Thời trang có cần phải “đúng”?

Sẽ thật dễ trả lời nếu ai đó đặt câu hỏi thời trang có cần phải đẹp? Nhưng không đơn giản nếu đặt ra câu hỏi làm thời trang liệu có cần phải “đúng”? Như thế nào mới là “đúng”? Và thời trang Việt Nam đã “đúng” chưa?

Sil Vũ
Thời trang có cần phải “đúng”?

Thời trang có cần phải “đúng”?

Sẽ thật dễ trả lời nếu ai đó đặt câu hỏi thời trang có cần phải đẹp? Nhưng không đơn giản nếu đặt ra câu hỏi làm thời trang liệu có cần phải “đúng”? Như thế nào mới là “đúng”? Và thời trang Việt Nam đã “đúng” chưa?

Tháng 11 năm 2018, Dolce & Gabanna đã gây ra làn sóng phẫn nộ toàn cầu khi đăng tải một chuỗi video quảng cáo với nội dung phân biệt chủng tộc người châu Á. Không chỉ thế, sau khi những video trên bị lên án, Instagram của Stefano Gabanna vẫn gửi những tin nhắn rằng ông không hề hối hận về vụ việc trên và tiếp tục chế giễu Trung Quốc với lời lẽ không mấy đẹp đẽ.

Chỉ vài ngày sau, show diễn tại Thượng Hải buộc phải hủy, các tập đoàn online ngừng bán thương hiệu này trên thị trường Trung Quốc, và người tiêu dùng trên toàn quốc dấy lên phong trào tẩy chay dữ dội; lúc ấy nhãn hàng mới chịu công bố một lời xin lỗi bâng quơ với lý do rằng tài khoản Instagram của nhà thiết kế bị hack.

Đây không phải là lần đầu tiên Dolce & Gabanna gây hấn với công chúng, cũng không phải lần đầu tiên thời trang bị lên án với những nội dung sai lệch. Có thể kể đến nhiếp ảnh gia thời trang Terry Richardson bị phanh phui tội xâm phạm tình dục – điều vỡ lẽ cho ai đã quen thuộc với những hình ảnh đầy dục tính của ông; hay nhà thiết kế Marc Jacob bị lên án chiếm đoạt văn hóa khi sử dụng dreadlock trong bộ sưu tập Xuân Hè 2016….

Thời trang có một tiền án dài những scandal như thế, và mặc cho hậu quả nghiêm trọng nó gây ra về tài chính, danh tiếng hay thậm chí pháp luật, thì không lâu ta lại chứng kiến một tên tuổi nào đó tái phạm như một thói quen khó bỏ. Phải chăng nền công nghiệp thời trang đã quá bao dung? Phải chăng chỉ cần đẹp là đủ?

Đẹp thôi chưa đủ!

Thời trang vận hành theo một hệ thống rất đặc trưng mà ít ngành nghề nào có. Xét về bản chất kinh doanh, thời trang chỉ là thiết kế sản phẩm, nhưng khi nhìn nhận sâu hơn, nó có tầm ảnh hưởng như một ngành nghệ thuật sáng tạo. Điều này đồng nghĩa với việc thời trang có liên kết chặt chẽ với bối cảnh xã hội. Vô tình hay cố ý, nó luôn mang trong mình tính thời đại: về kinh tế, văn hóa, và thậm chí là chính trị qua những gì ta mặc hằng ngày.

Có thể lấy ví dụ từ bất cứ một xu hướng nào trong lịch sử thời trang: phong cách Mods đầu thập niên 60s là sản phẩm của sự du nhập văn hóa Ý; phong cách tối giản đầu thập niên 2000s là hệ quả gián tiếp của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu… Và hiện nay, câu chuyện thời trang bền vững luôn hiện diện trên mọi diễn đàn chính là câu trả lời cho tình trạng môi trường khẩn thiết.

Thời trang, nếu tách ra khỏi thời đại, thì chỉ còn là “trang phục”.

Người làm thời trang hiểu được rằng mỗi sản phẩm họ tạo ra đều là một tiếng nói trong cuộc đàm thoại khổng lồ trên bối cảnh văn hóa, khi tiếng nói càng có sức nặng thì sản phẩm ấy càng có giá trị.

Xuyên suốt lịch sử, thời trang luôn cần những tiếng nói như thế để chuyển mình. Chúng ta cần Coco Chanel trong bối cảnh chiến tranh khó khăn để thời trang trở nên hữu dụng và mang tính quần chúng hơn. Chúng ta cần Rei Kawakubo để mở rộng trọng tâm thẩm mỹ của thời trang, cái mà trước đó chỉ tập trung vào vẻ đẹp phương Tây. Chúng ta cần Vivienne Westwood để phản đối lại một ngành công nghiệp thời trang tàn phá môi trường. Chính những thông điệp này tạo nên lịch sử, chứ không phải quần áo hay cái giá của chúng.

Thời trang Việt Nam kể câu chuyện gì?

Cái sai về nội dung thời trang có thể chia làm hai loại, vô tình hoặc cố ý.

Cố ý là khi một người sản xuất nội dung chủ động đưa ra một thông điệp, nhưng do cách thực hiện hay bản thân thông điệp gây nên phản cảm với người xem. Còn vô tình là khi người làm thời trang thiếu ý thức về nội dung mà mình đưa ra. Thời trang Việt Nam thường phạm phải trường hợp thứ hai, sự vô tình này cũng đồng nghĩa với sự thiếu trách nhiệm của nhà sản xuất, thiếu nhận thức về tầm ảnh hưởng của sản phẩm văn hóa họ tạo ra.

Nhìn bao quát, thời trang Việt Nam đang ở những bước phát triển ban đầu về những khái niệm và những thông điệp văn hóa. Một vài năm trước, ranh giới giữa thời trang và giải trí còn mập mờ, câu chuyện dừng lại ở những vụ scandal cô người mẫu này chụp hình khỏa thân nọ. (Thú vị rằng khi nhìn lại, ta có thể nói đó là những lần đàm thoại đầu tiên về sức mạnh của thông điệp thời trang, lại là qua những lần… không mặc đồ)

Giờ đây, thời trang đang tiến gần hơn đến đời sống chung, qua chủ đề thời trang bền vững, qua chủ đề văn hóa tuổi trẻ,… Có những ví dụ rất đáng tuyên dương, như câu chuyện của Kilomet109 đi tìm lại văn hóa truyền thống qua chất liệu thân thiện với môi trường. Câu chuyện ấy được thương hiệu khéo léo kể lại qua mạng xã hội, kết nối trực tiếp với khách hàng của mình bằng nội dung tích cực.

Nhưng bên cạnh đó, thời trang Việt Nam vẫn còn nhiều những nội dung được đưa ra thiếu sự cân nhắc. Điển hình như một cuộc thi mang tầm quốc tế gần đây lựa chọn chủ đề thực dân, lãng mạn hóa lịch sử đô hộ của dân tộc. Hay còn nhớ một bộ hình của chương trình Vietnam’s Next Top Model All-Stars năm 2017, những thí sinh được làm tóc theo kiểu dreadlock trong shoot hình không có liên quan đến văn hóa châu Phi.

Có lẽ hậu quả của những sai sót này tại Việt Nam chưa rõ rệt, nhưng không có nghĩa chúng ta có thể tiếp tục sai. Nghiên cứu thị trường đã chỉ ra xu hướng tiêu dùng của toàn cầu đang hướng tới những giá trị đúng đắn. Ngoài chất lượng sản phẩm, thì thông điệp và quan điểm của nhãn hàng là một yếu tố được thế hệ khách hàng tương lai đề cao. Nếu những thương hiệu Việt muốn xứng tầm quốc tế, câu chuyện của chúng ta cũng cần phải có sức nặng trong bối cảnh toàn cầu.

Sự cần thiết cho một thông điệp đúng đắn không phải là một rào cản cho sự sáng tạo, mà ngược lại, đây sẽ là chất xúc tác cho người nghệ sĩ thời trang mở rộng tầm mắt trong quá trình sáng tác. Thời trang không nên chỉ lấy cảm hứng từ cuộc sống, mà còn nên là nguồn cảm hứng cho tương lai.

Bài viết được thực hiện bởi Sil Vũ.

Hình bìa: Một thiết kế của Kilomet109 trong Elle Fashion Show 2017 với chủ đề thời trang bền vững.

Xem thêm:

[Bài viết] Xu hướng thời trang Việt Nam 2020: Lời chia sẻ từ 4 chuyên gia

[Bài viết] Thời trang giới tính linh hoạt: Kéo nam giới ra khỏi khuôn mẫu độc hại


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục