21 giờ trướcSáng TạoÂm Nhạc

The Flob - Hành trình bước vào địa ngục nơi trần gian

Ngông cuồng, táo bạo và điên rồ. Đó là những điều để nói về The Flob và album đầu tay Trời Đánh Tránh Ta - Ta Va Trúng Người.
Ngạo Thuyên
Nguồn: The Flob

Nguồn: The Flob

The Flob có lẽ là ban nhạc Việt thường xuyên gây shock, chịu khó làm mới mình nhất mà tôi biết. Sau khi nổi lên từ những ca khúc catchy và những thể loại âm nhạc dễ tiếp cận như ballad và funk qua Em Ơi, Mấy Khi, Cuối Ngày,... The Flob thực sự làm tôi “hoảng hồn” khi quẩy tung trời với metal và EDM đầy điên rồ trong Vegas.

Chưa kịp hết shock, những chàng trai trẻ này lại đem đến ca khúc metal kiểu dân ca Nam Bộ, xuề xòa, “trớt quớt” qua Xì Dzách. Và gần đây nhất, album đầu tay đã được The Flob ra mắt với concept địa ngục máu lửa đầy táo bạo với âm hưởng metal xuyên suốt qua hàng loạt dòng nhạc khác nhau. Trời Đánh Tránh Ta - Ta Va Trúng Người là hành trình dạo bước xuống địa ngục để soi chiếu lại sự hỗn loạn của cuộc đời.

Trò chuyện với vocal/songwriter Gia Lộc và quản lý ban nhạc, tôi không chỉ tò mò về album đầu tay mà còn cả về hành trình âm nhạc đầy màu sắc của The Flob.

Vì sao The Flob mạo hiểm sử dụng chất liệu metal rất nặng đô trong album đầu tay?

Mình nghĩ nó tới từ chuyện muốn thử làm cái gì đó khác. Bên cạnh đó, cũng có một phần lý do vì giọng hát của mình không phải kiểu giọng hay nhất để hát ballad. Thế nhưng hát ballad - metal thì chưa mấy ai làm. Mình thử cố gắng giỏi nhất ở cái chưa ai thử, biết đâu sẽ dễ thở hơn là “chạy đua” với người khác trong vùng đất đã quá bão hòa.

Một điều quan trọng khác là ban nhạc muốn tất cả âm thanh của các nhạc cụ đều có chỗ đứng trong bài hát. Mà pop hay ballad thì thường tôn vocal hơn, và những người còn lại trong ban nhạc sẽ khó có đất diễn. Hồi đầu và thậm chí bây giờ độ nhận diện của Lộc vẫn tốt hơn các anh em còn lại. Nhưng họ cũng có những fan group riêng, cá tính cũng bộc lộ qua việc chơi nhạc rất nhiều.

Ngoại trừ Lộc hoạt động khá sôi nổi trên mạng xã hội thì những người khác đều khá im ắng để tập trung làm nhạc. Việc để fan có sự gắn kết với các thành viên còn lại, hầu như đều nằm ở việc các thành viên ấy thể hiện thế nào trong tác phẩm và trên sân khấu.

Nếu một ngày đẹp trời, bọn mình bất ngờ chuyển sang ballad hay pop, thì chắc chắn nó cũng sẽ mang theo một màu sắc rất riêng. Bởi lẽ điều tiên quyết của bọn mình trong việc làm nhạc, là chỉ cần nghe nhạc thôi thính giả sẽ nhận ra ngay The Flob. Và sau cùng thì mình nghĩ The Flob cũng là một trong nhưng ban nhạc “không ổn định” nhất về mặt genre.

“Không ổn định” về genre, vậy đâu là “ADN” trong âm nhạc của The Flob?

Mình nghĩ đó là độ điên. Mình thực sự cảm thấy band chơi nhạc khá điên. Điên nhưng vẫn phải catchy. Sự catchy nằm trong triết lý viết nhạc của mình, rằng âm nhạc phải dễ nghe trước đã. Sau đấy mình mới quăng vào những mảng miếng khó nghe khó nhằn hơn như chất liệu metal, dân ca Nam bộ,... Chỉ như vậy người nghe mới dễ cảm thụ.

Bên cạnh đấy, nếu nghe nội dung toàn bộ discography của The Flob sẽ thấy tồn tại một sợi chỉ xuyên suốt là sự bất mãn, bí bách. Đấy là cảm giác về việc muốn thoát khỏi một chiếc hộp, một vùng nào đó. Kể cả những ca khúc nhẹ nhàng tươi sáng như Em Ơi, Cuối Ngày,.. đều thể hiện chuyện chúng mình còn trẻ, vậy nên hãy cứ làm nhiều nhất có thể. The Flob chơi nhiều thể loại cũng mang tinh thần đó: mình còn sức thì mình cứ chơi đi, sau này mình trưởng thành hơn sẽ tinh gọn lại sau.

Một điểm xuyên suốt nữa trong âm nhạc của The Flob là sự trào phúng, tự trào, tự giễu nhại bản thân. Giống như bài 232 Tuổi có câu “Nợ chục triệu đầu tháng giấy báo đỏ lè / Ngồi vào bàn tặc lưỡi tìm nhà và xe.” Bọn mình thấy buồn cười trong việc tự cười bản thân. Mình nghĩ đấy là một trong những đặc sản của The Flob khiến người trẻ dễ nghe và dễ đồng cảm. Nó giống như “không ai được cười tao trừ chính tao.”

The Flob có sợ mất fan indie không?

Thực ra việc mất fan diễn ra hàng năm, hàng tháng, hàng ngày. Bọn mình thấy oke với điều đấy. Từ hồi 2019, 2020 bọn mình đã đổi genre liên tục rồi. Hay cái hồi bọn mình ra Vegas thì cũng mất một cơ số fan, nhưng bên cạnh đó cũng được thêm một cơ số fan khác. Bọn mình mất fan của dòng nhạc này thì sẽ có thêm fan của dòng nhạc kia.

Một phần lý do album Trời Đánh Tránh Ta - Ta Va Trúng Người mất nhiều thời gian để ra mắt cũng đến từ việc mọi người sợ mất fan, sợ bị chê bị chửi. Cũng mất một khoảng thời gian dài để gạt nỗi sợ đó đi và hiểu là cứ phải ra nhạc đi đã thì mới có fan. Chuyện fan đến - fan đi sẽ liên quan đến việc The Flob có tiếp tục ra nhạc không. Không ra nhạc thì không có mống fan nào luôn.

Tại sao The Flob chọn concept ma quỷ, địa ngục trong album đầu tay?

Concept này khá rộng, nói về nhân sinh quan khá là nhiều, đối diện với nhiều vấn đề trong đời sống hàng ngày như bệnh tâm lý, trap boy trap girl hay những vấn đề về khủng hoảng hiện sinh. Nhưng mình không thể làm ra một tác phẩm chỉ đơn thuần để nói về vấn đề đó. Mình phải vay mượn hình ảnh để tăng bề dày của giá trị nghe lại. Khi album được xây dựng câu chuyện thì mình càng có lý do nghe lại, mỗi lần nghe lại lại học thêm được điều gì đó.

Thực ra chủ đề ban đầu của album này là ma quỷ dân gian Việt Nam. Thế nên mọi người có thể nghe thấy nhiều âm hưởng dân gian trong nhạc. Nhưng càng tìm hiểu sâu, gặp càng nhiều người trong ngành nghiên cứu, bọn mình càng thấy chủ đề khá nặng đô vì liên quan đến đời sống tinh thần người Việt suốt từ xa xưa đến giờ.

Mỗi con ma sẽ thể hiện một nỗi sợ riêng của con người. Để một ban nhạc trẻ có thể đưa ra được hình ảnh cô đọng cho rất nhiều lớp lang văn hóa qua nhiều thế hệ thì rất khó. Nhưng đó vẫn là định hướng mà The Flob sẽ duy trì trong tương lai. Cụ thể trong bản mở rộng sắp tới của album sẽ có thêm nhiều hoạt động collab với các bên chuyên môn về văn hóa để bổ trợ thêm.

Tại sao ban nhạc quyết định đặt tên album rất dài gồm 2 vế đối?

Bạn đầu bọn mình tính chia album thành hai part. Một part về nhân sinh quan, khủng hoảng hiện sinh của tuổi trẻ, nó sẽ là part Trời Đánh Tránh Ta. Phần này nói lên thái độ sống của bọn mình: nếu muốn làm một cái gì giữa trời đất này thì ta phải lớn hơn cả trời đất. Còn qua part 2 thì sẽ là về tình yêu - Ta Va Trúng Người. Cho dù ta có lớn hơn trời đất cỡ nào thì chỉ cần va trúng một ánh mắt cũng sẽ phải đầu hàng. Nó là hành trình tìm ý nghĩa cuộc sống thông qua tình yêu, qua những bài học trong tình yêu.

Sau đấy bọn mình thấy “ta” và “tình” và “tâm” liên đới với nhau chặt chẽ khó để tách riêng rẽ ra được mà phải gộp lại.

Nếu nghe từ đầu đến cuối, sẽ thấy album bắt đầu bằng chuỗi ba bài hát nói về sức khỏe tinh thần. Ba bài sau về việc rơi vào cám dỗ, bi lụy. Khi mình có vấn đề về tâm lý thì sẽ dễ bị thu hút tới những mối quan hệ không lành mạnh, họ chỉ cho mình một xíu tình yêu mình cũng đã bi lụy rồi và khiến mọi thứ còn tệ hơn nữa. Sau đấy thì lại quay về bên trong nhiều hơn.

Tuy nhiên cái vế đối ấy vẫn hay và diễn tả trọn vẹn concept album nên chúng mình quyết định giữ lại làm tên album.

Nếu album này là một bức tranh, bức tranh ấy sẽ như thế nào?

Ban đầu bọn mình tính vẽ album như một bức tranh Đông Hồ về một phiên chợ ở địa ngục. Tương tự như tiểu thuyết Hội Chợ Phù Hoa nhưng mà Châu Á hơn, địa ngục hơn. Nó như bức tranh xã hội thu nhỏ ở một nơi mà không ai muốn xuống hết.

Album này bọn mình đề cập tới hình ảnh địa ngục rất nhiều bởi lẽ nơi đấy không hẳn chỉ có trừng phạt, mà là một nơi khi tới người ta sẽ phải soi chiếu lại toàn bộ cuộc đời mình trước kia.

Ngoài địa ngục bọn mình mượn rất nhiều hình ảnh từ Liêu Trai Chí Dị. Ban đầu ý tưởng sơ khai thì tên album là Resort Đỏ. Nó như khách sạn trong Vùng Đất Linh Hồn, là cái lâu đài nơi yêu ma tề tựu lại. Bọn mình dùng hình ảnh đấy để nói về xã hội, đời sống hỗn loạn, những cám dỗ.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục