a mile in their shoes).

May thay, khoa học thần kinh não bộ giúp ta tìm ra giải pháp. Ta không nhất thiết phải sống và trải nghiệm bằng tất cả các giác quan của cơ thể một cách vật lý để đạt được thấu cảm. Đôi khi, chỉ cần quan sát và lắng nghe câu chuyện của họ một cách kiên nhẫn và yêu thương.

Một trong những thí nghiệm về thấu cảm trong não bộ đầu tiên trên thế giới được tiến hành bởi nhà khoa học người Đức Tania Singer. Bà để những đôi vợ chồng ngồi bên nhau, sau đó dùng một thiết bị gây sốc nhẹ chạm vào tay một trong hai người. Khi thấy người thân của mình đau đớn, bộ não ta không kích hoạt phần cảm nhận về cơn đau vật lý.

Nhưng phát hiện tạo ra bước ngoặt trong dòng nghiên cứu về thấu cảm là, tuy không cảm thấy đau vật lý, nhưng toàn bộ cường độ về nỗi đau tinh thần được cảm nhận trọn vẹn. Nói cách khác, cơ thể ta không bầm tím, nhưng tâm hồn ta tím tái y hệt như kẻ đang chịu trận. Một số nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng, lắng nghe một câu chuyện xúc động của kẻ khác cũng khiến bộ não kích hoạt giống như khi ta thực sự là nhân vật trong chuyện vậy. Marketing, vì thế, thường là những câu chuyện về copy cảm xúc. Các chi tiết về sản phẩm chỉ là thứ yếu.

Như vậy, sự thấu cảm là cách bộ não copy những biến động tinh thần của kẻ khác. Đó là lý do tại sao ta có thể xúc động mạnh mẽ khi đọc một cuốn sách, xem một bộ phim, chứng kiến cuộc sống xung quanh với bao hỷ nộ ái ố. Đó là lý do tại sao ta ủ rũ khi ở quanh những kẻ chán đời, vui khi ở quanh những người yêu cuộc sống, và lên cơn tăng xông mỗi khi vào Facebook lượm tin.

Đó cũng là lý do tại sao trẻ con trở thành tấm gương phản chiếu của cảm xúc trong gia đình. Khi bố đánh mẹ, bé con không bị chảy máu, nhưng bộ não của nó bị tấn công với nguyên vẹn sức mạnh của cú đánh ấy. Khi mẹ chửi bố, bé con không trực tiếp hứng lời rủa xả, nhưng bộ não của nó bị tẩn cho lồi lõm với nguyên vẹn sự cay độc của những lời oan nghiệt ấy.

Thấu cảm và bình đẳng giới

Khi Eloise Walsh gặp tai nạn xe hơi năm 2015, tất cả các báo cáo y tế và luật đều kết luận: Giá mà cô cao to hơn một chút thì tai nạn thảm khốc này đã không xảy ra và cô sẽ không bị gãy ngần ấy cái xương.

Sau thời kỳ mẫu hệ, giai đoạn phụ hệ đã tồn tại một thời gian khá dài trên thế giới. Một trong những hậu quả của bất bình đẳng giới là đàn ông trở thành mẫu hình mặc định của nghiên cứu khoa học.

Y học sẽ giải phẫu cơ thể đàn ông, tâm lý học nghiên cứu các cơ chế tinh thần của đàn ông, kiến trúc học thiết kế cuộc sống theo cách sống của đàn ông. Nhiều sản phẩm của cuộc sống được sáng chế cho đàn ông và thử nghiệm trên đàn ông. Không ai thấy lạ vì đàn bà bị mặc định là một phần của đàn ông. Đạo Thiên Chúa thậm chí cho rằng đàn bà được làm từ cái xương sườn của đàn ông.

Ví dụ rõ ràng nhất là chúng ta luôn có số lượng nhà vệ sinh nam và nữ tương đương trong khi nữ có nhu cầu rất khác biệt. Họ có bầu và các kỳ kinh nguyệt hàng tháng. Họ cần vệ sinh cơ thể thường xuyên. Họ cần trang điểm... Họ thường có trẻ con đi cùng. Họ đương nhiên cần nhiều thời gian hơn.

Nhưng các kiến trúc sư thì hầu hết là nam giới, và họ thiết kế thế giới này theo trải nghiệm của họ, tức là mở cửa, đi vệ sinh, xả nước và đi ra. Cả quá trình ấy đôi khi không hề tiếp xúc với bất kỳ phần nào của cái bồn cầu.

Tuy nhiên, thực tế này đang dần dần thay đổi khi thế giới công bằng và thấu cảm hơn. Nhiều công ty yêu cầu phải có đầy đủ nam nữ, già trẻ, với nhiều phông văn hoá tôn giáo khác nhau trong một dự án làm việc. Điều này khiến sản phẩm hoàn thiện hơn vì tích hợp được nhiều góc nhìn cuả người tiêu dùng.

Trở lại câu chuyện của cô Eloise Walsh, nghiên cứu cho thấy phụ nữ có nguy cơ bị tổn thương cao hơn đàn ông tới 71%. Đó là hệ quả của việc khi thiết kế ô tô, hình nhân được dùng để thử nghiệm an toàn là một hình nhân nam giới. Một số công ty nay đã yêu cầu kỹ sư thiết kế đeo bụng bầu giả để “hiểu” và “cảm” được trải nghiệm của phụ nữ có thai khi lái xe, từ đó thiết kế xe an toàn hơn.

Tại Nhật, nơi bình đẳng giới thấp đến xấu hổ dù xã hội rất phát triển, các cố gắng của chính phủ để cải thiện tình hình bao gồm cả một thí nghiệm cho đàn ông đeo một cái thắt lưng thật nặng khi đi làm để họ “cảm” được thế nào là mẹ bầu.

Hoán đổi giới tính để thấu cảm

Một trong những cách thiết thực nhất để chào đón ngày 8/3 năm nay là giảm bớt sự tôn vinh lười biếng và ích kỷ. Những lời tán tụng giỏi việc nước đảm việc nhà, xinh đẹp, hiền lành chăm chỉ mà thực chất là dồn gánh nặng cho phụ nữ, để họ tiếp tục nhầm lẫn yêu thương với nghĩa vụ.

Bạn có thể “hiểu” sự vất vả cuả phụ nữ, nhưng để "cảm" sự vất vả ấy, hãy đi một dặm trong đôi giày của họ. Hãy hoán đổi vị trí một ngày, một tuần, hay một tháng. Đàn ông chúng ta sẽ trụ vững được bao lâu với tất cả những bộn bề căng thẳng mà ta "cảm" được?

Và ngược lại, đó cũng là cơ hội để phụ nữ phát hiện ra rằng, làm đàn ông cũng vô vàn áp lực. Bạn "cảm" thấy sao khi chồng mình bí mật dè bỉu với bạn bè rằng "con vợ mình mang tiếng trụ cột gia đình mà lương không đủ cho con đóng tiền học"?

Nhân dịp này, tôi cũng mời bạn tham gia đóng góp cho một trải nghiệm về hoán đổi giới tính. Trên trang facebook Gioi viec nuoc dam viec nha, chúng ta hãy cùng tưởng tượng về một thế giới mà đàn ông gánh những trọng trách và vị trí xã hội như đàn bà, và ngược lại.

Bạn hãy quan sát cuộc sống và tin tức xung quanh, và đổi vai giới tính cho nhau để thấy sự thú vị hoặc ngớ ngẩn của khoảng cách bất bình đẳng giới.

Ấy là khi thay vì kêu gọi "500 anh em", bạn đổi thành "500 chị em". Ấy là khi thay vì hỏi bà cựu bộ trưởng y tế Nguyễn Thị Kim Tiến "làm sao bà cân bằng công việc với chăm sóc gia đình", thì bạn sẽ đổi thành hỏi phó thủ tướng Vũ Đức Đam "làm sao ông cân bằng việc chống dịch với chăm sóc vợ con?". Ấy là khi bạn dạy con gái phải mạnh mẽ không được khóc nhè và con trai phải nhu mỳ nam công gia chánh.

Đổi lại, hoán vị giới tính cũng là để ta nhận thấy sức ép xã hội cho chính nam giới. Đó là áp lực phải kiếm tiền, phải gánh những phần việc nặng nhọc, phải là kẻ đầu tiên ra chiến trường, phải hy sinh ước mơ hoài bão của mình cho mục tiêu sinh nhai. Hoán đổi giới tính để ta thấy cảm thông hơn khi phụ nữ bị hỏi là "Cô làm được bao nhiêu tiền? Kiếm không đủ trả tiền học cho con thì sao xứng mặt làm trụ cột gia đình? Sao xứng làm đàn bà?"

Những quan sát của bạn sẽ tạo ra một cơ hội cho chính bạn và cộng đồng được thấu cảm với nhau hơn. Vì thế mà cũng có thể bớt phán xét và sống tốt với nhau hơn. Rất mong các posts đóng góp của bạn.

Và cuối cùng, câu tôi thì thầm vào tai bé con sau khi nó ấu đả khiến bạn chảy máu mũi là: “Cô thấy bạn ý đau giống hệt con hôm bị thằng Bill đánh rồi ủn xuống đất. Còn con bây giờ trông giống hệt thằng Bill”.

Nguồn

https://www.mamamia.com.au/gender-inequality-in-australia/

Singer, T., Seymour, B., O'doherty, J., Kaube, H., Dolan, R. J., & Frith, C. D. (2004). Empathy for pain involves the affective but not sensory components of pain. Science, 303(5661), 1157-1162.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục