Thế giới đã thay đổi thế nào qua một năm chiến tranh Nga-Ukraine?
Vào rạng sáng ngày 24/2/2022, một loạt các tiếng nổ lớn làm người dân tại các thành phố Kyiv, Kharkiv, Odessa, và khu vực Donbass bừng tỉnh. Trước đó vài phút, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” với Ukraine. Và kể từ đó, cuộc chiến Nga-Ukraine bắt đầu, đưa thế giới vào một năm đầy biến động.
Một năm đã trôi qua, và chiến dịch quân sự chớp nhoáng của ông Putin tới nay vẫn chưa thấy điểm dừng. Trong khi cả Nga và các nước phương Tây đều đang đẩy mạnh việc bành trướng về mặt chính trị, lôi kéo đồng minh, và tấn công đối phương trên các phương diện phi quân sự, thì vô vàn người tưởng như không liên can lại đang phải chịu những hậu quả gián tiếp từ chiến tranh.
Những hậu quả đó là gì? Ngoài chúng ra, còn những thay đổi nào mà thế giới buộc phải trải qua? Và đâu là điểm gặp gỡ để Nga, Ukraine, và cả phương Tây tìm thấy tiếng nói chung?
1. Những biến động nổi bật của chính trị thế giới
Cú bắt tay giữa Trung Quốc và Nga
Ngày 4/2/2022, Tổng thống Putin xuất hiện tại lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông tại Bắc Kinh và có buổi họp với ông Tập Cận Bình. Ngoài việc ký kết các thỏa thuận và bàn luận hợp tác song phương, hai bên còn bày tỏ sự ủng hộ với đường hướng ngoại giao của đối phương: Trung Quốc ủng hộ quan điểm của Nga về Ukraine, Nga đồng ý với chính sách của Trung Quốc về Đài Loan.
Chỉ tới khi chiến sự đã nổ ra, người ta mới thấy rằng đây là nước đi chiến lược của ông Putin. Dường như nhà lãnh đạo Nga đã đoán trước được sự phản đối và các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Do đó, Trung Quốc - vốn là một trong các đối trọng với Mỹ và châu Âu - trở thành người đồng minh phù hợp của Nga. Việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc là rất quan trọng trong bối cảnh mối quan hệ của cả Nga lẫn Trung Quốc với phương Tây đang xuống dốc.
Đất nước tỉ dân trở thành thị trường tiêu thụ lớn của Nga, bao gồm cả hàng tiêu dùng lẫn dầu mỏ. Các chính sách tiền tệ thoáng hơn đối với đồng Rúp và đồng Nhân dân tệ góp phần thúc đẩy thương mại giữa hai nước này, giúp nền kinh tế Nga phần nào tránh tình trạng đóng băng.
Ngoài Trung Quốc, Nga đang nỗ lực tránh thế bị cô lập trên trường quốc tế bằng cách gia tăng mối quan hệ với các đồng minh sẵn có như Iran, các nước Trung Đông và một số nước châu Phi.
Việc Ấn Độ là khách hàng dầu mỏ và khí đốt lớn thứ 2 của Nga (sau Trung Quốc) và liên tục bỏ phiếu trắng trước những nghị quyết phê phán của Liên Hợp Quốc cho thấy rằng vẫn có những nước cần tài nguyên của Nga. Giống như Trung Quốc, Ấn Độ sẽ tìm cách ứng xử khôn khéo để không làm phật ý phương Tây mà vẫn đạt được mục tiêu ngoại giao với Nga.
EU ở đâu trong cuộc xung đột này?
Chớ nhìn cách Mỹ nhảy dựng lên mà đoán rằng Mỹ là người lo lắng nhất. Châu Âu mới là khu vực phải “đứng ngồi không yên” trước cuộc chiến mà Nga đã phát động. Đã lâu rồi EU mới phải hứng chịu một cuộc khủng hoảng chính trị và ngoại giao tới từ việc một nước châu Âu bị xâm lược, dù nước đó không thuộc EU cũng chẳng thuộc NATO.
Từ khởi điểm xung đột, EU là một nhân tố quan trọng, tích cực tham gia vào các nỗ lực đối thoại, đồng thời thực hiện nhiều hành động để hỗ trợ Ukraine và chống Nga. Từ việc cứu trợ nhân đạo, đón nhận người di cư, tới việc vận chuyển vũ khí cho Ukraine và các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, Liên minh châu Âu cho thấy vai trò của mình trong bối cảnh hiện tại.
Sự bành trướng của Nga đã mang tới một cơ hội mới để các nước châu Âu tăng cường an ninh khu vực. Đó là sự kiện Phần Lan và Thụy Điển - hai quốc gia với chính sách ngoại giao ôn hòa, không liên kết quân sự - nộp đơn gia nhập NATO vào giữa năm ngoái trước lo ngại về chiến dịch quân sự của Nga.
Như vậy, EU đã làm hết sức mình để có thể “tự lực cánh sinh” trước cuộc khủng hoảng Ukraine. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng EU không phải phụ thuộc vào sự bảo hộ an ninh của Mỹ và NATO để đưa ra các chính sách đối ngoại chung của mình.
Bên cạnh đó, các nước châu Âu rất cần các tài nguyên của Nga như dầu mỏ, khí đốt, than khoáng sản, và chất bán dẫn. Vì thế, các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu nhắm vào Nga hoàn toàn có thể ảnh hưởng ngược lại tới họ.
2. Ba cuộc khủng hoảng lớn
Phá vỡ hệ thống vận tải toàn cầu
Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Điều này vừa khiến các công ty vận tải phải ngưng hoạt động, vừa khiến các chi phí vận chuyển và giá cả tàu hàng, container đắt gấp nhiều lần.
Điều này khiến cho giá cả của một loạt các mặt hàng tăng phi mã, đặc biệt là thực phẩm và các sản phẩm phục vụ nông nghiệp. Giá đậu tương, ngô, lúa mỳ, và phân bón vốn đã cao do đại dịch nay lại càng cao hơn bởi hai nhà cung ứng lớn lại đang bận… đánh nhau.
Giá dầu mỏ tăng một phần cũng bởi sự gián đoạn trong khâu phân phối, vận chuyển. Chưa bàn tới việc cả Nga lẫn phương Tây đều dùng giá dầu làm vũ khí đàm phán, việc các đường ống dẫn dầu bị hỏng, các tàu chở dầu bị kẹt lại trên biển khiến cuộc khủng hoảng năng lượng trở nên trầm trọng hơn.
Thiếu xăng, thiếu khí đốt
Trong số các lệnh trừng phạt mà NATO áp đặt lên Nga, một nửa trong số đó là các lệnh trừng phạt về kinh tế và năng lượng. Các nước phát triển cấm tàu của Nga cập cảng (phần lớn là tàu chở dầu), cấm Nga xuất khẩu dầu thô và dầu lọc, áp đặt mức giá trần lên tất cả các sản phẩm năng lượng, chất đốt, và tăng một loạt thuế lên các sản phẩm này.
Gần như ngay lập tức, người dân toàn thế giới chịu hệ quả của những lệnh trừng phạt qua lại giữa hai phe. Giá nhiên liệu tăng vọt tới gần mức cao kỷ lục mọi thời đại, xăng dầu trở nên khan hiếm khiến cho giá của tất cả các mặt hàng khác cũng tăng theo. Chiến sự cũng làm ảnh hưởng tới các đường ống dẫn nhiên liệu, ví dụ như hệ thống vận chuyển khí đốt Nord Stream.
Khủng hoảng kinh tế
Hệ quả tất yếu của những tin tức chiến sự và chính trị tiêu cực, cộng hưởng với giá nhiên liệu tăng phi mã, là cuộc khủng hoảng chi phí và khủng hoảng lạm phát ở nhiều quốc gia. Tình hình suy thoái kinh tế vốn đã nghiêm trọng trong giai đoạn hậu Covid-19, nay càng trầm trọng hơn vì chính trị và kinh tế toàn cầu bất ổn.
Nhiều quốc gia chứng kiến mức lạm phát cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Tới thời điểm hiện tại, dù giai đoạn khó khăn nhất đã qua và nhiều nước đã thích nghi với khủng hoảng, nhưng sẽ mất một thời gian dài để nền kinh tế toàn cầu phục hồi lại.
3. Cuộc chiến truyền thông
Một cuộc chiến khác bên trong chiến sự giữa Nga và Ukraine là cuộc chiến trên mặt trận truyền thông. Đây là nơi các bên tận dụng triệt để thông tin để kiến tạo lợi thế cho mình, đồng thời tìm cách dè bỉu đối thủ. Nhưng dù thuộc phe nào, thì tất cả đều phải đối diện với một mối nguy chung: tin giả.
Không lâu sau khi cuộc chiến nổ ra, mạng xã hội lan truyền rất nhiều hình ảnh và video được cho là tới từ chiến trường tại Ukraine. Người ta chia sẻ và bàn tán về chúng với tốc độ chóng mặt mà thiếu đi sự nghi ngờ và sự kiểm chứng.
Để rồi sau đó, các chuyên gia tin tức chỉ ra cho họ rằng quá nửa những thứ mà họ đang lan tỏa là những video từ nhiều năm về trước, thậm chí là được cắt ghép từ các… trò chơi điện tử.
Tin giả vừa là vũ khí của cả hai phe, vừa trở thành kẻ thù cần tiêu diệt. Những tin tức ấy nguy hiểm bởi chúng truyền tải những thông điệp chính trị lệch lạc, hoặc hướng người ta tự suy ra những kết luận sai lầm về chuyện gì đang diễn ra. Đã có rất nhiều cáo buộc chính trị nhắm vào cả Ukraine lẫn Nga được rút ra từ những tin giả như thế.
Ngoài ra, cuộc chiến cũng phơi bày những thiên kiến của truyền thông phương Tây. Nhiều kênh truyền hình đã nói rằng sự thảm khốc của cuộc chiến tưởng như chỉ có thể diễn ra ở các nước châu Phi hay Trung Đông nay đang xuất hiện ở giữa châu Âu. Điều này gây ra một làn sóng phản đối lớn từ người dân ở những khu vực này.